Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG HÁT XẨM CHO HỌC VIÊN TẠI TRUNG TÂM VĂN HÓA THÔNG TIN VÀ THỂ THAO  HUYỆN SÓC SƠN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Vũ Thùy Linh

Học viên K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc của Việt Nam, gắn liền với đời sống văn hóa của nhân dân lao động. Không chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí, hát Xẩm còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải những giá trị nhân văn, đạo đức và tri thức xã hội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghệ thuật hát Xẩm đã có lúc bị mai một, nhưng ngày nay, nhờ những nỗ lực bảo tồn, thể loại âm nhạc này đang từng bước được khôi phục và phát huy giá trị. Rèn luyện kỹ năng hát Xẩm là một quá trình quan trọng, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật thanh nhạc, cảm thụ âm nhạc và thực hành biểu diễn. Việc rèn luyện kỹ năng này cần dựa trên phương pháp sư phạm phù hợp và có kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn. Bài viết này xin được đề cập đến một số biện pháp rèn luyện kỹ năng hát Xẩm cho học viên tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

 

1. Kiểm soát hơi thở

Hơi thở là yếu tố quan trọng nhất trong hát Xẩm, quyết định đến chất lượng âm thanh và khả năng biểu đạt cảm xúc. Người học cần tập luyện các kỹ thuật giữ hơi lâu, điều tiết luồng hơi ổn định để duy trì âm sắc trong suốt bài hát. Một số phương pháp rèn luyện hơi thở hiệu quả bao gồm:

Bài tập hít thở sâu: Hít vào bằng mũi, giữ hơi trong 3-5 giây rồi từ từ thở ra bằng miệng để tăng cường dung tích phổi.

Luyện hơi bằng cách ngân dài: Luyện hát một âm đơn kéo dài, cố gắng giữ âm thanh ổn định và đều đặn.

Kết hợp tập hơi với nhịp phách: Luyện tập điều tiết hơi thở phù hợp với tiết tấu của từng bài Xẩm.

Việc hướng dẫn HV cách lấy hơi đúng cách là vô cùng cần thiết. Có hai cách lấy hơi cơ bản trong thanh nhạc, đó là lấy hơi bụng và lấy hơi ngực. Lấy hơi bụng là cách phổ biến và dễ áp dụng nhất đối với HV. Kỹ thuật này đơn giản, chỉ cần hít sâu vào bằng bụng, giữ hơi tại bụng và sau đó từ từ thở ra khi hát. Cách lấy hơi này giúp HV có được giọng hát khỏe, vang xa mà không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình luyện tập.

Lấy hơi ngực là một kỹ thuật khó hơn, đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên và tập trung. Với cách lấy hơi này, HV cần sử dụng phần ngực để lấy và giữ hơi. Kỹ thuật này không chỉ dễ học mà còn giúp HV duy trì được giọng hát khỏe mạnh và rõ ràng. Các làn điệu Xẩm có sự đa dạng về tiết tấu, âm sắc, điều này đòi hỏi HV phải điều chỉnh hơi thở sao cho phù hợp với từng đoạn nhạc.

2. Hình dáng của miệng khi hát

Trong cách hát phương Tây, hình dáng của miệng được gọi là khẩu hình. Hát Xẩm yêu cầu sự tinh tế, đặc biệt là ở hình dáng của miệng.Với hát Xẩm, tác giả bài báo xin dùng cụm từ hình dáng của miệng. Mặc dù có vẻ như người hát chỉ mấp máy môi, nhưng thực tế, hình dáng của miệng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên âm thanh đặc trưng của Xẩm. Đối với giọng nữ, hình dáng miệng hát cần đạt sự tinh tế, mở nhẹ và chỉ vừa đủ để âm thanh thoát ra mà vẫn giữ được tính chất nhẹ nhàng. Đối với giọng nam, có thể mở rộng hơn, giúp tạo ra âm thanh mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Hình dáng của miệng trong hát Xẩm phải linh hoạt, tùy thuộc vào tiết tấu và giai điệu của từng đoạn. Khi hát các âm như “o”, “ô”, “u”, “a”, cần mở để âm thanh thoát ra mạnh, vang xa. Với các âm “i”, “ê”, mở ngang, môi hơi nhếch lên để tạo âm sắc sáng rõ, âm thanh sẽ sắc nét hơn.

Khi luyện tập kỹ thuật cho hình dáng của miệng, HV có thể bắt đầu với các âm “i” và “ê” để rèn luyện cách mở theo hướng ngang. Điều này giúp người hát làm quen với việc điều chỉnh linh hoạt tùy theo âm tiết và câu hát. Sau khi thành thạo các âm tiết đơn, HV có thể tập kết hợp các âm “i”, “ê”, “a”, “ô” với một cao độ ở nhịp độ chậm. Bài tập này phát triển khả năng thay đổi hình dáng của miệng linh hoạt mà không làm thay đổi chất lượng âm thanh.

Ví dụ 1:

Tiếp theo, việc luyện tập kết hợp giữa nhịp điệu và hình dáng của miệng là bước quan trọng để làm quen với tiết tấu linh hoạt của các làn điệu Xẩm. Miệng cần mở rộng khi hát âm “a” trong những đoạn trữ tình, trong khi âm “i” cần mở nhẹ và mềm mại.

Môi cần vận động linh hoạt để nhả chữ rõ ràng, đặc biệt là ở các phụ âm đầu và cuối của từ. Người hát Xẩm phải chú ý không chỉ đến hình dáng của miệng mà còn đến cách vận động môi để đảm bảo mỗi âm tiết được phát ra tròn tiếng, không bị nuốt âm hay lạc nhịp.

Hình dáng của miệng và môi cũng là công cụ biểu đạt cảm xúc quan trọng trong hát Xẩm. Vì các làn điệu Xẩm thường mang tính chất buồn và da diết, người hát cần biểu cảm rõ nét qua khuôn miệng, thể hiện sự u sầu, ai oán khi cần thiết. Sự tinh tế trong biểu cảm của khuôn miệng giúp truyền tải được cảm xúc một cách tự nhiên, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho Xẩm.

Trong hát Xẩm, khẩu hình, nhả chữ và lấy hơi có mối liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên sự hoàn chỉnh trong biểu diễn. Hình dáng của miệng giúp tạo ra âm thanh rõ ràng và mượt mà, nhả chữ đảm bảo từng âm tiết được phát ra chính xác. Ba yếu tố này cần phối hợp nhịp nhàng để tạo nên một màn trình diễn trọn vẹn, giúp người nghe cảm nhận được toàn bộ sắc thái và cảm xúc của bài hát.

3. Rèn luyện một số kỹ thuật hát cơ bản

3.1. Ngân rung giọng

Kỹ thuật ngân rung giọng trong nghệ thuật hát Xẩm là một yếu tố đặc trưng và không thể thiếu, góp phần tạo nên nét riêng của dòng nhạc truyền thống này. Khác với những thể loại âm nhạc cổ truyền khác như Ca trù hay Quan họ, rung giọng trong hát Xẩm được thực hiện theo một cách riêng biệt, mang đậm phong cách mộc mạc và chân thật của làng quê Việt Nam. Điều này không chỉ đòi hỏi người hát phải có kỹ năng điều khiển hơi thở tốt mà còn phải am hiểu sâu sắc về lối hát và phong cách âm nhạc Xẩm.

Ngân rung giọng trong Xẩm không chỉ đơn thuần là rung giọng trên các từ ngữ chính, mà còn được thêm vào các nguyên âm, từ đệm, hư từ như “i”, “í”, “ơ”, “ư”, tạo nên những âm rung nhẹ ở cuối câu hát. Việc thêm những âm này không chỉ giúp kéo dài thời gian rung giọng mà còn giúp cho âm thanh trở nên liên tục, mượt mà, giúp truyền tải rõ hơn cảm xúc trong câu hát.

Để thực hiện tốt kỹ thuật ngân rung giọng, người hát cần trải qua quá trình luyện tập theo ba giai đoạn: khởi chữ, mở chữ và đóng chữ. Giai đoạn khởi chữ là khi người hát bắt đầu phát âm, luồng hơi cần được điều khiển để giữ cho âm thanh ổn định và không bị đẩy ra quá mạnh. Ở giai đoạn này, âm thanh chủ yếu được vang lên ở khoang miệng và miệng được mở tự nhiên, không quá rộng. Sau đó, trong giai đoạn mở chữ, người hát dần điều chỉnh hơi thở để giữ âm thanh ổn định, không bị đẩy ra quá mạnh, đồng thời miệng được mở rộng hơn để âm thanh vang lên rõ ràng hơn. Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn đóng chữ, khi người hát bắt đầu thực hiện kỹ thuật ngân rung.

Bước 1: Luyện tập hát ngân rung giọng với mẫu âm sau

Ví dụ 2:

Ngân rung giọng trong Xẩm không chỉ đơn thuần là rung giọng trên các từ ngữ chính, mà còn được thêm vào các nguyên âm, từ đệm, hư từ như “i”, “í”, “ơ”, “ư”, tạo nên những âm rung nhẹ ở cuối câu hát. Việc thêm những âm này không chỉ giúp kéo dài thời gian rung giọng mà còn giúp cho âm thanh trở nên liên tục, mượt mà, giúp truyền tải rõ hơn cảm xúc trong câu hát. Những từ như “tình”, “hỡi”, “hời” trong các câu hát Xẩm thường được ngân rung kéo dài, tạo nên sự mềm mại và sâu lắng trong giai điệu.

Bước 2: Nhận định những chỗ có sử dụng rung giọng trong làn điệu

Ví dụ 3:           CÔNG CHA NGÃI MẸ SINH THÀNH

Trong bài Xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành (lời cổ – ngãi là nghĩa) ở trên, những nốt nhạc có trường độ dài, chẳng hạn như nốt đen hay những nốt ngân dài ở các từ: “chớ”, “mẹ”, “thành”, “tháng”… thường được người hát thực hiện ngân rung.

3.2. Nhấn chữ

Trong các làn điệu Xẩm, việc nhấn có thể được thực hiện bằng cách nhắc lại các chữ hoặc ca từ quan trọng trong câu hát. Điều này giúp làm sáng tỏ vai trò của các từ có nghĩa và tạo điểm nhấn cho các phần quan trọng của lời ca. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong những đoạn nhạc có nhịp nhanh, vui tươi, đầy sự linh hoạt.

Bước 1: Luyện kĩ thuật hát nhấn giọng kết hợp với ngắt hơi/giọng hát với mẫu âm sau

Ví dụ 4:

Trong bài luyện tập, hướng dẫn học viên hát nhấn vào nốt đầu nhịp rồi vuốt nhẹ âm thanh lên nốt tiếp theo, sau đó ngắt âm thanh ở chỗ có dấu lặng đơn. Chẳng hạn, ô nhịp 1, nhấn vào c1, luyến vuốt âm thanh lên d1 rồi ngắt tiếng hát. Luyện như vậy cho đến khi kết thúc mẫu âm trên và luyện một vài lần trước khi vào bài hát. Việc luyện tập này cần được thực hiện nhiều lần để học viên có thể làm quen với cách điều khiển hơi thở và âm thanh, từ đó thực hiện kỹ thuật nhấn một cách tự nhiên và linh hoạt.

Bước 2: Nhận định những chỗ có sử dụng kĩ thuật rung giọng trong        làn điệu hát Xẩm, chẳng hạn như ở bài Làm trai đáng chí dưới đây:

Ví dụ 5:

LÀM TRAI ĐÁNG CHÍ

Trong làn điệu này, hát nhấn chữ được kết hợp với ngắt hơi và ngắt âm thanh ở các từ “khôn i”, “có”, ngày”… đặc biệt là ở những chỗ có dấu lặng đơn và lặng đen. Kỹ thuật nhấn vuốt liền hơi trong một hơi thở cũng được thực hiện để làm cho âm thanh trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn, đồng thời giúp làm rõ ngữ nghĩa của các từ quan trọng trong câu hát.

Hát nhấn vuốt liền hơi trong một hơi của hát Xẩm được thể hiện bằng cách hát nhấn nhá vào từng chữ, có tác dụng làm cho cường độ âm thanh được to, mạnh lên. Đôi khi, nhấn, vuốt còn làm rõ ngữ nghĩa của chữ, nhấn vào chữ trước để vuốt âm thanh ở chữ sau… Thông thường, nhấn, vuốt được hát ở lời thơ chính, hoặc những từ có nghĩa (theo cảm nhận của người hát để biểu đạt cảm xúc cá nhân).

KẾT LUẬN

            Việc rèn luyện kỹ năng hát Xẩm cho học viên tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Sóc Sơn không chỉ góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và trình diễn loại hình âm nhạc này. Thông qua các biện pháp rèn luyện hơi thở, khẩu hình, kỹ thuật ngân rung giọng và nhấn chữ, học viên có thể nắm vững những yếu tố cốt lõi của hát Xẩm, từ đó thể hiện bài hát một cách mượt mà, giàu cảm xúc và mang đậm tinh thần dân gian. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo, cần có sự kết hợp giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại, tận dụng các công cụ hỗ trợ như tài liệu âm nhạc, ghi âm và công nghệ số. Đồng thời, việc tổ chức các buổi biểu diễn thực tế giúp học viên rèn luyện kỹ năng sân khấu, tự tin thể hiện trước công chúng và cảm nhận sâu sắc hơn về nghệ thuật hát Xẩm. Những giải pháp này không chỉ giúp duy trì và phát triển bộ môn hát Xẩm mà còn tạo tiền đề để nghệ thuật này tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Khương Văn Cường (2009), Nghệ thuật hát Xẩm, Nxb Nghệ thuật, Hà Nội.
  2. Bùi Trọng Hiền (2010), Hát Xẩm, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, quyển II, nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Hà Thị Hoa (2014), Nhập môn Âm nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  4. Đặng Thị Lan (2020), Dạy học hát Chèo và hát Quan họ cho sinh viên Đại học sự phạm Âm nhạc, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  5. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  6. Trần Việt Ngữ (2017), Tìm hiểu nghệ thuật hát Xẩm, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.