Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN THỜ VÀ LĂNG MỘ LÊ KHÔI, HUYỆN THẠCH HÀ, TỈNH HÀ TĨNH

Học viên Đậu Thị Kim Chi

chuyên ngành Quản lý văn hóa

 Đền Lê Khôi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Lê Khôi, người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trong việc bảo vệ biên giới phía Nam của Đại Việt trước sự xâm lăng của vương quốc Chiêm Thành. Ông là biểu tượng của tinh thần yêu nước và lòng trung thành với triều đại nhà Lê, một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu dưới thời Lê sơ.

Đền Lê Khôi được xây dựng ngay sau khi ông qua đời và là nơi lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể có giá trị liên quan đến cuộc đời của ông. Đây là một minh chứng lịch sử quan trọng, phản ánh sự ghi nhận của nhân dân và triều đình đối với công lao của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi trong việc giữ gìn bờ cõi và bảo vệ sự yên bình cho đất nước. Do vậy, Đền mang giá trị văn hóa và tín ngưỡng, giá trị nghệ thuật cũng như các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

 

  1. Giá trị văn hóa và tín ngưỡng

Đền Lê Khôi (Chiêu Trưng) là một trong những trung tâm tín ngưỡng quan trọng của người dân Nghệ Tĩnh. Họ không chỉ coi ông là một danh tướng tài ba mà còn suy tôn ông là một vị thần linh thiêng có khả năng bảo trợ cho cuộc sống của họ. Lễ hội đền Chiêu Trưng, được tổ chức hằng năm thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương và tham gia các nghi lễ tế lễ cổ truyền. Lễ hội này không chỉ là dịp để tưởng nhớ công đức của Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi mà còn là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Ngoài lễ hội, đền Chiêu Trưng cũng là nơi người dân đến để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống bình an. Sự hiện diện của ngôi đền đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân địa phương, là nơi gửi gắm những mong ước và đức tin vào sức mạnh siêu nhiên.

  1. Giá trị kiến trúc và nghệ thuật

Kiến trúc của đền Lê Khôi là sự kết hợp tinh tế giữa phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam với yếu tố địa phương. Đền tọa lạc trên núi Long Ngâm, ngọn núi cuối cùng trong dãy Nam Giới, nhìn ra sông Hoàng Hà và biển Cửa Sót, tạo nên một vị trí đắc địa và mang tính biểu tượng cao. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ xung quanh đền thờ càng tôn lên vẻ uy nghiêm và linh thiêng của di tích.

Các hạng mục trong đền như cổng tam quan, chính điện, nhà thờ chính được xây dựng với các chi tiết chạm khắc công phu, tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, đền còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, và tượng thờ cổ, thể hiện tài nghệ điêu khắc của các nghệ nhân xưa.

  1. Giá trị giáo dục

Di tích đền Lê Khôi là một nguồn tài nguyên quý giá cho việc giáo dục về lịch sử và truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Qua việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Khôi – vị anh hùng dân tộc đã có công lớn được lịch sử ghi lại trong thư tịch, từ đó người dân, đặc biệt là giới trẻ sẽ kính nhớ tới công đức, tinh thần quả cảm, chí khí anh dũng của bậc nhân thần và các bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi nước Việt.

Ngoài ra, các hoạt động lễ hội và các nghi lễ thờ cúng tại đền cũng là một phương tiện để truyền tải các giá trị văn hóa và tinh thần truyền thống cho cộng đồng. Đây là nơi để các thế hệ gặp gỡ, giao lưu và học hỏi về di sản văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của vùng đất Nghệ Tĩnh.

  1. Giá trị du lịch văn hóa

Đền Lê Khôi không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một điểm du lịch văn hóa thu hút khách tham quan. Hằng năm, hàng nghìn du khách từ khắp nơi đến tham quan và chiêm bái tại đền, đặc biệt là trong mùa lễ hội. Khách du lịch không chỉ đến để thăm viếng đền thờ mà còn để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng núi Nam Giới và biển Cửa Sót.

Lễ hội đền Chiêu Trưng còn là dịp để quảng bá hình ảnh của Hà Tĩnh, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa và du lịch tâm linh tại địa phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của vùng, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

  1. Giá trị bảo tồn di sản

Đền Lê Khôi là một di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Qua thời gian, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu và cải tạo, nhưng đền vẫn giữ được nhiều nét cổ kính và truyền thống. Việc bảo tồn đền không chỉ là giữ gìn một công trình kiến trúc mà còn là bảo vệ những giá trị tinh thần và văn hóa mà đền đại diện.

Các cơ quan chức năng và người dân địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì và bảo tồn đền thờ cũng như các hoạt động lễ hội gắn liền với di tích. Đây là cách để truyền tải các giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc qua nhiều thế hệ, đồng thời tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống và lịch sử của quê hương.

Kết luận

Tóm lại, di tích lịch sử văn hóa đền thờ và lăng mộ Lê Khôi không chỉ là nơi tôn thờ một vị anh hùng dân tộc, mà còn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh sâu sắc. Đây là một biểu tượng của lòng yêu nước, của sự kính trọng và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong công cuộc chống giặc ngọai xâm, bảo vệ biên cương quốc gia. Đồng thời, đền Chiêu Trưng còn là một trung tâm văn hóa, nơi người dân địa phương duy trì các nghi lễ truyền thống và cùng nhau gìn giữ di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

 

                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Dũng (2001), Góp phần tìm hiểu nhân vật lịch sử Lê Khôi (?-1446), Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại Học Huế.
  2. Nguyễn Đăng Duy – Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
  3. Thái Kim Đỉnh (2013), Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam, Nxb Trẻ, TPHCM.
  4. Thái Kim Đỉnh (2004), Lễ hội dân gian ở Hà Tĩnh, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh.
  5. Nguyễn Văn Đính (2007), Nghiên cứu đặc điểm và đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nội địa góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2010, đề tài NCKH cấp Bộ, Tổng cục Du lịch xuất bản; Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2010), Tiềm năng và những giải pháp phát triển du lịch Hà Tĩnh, đề tài NCKH cấp tỉnh, Sở KH&CN và Sở VHTT&DL Hà Tĩnh.
  6. Trịnh Thị Minh Đức (Chủ biên, 2007), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  7. Trần Tấn Hành (1997), Di tích thắng cảnh Hà Tĩnh, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
  8. Cao Đức Hải (2010), Quản lý lễ hội và sự kiện, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  9. Henri Fayol (2013), Quản lý tổng hợp và công nghiệp, Martino Fine Books, Ấn Độ.
  10. Phan Thư Hiền, Đặng Thị Thúy Hằng (2014), Danh tướng Lê Khôi với quê hương Hà Tĩnh, Nghệ An, Nghệ An.