ĐỒ DÙNG DẠY HỌC TRONG MÔN MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Vũ Dương Hải
K17A Khoa Sư phạm Mĩ thuật– Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Bài viết này nghiên cứu và phân tích vai trò then chốt của đồ dùng dạy học trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Mĩ thuật tại trường phổ thông. Nghiên cứu chỉ ra rằng, đồ dùng dạy học phù hợp không chỉ hỗ trợ giáo viên truyền tải kiến thức một cách trực quan mà còn kích thích hứng thú, phát triển khả năng tư duy thẩm mỹ và sáng tạo của học sinh. Bài viết làm rõ các chức năng của đồ dùng trong dạy học Mĩ thuật, đồng thời phân tích mối quan hệ giữa việc sử dụng đồ dùng dạy học và kết quả học tập của học sinh.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, việc đầu tư và phát triển đồ dùng dạy học cho môn Mĩ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm. Khác với các môn học khác, đồ dùng dạy học trong môn Mĩ thuật không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà còn là chất liệu, là đối tượng trực tiếp để học sinh quan sát, cảm nhận và sáng tạo. Đồ dùng dạy học phù hợp sẽ giúp học sinh phát triển năng lực thẩm mỹ, khả năng quan sát và tư duy hình ảnh – những yếu tố cốt lõi trong giáo dục nghệ thuật.
Thực trạng cho thấy, tại nhiều trường phổ thông, đồ dùng dạy học cho môn Mĩ thuật còn thiếu thốn, chưa đa dạng và phong phú. Nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tài liệu, tranh ảnh, mô hình hay công cụ dạy học hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh.
Từ những vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu về đồ dùng dạy học trong môn Mĩ thuật ở trường phổ thông là hết sức cần thiết, nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển đồ dùng dạy học, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục môn Mthuật trong nhà trường phổ thông.
- Đồ dùng dạy học
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn định nghĩa: “Đồ dùng dạy học là một vật thể hoặc một tập hợp các vật thể mà GV sử dụng trong quá trình dạy học để nâng cao hiệu quả của quá trình này, giúp học sinh lĩnh hội khái niệm, định luật,… hình thành tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thái độ cần thiết”. [2,tr.531]
Theo từ điển tiếng Anh Collins Online, đồ dùng dạy học được định nghĩa “bất kỳ thiết bị, đồ vật hay móc móc được giáo viên sử dụng để làm rõ hoặc làm sinh động cho một môn học: [6]
Theo cả nghĩa tiếng Anh và tiếng Việt, có thể hiểu rằng: Đồ dùng dạy học là phương tiện minh hoạ cho bài giảng của giáo viên, hỗ trợ tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh.
- Dạy học
Theo tác giả Phan Thị Hồng Vinh (2010): Dạy học bao gồm hai hệ thống là hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh, trong đó giáo viên là người tổ chức, điều khiển hoạt động học của học sinh nhằm thực hiện những nhiệm vụ học tập. Hai hoạt động này có sự thống nhất biện chứng, quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, nếu thiếu một trong hai hoạt động đó, việc dạy học không diễn ra [4].
- Dạy học mĩ thuật
Mĩ thuật là ngành nghệ thuật nghiên cứu quy luật và phương pháp để thể hiện cái đẹp bằng đường nét, màu sắc, hình khối. Dạy học mĩ thuật ở trường phổ thông là cung cấp cho học sinh một số kiến thức cơ bản về mĩ thuật, phát triển khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh, giúp học sinh cảm nhận được cái đẹp, tập tạo ra cái đẹp và vận dụng hiểu biết về cái đẹp vào học tập, sinh hoạt hàng ngày cũng như cho công việc mai sau.
- Ý nghĩa, vai trò của đồ dùng dạy học trong môn Mĩ thuật
Môn học nào cũng cần có đồ dùng dạy học; bởi đồ dùng dạy học giúp học sinh lĩnh hội kiến thức rõ ràng, nhanh chóng và giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn. Đặc trưng của dạy học mĩ thuật là dạy học thông qua trực quan. Đối tượng của mĩ thuật là những gì cụ thể đồng thời được hình tượng hóa bằng ngôn ngữ tạo hình: có hình khối, đậm nhạt, màu sắc,… Trực quan ở môn Mĩ thuật chính là nội dung, là kiến thức của bài học. Trong dạy học mĩ thuật, giáo viên cần chuẩn bị tốt đồ dùng dạy học, bởi chuẩn bị tốt được xem như thành công một nửa, tức là giáo viên đã nắm được nội dung bài học và phương pháp dạy – học, còn quá trình lên lớp chỉ là trình bày, khai thác, diễn giải … theo đồ dùng dạy – học đã chuẩn bị.
Vai trò của đồ dùng dạy học
Thứ nhất, kích thích hứng thú học tập của học sinh
Hứng thú trong hoạt động nhận thức là trạng thái hoạt động được đặc trưng bởi khát vọng học tập, sự nỗ lực, tự nguyện trong quá trình nghiên cứu, khám phá, nắm vững tri thức. Hứng thú nhận thức là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến cường độ và hiệu quả của quá trình học tập. Đồ dùng dạy học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập sinh động, hấp dẫn, kích thích sự hứng thú học tập của học sinh; nâng cao tính tương tác giữa các giác quan của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh chủ động tham gia vào quá trình học tập, đặt câu hỏi, tìm tòi khám phá; thúc đẩy sự tương tác giữa học sinh với học sinh và học sinh với giáo viên thông qua các hoạt động thực hành, thí nghiệm, tạo nên một không khí học tập vui vẻ, sôi nổi. Đồng thời, đồ dùng dạy học giúp học sinh rèn luyện khả năng quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp thông tin cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Thứ hai, phát triển khả năng nhận thức, chủ động và sáng tạo của học sinh
Đồ dùng dạy học không chỉ đơn thuần là những công cụ hỗ trợ việc giảng dạy mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các năng lực của học sinh, đặc biệt là khả năng nhận thức, chủ động và sáng tạo. Thông qua các đồ dùng trực quan như mô hình, tranh ảnh, video… giúp học sinh hình thành những hình ảnh cụ thể về các khái niệm, hiện tượng, từ đó tăng cường khả năng ghi nhớ và hiểu sâu hơn kiến thức.
Sử dụng đồ dùng trong dạy học mĩ thuật góp phần nâng cao tính chủ động của học sinh; học sinh có thể tự khám phá, xây dựng một môi trường mở; đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, từ đó khơi gợi tính tò mò, ham học hỏi trong trẻ. Thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động, nghe giảng và chép bài thì học sinh có thể tham gia vào các hoạt động và tận dụng tối đa giác quan trong việc tiếp thu kiến thức mới. Với những đồ dùng dạy học đa dạng, phong phú sẽ cung cấp cho học sinh nhiều góc nhìn khác nhau về một vấn đề, từ đó kích thích sự sáng tạo; phát triển tư duy độc lập khi giải quyết các câu hỏi được đưa ra song song với tư duy phản biện. Như vậy, nếu được sử dụng một cách sáng tạo và hiệu quả, đồ dùng dạy học sẽ góp phần phát triển khả năng nhận thức, chủ động và sáng tạo của học sinh.
Thứ ba, cụ thể hoá nội dung kiến thức
Đồ dùng dạy học là phương tiện hữu hiệu nhằm cụ thể hoá nội dung kiến thức bài học bởi trực quan ở môn Mĩ thuật chính là nội dung, là kiến thức của bài học. Đồ dùng dạy học còn phản ánh mức độ kiến thức của bài học và trình độ của học sinh. Dạy học bằng trực quan sẽ làm cho những khái niệm trừu tượng như cân đối, hài hòa hay những gì ẩn chứa trong bố cục, nét vẽ, màu sắc,… của đối tượng được thể hiện một cách rõ ràng. Để chuyển tải nội dung bài dạy hiệu quả trong dạy học mĩ thuật cần phải coi đồ dùng dạy học là cần thiết. Để đạt được điều đó, giáo viên cần có ý thức thường xuyên chuẩn bị và sử dụng đồ dùng dạy học cho từng bài học cụ thể ; cần nghiên cứu bài dạy, tự tìm và thiết kế đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung, sát với tình hình thực tế của địa phương. Hình thức đồ dùng dạy học cần đảm bảo tính thẩm mỹ; kích thước của đồ dùng dạy học tránh to hay nhỏ quá; đậm nhạt của trực quan rõ ràng, dễ thấy và có trọng tâm.
Thứ tư, giúp giáo viên thực hiện tiết dạy sinh động, chất lượng
Sử dụng đồ dùng dạy học vào bài giảng giúp giáo viên có tiết dạy sinh động và hấp dẫn. Bởi những đồ dùng dạy học đa dạng về màu sắc, hình dáng, kích thước, chất liệu, giúp kích thích các giác quan và có thể phần nào thay thế sự truyền đạt bằng lời cho giáo viên, từ đó tiết học trở nên thú vị và hiệu quả hơn. Giáo viên có thể tạo nên không khí vui vẻ cho lớp học bằng cách khuyến khích học sinh khám phá, thao tác với đồ dùng dạy học; đồng thời, đồ dùng dạy học cũng hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy học khi kết hợp chúng với những phương pháp dạy học khác như thảo luận nhóm, thực hành,… giúp bài giảng trở nên phong phú và hiệu quả. Với những phần kiến thức có tính trừu tượng cao, giáo viên vẫn có thể truyền tải kiến thức một cách nhanh chóng, chính xác với lượng thời gian giảng được rút ngắn.
Xét về tính phù hợp, đồ dùng dạy học có thể được sử dụng để dạy cho cả học sinh giỏi và học sinh yếu, giúp học sinh có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Giáo viên cần lựa chọn những đồ dùng phù hợp với nội dung bài học, với lứa tuổi và mục tiêu dạy học. Khi sử dụng, cần tránh sự cứng nhắc mà nên linh hoạt kết hợp cùng nhiều phương pháp dạy học khác. Như vậy, đồ dùng dạy học là một công cụ không thể thiếu đối với giáo viên trong việc thực hiện tiết dạy sinh động, chất lượng.
- Kết luận
Môn học nào cũng cần có đồ dùng dạy học, tuy nhiên trong môn Mĩ thuật thì đồ dùng dạy học có vai trò hết sức quan trọng bởi đặc trưng của dạy học mĩ thuât là dạy học thông qua trực quan. Sử dụng đồ dùng dạy học là góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiệu quả của mỗi loại đồ dùng dạy học còn phụ thuộc vào phương pháp sử dụng trong giờ học. Đồ dùng dạy học phải là “chỗ dựa bên ngoài cho các hành động bên trong, phải được sử dụng như là phương tiện tạo sự tranh luận trí tuệ – thực tiễn của học sinh với đối tượng học tập”. Học sinh phải được tham gia vào các giai đoạn của quá trình sử dụng phương tiện dạy học với mức độ tự lực cao nhất có thể được. Dạy học mĩ thuật thông qua đồ dùng dạy học giúp học sinh lĩnh hội kiến thức rõ ràng, nhanh chóng và giờ học trở nên sinh động, hấp dẫn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Giáo dục và Đào tạo/ Dự án Việt – Bỉ (2010), Dạy và học tích cực, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
- Hội đồng Quốc gia (2003), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội
- Nguyễn Thị Hương Nhung (4/2022), Thực trạng sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học Mỹ thuật lớp 5 ở một số trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội, Tạp chí Dạy và Học ngày nay.
- Phan Thị Hồng Vinh (2010), Phương pháp dạy học Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Phạm Viết Vượng (2005), Lý luận giáo dục, NXB ĐHSP, Hà Nội.
- Collins English Dictionary Online (2025).
- https://www.collinsdictionary.com,