DẠY HỌC MĨ THUẬT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC VỚI NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH CỦA HỌA SĨ YAYOI KUSAMA
Hoàng Thị Ngọc Tú
Học viên K13 LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc đổi mới phương pháp giảng dạy mĩ thuật nhằm đạt mục tiêu chương trình giáo dục đưa ra là rất cần thiết. Chương trình Giáo dục Phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGĐĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra mục tiêu đầu tiên của cấp tiểu học: “Môn Mĩ thuật giúp học sinh bước đầu hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật thông qua các hoạt động trải nghiệm…”. Yayoi Kusama – nữ nghệ sĩ đương đại hàng đầu thế giới – nổi tiếng với phong cách nghệ thuật độc đáo, giàu tính biểu tượng, đặc biệt là các tác phẩm sắp đặt, tranh vẽ và điêu khắc mang dấu ấn của họa tiết chấm bi, hiệu ứng lặp lại và không gian vô tận. Phản ánh trong các tác phẩm là thế giới quan giàu tưởng tượng của bà, đông thời gửi gắm những thông điệp tích cực về tình yêu cuộc sống, sự kiên trì và khả năng vượt qua khó khăn. Những điểm này rất phù hợp để ứng dụng vào giảng dạy mĩ thuật cho học sinh tiểu học bởi sự đa dạng về hình thức thực hành cũng như tính sinh động trong các hoạt động nghệ thuật.
Bài viết này phân tích về phong cách nghệ thuật của Kusama và đề xuất một số phương pháp giảng dạy mĩ thuật cho học sinh tiểu học, giúp kích thích tư duy sáng tạo và phát triển kĩ năng thị giác cho các em.
1. Đặc điểm nghệ thuật tạo hình của họa sĩ Yayoi Kusama
Yayoi Kusama là một trong những nghệ sĩ đương đại có ảnh hưởng lớn tới nền nghệ thuật thế giới, với phong cách đặc trưng là những họa tiết chấm bi (Polka Dots), sự lặp lại (Repetition) màu sắc sống động và không gian vô tận (Infinity Spaces). Nghệ thuật của bà phản ánh thế giới nội tâm đồng thời mang đến trải nghiệm tương tác, kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc cho người xem.
Các yếu tố tạo nên tính biểu tượng vô cùng đặc sắc trong tác phẩm của Kusama bao gồm:
Họa tiết chấm bi: Họa tiết này sử dụng rộng rãi trong các bức tranh, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt và thời trang của bà. Kusama cho rằng chấm bi là cách để bà hòa mình vào vũ trụ, thể hiện sự vô hạn và sự kết nối giữa con người với thế giới rộng lớn. Chấm bi có thể xuất hiện trên mọi bề mặt tác phẩm của bà. Khi nhìn vào tác phẩm của Kusama, người xem sẽ cảm nhận được hiệu ứng thị giác mạnh mẽ và ấn tượng bởi sự chuyển động không ngừng từ các chấm bi.
Màu sắc: Kusama sử dụng tông màu nổi bật và tương phản như đỏ, vàng, xanh, cam, hồng được họa sĩ sắp đặt nhằm tạo hiệu ứng thị giác và mang tới ấn tượng mạnh mẽ. Bà không ngần ngại kết hợp các màu sắc mạnh mẽ để chuyền tải tới người xem những cảm xúc và trạng thái tâm lí, những niềm vui và cả những nỗi ám ảnh trong tâm hồn mình.
Pumkin (1996), Yayoi Kusama
Ảnh: globalarttraders.com
Không gian: Không gian tác phẩm của Kusama là không gian nghệ thuật mở, nơi người xem không chỉ đứng ngoài quan sát mà còn có thể hòa nhập vào thế giới nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bà sử dụng những tấm gương kết hợp với ánh sáng và chấm bi, Kusama biến những không gian khép kín trở thành những thế giới kì ảo, nơi người xem lạc vào không gian kéo dài vô tận, không có điểm kết thúc. Bà mong muốn người xem hòa nhập vào không gian sáng tạo của mình để hiểu mình, hiểu nghệ thuật của Yayoi Kusama.
Aftermath of Obliteration of Eternity, 2009, Yayoi Kusama
Ảnh: hirshhorn.si.edu
2. Vận dụng nghệ thuật tạo hình của họa sĩ Yayoi Kusama vào dạy học Mĩ thuật cho học sinh tiểu học
Vận dụng nghệ thuật của Kusama vào giảng dạy sẽ kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh khi sử dụng họa tiết chấm bi được lặp lại trong tác phẩm của mình.
Sáng tạo từ họa tiết cơ bản
Giáo viên triển khai các hoạt động vẽ tranh với họa tiết chấm bi, trong đó học sinh tạo ra các bức tranh cá nhân có kích thước và màu sắc khác nhau. Học sinh có thể sắp xếp chấm bi theo những cách khác nhau, từ ngẫu nhiên đến có tổ chức để tạo nên bố cục và nhịp điệu cho tác phẩm. Hoặc cho học sinh thiết kế mô hình ba chiều, ứng dụng họa tiết chấm bi trên các vật thể như khối hộp, mô hình động vật, cây, hoa, quả hoặc búp bê.
Học sinh cũng có thể ứng dụng họa tiết hình học vào thiết kế bề mặt nghệ thuật, trang trí lên các vật thể ba chiều như hộp giấy, áo thun, vải hoặc mô hình 3D. Việc cắt dán các hình học trên giấy màu và sắp xếp chúng theo bố cục sáng tạo sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguyên tắc sắp đặt trong nghệ thuật thị giác.
Học sinh khối 5 trường Tiểu học Dewey
Ảnh: Hoàng Thị Ngọc Tú
Hoạt động “Không gian chấm tròn”
Đây là một phương pháp trực quan nhằm khuyến khích học sinh khám phá và thực hành nghệ thuật theo phong cách của Yayoi Kusama. Bà sử dụng họa tiết chấm tròn như một ngôn ngữ thị giác đặc trưng giúp truyền tải các ý niệm về vô tận, kết nối không gian và thế giới nội tâm. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là việc vẽ các chấm tròn mà còn là một quá trình rèn luyện tư duy sáng tạo, giúp học sinh hiểu được cách thức tổ chức bố cục, sự phối hợp màu sắc, nhịp điệu và ý nghĩa thị giác trong một tác phẩm nghệ thuật.
Học sinh trường Tiểu học Dewey
Ảnh: Hoàng Thị Ngọc Tú
Vận dụng màu sắc và kĩ thuật phối màu theo phong cách họa sĩ Kusama vào các bài học về sự tương phản, hòa sắc hay tác động của màu sắc đến cảm xúc đến người xem sẽ giúp học sinh học cách sáng tạo nghệ thuật dựa trên cảm xúc hoặc thông qua tác phẩm để kể câu chuyện của chính mình. Bằng cách sử dụng các màu sắc mạnh để đặt cạnh nhau tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng, qua đó, học sinh dần hiểu rõ hơn về cách sử dụng màu sắc trong nghệ thuật.
Tranh phản chiếu với gương
Một cách trực quan nhất để học sinh trải nghiệm hiệu ứng không gian vô tận là sử dụng gương nhỏ để phản chiếu tác phẩm của mình. Trong hoạt động này, học sinh sẽ vẽ một nửa tác phẩm trên giấy, sau đó đặt một tấm gương vuông góc với bức tranh để quan sát hình ảnh nhân đôi. Khi nhìn vào gương, các em sẽ thấy tác phẩm hoàn chỉnh với hiệu ứng đối xứng hoàn hảo, tạo ra một cảm giác về không gian đa chiều và sự phản chiếu liên tục. Các em có thể rút ra những quan sát thú vị về cách nghệ thuật có thể đánh lừa thị giác, tạo chiều sâu và mở rộng không gian. Đây là phương pháp lý tưởng để giới thiệu về nghệ thuật không gian vô tận mà Yayoi Kusama đã khai thác trong nhiều tác phẩm của bà.
Hình ảnh lặp lại và hiệu ứng gương đối diện
Một phương pháp khác để giúp học sinh khám phá ảo giác không gian là sử dụng hai tấm gương đặt đối diện nhau. Trong hoạt động này, học sinh sẽ tạo ra các hình vẽ nhỏ (chấm tròn, hình học, nhân vật…) và sắp xếp theo trật tự lặp lại trên giấy hoặc trên vật liệu trong suốt. Khi đặt tác phẩm giữa hai tấm gương, các hình ảnh sẽ được phản chiếu vô tận theo hai chiều, tạo nên một hiệu ứng không gian mở rộng, giống như các phòng gương nổi tiếng của Kusama. Qua đó, học sinh sẽ hiểu về nguyên lý nhân bản hình ảnh và cách ảo giác thị giác được tạo ra khi hình ảnh được phản chiếu liên tục. Các em có thể thử nghiệm với kích thước, khoảng cách và vị trí của hình ảnh để thấy sự thay đổi về chiều sâu không gian. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu về cách Kusama tạo ra các tác phẩm “Infinity Mirror Rooms”, mà còn mở rộng nhận thức về tính lặp lại trong nghệ thuật và ứng dụng của nó trong thiết kế không gian, đồ họa và nghệ thuật sắp đặt.
Ứng dụng ánh sáng vào nghệ thuật vô tận
Học sinh được thử nghiệm với giấy phản quang, bề mặt gương hoặc đèn LED nhỏ để tạo ra những hiệu ứng ánh sáng lặp lại trong không gian. Một ví dụ đơn giản là vẽ các chấm tròn phát quang trên nền tối, sau đó sử dụng gương để phản chiếu chúng, tạo cảm giác không gian nghệ thuật vô tận trong bóng tối. Phương pháp này giúp học sinh hiểu về mối liên hệ giữa ánh sáng và nghệ thuật thị giác, cũng như cách ánh sáng có thể thay đổi cảm nhận về không gian và hình dạng. Đồng thời, khi kết hợp ánh sáng với gương, học sinh sẽ khám phá được sự chuyển động của hình ảnh trong không gian, từ đó mở rộng tư duy sáng tạo và có thể ứng dụng kỹ thuật này vào nhiều lĩnh vực khác như thiết kế nội thất, sân khấu, đồ họa và nghệ thuật số.
Sắp đặt nghệ thuật “Vô tận” trong không gian lớp học
Giáo viên có thể biến một góc lớp học thành một không gian nghệ thuật theo phong cách “Infinity Room” bằng cách sử dụng gương, giấy phản chiếu và họa tiết chấm tròn. Học sinh có thể cắt dán các hình tròn đầy màu sắc lên bề mặt gương, tạo ra hiệu ứng kéo dài không gian khi hình ảnh được nhân đôi liên tục. Các em được trực tiếp bước vào một không gian nghệ thuật đa chiều, nơi các hình ảnh lặp đi lặp lại tạo ra cảm giác không gian mở rộng vô tận sẽ thêm hiểu rõ hơn về sự tác động của môi trường lên nghệ thuật, cũng như cách Kusama đã khai thác không gian trong tác phẩm của bà để tạo ra cảm giác chìm đắm trong nghệ thuật.
Kết luận
Vận dụng nghệ thuật của họa sĩ Yayoi Kusama vào giảng dạy là phương pháp dạy học hiệu quả giúp trẻ hiểu biết về nghệ thuật đương đại một cách trực quan, trẻ nhận thức được rằng nghệ thuật không chỉ là tranh vẽ mà còn là các trải nghiệm thị giác phong phú. Ngoài ra, trẻ cũng biết cách biểu đạt cảm xúc và truyền tải vào tác phẩm giúp giải tỏa căng thẳng, phát triển tâm lí và tạo niềm vui trong cuộc sống.
Bằng cách khai thác các yếu tố đặc trưng của nghệ thuật Kusama, giáo viên sẽ giúp học sinh phát triển tư duy nghệ thuật, tăng cường kĩ năng xã hội và thể hiện bản thân một cách tự nhiên. Việc vận dụng này mang lại nhiều lợi ích tích cực, giúp học sinh thêm yêu thích mĩ thuật và mở ra nhiều hướng tiếp cận sáng tạo hơn trong giáo dục nghệ thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh (2000), Mỹ thuật và phương pháp giảng dạy – tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Cường (2021), Lí Luận Dạy Học Hiện Đại – Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
- Yayoi Kusama (2011), Infinity Net: The Autobiography of Yayoi Kusama, Tate Publishing.
- Catherine Taft (2017), Yayoi Kusama, Phaidon Press.
- Doryun Chong, Mika Yoshitake, Alexandra Munroe (2022), Yayoi Kusama: 1945 to Now, Thames & Hudson.