Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

DẠY HỌC PIANO CHO TRẺ TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý

Nguyễn Văn Chí

Học viên K18 – Lý luận và PPDH Âm nhạc

Trẻ tăng động giảm chú ý (ADHD) là những trẻ có biểu hiện rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi ba nhóm triệu chứng chính: thiếu tập trung, hành vi hiếu động quá mức và tính bốc đồng. Trẻ thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, kiểm soát hành vi, tuân thủ quy tắc và điều tiết cảm xúc trong học tập cũng như trong sinh hoạt thường ngày. Hiện nay phương pháp dùng âm nhạc trị liệu cho trẻ tăng động giảm chú ý đang được phụ huynh và các nhà chuyên môn chú trọng, đặc biệt là hoạt động giúp trẻ tham gia trực tiếp với âm nhạc thông qua nhạc cụ, trong đó phải kể đến là việc cho trẻ học đàn piano. Trong quá trình thực hành dạy học piano cho trẻ tăng động giảm chú ý, chúng tôi nhận thấy nhiều tr gặp không ít khó khăn như: khó giữ được tư thế ngồi ổn định khi học đàn, dễ phân tán chú ý bởi âm thanh xung quanh, hay bỏ dở giữa chừng các bài luyện tập, hoặc phản ứng tiêu cực khi mắc lỗi. Những hạn chế đó khiến việc tiếp thu kỹ thuật chơi đàn bị gián đoạn, khả năng phát triển âm nhạc không được duy trì liên tục, ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục. Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi muốn đưa ra một số biện pháp dạy học piano cho trẻ tăng động giảm chú ý nhằm giúp các em giảm thiểu bệnh lý, tăng khả năng hòa nhập với cộng đồng.

1 Vai trò của dạy học piano cho trẻ tăng động giảm chú ý

Tác động tích cực đến não bộ và hệ thần kinh: Khi trẻ chơi đàn piano, cả hai bán cầu não đều được kích hoạt: bán cầu trái điều khiển các thao tác tư duy logic như đọc nốt nhạc, đếm nhịp, ghi nhớ ký hiệu; trong khi bán cầu phải tham gia xử lý cảm xúc, hình ảnh và sự phối hợp tay mắt. Sự kích hoạt đồng thời này góp phần cải thiện khả năng tập trung, đồng bộ hóa hoạt động thần kinh và tăng cường sự dẫn truyền của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine – vốn có liên quan đến rối loạn chú ý và kiểm soát hành vi.

               – Giúp kiểm soát, cải thiện hành vi, tăng cường sự tập trung: Khi trẻ luyện tập các thao tác trên phím đàn, các em phải học cách kiểm soát lực tay, tốc độ, nhịp điệu và cả tư thế ngồi. Những hoạt động nhỏ này là cơ hội quý báu để trẻ luyện tập tính kiên trì, rèn luyện sự kiểm soát vận động và kỷ luật cá nhân. Quá trình học piano thường được chia theo các bước nhỏ, với mục tiêu rõ ràng, tạo điều kiện cho trẻ hoàn thành nhiệm vụ cụ thể và góp phần củng cố hành vi tích cực, giúp trẻ hình thành thói quen học tập có tổ chức, từ đó dần điều chỉnh các hành vi bốc đồng, thiếu kiên nhẫn hoặc phản ứng thái quá và trẻ sẽ tập trung được lâu hơn, giảm thiểu bệnh lý ADHD.

– Tăng cường cảm xúc: Âm nhạc nói chung và piano nói riêng có khả năng kích thích trung tâm cảm xúc trong não bộ, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, ổn định tinh thần và tìm được kênh biểu đạt nội tâm lành mạnh.

            – Phát triển năng lực âm nhạc: Khi được tổ chức và hướng dẫn đúng phương pháp, hoạt động học piano có thể giúp trẻ ADHD phát triển sâu sắc ở ba phương diện cơ bản của năng lực âm nhạc: cảm thụ âm nhạc, kỹ năng chơi đàn và hiểu biết về âm nhạc.

Giúp trẻ kiểm soát vận động tinh tốt hơn: Khi học piano, trẻ cần thực hiện một loạt các thao tác phối hợp đồng bộ giữa hai bàn tay, giữa tay với mắt, tai và bộ nhớ âm nhạc. Việc luyện tập thường xuyên các bài tập luyện ngón, chạy gam, luyện tiết tấu đòi hỏi trẻ phải duy trì sự chú ý vào từng động tác nhỏ, từ đó dần hình thành khả năng điều khiển lực tay, kiểm soát vị trí ngón, điều chỉnh tốc độ và nhịp điệu.  Các kỹ thuật như sử dụng pedal, giữ tư thế lưng thẳng, điều chỉnh cánh tay và vai khi chơi đàn cũng giúp trẻ hình thành thói quen kiểm soát vận động toàn thân một cách chính xác và có kỷ luật.

Cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội: Trẻ ADHD thường gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội lành mạnh do đặc điểm hành vi bốc đồng, khó kiểm soát cảm xúc, thiếu kiên nhẫn và khó tiếp nhận phản hồi từ người khác. Trong bối cảnh đó, việc học đàn piano – tưởng chừng là hoạt động cá nhân – lại có thể tạo ra môi trường lý tưởng để trẻ từng bước cải thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội thông qua những tình huống dạy học giàu tính kết nối, tương tác và cộng tác.

2. Biện pháp dạy học piano cho trẻ tăng động giảm chú ý

2.1. Sử dụng liệu pháp tâm lý

Thiết lập mối giao tiếp với trẻ: – Phương pháp này bao gồm nhiều hình thức như quan sát, trò chuyện thân thiện và nhất là giao tiếp mắt: Việc khích lệ bằng ánh mắt, cử chỉ vỗ vai, nụ cười thân thiện cũng đóng vai trò quan trọng không kém lời nói trong giao tiếp phi ngôn ngữ, mang lại cảm giác an toàn và gần gũi cho trẻ.

Đánh giá đúng khả năng của trẻ: Với những trẻ tăng động, dễ mất kiên nhẫn, nên giao những bài tập ngắn, tiết tấu nhanh, giai điệu sinh động để giữ sự tập trung. Ngược lại, với trẻ trầm tính hơn, có xu hướng dễ xúc động, GV có thể chọn những tiểu phẩm nhẹ nhàng, đơn giản để nuôi dưỡng lòng yêu thích âm nhạc. Không nên áp dụng cùng một giáo trình hoặc mức độ bài học cho mọi trẻ ADHD, bởi mỗi em có một “bản đồ tâm lý” riêng cần được thấu hiểu và tiếp cận linh hoạt.

Tìm ra động lực giúp trẻ duy trì học tập: Giáo viên (GV) cần quan sát và tìm hiểu thông tin để biết được sở thích lớn nhất của từng trẻ, lấy đó là mục tiêu áp dụng trong giờ học rất hiệu quả, làm tăng tính chủ động, từ đó góp phần tích cực vào việc duy trì sự chú ý và hứng thú học tập.

2.2. Thay đổi hoạt động trong giờ học phù hợp với trẻ ADHD

Sự thay đổi này không mang tính ngẫu nhiên mà phải được sắp xếp có chủ đích, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý của từng trẻ ADHD.

–  Xây dựng giờ học với cấu trúc linh hoạt:  Thay vì duy trì một tiến trình lặp lại cứng nhắc. GV nên chia buổi học thành nhiều phân đoạn ngắn, mỗi phân đoạn không kéo dài quá 10-15 phút – khoảng thời gian phù hợp với khả năng chú ý của trẻ ADHD.

– Thay đổi các giác quan tham gia trong quá trình học: Trẻ ADHD dễ mất tập trung khi chỉ tiếp nhận kiến thức bằng một kênh duy nhất (thường là thị giác hoặc thính giác), do đó, GV nên thiết kế giờ học kết hợp đa giác quan. (xúc giác, thị giác, thính giác…)

– Luân phiên giữa các hình thức học tập cá nhân và tương tác: Việc xen kẽ hoạt động có tính tương tác như chơi đàn nối tiếp với GV, đọc nốt theo nhóm nhỏ hoặc tham gia trò chơi âm nhạc đôi, vận động theo nhạc sẽ giúp trẻ thấy tiết học trở nên thú vị hơn.

Kế hoạch điều chỉnh cường độ hoạt động theo trạng thái tâm lý của trẻ trong từng buổi học: Ngày trẻ có biểu hiện căng thẳng, mệt mỏi, GV có thể chuyển sang các hoạt động nhẹ nhàng như nghe nhạc thư giãn, kể chuyện và vẽ tranh. Ngược lại những ngày trẻ có tinh thần hứng khởi, GV có thể tăng độ thử thách của các hoạt động giúp tạo cảm giác thành tựu và phát triển năng lực vượt trội.

– Theo dõi, ghi chép nhật ký học tập của trẻ: GV nên quan sát phản ứng, hành vi và biểu cảm của trẻ trong từng hoạt động để điều chỉnh kịp thời. Việc ghi chép nhật ký học tập cá nhân hoặc trao đổi với phụ huynh sau mỗi tuần học cũng là cách để nhận diện những thay đổi tích cực hay dấu hiệu cần can thiệp.

2.3. Phối hợp với phụ huynh để trẻ tự luyện tập ở nhà

Trao đổi với phụ huynh: Vệc học piano – một hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn, luyện tập thường xuyên và chính xác – GV cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm hỗ trợ trẻ tự luyện tập tại nhà một cách có hệ thống, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Áp dụng bảng luyện tập hàng ngày (practice schedule): Với những nhiệm vụ ngắn gọn như “tập bài X 15 lần – sau mỗi lần đàn xong khoanh 1 số” Những bảng luyện tập này có thể thiết kế kèm hình minh họa sinh động hoặc sử dụng màu sắc để tăng hứng thú cho trẻ. Sau mỗi phần hoàn thành, phụ huynh có thể giúp trẻ đánh dấu hoặc dán sticker khen thưởng nhằm tạo động lực, hình thành thói quen học tập tự giác và ghi nhận nỗ lực của trẻ.

Chia sẻ cách xử lý những tình huống: Cụ thể khi trẻ không hợp tác hoặc mất tập trung trong quá trình luyện đàn tại nhà, giúp phụ huynh có thể ứng phó mềm dẻo, tránh la mắng hoặc gây áp lực tâm lý cho trẻ.

KẾT LUẬN

Việc dạy học piano cho trẻ AHDH là quá trình kết hợp giữa giáo dục âm nhạc và trị liệu tâm lý. Các biện pháp như  sử dụng liệu pháp tâm lý, thay đổi hoạt động trong giờ học phù hợp với hội chứng giảm chú ý của trẻ, phối hợp với phụ huynh tại nhà, rèn luyện tư thế, luyện gam, vỡ bài và thể hiện sắc thái giúp trẻ cải thiện sự tập trung, kiểm soát hành vi và phát triển cảm xúc. GV cần sử dụng các biện pháp dạy học cần linh hoạt, cá thể hóa theo từng HS, tạo môi trường học tích cực. Qua thực tiễn, piano không chỉ là công cụ nghệ thuật mà còn là liệu pháp hiệu quả hỗ trợ trẻ ADHD phát triển toàn diện.

Tài liệu tham khảo

  1. Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Lê Thị Hiền (2010), Học chơi đàn piano nhanh nhất cho trẻ em, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Đỗ Minh Thúy Liên (2013), Tìm hiểu một số đặc điểm lâm sàng của rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em từ 6 – 10 tuổi, Luận văn thạc sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Nguyễn Công Khanh – Lê Nam Trà – Nguyễn Thu Nhạn – Hoàng Trọng Kim (2016), Sách giáo khoa Nhi khoa, Nxb Y học, Hà Nội.
  5. Phạm Thị Quỳnh (2022), Dạy học hát cho trẻ tăng động giảm chú ý tại Trung tâm Đào tạo và phát triển Nghệ thuật Đức Hưng, quận Hà Đông – Hà Nội, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành LL & PPDH Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  6. WHO (2022), The ICD-11 Classification of Mental and Behavioural Disorders: Clinical descriptions and diagnostic guidelines, Genève.