Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÒA TẤU NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN

 Tạ Thị Diệp

                 Học viên K18 – chuyên ngành LL&PPDH Âm nhạc

 Việc sinh viên có thể hiện được tốt một tác phẩm hòa tấu, biểu đạt đúng yêu cầu của tác phẩm về các phương diện: giai điệu, hòa thanh, tiết tấu, tình cảm… phụ thuộc rất nhiều vào sự hướng dẫn của giảng viên bằng một quy trình dạy học với những biện pháp phù hợp. Đây là một trong những công việc rất quan trọng, nếu các biện pháp đưa ra có tính thực tiễn, khoa học, phù hợp với đối tượng học, sẽ là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sự thành công cho sinh viên khi thực hiện hòa tấu nhạc cụ truyền thống. Bài viết này đề xuất các biện pháp: Phân tích tác phẩm phục vụ cho dạy học hòa tấu; Xây dựng quy trình dạy học hòa tấu; Hướng dẫn thực hành hòa tấu cho sinh viên.

 1.Phân tích tác phẩm phục vụ cho dạy học hòa tấu

Để đạt được hiệu quả trong việc hòa tấu, yêu cầu sinh viên (SV) phải hiểu và có cảm nhận đúng về tác phẩm. Do vậy, giảng viên (GV) cần giới thiệu và phân tích cho SV hiểu về tính chất âm nhạc cũng như cấu trúc của tác phẩm. Mục đích của việc làm này giúp SV nắm được một cách đầy đủ và sâu sắc các yếu tố cơ bản về tác phẩm, từ đó giúp các em dễ dàng hơn trong việc: xử lý câu nhạc, sắc thái tình cảm, các kỹ thuật về nhạc cụ. Tránh tình trạng SV chỉ hoàn thiện về phần nốt, mà quên đi các vấn đề liện quan tới tác phẩm. Từ quan điểm như vừa nêu, chúng tôi tiến hành giới thiệu, phân tích các yếu tố cơ bản của các câu, đoạn nhạc trong tác phẩm, đây cũng là một thay đổi trong phương pháp giảng dạy, bởi nhiều GV thường bỏ qua hoặc chỉ lướt qua, mà không chú trọng đến việc làm này.

Chẳng hạn khi hướng dẫn SV hòa tấu tác phẩm Đi cấy, chúng tôi giới thiệu lại cho các em tính chất âm nhạc, việc phân ngắt đoạn, câu nhạc trong tác phẩm. Đi cấy là tác phẩm nằm trong Tổ hợp Múa đèn (gồm 10 bài) của dân ca Thanh Hóa. Nội dung lời ca phản ánh về công việc đi cấy dưới trăng của người nông dân. Bài dân ca có tính chất vui tươi, rộn ràng; giai điệu tha thiết, tình cảm. Do đó, khi thể hiện tác phẩm, các em cần nắm bắt được tính chất âm nhạc để thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm, cũng như phong thái biểu diễn.

Đi cấy được viết ở dạng đoạn nhạc có hai câu không nhắc lại. Câu thứ nhất có độ dài 9 nhịp, tính chất âm nhạc sôi nổi, vui tươi. Mỗi ca từ ứng với một nốt nhạc.

Ví dụ 1:         

ĐI CẤY

Dân ca Thanh Hóa (trích câu 1, từ ô nhịp 1 – 9)

Câu thứ hai gồm 11 nhịp, không sử dụng chất liệu của câu nhạc thứ nhất. Tính chất âm nhạc của câu 2 thay đổi cùng sự mềm mại, duyên dáng hơn, mỗi ca từ có thể ứng với nhiều nốt nhạc. Tuy có sự khác nhau về chất liệu âm nhạc, nhưng hai câu nhạc lại có sự hòa quyện tạo nên sự phát triển mang tính logic cho tác phẩm.

Ví dụ 2:         

ĐI CẤY

Dân ca Thanh Hóa (trích câu 2, từ ô nhịp 11 – 21)

Cùng với việc giới thiệu cấu trúc, tính chất âm nhạc cho SV, GV yêu cầu SV đánh dấu các điểm ngắt câu trên bản phổ. Việc làm này sẽ là bước đầu cho những hướng dẫn thực hành hòa tấu.

Tính chất âm nhạc là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định trong việc thể hiện tác phẩm âm nhạc. Việc phân tích và chỉ ra tính chất âm nhạc của các câu, đoạn nhạc trong tác phẩm của GV sẽ giúp SV thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế hơn trong quá trình học hoà tấu tác phẩm truyền thống.

2. Xây dựng quy trình dạy học hòa tấu

Bước 1: Giới thiệu tác phẩm. GV giới thiệu hoàn cảnh ra đời, đặc điểm âm nhạc, tính chất biểu cảm và vai trò của từng nhạc cụ trong hòa tấu.

Bước 2: Phân nhóm luyện tập. Tùy vào nhạc cụ, SV được phân theo từng nhóm để luyện tập: nhạc cụ giai điệu, nhạc cụ tiết tấu, nhạc cụ hòa âm. Mỗi nhóm nhạc cụ tiến hành luyện tập kỹ thuật riêng.

Bước 3: Kết hợp nhóm và xây dựng tương tác âm nhạc. Sau khi tập từng phần đã vững, các nhóm bắt đầu ghép bài, luyện tập hòa tấu tổng thể. GV hướng dẫn SV cách giữ nhịp, điều chỉnh cường độ, thể hiện biểu cảm sắc thái, cường độ… Đây là giai đoạn rèn luyện khả năng phối hợp nhóm.

Bước 4: Tổng duyệt và đánh giá. SV trình diễn tác phẩm trong không gian lớp học, mô phỏng sân khấu nhỏ. GV tiến hành đánh giá dựa trên tiêu chí: độ chính xác kỹ thuật, khả năng phối hợp, cảm xúc âm nhạc và tính sáng tạo. Đồng thời, SV được khuyến khích tự phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm học tập.

2.2.3. Hướng dẫn thực hành hòa tấu

Sau khi giới thiệu cho SV các yếu tố có liên quan đến tác phẩm, GV lắng nghe, chỉnh sửa và hướng dẫn hòa tấu các nhạc cụ. Quá trình thực hành hòa tấu gồm các bước:

Bước 1: Thực hành đúng cao độ và tiết tấu

Với SV năm nhất, vì độ nhanh nhạy và thao tác trong kỹ thuật còn gặp nhiều hạn chế. Do đó, bắt tay vào luyện tập hòa tấu, không khỏi lúng túng vì không lắng nghe được nhau, còn rụt rè; không đánh to, rõ nét dẫn đến âm thanh bị mờ, không đúng tính chất tác phẩm.

Hạn chế đầu tiên mà SV bộc lộ ra, khi tham gia hòa tấu là nhiều em còn chơi sai nốt, sai cao độ và tiết tấu. Chẳng hạn với tác phẩm Tam pháp nhập môn, do dung lượng bài ngắn, nên GV thường cho SV chơi quay đi quay lại 2 lần. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, chúng tôi nhận thấy ở lần 2 nhắc lại, SV thường không vào được chính xác nhịp sau phách nghỉ (). Nhiều SV lúng túng về nhịp phách, kéo theo việc bị loạn khi kết hợp cùng nhau.

Ví dụ 3:

TAM PHÁP NHẬP MÔN

(Trích từ ô nhịp 1 – 7)

Do đó, GV cần kiểm tra từng SV xem có thực hiện đúng cao độ và tiết tấu theo giai điệu hay không. Sau đó, GV tiến hành ghép từng cặp nhạc cụ, rồi dần mở rộng ra toàn bộ nhóm để các em làm quen với việc lắng nghe và phối hợp. Sau khi từng phần được luyện kỹ, GV cho ghép bài từ đoạn nhỏ đến đoạn lớn, từng bước tăng tốc độ và yêu cầu đúng sắc thái. Quá trình này giúp SV loại bỏ tâm lý sợ sai, hình thành sự chủ động trong khi hòa tấu.

Bước 2: Thể hiện sắc thái, tình cảm riêng từng bè

Một tác phẩm hoàn thiện, người biểu diễn phải đảm bảo về tính chất âm nhạc cũng như phong thái của người trình diễn. Do đó, khi dạy các tác phẩm hòa tấu GV cần chú ý để hướng dẫn, chỉnh sửa và cầu các em thể hiện sắc thái tình cảm, sao cho đúng tinh thần của tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở việc giúp SV chơi đúng nốt, đúng nhịp, mà còn hướng dẫn các em cảm nhận và biểu đạt tinh thần âm nhạc thông qua các yếu tố như: Cường độ, mạnh nhẹ, nhanh chậm… của từng đoạn nhạc.

Bước 3: Đồng đều về sắc thái, cường độ của tập thể

Sắc thái và cường độ là yếu tố quan trọng tạo nên chiều sâu và cảm xúc cho tác phẩm. Một bản nhạc nếu chỉ đảm bảo đúng cao độ và tiết tấu, nhưng thiếu đi sự biến đổi về âm sắc, cường độ thì dẫn đến tình trạng người nghe không cảm nhận được các bè. Do đó, việc hướng dẫn và luyện tập cường độ âm thanh là điều mà GV đặc biệt lưu tâm.

Trong tổng phổ hòa tấu, mỗi đoạn nhạc có yêu cầu cường độ riêng. Do chưa quen với các ký hiệu và thuật ngữ âm nhạc, nhiều SV thường bỏ qua những ký hiệu này dẫn đến tình trạng có nhạc cụ chơi quá to, hoặc nhạc cụ khác chơi quá nhỏ. Để giải quyết vấn đề này, GV không chỉ yêu cầu SV luyện tập từng đoạn nhạc mà còn chú trọng đến rèn luyện sự đồng đều về sắc thái và âm lượng giữa các nhạc cụ. Cụ thể: GV phân tích trực tiếp trên tổng phổ, chỉ rõ các ký hiệu về sắc thái, cường độ; Yêu cầu SV đánh dấu, ghi chú rõ ràng vào bản nhạc; cho SV nghe mẫu; yêu cầu SV giảm lực tay, điều tiết âm thanh kết hợp tai nghe, tập lại nhiều lần.

Bước 4: Phối hợp nhóm

Trong nghệ thuật hòa tấu dàn nhạc, kỹ năng phối hợp là một yếu tố rất quan trọng. Trong quá trình dạy học hòa tấu, GV cần đưa ra phương pháp rèn luyện, hướng dẫn, định hướng cụ thể nhằm giúp SV nắm được các yêu cầu cơ bản để từ đó dần hình thành được kỹ năng khi kết hợp cùng nhau. Việc yêu cầu SV thuộc bài là bắt buộc, bởi, khi đó các em mới có được sự tự tin khi thể hiện, sự đồng đều về cao độ, tiết tấu cũng như sự chuẩn bị về tinh thần khi học lớp hòa tấu. Nhờ áp dụng phương pháp luyện tập phối hợp bài bản, SV không chỉ nâng cao khả năng biểu diễn cá nhân, mà còn cải thiện đáng kể khả năng làm việc nhóm, giúp SV có thể tham gia biểu diễn trong các chương trình lớn, cũng như phát triển thêm đam mê với âm nhạc truyền thống Việt Nam.

KẾT LUẬN

Dạy học hòa tấu nhạc cụ truyền thống cho SV là một quá trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, sự tỉ mỉ và linh hoạt trong phương pháp sư phạm. Qua việc phân tích kỹ tác phẩm, hướng dẫn luyện tập từng bước từ cao độ, tiết tấu, sắc thái cho đến phối hợp nhóm, SV dần làm chủ được kỹ năng và cảm xúc âm nhạc. Việc đề xuất và áp dụng các biện pháp giảng dạy cụ thể không chỉ giúp SV hoàn thiện kỹ năng biểu diễn mà còn khơi dậy niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống, đó là điều cần thiết trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa ngày nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Tuấn Hải (2018), Dạy học hòa tấu dàn nhạc chèo tại nhà hát chèo Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  2. Lê Huy – Huy Trân (1984), Nhạc khí dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  3. Ngọc Phan – Bùi Ngọc Phương (2007), Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam, Nxb giáo dục.
  1. Tô Ngọc Thanh (1982), “Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam”, Tạo chí Âm nhạc, số 2, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Việt (2021), Giảng dạy hòa tấu cho accordion bậc Trung cấp tại Học viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Trường Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.