RÈN LUYỆN KỸ NĂNG HÁT HỢP XƯỚNG CHO HỌC SINH LỚP 6 TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC VINSCHOOL THE HARMONY QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Học viên Trần Thị Nhật Ánh
Lớp K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Hát hợp xướng là một trong những hình thức biểu diễn âm nhạc tập thể mang tính giáo dục toàn diện, giúp học sinh ( H)S không chỉ phát triển kỹ năng thanh nhạc mà còn rèn luyện tinh thần kỷ luật, khả năng làm việc nhóm và cảm thụ nghệ thuật. Đối với HS lớp 6 – lứa tuổi đang dần định hình khả năng cảm nhận và thể hiện âm nhạc, việc rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục âm nhạc ở nhà trường. Tại Trường Trung học Vinschool The Harmony, hoạt động này được chú trọng như một phương tiện để nuôi dưỡng cảm xúc, phát triển thẩm mỹ và khơi dậy niềm yêu thích âm nhạc cho HS. Bài viết này nhằm đề xuất các nội dung cụ thể để giáo viên (GV) hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng bao gồm hát chính xác, hát đồng đều, hòa giọng, hát rõ lời, hát có sắc thái, diễn cảm, hát kết hợp với trò chơi, vũ đạo, hát kết hợp với nhạc đệm.
1. Hát chính xác
Hát chính xác là một yếu tố quan trọng trong hợp xướng, quyết định đến chất lượng tổng thể của tác phẩm. Khi một bài hợp xướng có nhiều bè, việc từng giọng hát phải thể hiện đúng cao độ, tiết tấu và sắc thái âm nhạc là điều cần thiết để tạo nên sự hòa quyện trong tổng thể âm thanh. Nếu một hoặc nhiều giọng hát sai lệch cao độ hoặc tiết tấu, tác phẩm sẽ mất đi sự đồng đều, làm giảm tính nghệ thuật và cảm xúc của bài hát. Vì vậy, GV cần chú trọng đến việc rèn luyện khả năng hát chính xác ngay từ những buổi học đầu tiên.
Trong quá trình giảng dạy, GV cần hướng dẫn HS luyện tập theo từng bè giọng để đảm bảo sự chính xác trước khi ghép toàn bộ dàn hợp xướng. Khi HS nắm vững phần hát của mình, các em sẽ tự tin hơn khi phối hợp với các bè khác, tránh bị ảnh hưởng bởi những giọng hát xung quanh. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như đàn piano, phần mềm nhận diện giọng hát hoặc máy ghi âm có thể giúp HS kiểm tra lại phần thể hiện của mình và điều chỉnh những lỗi sai một cách kịp thời.
Để duy trì độ chính xác trong hát hợp xướng, việc kiểm tra cá nhân cũng rất quan trọng. GV có thể tổ chức các buổi kiểm tra từng HS để xác định những điểm cần cải thiện, từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Nếu một HS hát sai cao độ hoặc tiết tấu, GV cần giúp em nhận ra lỗi sai, hướng dẫn các em điều chỉnh lại giọng hát bằng các bài tập luyện thanh hoặc tập riêng với nhạc cụ.
2. Hát đồng đều, hòa giọng
HS cần học cách lắng nghe giọng hát của các bạn trong nhóm, cảm nhận được sắc thái âm thanh chung và điều chỉnh âm lượng của mình sao cho phù hợp. Khi tất cả các giọng hát được phối hợp nhuần nhuyễn, dàn hợp xướng sẽ có một màu sắc âm thanh đẹp, thống nhất, mang lại hiệu ứng âm nhạc chất lượng cao. Khi các giọng hát đều đạt được độ chính xác về cao độ, dàn hợp xướng sẽ có sự gắn kết chặt chẽ hơn, giúp bài hát trở nên tròn trịa và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Ví dụ: Here I Am, Lord
(Trích)
Chẳng hạn, trong bài hợp xướng Here I Am, Lord, việc hát đồng đều và hòa giọng được thể hiện rõ ràng qua phần điệp khúc nổi bật: “Here I am, Lord. Is it I, Lord? I have heard you calling in the night…”. Ở đoạn này, các bè giọng cùng thể hiện một giai điệu thống nhất, nhưng có sự phân chia bè nhẹ nhàng ở phần đệm và ngân dài.
3. Hát rõ lời
Đối với hát hợp xướng, việc phát âm chuẩn xác không chỉ giúp khán giả dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa bài hát mà còn đảm bảo sự đồng đều giữa các giọng bè, tạo nên sự gắn kết trong tổng thể âm thanh.
Trong tiếng Việt, sáu thanh điệu có vai trò quyết định đến sự rõ ràng và chính xác của lời hát. Khi hát, việc phát âm đúng thanh điệu không chỉ giúp giữ nguyên ý nghĩa của câu hát mà còn ảnh hưởng đến cách xử lý giai điệu. Một số từ cần phải ngân dài ở phần nguyên âm, một số khác lại cần ngắt âm dứt khoát, hoặc có những âm đệm đòi hỏi sự phát âm gọn gàng để giữ đúng nhịp điệu của bài hát.
Bên cạnh đó, đối với hát rõ lời trong tiếng Anh, các từ có hai âm tiết trở lên luôn có một âm tiết phát âm khác biệt hẳn so với những âm tiết còn lại về độ dài, độ lớn và độ cao. Âm tiết nào được phát âm to hơn, giọng cao hơn và kéo dài hơn các âm khác trọng cùng một từ thì ta nói âm tiết đó đươc nhấn trọng âm. Hay nói cách khác, trọng âm rơi vào âm tiết đó. Trong một câu, những từ được nhấn trọng âm thì thường phát âm to hơn và chậm hơn những từ còn lại. Trọng âm câu rất quan trọng, vì khi hát, từ mà người hát nhấn trọng âm cũng như cách mà họ đánh trọng âm vào cùng một từ có thể làm thay đổi hoàn toàn nghĩa hàm chứa trong câu hát.
4. Hát có sắc thái, diễn cảm
Trong một bài hợp xướng, mỗi bè giọng có một vai trò riêng, không phải lúc nào cũng hát với cường độ ngang nhau. Khi bè chính đảm nhận giai điệu chủ đạo, những bè khác cần giảm bớt âm lượng để tạo sự hỗ trợ, giúp làm nổi bật chủ đề chính của bài hát. Ngược lại, nếu tất cả các bè cùng hát với âm lượng quá lớn, bài hát sẽ trở nên rối rắm, mất đi sự cân bằng cần thiết. Đây là lý do tại sao sự phối hợp giữa các bè là yếu tố quan trọng giúp dàn hợp xướng thể hiện được sự tinh tế trong sắc thái. Bên cạnh sự điều chỉnh về cường độ, sắc thái của bài hợp xướng cũng thể hiện qua sự thay đổi linh hoạt về nhịp độ. Nếu một đoạn nhạc có nhịp điệu đều đặn, ổn định, dàn hợp xướng cần duy trì sự chắc chắn, không làm thay đổi đột ngột về tốc độ để đảm bảo tính nhịp nhàng của bài hát.
Ví dụ trong bài Dreamer, đoạn mở đầu với câu hát: “When you come to the end of a beautiful dream…”. Toàn bộ phần này được thể hiện trong sắc thái mp (mezzo piano), thể hiện tâm trạng hồi tưởng, mơ màng. GV cần hướng dẫn HS hát với âm lượng nhẹ vừa, không đè nén giọng, âm thanh vang mềm để tạo cảm giác trầm lắng. HS có thể luyện tập hát câu này với khẩu hình mở vừa, kiểm soát hơi thở, tránh hát nhỏ quá mức làm mất độ vang.
Việc luyện tập sắc thái và diễn cảm trong hát hợp xướng không chỉ giúp bài hát trở nên hấp dẫn hơn mà còn giúp các thành viên phát triển khả năng kiểm soát giọng hát, tăng cường sự kết nối trong dàn hợp xướng. Khi mỗi thành viên hiểu được vai trò của mình trong việc tạo ra sự hòa hợp về sắc thái, bài hát sẽ có được sự cân bằng và độ sâu về cảm xúc.
5. Hát kết hợp với các yếu tố bổ trợ khác
Hát kết hợp với trò chơi, vũ đạo
Hát kết hợp với trò chơi hoặc vũ đạo là một phương pháp giúp tăng sự tương tác giữa các thành viên trong dàn hợp xướng cũng như giữa người biểu diễn và khán giả. Trong quá trình học và trình diễn, việc đưa vào các động tác tay, bước chân hoặc sự di chuyển nhẹ nhàng theo nhịp điệu giúp bài hát có sức sống hơn, tránh sự đơn điệu khi chỉ đứng yên một chỗ để hát. Đối với HS, phương pháp này không chỉ làm tăng sự hứng thú mà còn hỗ trợ trong việc ghi nhớ nhịp điệu, lời ca và sắc thái âm nhạc một cách tự nhiên hơn. Những bài hát có giai điệu vui tươi, tiết tấu nhanh thường được kết hợp với những động tác đơn giản như vỗ tay, xoay người hoặc lắc nhẹ cơ thể theo nhịp nhạc. Đối với những tác phẩm mang tính chất trang trọng hoặc sâu lắng, các động tác có thể được tiết chế để giữ được sự tinh tế và trang nghiêm của bài hát.
Bên cạnh đó, trò chơi âm nhạc cũng có thể được kết hợp trong quá trình luyện tập hợp xướng. Một số trò chơi như “bắt nhịp”, “nhảy theo giai điệu” có thể giúp các thành viên trong dàn hợp xướng làm quen với nhau, rèn luyện khả năng giữ nhịp và phản xạ âm nhạc tốt hơn. Những hoạt động này không chỉ giúp không khí lớp học trở nên sôi động mà còn nâng cao tinh thần đồng đội, giúp các thành viên phối hợp ăn ý hơn trong quá trình biểu diễn.
Hát kết hợp với nhạc đệm
Một trong những yếu tố bổ trợ quan trọng trong hát hợp xướng chính là phần nhạc đệm. Nhạc đệm không chỉ giúp giữ nhịp, hỗ trợ cao độ mà còn tạo ra một nền âm thanh phong phú hơn cho phần trình diễn. Khi hát có nhạc đệm, các giọng hát trong dàn hợp xướng có thể dễ dàng điều chỉnh cao độ, tiết tấu và sắc thái theo dòng chảy của bản nhạc. Nhạc đệm có thể được thực hiện bằng piano, guitar, violin hoặc dàn nhạc giao hưởng, tùy theo tính chất và phong cách của bài hát. Đối với những tác phẩm hợp xướng hiện đại, nhạc điện tử cũng có thể được sử dụng để tạo ra những hiệu ứng âm thanh mới lạ, giúp bài hát trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nhạc đệm còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc của bài hát. Một phần nhạc đệm được chơi với tiết tấu nhẹ nhàng sẽ giúp bài hát mang cảm giác bay bổng, thư thái, trong khi những phần đệm có tiết tấu nhanh và mạnh sẽ tạo ra sự kịch tính và sôi động hơn. Khi kết hợp với nhạc đệm, HS cần chú ý lắng nghe để hòa nhịp một cách tự nhiên, tránh bị cuốn theo giai điệu mà mất đi sự kiểm soát trong giọng hát.
Kết luận
Việc rèn luyện kỹ năng hát hợp xướng cho HS lớp 6 tại Trường Trung học Vinschool The Harmony không chỉ là quá trình trang bị kiến thức âm nhạc mà còn là nền tảng nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ, phát triển năng lực làm việc nhóm và tinh thần kỷ luật cho các em. Thông qua các nội dung cụ thể như hát chính xác, hát đồng đều – hòa giọng, hát rõ lời, hát có sắc thái – diễn cảm và kết hợp với các yếu tố bổ trợ như trò chơi, vũ đạo, nhạc đệm, GV có thể hướng dẫn HS từng bước tiếp cận và hoàn thiện kỹ năng hát hợp xướng một cách toàn diện
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Bách (2023), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh.
- Trần Tâm Đan (2011), Phát triển Hát hợp xướng ở trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân – Thành phố Nam Định, Luận văn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Âm nhạc, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
- Hoàng Điệp (Chủ biên) (2012), Hợp xướng, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Vũ Thị Hồng Hạnh (2007), Hướng dẫn dạy hát hợp xướng cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
- Lê Vinh Hưng (2016), Nghệ thuật hợp xướng trong sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- Lê Vinh Hưng, Phạm Hoàng Trung (2017), Tài liệu hát Hợp xướng hệ Đại học Sư phạm âm nhạc/thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.
- Lê Vinh Hưng (2020), Hợp xướng Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
- Lê Vinh Hưng (2020), Giáo trình Chuyển soạn cho Hợp xướng (Dành cho bậc Đại học Sư phạm Âm nhạc), Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Liên, (2009), Hát hợp xướng cho trẻ em, Nxb Giáo dục, Hà Nội.