Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

RÈN LUYỆN MỘT SỐ KỸ THUẬT HÁT CƠ BẢN CHO HỌC SINH LỚP 10 TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LÊ HỒNG PHONG, HUYỆN TÂY HÒA, TỈNH PHÚ YÊN

Kim Lê Hoài Nhân

Học viên K19 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

Trong giảng dạy âm nhạc ở trường Trung học phổ thông, việc rèn luyện kỹ năng hát cơ bản không chỉ giúp học sinh thể hiện đúng giai điệu mà còn góp phần phát triển toàn diện khả năng cảm thụ nghệ thuật, đặc biệt, với học sinh lớp 10. Bài viết này nhằm đề xuất các nội dung cụ thể để giáo viên hướng dẫn học sinh rèn luyện một số kỹ thuật hát cơ bản cho học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.

  1. Tư thế

Để rèn luyện kỹ năng tư thế hát cho HS lớp 10, giáo viên (GV) có thể hướng dẫn học sinh (HS) như sau:

Tư thế đứng hát

GV yêu cầu HS đứng thẳng lưng, đầu ngẩng cao, vai thả lỏng, tay đặt tự nhiên bên hông. GV hướng dẫn HS cách lấy hơi bằng mũi, giữ hơi và hát một đoạn nhạc ngắn.

Tư thế ngồi hát

GV yêu cầu HS ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, đầu ngẩng cao, vai thả lỏng, tay đặt tự nhiên trên đùi. GV hướng dẫn HS cách lấy hơi bằng mũi, giữ hơi và hát một đoạn nhạc ngắn.

Di chuyển trên sân khấu

GV yêu cầu HS di chuyển trên sân khấu theo các động tác đơn giản như đi, chạy, nhảy,… hướng dẫn HS di chuyển nhịp nhàng, tự nhiên, không gây mất tập trung cho người nghe.

Nhìn chung, tư thế hát đúng là một kỹ năng quan trọng đối với HS lớp 10. Việc rèn luyện kỹ năng tư thế hát cho HS lớp 10 cần được thực hiện thường xuyên, kiên trì và có hệ thống.

  1. Hát rõ lời

Đối với HS lớp 10, việc rèn luyện kỹ năng hát rõ lời không chỉ giúp nâng cao chất lượng biểu diễn mà còn góp phần phát triển khả năng phát âm chuẩn, nhấn nhá đúng chỗ và điều chỉnh hơi thở hợp lý khi hát. Đặc biệt, trong tiếng Việt, có nhiều âm có cách phát âm gần giống nhau nhưng nếu không chú ý có thể gây ra sự nhầm lẫn khiến lời hát trở nên khó nghe.

Ví dụ:            ƠI CUỘC SỐNG MẾN THƯƠNG  

         (Trích từ nhịp 1 đến nhịp 27)

Đối với bài hát Ơi cuộc sống mến thương, những từ như “non”, “nho nhỏ”, “líu lo” “này”, “Lời”, nếu phát âm không chính xác sẽ dẫn đến hiện tượng hát sai lời, ảnh hưởng đến nội dung và cảm xúc bài hát. Để khắc phục điều này, GV cần hướng dẫn HS luyện nói chậm từng từ, tách rõ phụ âm đầu, sau đó mới kết hợp vào giai điệu. Ví dụ, với từ “nho nhỏ”, HS cần luyện phát âm âm “n” bằng cách đặt đầu lưỡi chạm nhẹ vào nướu trên phía sau răng cửa rồi mới phát âm nguyên âm sau một cách tròn vành rõ chữ.

  1. Hát legato, hát to, nhỏ…

Trong kỹ thuật hát legato, khi mới tập cần tập với các mẫu khởi động giọng đơn giản để hình thành các thói quen đúng, sau đó mới tăng dần độ khó của các mẫu khởi động giọng. Sau đây, chúng tôi giới thiệu một số mẫu khởi động giọng cho kỹ thuật legato:

 Ví dụ 1: Mẫu khởi động giọng số 1

Áp dụng vào bài hát Đèn cù (Dân ca đồng bằng Bắc Bộ):

Đèn cù có ca từ dí dỏm, mang tính miêu tả sinh động, giai điệu vui tươi, tiết tấu linh hoạt đã tái hiện một cách duyên dáng hình ảnh trò chơi dân gian quen thuộc trong ký ức tuổi thơ. Để thực hiện tốt bài hát này, GV hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung lời ca, luyện hát đúng cao độ, tiết tấu và thể hiện đúng tinh thần vui hoạt của bài. Trước khi hát, cần hướng dẫn HS lấy hơi sâu, mở khẩu hình nhẹ nhàng, đặt vị trí âm thanh phía trước, giữ nét mặt tươi sáng. Vì bài có nhiều câu ngắn, tiết tấu nhanh nên cần chú ý giữ nhịp chắc, tránh gấp gáp, ngắt quãng. Khi hát nốt luyến ở các từ như khéo, ơ, Voi, ngựa, lại, tôi, cái, HS cần giữ hơi đều, hát liền tiếng, cách hát chuyển tiếp liên tục, đều đặn từ âm nọ sang âm kia để tạo nên sự mượt mà, tinh tế của giọng hát.

            Ví dụ 2: Mẫu khởi động giọng số 2

Áp dụng vào bài hát Cò lả (Dân ca đồng bằng Bắc Bộ):

Cò lả mang sắc thái êm dịu, tính chất vui tươi, trong sáng. Đối với bài hát này, GV hướng dẫn HS khi hát cần điều tiết hơi đều đặn với âm thanh êm dịu, ngọt ngào. Miệng mở thoải mái, mềm mại, tự nhiên như đang nói chuyện. Trong bài có sử dụng nhiều luyến láy, khi hát cần thể hiện chuẩn xác để lời ca rõ nghĩa, không bỏ luyến và không luyến thừa nốt.

Áp dụng vào bài hát Lý hoài nam (Dân ca Quảng Trị – Thừa Thiên Huế), GV hướng dẫn HS khi hát cần lấy hơi tại các vị trí có dấu lặng đơn, hít hơi sâu và điều tiết hơi thở một cách đều đặn. Khi hát cần nhấn mạnh hơn vào đầu nhịp. Phát âm rõ ràng, chuẩn xác. Hát đúng tiết tấu đảo phách và xử lý chính xác các âm luyến trong bài. Giữ khẩu hình miệng tự nhiên, thả lỏng cơ hàm, nét mặt luôn tươi tắn, rạng rỡ.

  1. Hát diễn cảm

Đối với HS lớp 10, việc rèn luyện kỹ năng hát diễn cảm không chỉ giúp nâng cao khả năng thanh nhạc mà còn giúp các em phát triển sự tự tin, khả năng cảm thụ âm nhạc cũng như khả năng giao tiếp thông qua biểu đạt cảm xúc trong âm nhạc. Ví dụ, khi thể hiện bài hát Mùa xuân đầu tiên, HS cần hát với tâm lý nhẹ nhàng, trìu mến, đặc biệt chú trọng vào các đoạn chuyển động chậm rãi để thể hiện cảm xúc sâu lắng về một mùa xuân yên bình, đầy hy vọng.

Ví dụ:                  MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

                       (Trích từ nhịp 1 đến nhịp 10, PL2, tr.142)

Trong khi đó, với bài Hành quân xa, cần hát với sự mạnh mẽ, dứt khoát, thể hiện tinh thần kiên cường của những người chiến sĩ hành quân.

  1. Hát đồng đều

Hát đồng đều là kỹ năng quan trọng giúp đảm bảo sự hòa quyện giữa các giọng hát trong tập thể, đặc biệt cần thiết trong các bài hát có phần bè hoặc hợp xướng. Để đạt được sự đồng đều trong ca hát, GV cần tổ chức luyện tập theo nhóm, chia giọng phù hợp và hướng dẫn HS chú ý lắng nghe lẫn nhau khi hát.

Ví dụ :                             CÁNH ĐỒNG YÊN TĨNH

  (Trích từ nhịp 1 đến nhịp 2, PL2, tr.134)

Khi thể hiện bài Cánh đồng yên tĩnh, bên cạnh việc hát đúng giai điệu và thể hiện được vẻ đẹp thanh bình, HS cần luyện tập để đạt được sự đồng đều giữa các giọng hát. Bài hát có phần chia bè rõ ràng cho nữ 1, nữ 2 và nam, vì vậy GV cần hướng dẫn HS cách lấy hơi phù hợp giữa các bè vào câu cùng thời điểm và giữ cường độ hát vừa phải, tránh để một giọng át hoặc lệch nhịp so với các giọng còn lại. GV nên tổ chức cho HS luyện theo từng tổ, sau đó hát ghép dần theo nhóm và toàn lớp, kết hợp phản hồi chéo giúp các em điều chỉnh kịp thời. Khi HS hát đồng đều, bài hát sẽ trở nên mềm mại, sâu lắng và có sức truyền cảm cao hơn. Đây không chỉ là kỹ năng biểu diễn mà còn góp phần rèn luyện cho HS tinh thần kỷ luật, kỹ năng lắng nghe và phối hợp tập thể trong âm nhạc.

  1. Hát kết hợp vận động

Trong quá trình giảng dạy, GV có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để hướng dẫn HS hát kết hợp vận động một cách hiệu quả. Một trong những phương pháp phổ biến là hướng dẫn HS thực hiện các động tác vận động theo trình tự lời bài hát. Chẳng hạn, khi dạy bài Màu cờ tôi yêu, GV có thể yêu cầu HS vẫy tay nhịp nhàng theo nhịp bài hát hoặc thực hiện động tác giơ tay lên cao để thể hiện niềm tự hào khi nhắc đến hình ảnh lá cờ tổ quốc. Bằng cách này, HS sẽ dễ dàng cảm nhận được tinh thần bài hát và biểu đạt cảm xúc một cách rõ ràng hơn.

            Ví dụ 1: bài hát Màu cờ tôi yêu

Ngoài ra, một phương pháp khác cũng rất hiệu quả là hướng dẫn vận động theo hình tượng biểu hiện trong bài hát.

            Ví dụ 2: bài hát Hành quân xa

Với bài Hành quân xa, GV có thể yêu cầu HS mô phỏng bước chân hành quân bằng cách nhún chân theo nhịp mạnh mẽ của bài hát. Điều này giúp HS không chỉ nắm vững tiết tấu mà còn cảm nhận được sự hào hùng, mạnh mẽ của ca khúc. Việc liên kết động tác với cảm xúc của bài hát không chỉ giúp HS dễ dàng ghi nhớ lời ca, giai điệu mà còn tăng khả năng thể hiện bài hát một cách tự nhiên, truyền cảm hơn.

Bên cạnh những bài hát có nhịp điệu sôi động, những bài hát nhẹ nhàng như Cánh đồng yên tĩnh hay Hát ru cũng có thể kết hợp với vận động tinh tế, nhẹ nhàng. GV có thể hướng dẫn HS thực hiện những động tác tay uyển chuyển, mô phỏng hình ảnh thiên nhiên hoặc động tác đung đưa nhịp nhàng để phù hợp với giai điệu êm ái của bài hát. Đối với những bài hát mang tính dân gian như Cò lả, GV có thể khuyến khích HS thực hiện các động tác múa nhẹ nhàng theo phong cách dân ca, giúp HS không chỉ rèn luyện khả năng hát mà còn hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc.

Kết luận

Việc rèn luyện kỹ thuật hát cơ bản cho HS lớp 10 Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học Âm nhạc tại nhà trường. Các kỹ năng như tư thế hát, hát rõ lời, hát legato, điều chỉnh cường độ, hát diễn cảm, hát đồng đều và hát kết hợp vận động không chỉ giúp HS hát đúng, hát hay mà còn phát triển toàn diện năng lực biểu cảm, khả năng cảm thụ và tinh thần làm việc nhóm. Để đạt được hiệu quả, GV cần áp dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và trình độ của HS. Quá trình rèn luyện cần được tổ chức một cách thường xuyên, có hệ thống, qua đó, HS không chỉ làm chủ giọng hát mà còn nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, góp phần hình thành nhân cách hài hòa, giàu cảm xúc và bản lĩnh tự tin trong giao tiếp cũng như trong các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Phương pháp dạy học âm nhạc (Giáo trình đào tạo GV bậc THCS hệ Cao đẳng Sư phạm), Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Trần Thị Khanh (2019), Dạy học hát cho học sinh lứa tuổi 14-15 tại Trung tâm phát triển Nghệ thuật Ánh Huyền, Quận Hà Đông, Hà Nội, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  4. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp giảng dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa Hà Nội.
  5. Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Tố Mai (tái bản 2024), Giáo trình Phương pháp dạy học âm nhạc theo phát triển năng lực, lưu hành nội bộ Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  7. Phạm Thị Tố Quyên (2022), Dạy học hát phát triển năng lực cho học sinh lớp 6 tại trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  8. Hoàng Quốc Tuấn (2014), Một số giải pháp xử lý ngữ âm tiếng Việt trong ca khúc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.