VẬN DỤNG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRONG TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ VÀO THIẾT KẾ BAO BÌ QUÀ TẶNG
Dương Thị Phương Anh
K13B Thiết kế Đồ họa
Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Thiết kế đồ hoạ là xu thế mới trong thời đại công nghệ số, đây là loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp giữa tư duy thẩm mỹ và tư duy sáng tạo. Yếu tố truyền thống luôn được đưa vào giảng dạy trong nhiều học phần sáng tác thiết kế cho sinh viên nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa tính truyền thống và tính thời đại. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên vẫn lựa chọn theo đuổi những xu thế mới, yếu tố văn hóa dân tộc còn được khai thác khá ít, mà tiêu biểu ở đây là nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ. Việc nghiên cứu vận dụng vẻ đẹp nghệ thuật tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ vào sáng tác thiết kế bao bì quà tặng thuộc ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là hoàn toàn cần thiết. Việc nghiên cứu, tìm hiểu sẽ giúp sinh viên có thể vận dụng vào học phần Sáng tác thiết kế 5 một cách dễ dàng và tiếp cận nền văn hóa truyền thống một cách gần gũi và chân thật nhất. Đặc biệt mang tính giáo dục và cung cấp kiến thức mỹ thuật truyền thống cho sinh viên ngành Thiết kế đồ họa nói chung và sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng.
- Đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ
Tranh dân gian Đông Hồ xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôn ngữ tạo hình trong tranh dân gian Đông Hồ là sự kết hợp hài hòa giữa các phương tiện, quy tắc và thủ pháp nghệ thuật để truyền tải nội dung, cảm xúc và ý tưởng thông qua sự tiếp nhận của ngôn ngữ thị giác. Được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, dòng tranh này không chỉ phản ánh đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc mà còn khẳng định tư duy thẩm mỹ, sự tài hoa của các nghệ nhân tranh dân gian thông qua ngôn ngữ của các yếu tố đường nét, mảng, màu sắc, bố cục, tỷ lệ, chất liệu và không gian thể hiện trên tranh.
Đường nét trong tranh dân gian Đông Hồ
Đường nét trong tranh Đông Hồ thiên về đơn giản, dày dặn nhưng khúc chiết, rõ ràng gợi lên sự đôn hậu, chất phác và chắc khỏe phù hợp với hình ảnh người nông dân nơi làng quê. Chúng thiên về hướng cách điệu và mang tính trang trí nhiều hơn là tả thực, góp phần tạo nên đặc trưng độc đáo và sức hấp dẫn riêng biệt của dòng tranh này.
Nét và mảng trong tranh rất phong phú, không những nêu bật được nội dung, chủ để, tư tưởng của tác phẩm, mà còn gợi khối, tả chất rất sinh động. Các nghệ nhân đã sử dụng hệ thống nét cong, ngắn, đứt đoạn, tả chất nhiều hơn là định hình, tạo mảng. Đường nét trong tranh dân gian tạo ra hình dáng và đặc tả tính cách của nhân vật. Nét trong tranh dân gian Đông Hồ có tính chất phóng khoáng. Tranh dân gian Đông Hồ, ngoài giá trị tư tưởng còn mang trong mình giá trị thẩm mỹ ở vẻ đẹp hài hòa, cân bằng. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của tranh dân gian Đông Hồ là cách sử dụng nét, đã tạo nên nhịp chuyển của mảng và làm nên tính chất động trong tranh.
Mảng trong tranh dân gian Đông Hồ
Mảng trong tranh Đông Hồ không đơn thuần là khoảng không gian được tô kín, mà là yếu tố tạo hình giàu biểu cảm, góp phần định hình bố cục và nhấn mạnh nhịp điệu thị giác. Mỗi mảng màu – thường là các khối phẳng, rõ ràng – được sử dụng có chủ đích để làm nổi bật hình tượng chính, đồng thời tạo tương phản và dẫn dắt ánh nhìn người xem. Trong tranh “Vinh hoa”, mảng màu đỏ của con gà và mảng xanh của áo em bé được đặt cạnh nhau tạo nên sự hài hòa rực rỡ nhưng vẫn giữ nét giản dị, vừa cân bằng bố cục vừa làm nổi bật vẻ hồn nhiên của chủ thể [PL, H1.1]. Hay như bức “Đấu vật”, các đô vật được tạo hình với mảng màu lớn, nét vẽ đậm, nhằm nhấn mạnh sức khoẻ và tinh thần thượng võ, trong khi các chi tiết phụ xung quanh được giản lược bớt để người xem tập trung vào nội dung chính[PL, H1.2]. Mảng trong tranh Đông Hồ thường được tiết chế chi tiết, mang tính khái quát cao, không đi sâu vào mô tả chất liệu hay ánh sáng, mà tập trung biểu đạt tinh thần, cảm xúc. Sự phân chia mảng rõ ràng cũng phản ánh tư duy phẳng trong tạo hình dân gian – một đặc trưng vừa có tính trang trí, vừa mang yếu tố biểu tượng văn hóa.
Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ
Màu sắc trong tranh Đông Hồ là nét khai phá độc đáo. Các nghệ nhân tận dụng màu sắc được lấy hoàn toàn từ thiên nhiên và điều này không phải dòng tranh nào cũng làm được. Màu sắc trong tranh dân gian Đông Hồ không chỉ là yếu tố thị giác, mà còn là phương tiện biểu đạt cảm xúc, tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ dân gian. Khác với màu pha trộn trong hội họa phương Tây, màu trong tranh Đông Hồ được các nghệ nhân chế tạo từ các nguyên liệu tự nhiên như than tre (đen), gỗ vang (vàng), lá chàm (xanh), hoa hòe (lục nhạt), vỏ sò điệp (trắng óng), gấc (đỏ son)… Những màu này mang đặc tính tươi tắn, bền vững và mang hàm ý biểu tượng sâu sắc. Mỗi màu không chỉ để “tô đẹp” mà còn là lớp nghĩa văn hóa: đỏ tượng trưng cho may mắn, vàng thể hiện sự thịnh vượng, xanh gợi sự sinh sôi, yên bình. Màu sắc trong tranh Đông Hồ cũng thường đi liền với nhịp điệu bố cục và đường nét, tạo nên cấu trúc tổng thể cân đối. Màu được tổ chức có tiết tấu: chỗ đậm – chỗ nhạt, chỗ nóng – chỗ lạnh, vừa đối lập vừa điều hòa. Màu sắc trong tranh Đông Hồ không hướng tới mô tả chân thực theo ánh sáng – bóng, mà thiên về biểu hiện tính biểu tượng và truyền cảm xúc. Sự lựa chọn màu sắc không hoàn toàn dựa trên logic tự nhiên mà xuất phát từ trực giác thẩm mỹ dân gian: màu được dùng để khẳng định tính cách, vai trò hoặc giá trị tinh thần của hình tượng. Việc sử dụng màu mạnh, tương phản cao giúp tranh dễ nhìn, bắt mắt và gần gũi với thị hiếu cộng đồng, nhất là trong không gian văn hóa nông thôn, đình làng và ngày Tết.
Bố cục và không gian trong tranh Đông Hồ
Bố cục trong tranh Đông Hồ thường tuân theo nguyên tắc đăng đối và cân bằng, với sự sắp xếp hài hòa giữa các yếu tố hình ảnh phản ánh tư duy thẩm mỹ mộc mạc, xúc tích của người dân lao động. Tranh thường được tổ chức theo kiểu bố cục trung tâm hoặc đăng đối hai bên, đôi khi là bố cục tuyến tính hoặc phân lớp từ trước ra sau. Chủ thể chính thường được đặt ở vị trí trung tâm hoặc điểm nhấn của bức tranh, xung quanh là các yếu tố phụ trợ được bố trí một cách hợp lý để tạo nên tổng thể thống nhất. Về mặt không gian, tranh Đông Hồ xây dựng không gian theo lối phối cảnh ước lệ, tượng trưng, mà không cần tuân thủ luật viễn – cận, tối – sáng như trong mỹ thuật hiện đại.
Tranh dân gian Đông Hồ, với bề dày truyền thống lâu đời, đã trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Tranh dân gian Đông Hồ, ngoài việc mang giá trị tư tưởng còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ trong vẻ đẹp hài hòa, cân bằng; đó là sự cân bằng về lượng và chất, là cái đẹp tổng thể của đường nét, hình khối, màu sắc và chính chất liệu tạo ra nó.
- Vận dụng các yếu tố tạo hình vào thiết kế đồ hoạ bao bì quà tặng
Vận dụng nghệ thuật tạo hình của tranh Đông Hồ vào thiết kế bao bì quà tặng giúp tạo ra những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao, kết nối với văn hóa dân tộc và phù hợp với xu hướng thiết kế hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được sự thành công trong thiết kế là không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự nghiêm túc tìm hiểu cũng như sự khéo léo để vận dụng những yếu tố nghệ thuật dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng yếu tố hiện đại, để tạo nên những thiết kế hợp với xu hướng mà không mất đi bản sắc dân tộc.
Vận dụng yếu tố mảng
Vận dụng yếu tố mảng từ tranh “Vinh hoa” của dòng tranh Đông Hồ vào thiết kế bao bì quà tặng thương hiệu hạt dinh dưỡng KINGNUTS mang lại hiệu quả tốt giúp khai thác mặt tạo hình từ tranh dân gian vào trong thiết kế. Sử dụng yếu tố bố cục và mảng từ tranh vào các thiết kế trong bộ quà tặng đều hướng đến sự tối ưu trong trình bày thông tin. Mỗi loại bao bì (túi đứng, hộp quà, tem nhãn, hộp combo, mác treo) đều có cấu trúc mảng rõ ràng, tách bạch giữa phần hình ảnh, nội dung mô tả, logo thương hiệu. [PL, H1.3]
Vận dụng yếu tố nét
Trong thiết kế bao bì quà tặng, “nét” được ứng dụng theo nhiều cách để tạo sự thu hút, nhận diện thương hiệu và truyền tải thông điệp sản phẩm. Các đường nét vẽ giúp tạo hình ảnh minh họa đặc trưng, làm nổi bật bao bì sản phẩm. Nét vẽ tay của dòng tranh Đông Hồ khi ứng dụng vào trong thiết kế bao bì quà tặng mang lại cảm giác thủ công, gần gũi. Cũng chính vì sự đặc biệt của kiểu nét này có thể ứng dụng nó vào sản phẩm thiết kế bao bì quà tặng các loại hạt. Nét viền đậm, rõ ràng bao quanh nhân vật, chi tiết giúp bao bì quà tặng có phong cách dân gian độc đáo, tạo dấu ấn riêng biệt.
Vận dụng yếu tố màu sắc
Trong thiết kế nhãn sản phẩm bao bì các loại hạt có thể sử dụng yếu tố màu sắc của dòng tranh dân gian Đông Hồ vào sản phẩm. Sử dụng các màu sắc trong tranh Đông Hồ để thiết kế bao bì quà tặng không chỉ đơn thuần là bóc tách các màu nguyên gốc mà được biến chuyển theo phong cách hiện đại mà vẫn giữ được nét dân gian và tươi sáng của dòng tranh này. Có thể nói, thiết kế ứng dụng yếu tố màu sắc có tính thực tế cao, góp phần làm tăng sức hút của sản phẩm, thu hút chi tiêu, tăng doanh thu cho hãng sản phẩm cũng như lan tỏa những giá trị mà dòng tranh Đông Hồ mang lại. Từ đó có thể ứng dụng để thiết kế bao bì quà tặng cho các sản phẩm khác để dòng tranh Đông Hồ sống lại với những giá trị mà nó mang tới cho dân tộc Việt Nam.
Kết luận
Việc vận dụng nghệ thuật tạo hình tranh Đông Hồ vào thiết kế bao bì quà tặng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ cao mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thiết kế hiện đại. Tranh Đông Hồ có đặc điểm tạo hình độc đáo và giàu giá trị văn hóa, với bố cục chặt chẽ, đường nét đơn giản nhưng sinh động, màu sắc tươi sáng và hình tượng mang tính biểu trưng cao. Sự kết hợp giữa nghệ thuật tranh Đông Hồ với công nghệ thiết kế hiện đại mở ra nhiều cơ hội sáng tạo. Sinh viên có thể khai thác tranh Đông Hồ theo hướng cách tân, ứng dụng trên các chất liệu và kỹ thuật in ấn khác nhau như dập nổi trên hộp quà đến ứng dụng trên vải hoặc nhựa tái chế. Điều này không chỉ nâng cao tính thẩm mỹ mà còn mở rộng tiềm năng thương mại cho các sản phẩm quà tặng mang bản sắc Việt Nam. Nhờ đó, bao bì không chỉ đẹp mắt mà còn nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc ứng dụng tranh Đông Hồ trong thiết kế bao bì quà tặng cũng góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cung Dương Hằng (cb), Lê Thị Bích Loan (bs) (2016), Giáo trình Thiết kế bao bì của tác giả Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM
- Đặng Bích Ngân (2002), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục
- Nguyễn Bá Vân, Chu Quang Trứ (1984), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn Hóa
- Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh và Lê Bích (2019), Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội phối hợp xuất bản
- Jean Jacques, Brigitle Evrard (2010), The Package Design Book (Sách thiết kế bao bì), Nxb Taschen
- Sean Adams (2017), The Designer’s Dictionary of Color (Từ điển màu sắc của nhà thiết kế)
PHỤ LỤC
H1.1. Tranh Vinh hoa
Nguồn: https://static1.cafeland.vn/cafelandnew/hinh-anh/2020/05/29/144/image-20200529110725-2.jpeg
H1.2. Tranh Đấu vật
Nguồn: http://tranhdangiandongho.vn/san-pham/tranh-dau-vat-226
H1.3. Một số bao bì trong bộ quà tặng hạt dinh dưỡng Kingnuts
Nguồn: SV Dương Thị Phương Anh, sinh viên K13B ngành Thiết kế Đồ họa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW