Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

ĐẶC ĐIỂM CHẠM KHẮC GỖ ĐÌNH TÂY ĐẰNG ỨNG DỤNG VÀO THIẾT KẾ ĐỒ HỌA SỰ KIỆN “LỄ HỘI TRUNG THU” BA VÌ, HÀ NỘI

Trần Thị Thùy

Học viên  K1 Mĩ thuật ứng dụng

 Đình Tây Đằng là một trong những ngôi đình cổ lâu đời nhất Việt Nam. Nằm trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng và quay mặt về hướng Nam, công trình hướng về đền Đức Thánh Tản trên núi Ba Vì, tạo nên thế phong thủy hài hòa. Kiến trúc đình gồm nhiều hạng mục như cổng đình, hồ bán nguyệt, nghi môn, tả vu – hữu vu, tòa đại đình và giếng cổ, được bố trí khép kín trong hệ tường bao, mang vẻ cổ kính với mái đao cong uyển chuyển đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Xuất phát từ nét đẹp của người dân Việt là tính bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống kết hợp theo xu hướng hiện đại thì việc ứng dụng hoa văn chạm khắc gỗ đình Tây Đằng vào thiết kế đồ họa sự kiện lễ hội Trung Thu ở Ba Vì, Hà Nội là sự vận dụng, sáng tạo yếu tố tinh hoa văn hóa. Khi các hoa văn truyền thống được ứng dụng rộng rãi trong những sản phẩm thiết kế đồ họa sự kiện Trung Thu, chúng không chỉ góp phần làm phong phú thêm không gian và trải nghiệm của người tham gia, mà còn tạo ra những giá trị văn. Những thiết kế này, với sự kết hợp sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại, sẽ giúp nâng cao giá trị văn hóa. Điều này càng khẳng định vai trò quan trọng của sự sáng tạo trong thiết kế đồ họa, không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ mà còn đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh và bản sắc riêng cho từng sự kiện.

  1. Các mô-típ hoa văn chính trong chạm khắc gỗ

Đình Tây Đằng không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là nơi lưu giữ kho tàng nghệ thuật chạm khắc vô giá của dân tộc Việt. Các mô tip hoa văn nơi đây được thể hiện vô cùng phong phú, từ tứ linh, tứ quý cho đến những cảnh sinh hoạt đời thường, các tích truyện dân gian giàu tính nhân văn. Các hình tượng được chạm khắc, từ tiên thánh, con người, linh thú đến hoa lá, đều là những nguyên mẫu tiêu biểu, phản ánh thế giới quan và tư tưởng của người xưa. Qua từng mảng chạm, sự phát triển của kỹ thuật đục chạm trên gỗ được thể hiện rõ rệt, mở rộng và nâng cao qua các giai đoạn kế cận.

Mỗi họa tiết như một câu chuyện kể, ẩn chứa triết lý sống, ước vọng và tinh thần của cha ông gửi gắm qua từng đường nét. Với kỹ thuật điêu luyện như chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi…, các nghệ nhân xưa đã tạo nên những hình ảnh sống động, mềm mại, đầy sức gợi. Những mô tip hoa văn ấy không chỉ tô điểm cho kiến trúc ngôi đình mà còn thể hiện chiều sâu văn hóa, thẩm mỹ và tâm hồn Việt, xứng đáng được gìn giữ và trân trọng như một phần linh hồn của lịch sử dân tộc.

  1. Bố cục chạm khắc gỗ đình Tây Đằng

Bố cục các hoa văn chạm khắc đình Tây Đằng được tổ chức một cách có chủ ý, nhấn mạnh vào tính đối xứng và sự cân bằng thị giác. Trong các vì kèo, đầu dư và các cấu kiện gỗ, hoa văn được sắp xếp theo trục trung tâm, thường là hình tượng chính như rồng, phượng hoặc hoa lá, xung quanh là các họa tiết phụ như mây cuộn, sóng lượn và đường viền hoa lá. Cách sắp xếp này tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa thu hút ánh nhìn, vừa thể hiện sự cân đối giữa các yếu tố trang trí.

Ngoài ra, các hoa văn được sắp xếp theo từng lớp, tạo chiều sâu và sự sống động cho bề mặt chạm khắc. Ở lớp ngoài cùng, các họa tiết viền như dây lá hoặc sóng lượn được sử dụng để khung viền các họa tiết chính. Ở lớp giữa, các chi tiết chính như hình tượng rồng, phượng hoặc các cảnh sinh hoạt được khắc nổi bật, chiếm vị trí trung tâm. Bố cục có sự đan xen chính phụ tạo nên dịp điệu cân đối và nhịp nhàng. Hình ảnh đan xem vào nhau nhưng vẫn rõ và làm nổi bật các không gian chính phụ. Lớp trong cùng thường là các chi tiết nền, được khắc nông hơn để làm nổi bật các họa tiết chính, đồng thời tăng hiệu ứng thị giác và cảm giác chiều sâu cho bố cục.

Bố cục của các hoa văn chạm khắc tại đình Tây Đằng không chỉ mang tính trang trí mà còn chứa đựng ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Các chi tiết như rồng và mây cuộn được bố trí ở những vị trí cao và trung tâm, tượng trưng cho sức mạnh và sự giao thoa giữa trời và đất. Trong khi đó, các họa tiết hoa lá và cảnh sinh hoạt thường xuất hiện ở phần dưới, thể hiện sự phồn thịnh và kết nối với đời sống hàng ngày của con người (H1.11). Cách phân tầng này cho thấy sự thấu hiểu về ý nghĩa biểu tượng trong tư duy nghệ thuật của các nghệ nhân.

  1. Mảng và nét trong chạm khắc gỗ đình Tây Đằng

Các mảng trong chạm khắc gỗ đình Tây Đằng là yếu tố quan trọng góp phần làm nên giá trị nghệ thuật của công trình. Mỗi mảng được thiết kế như một tác phẩm độc lập nhưng vẫn hòa hợp với tổng thể, tạo nên sự liền mạch và đa dạng trong ngôn ngữ thiết kế. Việc bố trí các mảng không chỉ dựa trên yếu tố thẩm mỹ mà còn thể hiện tư duy sáng tạo và tri thức biểu tượng sâu sắc của nghệ nhân.

Các mảng chạm khắc tại đình Tây Đằng được tổ chức theo từng khu vực với vai trò khác nhau trong cấu trúc. Tại các đầu dư, các mảng chính thường mang kích thước lớn, chiếm trọn không gian của bề mặt gỗ. Những mảng này không chỉ thu hút ánh nhìn mà còn đóng vai trò như các “trung tâm thị giác”, nơi người xem tập trung vào các hình tượng chính như rồng, phượng, hoặc các chủ đề tín ngưỡng. Đặc biệt, mỗi mảng ở đây được thiết kế không trùng lặp, tạo nên sự độc đáo và phong phú cho từng vị trí trong kiến trúc. Các mảng nhỏ hơn, thường được sử dụng ở những chi tiết phụ như góc cạnh hoặc viền, được thiết kế với sự tỉ mỉ cao. Những mảng này không chỉ có vai trò làm đầy không gian mà còn giúp dẫn dắt ánh mắt người xem đến các mảng chính. Ví dụ, dọc theo cột trụ hoặc các góc nối giữa các bề mặt, các mảng hoa văn dây lá hoặc sóng lượn được sắp xếp theo hình thức vòng cung hoặc xoắn ốc. Những đường nét mềm mại này không chỉ làm giảm độ cứng của cấu trúc mà còn mang lại sự uyển chuyển và nhịp điệu thị giác.

Đường nét trong chạm khắc gỗ đình Tây Đằng được chia thành hai nhóm chính: nét chính và nét phụ. Nét chính thường được sử dụng để tạo khung hình và định hình tổng thể của các họa tiết lớn, như hình rồng, phượng, hay hoa lá. Những đường nét này thường dày, đậm và rõ ràng, thể hiện sự mạnh mẽ và uy nghi. Các đường nét chạm khắc đình Tây Đằng, với sự uốn lượn tự nhiên và liên tục, có thể được áp dụng vào thiết kế đồ họa để tạo ra cảm giác nhịp điệu và chuyển động. Trong thiết kế, các đường nét uốn lượn này có thể được sử dụng để kết nối các yếu tố trong bố cục, chẳng hạn như trong poster, banner, hoặc các sản phẩm truyền thông số.

  1. Ứng dụng hoa văn chạm khắc đình Tây Đằng vào thiết kế đồ họa sự kiện “Lễ Hội Trung Thu” Ba Vì, Hà Nội

Việc ứng dụng hoa văn chạm khắc gỗ đình Tây Đằng cần phải phù hợp với tinh thần và nội dung của Lễ hội Trung Thu. Trung Thu là dịp lễ hội truyền thống dành cho trẻ em, thường gắn liền với hình ảnh của đèn lồng, mặt trăng, và các trò chơi dân gian. Hoa văn chạm khắc từ đình Tây Đằng, với các họa tiết rồng, kỳ lân, tiên nữ và cảnh sinh hoạt đời thường, có thể tạo nên một không gian trang trí vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa gần gũi và hấp dẫn đối với trẻ em.

Thiết kế cần phải tạo ra sự hấp dẫn và thu hút đối với người tham dự, đặc biệt là trẻ em. Các hoa văn có thể được sử dụng để trang trí các khu vực chơi, sân khấu, và các gian hàng trong lễ hội. Chẳng hạn, hình ảnh các linh thú như rồng, kỳ lân, hay tiên nữ có thể được biến tấu thành các nhân vật hoạt hình sống động, tạo nên sự thích thú và khám phá cho trẻ em. Các hoa văn chạm khắc được lựa chọn kỹ lưỡng trong quá trình cách điệu, dùng phương kết hợp giữa hoa vă truyền thống và hình ảnh hiện đại kết hợp với nhau tạo nên không gian sinh động cho sự kiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng các màu sắc tươi sáng, rực rỡ và các chi tiết hoa văn sinh động sẽ làm tăng thêm sự hào hứng và niềm vui cho lễ hội. Các thiết kế áp phích, biển quảng cáo ngoài trời, sân khấu… cũng được lựa chọn họa tiết để phù hợp với từng ấn phẩm.

Ứng dụng hoa văn chạm khắc gỗ đình Tây Đằng còn có thể kết hợp với các hoạt động truyền thống trong lễ hội như múa lân, rước đèn, và làm bánh Trung Thu. Các thiết kế đồ họa có thể được sử dụng để trang trí các dụng cụ, trang phục và phụ kiện cho các hoạt động này, tạo nên một không gian văn hóa phong phú và đặc sắc. Điều này không chỉ giúp tăng thêm phần hấp dẫn cho lễ hội mà còn giúp người tham dự, đặc biệt là trẻ em, hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa truyền thống. Để đảm bảo tính khả thi trong việc ứng dụng hoa văn chạm khắc gỗ đình Tây Đằng vào thiết kế đồ họa sự kiện Lễ hội Trung Thu huyện Ba Vì, Hà Nội, cần chú trọng đến các yếu tố như kỹ thuật, vật liệu, chi phí, và thời gian triển khai. Việc cân nhắc và tối ưu hóa các yếu tố này sẽ giúp thiết kế không chỉ đẹp mắt mà còn dễ dàng thực hiện và triển khai hiệu quả.

KẾT LUẬN                                                      

Việc ứng dụng hoa văn chạm khắc gỗ đình Tây Đằng vào thiết kế đồ họa sự kiện lễ hội Trung Thu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua quá trình nghiên cứu và thiết kế, có thể phát triển được một bộ sản phẩm thiết kế đa dạng, bao gồm logo, poster, thiệp mời, banner, backdrop và các ấn phẩm khác, tất cả đều sử dụng hoa văn chạm khắc gỗ truyền thống. Các hoa văn này không chỉ giữ vững được giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang đến sự đổi mới sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của đối tượng tham gia sự kiện. Mục tiêu tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và tạo không khí vui tươi, đoàn viên cho cộng đồng, sẽ có thêm một yếu tố đặc biệt khi sử dụng hoa văn đình Tây Đằng. Việc đưa những hình ảnh này vào thiết kế đồ họa không chỉ góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các sản phẩm truyền thông, mà còn tạo sự nhận diện đặc trưng, dễ dàng kết nối người dân với di sản văn hóa của vùng đất Ba Vì.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đỗ Bảo (2010), Kiến trúc đình làng Việt Nam: Một số đình làng tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
  2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học.
  3. Trần Lâm Biền (2014), Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ), Nxb Thế giới.
  4. Trần Lâm Biền (2001), Nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng Bắc Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin.
  5. Đinh Ngọc Diệp (2020), Trung thu: Từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Tổng hợp TP.HCM
  6. Trần Minh Đức (2020), Thiết kế truyền thông và sự kiện, Nxb Văn hóa Thông tin.
  7. Nguyễn Thị Thu Hà (2018) Ứng dụng nghệ thuật truyền thống vào thiết kế đồ họa hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội.
  8. Trần Văn Hùng (2015), Nghệ thuật trang trí truyền thống và ứng dụng trong thiết kế hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  9. Triệu Thế Hùng (2013), Hình tượng thực vật trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, Nxb Thời Đại, Hà Nội.
  10. Triệu Thế Hùng (2021), “Về hình tượng thực vật qua di sản văn hóa Việt”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 41.