HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH KỸ THUẬT TRỐNG BẢN CHO SINH VIÊN NĂM NHẤT TRƯỜNG ĐẠI HỌC FPT
Nguyễn Trương Đức
Học viên K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Trống Bản là nhạc cụ gõ đóng vai trò quan trọng trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Đối với việc giảng dạy nhạc cụ truyền thống nói chung và trống Bản nói riêng, rèn luyện kỹ thuật cơ bản ngay từ những buổi học đầu tiên là một trong những yếu tố quyết định việc hình thành nền tảng vững chắc cho người học. Bài viết này trình bày một số hướng dẫn kỹ thuật cơ bản từ rèn luyện tư thế đúng, cách cầm dùi và giữ độ cao tay phù hợp, cũng như các phương pháp luyện tập âm hình tiết tấu từ cơ bản đến phức tạp, rèn luyện một số kỹ thuật Tùng, Tang, Cắc, Rụp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy trống Bản cho sinh viên năm thứ nhất tại Trường Đại học FPT.
Rèn luyện tư thế chơi trống Bản
Tư thế đứng, ngồi, xác định khoảng cách giữa người chơi với trống là yếu tố đầu tiên cần được thực hiện. giảng viên (GV) cần hướng dẫn sinh viên (SV) xác định vị trí đứng/ngồi ở giữa trung tâm trống, đảm bảo khoảng cách vừa đủ để cánh tay vận động tự do, không gò bó. Khoảng cách lý tưởng có thể điều chỉnh theo vóc dáng từng SV bằng cách duỗi thẳng hai tay chạm vào mặt sau của trống.
Khi chơi, SV cần giữ tư thế thả lỏng, lưng thẳng, vai buông tự nhiên, cánh tay mở hờ, hai chân rộng bằng vai, đầu gối hơi khuỵu để giữ thăng bằng và tăng tính linh hoạt. Tuyệt đối không bắt chéo chân, gác chân. Trọng tâm dồn đều lên hai chân, tránh nghiêng lệch, giúp hạn chế tổn thương cột sống và khớp. GV giữ vai trò quan sát, nhắc nhở thường xuyên để SV không sai tư thế, đồng thời giúp các em hình thành thói quen vận động mềm mại, nhẹ nhàng trong khi chơi trống.
- Tư thế tay và cách cầm dùi trống
Tư thế tay và phương pháp cầm dùi là nền tảng quan trọng trong việc phát triển kỹ năng chơi trống. GV cần phổ biến kỹ thuật cầm dùi theo ba bước cơ bản:
Ở tư thế tay, GV hướng dẫn SV xác định độ dài của dùi trống và tìm điểm khoảng 1/3 của dùi để cầm hướng vào bên trong, 2/3 còn lại sẽ là đầu dùi, tiếp xúc với trống. Tiếp theo SV ngửa bàn tay, đặt dùi vào lòng bàn tay sao cho điểm tiếp xúc nằm ở đốt đầu tiên ngón tay trỏ, ngón cái ốp vào với đầu ngón tay trỏ rồi ôm gọn cả bàn tay vào dùi trống. Và cuối cùng, sau khi cầm dùi trong lòng bàn tay, SV xoay cổ tay úp xuống khoảng 45 độ để thực hiện đánh trống.
Đối với việc cầm rùi, cổ tay không nên giơ quá cao hay thấp, đảm bảo đủ lực đánh từ cả cánh tay và cổ tay, đồng thời tránh gây mỏi hoặc chấn thương. GV cần thường xuyên theo dõi và chỉnh sửa cho SV, đặc biệt trong giai đoạn đầu, khi các em còn phụ thuộc nhiều vào ghi chú thay vì cảm nhận tư thế một cách tự nhiên. Việc chia nhỏ bài học, luyện từng đoạn sẽ giúp SV định vị tay dễ hơn trong quá trình chuyển tiết tấu hoặc thay đổi vị trí tay phức tạp.
- Luyện tập âm hình tiết tấu
3.1. Luyện tiết tấu cơ bản
Các âm hình tiết tấu đơn như nốt tròn (4 phách), nốt trắng (2 phách), nốt đen (1 phách) cần được GV hướng dẫn cụ thể, kết hợp sử dụng metronome để tạo nhịp đều. SV thực hành gõ theo từng tay, sau đó ghép hai tay. Việc luyện tập này giúp SV làm quen với nhịp điệu cơ bản và cách kiểm soát lực gõ từ cổ tay và cánh tay.
3.2. Luyện tiết tấu sole hai tay
Khi đã làm chủ tiết tấu cơ bản, SV chuyển sang luyện các bài tiết tấu sole giữa hai tay, đan xen nốt đen, trắng và tròn. GV lưu ý SV thực hiện luyện bài tập tiết tấu này đúng nhịp, đúng trường độ, luôn giữ tư thế cổ tay, cánh tay đều nhau, độ cao giữa tay và mặt trống vừa phải. SV thực hiện nhấc từng nốt, ngắt nghỉ từng đoạn đúng phách đề tạo nên âm thanh liền mạch, chỉ chuyển động cổ tay khi cần thiết, đảm bảo việc tiếp xúc giữa dùi và mặt trống được dứt khoát.
3.3. Luyện tiết tấu phức tạp
Việc luyện các âm hình tiết tấu phức tạp như chùm 3, 4 nốt kép, hoặc tổ hợp nốt đơn – kép đòi hỏi SV có nền tảng lý thuyết vững và phản xạ tốt với nhịp phách. GV cần thực hiện thị phạm kỹ lưỡng, hướng dẫn SV luyện từng tay, sử dụng phương pháp chậm – đúng – đều – tăng tốc để đạt được hiệu quả. Việc kết hợp gõ tay trên bàn khi không có trống cũng là cách giúp SV luyện tập thường xuyên hơn.
3.4. Hướng dẫn rèn luyện các kỹ thuật cơ bản
Trong quá trình giảng dạy trống Bản tại Đại học FPT, việc hướng dẫn SV luyện tập kỹ thuật cần được triển khai bài bản, khoa học và phù hợp với trình độ người học. Dưới đây là các bước cụ thể để rèn luyện từng kỹ thuật cơ bản, bao gồm: Tùng, Tang, Cắc, Chát và Rụp, năm kỹ thuật nền tảng trong nghệ thuật trình diễn trống Bản.
Kỹ thuật Tùng
Tùng nổi bật với âm thanh trầm, vang, có lực; thường được dùng để mở đầu, dẫn nhịp hoặc tạo cao trào trong tiết tấu.
Khi luyện tập kỹ thuật Tùng, GV hướng dẫn SV đứng vững, giữ lưng thẳng, chân rộng bằng vai; cầm dùi chắc tay nhưng không cứng, đảm bảo độ linh hoạt ở cổ tay. SV gõ vào chính giữa mặt trống với lực vừa phải, sau khi gõ phải nhấc dùi lên dứt khoát để âm được vang tròn. SV tập đánh từng tiếng một, sau đó chuyển sang chuỗi ba tiếng có nhịp đều và có thể kết hợp với đếm nhịp, sử dụng metronome để kiểm soát tốc độ và lực đánh.
Kỹ thuật Tang
Kỹ thuật Tang với âm thanh cao, sắc và nhẹ, thường dùng tạo điểm nhấn, biến hóa tiết tấu.
Để thực hiện kỹ thuật Tang, GV hướng dẫn SV gõ nhẹ vào vành hoặc rìa mặt trống, tạo ra âm thanh cao, sắc, ngắn gọn.
Để thực hiện kỹ thuật Tang đạt yêu cầu, GV hướng dẫn SV chú ý cần nắm vững ba yếu tố cơ bản: vị trí gõ, kỹ thuật cầm dùi, và cách điều tiết lực. GV luôn làm mẫu và hướng dẫn SV luyện từng tay riêng biệt, sau đó kết hợp hai tay với nhịp đơn giản; khuyến khích luyện theo các mẫu tiết tấu có xen kẽ kỹ thuật Tang và Tùng để tăng khả năng phối hợp.
Kỹ thuật Cắc
Kỹ thuật Cắc với âm thanh khô, ngắn, gọn – đóng vai trò như điểm “ngắt” trong chuỗi tiết tấu.
Về mặt kỹ thuật, GV giới thiệu và làm mẫu kỹ thuật Cắc để SV quan sát. Kỹ thuật Cắc được thực hiện bằng đầu dùi, chạm nhanh vào vùng mép ngoài mặt trống hoặc vành trống. Ở đây, SV không dùng lực dồn từ bắp tay mà khéo léo kiểm soát cổ tay và ngón tay, tạo ra âm thanh ngắn, khô, sắc nét và không ngân vang kéo dài như các tiếng Tang hay Chát. Điều tưởng chừng đơn giản lại đòi hỏi sự nhuần nhuyễn cao: nếu lực quá nhẹ, tiếng Cắc sẽ bị lu mờ giữa các âm khác; nếu quá mạnh hay quá chậm, âm thanh sẽ biến dạng, mất đi độ “cắt” cần thiết.
Kỹ thuật Chát
Kỹ thuật Chát nổi bật với âm mạnh, ngắn nhưng mềm mại hơn Tùng, thường dùng để kết câu hoặc chuyển nhịp.
Để đạt được âm Chát chính xác và giàu sức biểu cảm, GV cần làm mẫu và hướng dẫn SV thực hiện đúng một số yêu cầu: Cầm dùi chắc tay, thả lỏng cổ tay để linh hoạt khi bật dùi sau cú gõ; Gõ đồng thời hai dùi vào hai bên mép trống hoặc nhẹ nhàng lệch nhau để tạo hiệu ứng stereo nhẹ; Dùng lực dứt khoát nhưng không thô, nhấn nhanh vào mặt trống rồi bật ra ngay lập tức. Với kỹ thuật Chát, SV cần gõ một dùi chính xác, đảm bảo âm thanh ngắn gọn, mạnh, bật dùi ngay lập tức để tiếng trống không bị “đè” hoặc “đuối”.
Kỹ thuật Rụp
Tiếng Rụp phải thể hiện được sự nhẹ nhàng, khiêm tốn, đều đặn, tạo sự cân bằng cho toàn bộ bản nhạc.
GV hướng dẫn cách thực hiện kỹ thuật Rụp cho SV theo một số bước như sau:
– Tư thế và động tác: SV cầm dùi trống nhẹ nhàng, cổ tay thả lỏng hoàn toàn đặt hờ lên mặt trống. Gõ chạm mặt trống với lực tối thiểu, không nhấc dùi lên cao mà gần như chỉ “đặt” và “nhấc” nhẹ ra. Khi chơi trống, SV cần đánh vào vùng trung tâm hoặc gần biên để âm thanh trầm đục, ít vang.
Trong khi tập luyện, GV cần lưu ý một số vấn đề cho SV như: Tai phải nghe, phân biệt rõ từng mức độ âm lượng để điều chỉnh hai tay sao cho đúng ý tưởng tác phẩm; Luôn giữ cho lực tay mềm mại, không đánh theo phản xạ cứng nhắc; GV cần hướng SV tập luyện trong môi trường yên tĩnh để nghe rõ sự thay đổi sắc thái âm thanh, sau dần hình thành phản xạ đôi tay.
Có thể nói, rèn luyện kỹ thuật cơ bản trong giảng dạy trống Bản cho SV không chuyên tại Đại học FPT là một quá trình cần sự kiên trì, khoa học và có phương pháp. Qua việc tuân thủ tư thế chuẩn, luyện tập cách cầm dùi đúng, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận cơ thể, và thực hành tiết tấu từ đơn giản đến phức tạp, SV có thể dần hình thành kỹ năng vững vàng. Theo sát, điều chỉnh kịp thời cho SV từ phía GV là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng dạy và học nhạc cụ truyền thống trong môi trường đại học hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Trương Thị Thu Hà, Giảng dạy nhạc chèo truyền thống cho chuyên ngành Gõ dân tộc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Lê Huy, Minh Hiến (1994), Nhạc khí truyền thống Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Nhung (1998), Nhạc khí Gõ và trống Đế trong Chèo truyền thống, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội.
- Nguyễn Chí Vũ (1987), Nghiên cứu nguồn gốc một số nhạc cụ Gõ Việt Nam, Luận án Phó tiến sỹ nghệ thuật học chuyên ngành Âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/nhạccụgõ (truy cập ngày 20/08/2024)