Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

DI SẢN VĂN HOÁ ĐÌNH LÀNG TRONG DẠY HỌC MỸ THUẬT TRUNG HỌC CƠ SỞ

Vũ Lê Minh

Học viên K13 – Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật

Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam hiện nay, việc tích hợp di sản văn hóa dân tộc vào nội dung giảng dạy không chỉ là một xu hướng, mà còn là một lựa chọn tất yếu nếu chúng ta thực sự mong muốn hình thành ở học sinh thế hệ mới những năng lực toàn diện và căn cốt. Đối với giáo dục nghệ thuật – lĩnh vực giàu tính biểu cảm và chiều sâu văn hóa – di sản không thể bị xem như một “tư liệu minh họa” bên lề, mà cần được nhìn nhận như một chất liệu sáng tạo đích thực, có khả năng nuôi dưỡng cảm thụ thẩm mỹ, khơi mở tư duy hình tượng và bồi đắp bản sắc văn hóa cá nhân. Trong bối cảnh đó, việc đưa nghệ thuật trang trí đình làng vào giảng dạy mỹ thuật bậc Trung học cơ sở là một hướng tiếp cận đầy tiềm năng bởi nó phù hợp với các em đang trong giai đoạn định hình năng lực tư duy trực quan, khám phá cái đẹp thông qua trải nghiệm thị giác và cảm xúc. Nghệ thuật đình làng – với tính biểu tượng, tính cộng đồng và chiều sâu văn hóa, hoàn toàn có thể trở thành cầu nối để các em không chỉ học mỹ thuật, mà còn học cách thấu hiểu, gìn giữ và làm giàu di sản văn hóa của chính mình.

  1. Giá trị của di sản đình làng trong dạy học mĩ thuật

Trên phương diện tạo hình, nghệ thuật đình làng thể hiện trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật tinh xảo từ tổng thể kiến trúc hài hòa, đến những mảng chạm khắc gỗ sống động với bố cục chặt chẽ, đường nét uyển chuyển. Các họa tiết trang trí rồng, phượng, tứ linh, hoa lá cách điệu… không chỉ giàu giá trị thẩm mỹ mà còn cho thấy óc sáng tạo phong phú của nghệ nhân dân gian. Về giá trị biểu tượng, mỗi chi tiết trong đình làng hàm chứa ý nghĩa sâu sắc: hình tượng rồng phượng tượng trưng cho quyền lực và phúc lành; các bức chạm khắc cảnh sinh hoạt đời thường gửi gắm khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bản thân ngôi đình làng đã là biểu trưng cho hồn thiêng và tinh thần cố kết cộng đồng của làng xã. Bên cạnh đó, đình làng còn có giá trị văn hóa – lịch sử sâu đậm. Đình là trung tâm sinh hoạt truyền thống, nơi diễn ra lễ hội, hội họp và gắn kết bao thế hệ dân làng, đồng thời là “nhân chứng” ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, qua đó phản ánh bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa của mỗi làng quê. Chính nhờ những giá trị phong phú đó, việc đưa đình làng vào bài học cho phép kết nối kiến thức mỹ thuật với lịch sử, văn hóa địa phương, giúp học sinh thấy rõ mối liên hệ giữa nghệ thuật và bối cảnh xã hội. Chẳng hạn, giáo viên có thể cho học sinh tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng các hoa văn trên mái đình, rồi vận dụng những hiểu biết đó vào bài vẽ trang trí hiện đại, qua đó các em vừa rèn luyện kỹ năng tạo hình vừa thêm hiểu và trân trọng di sản dân tộc.

  1. Khai thác di sản đình làng trong dạy học Mỹ thuật ở bậc trung học cơ sở

Phát triển năng lực thẩm mỹ và tư duy sáng tạo

Trong nghệ thuật truyền thống đình làng, các họa tiết như rồng bay, mây cuộn, hoa sen nở, dây leo cách điệu… là những hình ảnh giàu nhịp điệu và biểu tượng, thể hiện tư duy thị giác linh hoạt và triết lý sống hài hòa của người xưa. Những hình ảnh này có thể tác động và phát triển tư duy tượng và năng lực sáng tạo cho học sinh.

Hình Lưỡng long chầu nguyệt trên kiến trúc mái đình Tân Khai

Ảnh: Vũ Lê Minh

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, các giá trị này hoàn toàn có thể được chuyển hóa trực tiếp thành hoạt động học tập cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển năng lực sáng tạo cá nhân. Ví dụ, ở bài học về chất liệu và hiệu ứng tạo hình, giáo viên có thể cho học sinh thực hiện tác phẩm collage hình rồng trên mặt mẹt tre: sử dụng giấy vụn, màu vẽ và vật liệu tái chế để dựng lại hình ảnh rồng truyền thống theo phong cách mới. Tác phẩm vừa rèn kỹ năng thiết kế bố cục, vừa khuyến khích học sinh chủ động khám phá hình khối, đường nét và chất liệu nghệ thuật dân gian theo hướng sáng tạo.

Tranh collage của nhóm học sinh lớp 8, trường THCS Vinschool Smart City

Thông qua các hoạt động trên, học sinh không chỉ tiếp cận di sản như một kho tư liệu văn hóa mà còn học cách chuyển hóa hình ảnh truyền thống thành ý tưởng sáng tạo. Đây là bước chuyển từ “ghi nhớ” → “hiểu” → “vận dụng” → “sáng tạo”, đúng với định hướng phát triển năng lực và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Nâng cao khả năng cảm thụ văn hóa, lịch sử

Một năng lực quan trọng cần được hình thành trong giáo dục mỹ thuật hiện đại là khả năng cảm thụ văn hóa và lịch sử thông qua hình ảnh, biểu tượng và không gian nghệ thuật. Khác với cách dạy học truyền thống vốn chỉ chú trọng đến kỹ năng tạo hình, yêu cầu môn mỹ thuật hiện nay là phải giúp học sinh nhận thức được mối liên hệ giữa nghệ thuật và bối cảnh xã hội – văn hóa – lịch sử của dân tộc. Việc chọn di sản đình làng – với tính biểu tượng sâu sắc và gắn kết chặt chẽ với đời sống tín ngưỡng – chính là một “cánh cửa” giúp học sinh tiếp cận văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ thẩm mỹ, thay vì những bài học khô khan.

Khả năng cảm thụ văn hóa không đến từ việc ghi nhớ sự kiện lịch sử, mà bắt đầu từ việc học sinh thấu cảm biểu tượng: hiểu vì sao hình tượng rồng lại được đặt trên nóc đình, vì sao câu đối được sơn son thếp vàng, vì sao hình ảnh “hạc đứng trên rùa” lại thường hiện diện trong không gian thờ tự. Mỗi yếu tố trong kiến trúc đình làng đều là một lớp mã văn hóa cần được giải mã bằng tư duy hình ảnh. Việc đưa các hình ảnh ấy vào bài học không chỉ giúp học sinh hiểu biểu tượng mà còn học cách nhìn thấy văn hóa ẩn sau hình thức nghệ thuật – một kỹ năng quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ hiện đại.

Ví dụ, trong bài học “Tìm hiểu nghệ thuật truyền thống Việt Nam”, giáo viên có thể cho học sinh phân tích hình ảnh chim hạc đứng trên lưng rùa – một biểu tượng đặc trưng trong không gian đình làng như tại đình Tân Khai (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Qua hoạt động quan sát – thảo luận – liên hệ, học sinh sẽ được hướng dẫn tìm hiểu về ý nghĩa biểu tượng của hạc (cao quý, thanh cao) và rùa (trường tồn, bền vững), cũng như lý do tại sao biểu tượng này lại thường xuất hiện trong không gian tín ngưỡng. Từ đó, các em không chỉ hiểu nội dung thị giác, mà còn biết liên hệ với giá trị văn hóa – lịch sử của biểu tượng trong mạch phát triển nghệ thuật dân tộc.

Hạc đứng trên rùa tại đình Tân Khai

Nguồn: Vũ Lê Minh

Như vậy, thông qua các hoạt động cụ thể – từ phân tích biểu tượng, quan sát tại chỗ đến sáng tác cá nhân – học sinh được dẫn dắt từ chỗ biết – hiểu → cảm – trân trọng → thể hiện – bảo tồn, theo với tiến trình phát triển năng lực trong giáo dục hiện đại.

Kết nối học tập với thực tiễn địa phương

Một trong những định hướng quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là tăng cường tính ứng dụng thực tiễn, gắn kết nội dung bài học với đời sống văn hóa địa phương. Khác với việc học qua sách giáo khoa hay hình ảnh chiếu trên màn hình, trải nghiệm trực tiếp tại di sản giúp học sinh huy động nhiều giác quan: quan sát, nghe, chạm, thậm chí cảm nhận không khí linh thiêng trong không gian đình làng. Chính sự trải nghiệm toàn diện, tương tác thực tế này tạo điều kiện để học sinh cảm thụ giá trị văn hóa và hình thành năng lực thẩm mỹ một cách tự nhiên.

Hoa sen chạm khắc sơn son thếp vàng ở đình Tân Khai

 Ảnh: Vũ Lê Minh

Với học sinh khối 6–7, giáo viên tổ chức buổi học ngoài lớp tại một ngôi đình trong khu vực (ví dụ: đình Tân Khai ở Hoàn Kiếm nếu dạy tại Hà Nội). Tại đây, học sinh được giao nhiệm vụ quan sát, chụp ảnh, ghi chép chi tiết hoa văn trên mái đình, cửa võng, hoành phi câu đối… Sau đó, các em về lớp và thực hiện bài tập tái hiện hoặc sáng tạo lại một họa tiết dưới hình thức vẽ, nặn, hoặc thiết kế kỹ thuật số.

Với học sinh khối 8–9, có thể tổ chức dự án học tập liên môn với tên gọi như: “Di sản quê em”, “Đình làng kể chuyện”, “Sáng tạo từ chạm khắc cổ truyền”. Trong dự án, học sinh đóng vai trò là nhà nghiên cứu trẻ: tìm hiểu lịch sử đình làng, thu thập tư liệu, phỏng vấn người dân, phân tích họa tiết nghệ thuật, và cuối cùng là sáng tác sản phẩm cá nhân (tranh, mô hình, thiết kế biểu tượng) để trưng bày trong triển lãm nhỏ của lớp hoặc trường.

Từ góc độ sư phạm cho thấy: việc vận dụng di sản văn hóa đình làng vào dạy học mỹ thuật không chỉ có thể thực hiện mà còn rất cần thiết, bởi nó mở rộng không gian học tập từ lớp học ra cộng đồng, gắn kết học sinh với cội nguồn, làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống – đúng với tinh thần “học để làm người Việt Nam có bản sắc” mà chương trình giáo dục mới hướng đến.

Xây dựng kho học liệu mở từ di sản

Trong bối cảnh giáo dục chuyển từ mô hình “truyền thụ – tiếp nhận” sang “tự học – khám phá – sáng tạo”, việc xây dựng kho học liệu mở phục vụ giảng dạy và học tập đang trở thành xu thế tất yếu. Đặc biệt, trong môn mỹ thuật – nơi hình ảnh và trải nghiệm thị giác đóng vai trò chủ đạo, việc sở hữu nguồn tư liệu phong phú, gần gũi với học sinh là điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp giảng dạy. Di sản đình làng, với hệ thống họa tiết, không gian kiến trúc, biểu tượng nghệ thuật đặc trưng, chính là nền tảng lý tưởng để giáo viên và học sinh cùng khai thác, tạo lập và phát triển kho học liệu trực quan mang tính bản địa thông qua các hình thức đa dạng như: Tư liệu hình ảnh, Video tư liệu, Mô hình 3D hoặc ảnh 360 độ và từ các sản phẩm học tập của học sinh.

Kết luận

Di sản không chỉ nằm trong sách vở, bảo tàng hay chương trình lễ hội. Di sản – đặc biệt là đình làng – hiện diện sống động trong đời sống cộng đồng, trong từng đường nét chạm khắc, từng biểu tượng văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, di sản không thể đứng ngoài chương trình giáo dục. Do đó, nó cần được tích hợp một cách linh hoạt, sáng tạo và có chiều sâu vào bài học, để trở thành chất liệu gợi mở tư duy thẩm mỹ, khơi nguồn sáng tạo và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc cho học sinh. Thay vì tìm kiếm những phương pháp xa vời hay mô hình nhập khẩu, đã đến lúc nhà trường – đặc biệt là giáo viên mỹ thuật quay trở về với chính những giá trị văn hóa truyền thống ngay trong lòng cộng đồng, để làm mới bài học bằng chính những điều quen thuộc. Đó không chỉ là một hướng đi khả thi, mà là một lựa chọn mang tính trách nhiệm với thế hệ học trò hôm nay – những người sẽ kế thừa và tiếp tục viết tiếp câu chuyện văn hóa dân tộc trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Lâm Biền (2006), Nghệ thuật trang trí đình làng Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
  2. Nguyễn Hùng Vỹ (2015), Nghệ thuật dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa Dân tộc.
  4. Nguyễn Văn Huyên (2007), Giáo dục và mỹ thuật truyền thống Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.