Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

ĐẶC ĐIỂM TÁC PHẨM RAINBOW VÀ LOST HOLIDAY TRONG SÁCH ROCK PIANO 2 CỦA JURGEN MOER

Phạm Thị Hồng Nhung

Học viên K17, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

 

Trong quá trình dạy học cho HS trung cấp chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện Âm nhạc Quốc gia (ANQG) Việt Nam, việc cho các em tiếp cận với nhiều tác phẩm mang phong cách âm nhạc mới để bắt nhịp cùng xu thế của thời đại là vấn đề mang tính cấp thiết cần được quan tâm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, có tác phẩm mới, nhưng thể hiện sao cho ra chất, đúng phong cách thì không phải là điều dễ dàng. Vấn đề này phụ thuộc vào sự dẫn dắt, gợi mở của người thầy, nói cách khác, người thầy phải chỉ cho người học thấy được những đặc điểm có trong tác phẩm thông qua các tác phân tích tác phẩm, thị phạm tác phẩm… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đi vào phân tích hai tác phẩm là Rainbow Warrior và Lost Holidays. Đây cũng là thao tác cần thiết trong quá trình dạy học cho học sinh (HS) trung cấp chuyên ngành E. Keyboard.

1. Hình thức, cấu trúc

Tác phẩm Rainbow Warrior

Tác phẩm được viết ở giọng C dur, nhịp 4/4, hình thức 3 đoạn đơn; sơ đồ cấu trức tác phẩm là: intro (dạo) – a – b – a’. Mở đầu bằng intro dài 8 ô nhịp, chia thành 2 câu, mỗi câu 4 ô nhịp được chia thành 2 tiết nhạc, mỗi tiết 2 ô nhịp.

Câu 1 (từ ô 1 đến ô 4) sử dụng một vòng hòa thanh gồm các hợp âm: Dm7 – G7/9 – Em7 – A7/9.

Câu 2 gồm 4 ô nhịp (từ ô nhịp 5 đến ô nhịp thứ 8) chuyển sang một vòng hòa thanh khác: Dm7 – Fm7 – Cmaj7/9 – G11, kết thúc ở G11, hợp âm bậc V của giọng C dur. Sự kết hợp các hợp âm 7, 7/9, 11, và maj7 mang lại cho đoạn nhạc một sắc thái âm thanh phong phú và đầy màu sắc, làm tăng tính thú vị cho đoạn intro.

          Phần tay phải viết dưới dạng 2 bè, với các hợp âm dày dặn, tạo ra tính chất âm nhạc mạnh mẽ và dứt khoát, đồng thời làm cho toàn bộ đoạn nhạc trở nên đầy đặn, hỗ trợ cho sự phát triển của giai điệu chính.

Tiếp theo là phần Thema (chủ đề) từ ô nhịp số 9 tới ô nhịp 16. Đoạn nhạc gồm 2 câu, mỗi câu 4 ô nhịp, hòa thanh giống phần Intro, nhưng giai điệu tay phải đã có sự khác biệt. Vẫn được viết dưới dạng 2 bè, nhưng ngoài các hợp âm dày dặn, đưa vào nhiều nốt giai điệu hơn. Bè giai điệu được viết liền bậc, tạo cho câu nhạc uyển chuyển và liền mạch. Phần tay phải được viết dưới dạng 2 bè, một bè là giai điệu (melody), bè còn lại là hợp âm hoặc nhịp đệm (rhythm). Để giữ được sự tách biệt giữa các bè, ngón tay, thế tay phải có sự linh hoạt và kiểm soát cao, điều đó tạo nên sự tươi mới và chính xác cho cả giai điệu và nhịp đệm.

Phần tay trái viết khá đơn giản chỉ sử dụng một bè, với các tiết tấu cơ bản và lặp lại đều đặn ở tất cả các ô nhịp. Các nốt trong tay trái chủ yếu di chuyển theo quãng 8 hoặc quãng 5. Cách viết này không chỉ làm nổi bật phần giai điệu chính, mà còn giữ cho tác phẩm vẫn đầy đặn, cân đối về âm thanh. Tiếp theo là hai đoạn solo: Solo 1 (từ ô 17 đến ô 24), Solo 2 (từ ô 25 đến ô 32).

Về hòa thanh, cả hai đoạn đều duy trì vòng hòa thanh của các phần trước, nhưng có sự khác biệt với phần mở đầu. Tay phải chỉ viết một bè, nhưng bổ sung các nốt nhấn, chặt nốt, và sử dụng tiết tấu đa dạng hơn. Cũng vì lý do này, mà có thể coi đây là những phần trưng trổ kỹ thuật trong bài. Trong khi đó, tay trái không chỉ đệm bằng quãng 8 mà còn chơi các hợp âm với 4 nốt, khiến cho phần đệm trở nên dày dặn, mạnh mẽ.

Tiết tấu của phần Thema (từ ô nhịp 33 đến 40) được lặp lại, nhưng có sự thay đổi đáng chú ý ở ô nhịp 38 – 40. Thay vì tiếp tục hòa thanh theo chuỗi Fm7 – Cmaj7/9 – G11 như ban đầu, tác giả đã điều chỉnh để kết thúc đoạn nhạc bằng một hợp âm trọn vẹn với hòa thanh Fm7 – Bb7/9 – C.

Tác phẩm Lost Holidays

Tác phẩm viết ở giọng E minor, nhịp 4/4, hình thức ba đoạn đơn. Sơ đồ là: intro –  a – b – a – coda. Phần Intro từ ô 1 đến ô 4, được lặp lại hai lần. Vòng hòa thanh bao gồm các hợp âm Em7 – Hm7 – Gmaj7 – F#m7/H11.

            Phần Verse (dẫn) từ ô 5 đến 12, chia thành hai câu, mỗi câu 4 ô nhịp, với ba bè. Tay phải đảm nhận hai bè: bè giai điệu chính và một bè đệm, phối hợp với bè của tay trái để tạo nên tiết tấu đặc trưng của nhạc Latin. Tay trái giữ vai trò nền tảng với các nốt bass, hòa thanh không thay đổi so với intro.

Phần Refrain (chủ đề) từ ô 13-20, chia thành 2 câu, mỗi câu 4 ô nhịp. Tay phải một bè, tay phải chia làm hai bè. Các câu giai điệu được lặp lại nhiều lần để người nghe nhận ra chủ đề chính của bản nhạc. Phần đệm tay trái bắt đầu sử dụng các tiết tấu nhanh hơn và tăng cường sử dụng các nốt thuộc các bậc I và V trong âm giai.

Hòa thanh trong phần Refrain có sự thay đổi rõ rệt Câu 1: Cmaj7 – C#7/9+ – D6 – Em7. Câu 2: Cmaj7 – C#7/9+ – D6 – H11. Sự thay đổi này xảy ra khi tác giả thay hợp âm Em7 trong câu 1 bằng hợp âm H11 trong câu 2. Lý do là H11 (hợp âm H11) là bậc V của Em7.

 Phần Solo dài 16 ô nhịp. Phần này sử dụng cấu trúc 3 bè, nhưng có sự thay đổi đáng kể. Tay trái chia thành hai bè, với các nốt có trường độ dài và chồng âm 4 nốt, tạo nền tảng dày dặn cho toàn bộ phần Solo. Khi đó, giai điệu tay phải thực hiện các bước đi liền bậc, chủ yếu theo các nốt âm liên tiếp, nhưng cũng có sự đan xen của các bước nhảy.

Sau phần Solo, toàn bộ phần Verse và Refrain được lặp lại nguyên dạng. Điều này, giúp củng cố và nhấn mạnh chủ đề âm nhạc đã được giới thiệu từ trước, tạo sự liên kết chặt chẽ và mạch lạc trong cấu trúc tác phẩm.

2. Giai điệu

Cách tiến hành giai điệu bè tay phải

Bè chính đi liền bậc, việc tiến hành các nốt giai điệu đi liền bậc giúp các tác phẩm Rock Latin trở nên mượt mà và mềm mại. Sự chuyển động liền mạch giữa các nốt giúp giai điệu trở nên lôi cuốn và dễ nhớ hơn.

Ví dụ 1:

RAINBOW WARRIOR

(Trích ô nhịp 9-12, bè giai điệu)

           

Ngoài việc tiến hành các nốt giai điệu đi liền bậc, các tác phẩm Rock Latin còn được điểm xuyết những bước nhảy bậc, giúp chúng trở nên sôi động và đa dạng.

Ví dụ 2:

LOST HOLIDAYS

(Trích ô nhịp 29-32 bè giai điệu)

Cách tiến hành giai điệu bè tay trái

Các tác phẩm rock Latin, thường thì bassline sử dụng các quãng 4 và 5 giúp tạo sự ổn định, đồng thời giữ cho phần bè trầm ổn định.

Ví dụ 3:

RAINBOW WARRIOR

(Trích ô nhịp 9-12, bè tay trái, bass)

Roland Maurer

Ngoài việc sử dụng quãng 4 và 5, bassline trong các tác phẩm Latin Rock còn thường xuyên áp dụng đi chromatic. Kỹ thuật này bao gồm việc di chuyển qua các nốt gần nhau, tạo ra sự chuyển động liên tục và thêm sắc thái, tăng sự phong phú cho phần bè trầm.

Ví dụ 4:

LOST HOLIDAYS

 (Trích ô nhịp 13-14 bè tay trái, bè bass)

3. Tiết tấu Latin đặc trưng

Tiết tấu có tính chu kỳ thường là những mẫu nhịp điệu lặp đi, lặp lại tạo nên sự ổn định nhịp điệu rõ ràng. Các mẫu nhịp điệu chu kỳ này không chỉ giúp tạo ra sự đồng bộ trong bản nhạc, mà còn cung cấp nền tảng cho các yếu tố khác như giai điệu và hòa âm. Tiết tấu đặc trưng của nhạc Latin thường bao gồm những yếu tố nhịp điệu và cấu trúc âm nhạc độc đáo, giúp tạo nên sự phong phú và quyến rũ của thể loại này.

2.3.2. Sử dụng nhiều đảo phách, nghịch phách

Trong phong cách Latin, đảo phách và nghịch phách không chỉ làm phong phú thêm tiết tấu, mà còn tạo ra những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và quyến rũ. Đảo phách tạo ra cảm giác bất ngờ và năng động, trong khi nghịch phách làm nổi bật các phách phụ và tạo ra sự nhấn mạnh, mạnh mẽ trong âm nhạc. Sự kết hợp của hai kỹ thuật này góp phần làm cho nhạc Latin trở nên sôi động và lôi cuốn, phản ánh sự đa dạng và phong phú của thể loại này.

  1. Sử dụng nhiều hợp âm 7 và các vòng hòa thanh

Sử dụng nhiều hợp âm

Việc sử dụng các hợp âm 7 (trưởng 7, thứ 7, át 7) kết hợp với các bậc mở rộng như 9, 11 sẽ tạo ra một không gian âm nhạc đầy màu sắc và độc đáo. Các hợp âm này không chỉ tạo ra sự phong phú về âm sắc, mà còn giúp tác phẩm trở nên linh hoạt giàu cảm xúc. Hợp âm trưởng 7 (Major 7): Có cấu tạo bậc là I-III-V-VII mang lại một âm thanh nhẹ nhàng, tươi sáng. Hợp âm thứ 7 (Minor 7): Cấu tạo là bậc I- ♭III – V – ♭VII,  mang lại một cảm giác trầm buồn, mềm mại. Hợp âm 7: Cấu trúc là I – III – V – ♭VII, là hợp âm tạo ra sự căng thẳng mạnh mẽ, thường được sử dụng trong các chuỗi hòa thanh để dẫn dắt đến hợp âm chủ. Khi các hợp âm 7 được mở rộng với các bậc IX, XI, XIII sẽ mang lại màu sắc mới cho tác phẩm.

9 (bậc 9): Là một nốt cao hơn bậc 8 (octave) của hợp âm chính, giúp hòa thanh trở nên phong phú và mang âm sắc đặc trưng. Điều tạo ra một không gian âm nhạc mở rộng, thường được sử dụng trong các thể loại như jazz, fusion, hoặc R&B, chẳng hạn như Cmaj9 (C – E – G – B – D).

11 (bậc 11): một nốt nằm trong thang âm, nhưng đôi khi có thể tạo ra sự mâu thuẫn với nốt 3 của hợp âm, chẳng hạn như Cmaj11 (C – E – G – B – D – F).

Việc sử dụng các hợp âm 7 và các bậc mở rộng 9, 11 giúp tác phẩm trở nên phức tạp và hấp dẫn hơn.

 Sử dụng vòng hòa thanh IIVIII VI

Một trong những cấu trúc hòa thanh phổ biến trong việc xây dựng các chuyển động hòa âm là vòng Dm7 – G7/9 – Em7 – A7/9. Vòng hòa thanh này kết hợp các hợp âm 7, dominant 7, và các nốt mở rộng, không chỉ tạo ra sự chuyển động mượt mà mà còn mang lại màu sắc âm nhạc phong phú, góp phần thể hiện tính chất của từng thể loại nhạc.

. Sử dụng vòng hòa thanh I – V – III –  II – V 

Trong các thể loại nhạc Jazz, Ballad hoặc nhạc thính phòng, việc sử dụng các hợp âm phức tạp cùng sự chuyển động hòa âm, có thể tạo ra chiều sâu âm nhạc. Một trong những chuỗi hợp âm đặc trưng là vòng hòa thanh Em7 – Hm7 – Gmaj7 – F#m7 – H11, trong đó sự kết hợp giữa các hợp âm thứ, hợp âm trưởng, cùng với các hợp âm mở rộng đã tạo ra sự chuyển động phong phú.

 Solo và ứng tấu trên vòng hòa thanh.

Trong tác phẩm, không chỉ có các vòng hòa thanh tạo nền tảng, mà còn có những phần Solo và ứng tấu của tác giả trên các hòa thanh chủ đề. Những đoạn này, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự sáng tạo và kỹ thuật của người biểu diễn. Các phần solo và ứng tấu, cho phép người biểu diễn thể hiện khả năng sáng tạo giai điệu, sử dụng các kỹ thuật ngón tay, điều khiển nhịp điệu và khai thác các hợp âm mở rộng (như hợp âm 7, 9, 11) để tạo ra những đoạn nhạc phong phú và cảm xúc. Thông qua việc biến tấu các hợp âm và thang âm, những đoạn solo không chỉ trưng trổ kỹ thuật, mà còn thể hiện sự tự do trong ứng tấu, làm phong phú thêm không gian của tác phẩm, mang lại một chiều sâu cảm xúc cho người nghe.

  1. Kết luận

Việc dạy những tác phẩm mang phong cách latin cho hoc sinh chuyên ngành E. Keyboard tại Học viện ANQG Việt Nam là đáp ứng được xu hướng của đào tạo âm nhạc hiện nay. Muốn HS thể hiện tốt các tác phẩm mang phong cách latin, thì một vấn đề không thể bỏ qua đó là phân tích tác phẩm được học. Việc phân tích này sẽ giúp HS nhận biết được đặc điểm về: giai điệu, tiết tấu, cách thiến hành hòa thanh và các yếu tố liên quan đến việc thể hiện tác phẩm. Đây là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với việc dạy học các nhạc cụ nói chung và dạy đàn E. Keyboard nói riêng.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Tự Lân (2007), Lịch sử Jazz-Rock-Pop, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Nội.
  2. Hoàng Thị Vân, (2014) Phong cách Swing trong giảng dạy Keyboard jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
  3. R. Stolyar (2010), Ngẫu hứng đương đại, Sách chuyên khảo về lý luận phương pháp và thực hành về nghệ thuật ngẫu hứng đương đại tự do trên đàn piano, Nxb Planet, Moscow-St. Peterburg.