BIỆN PHÁP DẠY HỌC XƯỚNG ÂM CHO CA VIÊN TỪ 16 ĐẾN 18 TUỔI TẠI NHÀ THỜ GIÁO XỨ NGỌC THẠNH, TỈNH BÌNH ĐỊNH
Nguyễn Đoàn Anh Khoa
Học viên K18 Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc,
Có thể nói, việc hát Thánh ca chuẩn xác là rất quan trọng trong các nghi thức truyền thống của giáo hội Công giáo. Hát không đúng, không đều sẽ làm mất đi sự trang trọng, tính trang nghiêm của các Thánh lễ. Việc dạy học âm nhạc nói chung, xướng âm nói riêng sẽ giúp cho các ca viên thể hiện bài Thánh ca được chuẩn xác hơn. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng âm nhạc trong Thánh lễ, cũng như các hoạt động khác. Trong bài viết này chúng tôi nghiên cứu, đề xuất một số biện pháp rèn luyện các kỹ năng và định hướng cho ca viên ứng dụng công nghệ thông tin vào tự nghiên cứu, học tập xướng âm. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng, khắc phục những hạn chế của dạy học xướng âm cho ca viên từ 16 đến 18 tuổi tại nhà thờ Giáo xứ Ngọc Thạnh.
- Một số biện pháp rèn luyện các kỹ năng xướng âm cơ bản
1.1. Biện pháp rèn luyện kỹ năng xướng âm cao độ
1.1.1. Xướng âm gam của giọng
Lấy độ cao cho âm chủ của giọng: Việc lấy độ cao của âm chủ để xướng âm gam có thể theo 02 cách là: Lấy theo độ cao tuyệt đối và độ cao tương đối. Giáo viên (GV) cần căn cứ vào tầm cữ giọng của số đông ca viên trong lớp học để lấy độ cao âm chủ cho phù hợp.
Thực hiện xướng âm gam: giáo viên (GV) định hướng cho ca viên luyện vững gam đi lên rồi mới thực hiện gam đi xuống. Buổi học đầu, GV có thể làm mẫu hoặc dùng nhạc cụ định hướng. Ở các buổi sau, chỉ nên dùng nhạc cụ để lấy âm chủ, không đàn cả gam nhằm rèn tính chủ động và khả năng ghi nhớ bậc, quãng, màu sắc và âm hưởng của gam, điệu thức.
GV cần lưu ý ca viên xướng âm chính xác âm bậc III, vì âm này quyết định màu sắc trưởng hay thứ của gam. Khi luyện các gam trưởng hoặc thứ khác, ca viên nên thực hành lại gam Đô trưởng tự nhiên (Cdur) và La thứ tự nhiên (amoll), rồi thay tên âm của gam cần đọc vào các bậc tương ứng theo nguyên tắc: Giọng trưởng đọc theo Cdur, giọng thứ đọc theo amoll.
1.1.2. Xướng âm các quãng cơ bản
Xướng âm các quãng cơ bản trong giọng: Trước tiên, GV cần củng cố cho ca viên kiến thức về các quãng cơ bản trong âm nhạc; sự tương đồng giữa các quãng cơ bản ở giọng hai giọng song song.
Bước tiếp theo, GV định hướng để ca viên tự xướng âm các quãng 1 đúng (Đ) kết hợp với quãng 2 thứ (t), 2 trưởng (T); quãng 2T, 2t kết hợp với quãng 3T, 4Đ, 5Đ…; nhảy quãng 2T, 3T, 4Đ, 5Đ… từ âm chủ, trên cơ sở gam của giọng. Từ đó, rèn luyện cho ca viên kỹ năng tư duy độ cao các âm liền bậc trước khi thực hiện xướng âm nhảy quãng rộng hơn…
Luyện trước các quãng có trong tác phẩm: GV định hướng để ca viên tự nghiên cứu, xướng âm các quãng có trong bài mới. Đặc biệt, với những chỗ khó, ca viên cần thực hiện nhiều lần trước khi xướng âm cả bài…
1.1.3. Xướng âm hợp âm rải và trục âm chính của giọng
GV có thể định hướng cho ca viên trên cơ sở tư duy quãng 3t, 3T, 4Đ, 5Đ để tự định âm và thực hiện đọc các âm trong hợp âm chủ (T), hạ át (S), át (D). Hoặc, trên cơ sở tư duy âm liền bậc theo quãng 2 để định âm quãng rộng hơn ở các hợp âm rải T, S, D của giọng.
Với trục âm chính của giọng, GV cũng có thể định hướng cho ca viên trên cơ sở tư duy âm liền bậc quãng 2 đi lên từ âm chủ (bậc I) đến âm át (bậc V) để thực hiện nhảy quãng 5Đ; từ âm át tiếp tục đi lên âm chủ ở nhóm quãng tám tiếp theo để thực hiện nhảy quãng 4Đ; rồi làm tương tự theo hướng ngược lại, sau đó xướng âm đầy đủ trục âm chính của giọng.
1.2. Biện pháp rèn luyện kỹ năng xướng âm sắc thái
Xướng âm theo nhịp độ quy định: Bước đầu GV định hướng để ca viên tự nghiên cứu ý nghĩa của các thuật ngữ chỉ nhịp độ thông thường. Tiếp theo, ca viên tự thực hiện một ca khúc mà các em thuộc theo các nhịp độ khác nhau, rồi đưa ra nhận xét về tính chất âm nhạc của ca khúc ở từng tốc độ. Qua đó, sẽ góp phần cho ca viên nhận thức được tầm quan trọng của nhịp độ đối với sự diễn tả sắc thái của tác phẩm. Tiếp đến, GV định hướng để các ca viên tự nghiên cứu và lần lượt thể hiện cùng một bài xướng âm đơn giản có quy định nhịp độ. Sau đó, các em tự đưa ra nhận xét và lựa chọn người thể hiện nhịp độ phù hợp nhất.
Xướng âm thể hiện cường độ: Bước đầu, GV định hướng để ca viên thực hiện cường độ theo quy định về trọng âm của nhịp; những chỗ là trọng âm sẽ đọc to hơn một chút so với những chỗ không là trọng âm… Qua đó, giúp ca viên hình thành thói quen xướng âm có to, nhỏ, mạnh, nhẹ theo quy luật thông thường, tạo cho giai điệu âm nhạc trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn…
Tiếp theo, GV định hướng để ca viên tìm hiểu ý nghĩa các ký hiệu cường độ như: forte (f – mạnh), mezzo forte (mf – mạnh vừa), piano (p – nhẹ)… Sau đó, ca viên thực hành xướng âm một đoạn nhạc đơn giản có sử dụng các ký hiệu này, rồi đưa ra nhận xét và rút kinh nghiệm.
Xướng âm Legato và Staccato: Trước tiên, GV định hướng để ca viên tự ôn lại kiến thức về Legato và Staccato. Tiếp đến, GV định hướng để ca viên tự nghiên cứu, thực hiện 01 đoạn nhạc đơn giản có dấu Legato và Staccato. Với giai điệu có dấu Legato ca viên cần thực hiện liền hơi, liền tiếng, sao cho các âm quyện lại với nhau. Với giai điệu có dấu Staccato ca viên cần thực hiện ngắt bớt trường độ của nốt nhạc, sao cho các âm tách rời nhau ra…
Xướng âm có ngắt hơi, lấy hơi: Trước tiên, GV củng cố cho ca viên kiến thức về các dấu hiệu phân tách môtíp, tiết nhạc, câu nhạc ở mức độ cơ bản nhất. Sau đó, GV lựa chọn đoạn nhạc có cấu trúc mang tính vuông vắn, rõ ràng, mạch lạc về môtíp, tiết nhạc, câu nhạc, vừa sức với ca viên; định hướng để ca viên tự nghiên cứu, nhận biết các thành phần cấu trúc và thực hiện ngắt hơi, lấy hơi khi xướng âm.
Ví dụ: Bài số 01, Sách Xướng âm tập 1; Tác giả: Đắc Quỳnh [2, tr.5].
Ở ví dụ trên, GV định hướng cho ca viên ngắt hơi, lấy hơi theo môtíp, tiết nhạc, câu nhạc: 04 ô nhịp = 1 tiết; 02 tiết = 1 câu; tiết nhạc cuối bài = 1 môtíp; phần còn lại cứ 02 ô nhịp = 1 môtíp.
- 2. Biện pháp định hướng cho ca viên ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tự nghiên cứu, học tập xướng âm
Trong phạm vi bài viết, chúng tôi nêu cách ứng dụng một số phần mềm trên điện thoại thông minh như sau:
Phần mềm Org24 giúp ca viên lấy âm chủ. luyện gam, hợp âm rải, trục âm chính của giọng bằng cách gõ các âm của bàn phím đàn ngay trên điện thoại; sử dụng tính năng Metronome để hỗ trợ, cải thiện khả năng cảm nhận, thực hiện nhịp độ chính xác của tác phẩm; điều chỉnh tốc độ của bài xướng âm theo nhu cầu.
Các phần mềm như Tonara, Singing Carrots, Yousician sẽ cung cấp cho ca viên các bài tập xướng âm, kết hợp với phân tích âm thanh… Khi ca viên xướng âm, phần mềm sẽ tự động phân tích độ chính xác của âm thanh đã phát ra so với âm chuẩn; giúp ca viên biết được mình đã xướng đúng chưa và điều chỉnh khi cần thiết. Ca viên có thể tiến hành ghi âm lại phần xướng âm của mình để nghe lại và rút kinh nghiệm, chỉnh sửa lỗi, hoặc so sánh với âm chuẩn.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội tương tác trực tuyến như Facebook, Instagram, hay Zalo; các ứng dụng Zoom, Microsoft Teams sẽ giúp ca viên kết nối, trao đổi, hỗ trợ nhau trong tự nghiên cứu, học tập xướng âm…
KẾT LUẬN
Dạy học xướng âm cho ca viên từ 16 đến 18 tuổi tại Nhà thờ Giáo xứ Ngọc Thạnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của Thánh nhạc. Các biện pháp được đề xuất trong bài viết không chỉ giúp ca viên nâng cao kỹ năng xướng âm, cảm thụ, biểu diễn âm nhạc mà còn góp phần tạo sự hứng thú, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Trong bối cảnh hiện nay, để đạt hiệu quả bền vững, việc dạy học xướng âm cần kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp truyền thống với các phương pháp hiện đại, khoa học, công nghệ. Đồng thời cần chú trọng rèn luyện các kỹ năng xướng âm cơ bản, định hướng phương thức tự nghiên cứu, học tập xướng âm cho ca viên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng âm nhạc Thánh lễ và phát triển văn hóa âm nhạc Công giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Giáo xứ Ngọc Thạnh (1980), Âm nhạc cơ bản: Lý thuyết-Xướng âm-Ca hát, Giáo xứ Ngọc Thạnh, lưu hành nội bộ.
- 2. Nguyễn Đắc Quỳnh (1993), Xướng âm 1-2-3, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương.
- 3. Trịnh Hoài Thu (chủ biên), Nguyễn Thị Tố Mai, Nguyễn Thị Hải Phượng, Trần Thị Thu Anh (2011), Phương pháp dạy học Ký Xướng âm trong đào tạo GV âm nhạc phổ thông, Nxb Âm nhạc.
- 4. Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Thường, Đức Bằng (1984), Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
- 5. V.A.Vakhramêep (Vũ Tự Lân dịch 1982), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Văn hóa, Hà Nội.