ĐƯA CA KHÚC CỦA NHẠC SĨ THANH TÙNG VÀO DẠY HỌC CHO HỌC SINH TRUNG CẤP THANH NHẠC TRƯỜNG TRUNG CẤP VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VÀ DU LỊCH BẮC NINH
Tạ Thị Minh Mẫn
Học viên K15 – Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc
Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh (TC VHNT&DL Bắc Ninh) là một trong những cơ sở đào tạo nghệ thuật uy tín với 26 năm hình thành và phát triển. Trong đó Khoa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Nghệ thuật thực hiện giảng dạy các ngành học dân ca Quan họ Bắc Ninh, thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ nước ngoài, múa, sư phạm âm nhạc, sân khấu, phát hiện và đào tạo tài năng dân ca Quan họ Bắc Ninh, tài năng âm nhạc, múa… và các hoạt động khác theo chương trình, kế hoạch của nhà trường. Hiện nay nhiều ca khúc nhạc nhẹ của nhạc sĩ (NS) Thanh Tùng cũng được lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy tại đây.
Tuy nhiên, giáo trình đào tạo thanh nhạc của nhà trường chủ yếu là các ca khúc dân gian và ca khúc thính phòng, còn hạn chế về số lượng ca khúc nhạc nhẹ. Do đó phương pháp dạy học ca khúc nhạc nhẹ cần được hoàn thiện để đáp ứng tốt về phong cách, đặc trưng lối hát… Đây cũng là sự phù hợp với xu hướng giáo dục âm nhạc hiện đại mà còn là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, cả về mặt chuyên môn và giá trị văn hóa.
1. Định hướng mục tiêu đào tạo và bổ sung ca khúc của Nhạc sĩ Thanh Tùng vào chương trình dạy học
Thanh Tùng được biết đến với những tác phẩm vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng, giai điệu của ông pha trộn giữa phong cách pop ballad mượt mà và sự lãng mạn tinh tế, giúp người thể hiện có cơ hội khai thác tối đa khả năng thanh nhạc cũng như khả năng biểu đạt cảm xúc, bên cạnh đó ca từ của các tác phẩm không chỉ kể về tình yêu hay cuộc sống thường nhật, mà còn là những triết lý sống giản dị, nhân văn. Điều này khiến các bài hát của Thanh Tùng trở thành công cụ giáo dục hiệu quả, giúp học sinh không chỉ học hát mà còn hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và nhân sinh.
Mục đích dạy học cho học sinh tại Trường TC VHNT&DL Bắc Ninh là thể hiện được các ca khúc nhạc nhẹ, trong đó có ca khúc của NS Thanh Tùng với những yêu cầu cơ bản về kỹ thuật và khả năng biểu diễn phù hợp với đối tượng trung cấp thanh nhạc. Việc đưa phương pháp giảng dạy ca khúc của ông vào chương trình học là một bước đi cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, cả về mặt chuyên môn và giá trị văn hóa.
2. Định hướng rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc và xử lý kỹ thuật trong ca khúc của Nhạc sĩ Thanh Tùng
Những ca khúc nhạc nhẹ của NS Thanh Tùng chứa đựng những giá trị nghệ thuật, đáp ứng được nhu cầu biểu diễn nhạc nhẹ cho ca sĩ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư và nhu cầu thưởng thức nhạc nhẹ của khán giả nói chung. Phong cách âm nhạc cũng như giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của Thanh Tùng phù hợp với nhiều mục đích đào tạo, là một trong những lựa chọn mà các GV thanh nhạc nên quan tâm khai thác, tìm tòi và sáng tạo trong công việc giảng dạy.
Âm nhạc của Nhạc sĩ Thanh Tùng lôi cuốn, có sức sống lâu bền và lan tỏa rộng rãi trong công chúng với phần tiết tấu chủ yếu từ các điệu nhảy như Slow – surf, Disco, Shake, Rock…. Những đặc điểm trên trong ca khúc nhạc nhẹ của nhạc sĩ Thanh Tùng phù hợp để đưa vào đào tạo chuyên nghiệp, vừa đáp ứng giáo dục âm nhạc, rèn luyện kỹ thuật hát nhạc nhẹ, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu biểu diễn ở các sân khấu chuyên nghiệp.
Như vậy, để giúp học sinh thể hiện tốt ca khúc nhạc nhẹ của nhạc sĩ Thanh Tùng, giáo viên cần đáp ứng đào tạo về mặt rèn luyện tốt những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản phù hợp với phong cách nhạc nhẹ và kỹ năng giải phóng hình thể.
3. Biện pháp dạy học ca khúc nhạc nhẹ của nhạc sĩ Thanh Tùng
3.1. Rèn luyện hơi thở
Mỗi sắc thái hoặc cường độ âm thanh khác nhau mà người hát muốn tạo ra sẽ cần phương pháp luyện tập và điều khiển hơi thở khác nhau. Dẫu rằng trong nhạc nhẹ, dùng lối hát bản năng là chủ yếu. Những âm thanh được tạo ra sẽ có âm sắc rất đa dạng gần gũi với cách nói bình thường gần như sẽ không phải mất nhiều thời gian để rèn luyện thành chuẩn mực nào đó như lối hát cổ điển (VD như hét lên, gằn giọng, bật tiếng…). Tuy nhiên việc rèn luyện hơi thở sâu của kỹ thuật hát cổ điển sẽ là nền tảng để rèn luyện những kỹ năng hát chuyên nghiệp, linh hoạt hơn, bảo vệ giọng hát bền và khoẻ hơn.
Khi luyện tập bất cứ một kỹ thuật nào GV không được tách rời việc giải thích sử dụng hơi thở. Cơ bản hơi thở được tập với hai kỹ thuật hát tiêu biểu: Đối với kỹ thuật liền tiếng, nhất là hát một câu hát dài, ngân dài hơi thở đẩy đều, chậm, cảm giác nén sâu và đằm hơi; Đối với kỹ thuật hát nhấn và lướt phải vận dụng tốt cơ hô hấp liên quan là cơ bụng dưới và cơ ngực dưới, nhấn và miết hơi xuống chắc cùng tốc độ bật âm thanh cũng như phát âm phải chính xác và gọn gàng.
3.2. Rèn luyện kỹ thuật hát liền tiếng (legato)
Hát liền tiếng là cách hát liền mạch, đều đặn một giai điệu dù trắc trở hoặc ngắt quãng, yêu cầu lướt và di chuyển phát âm các nguyên âm mềm mại; Kỹ thuật hát liền tiếng là kỹ thuật cơ bản và quan trọng nhất, nhưng cũng vô cùng khó cần sự liên tục từ những ngày đầu tiên đến hết đời trong sự nghiệp ca hát. Kỹ thuật hát liền giọng sẽ giúp HS có được cột hơi cũng như âm thanh đầy đặn, thoát tiếng. Kỹ thuật này cần áp dụng trong hầu hết các ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng dù tính chất trữ tình mềm mại hay tiết tấu sôi nổi.
Kỹ thuật hát liền tiếng được luyện tập cơ bản với 5 nguyên âm I, E, A, O, U sao cho âm thanh vang, sáng đảm bảo các tiêu chí: Về vận động của cơ quan phát âm, khi lấy hơi vào đồng thời nhấc hàm ếch mềm, buông lỏng cằm và hàm dưới, đầu lưỡi chạm chân răng hàm dưới; Về vị trí âm thanh, tập trung đưa âm thanh ra phía trước, cảm giác âm thanh hướng lên cao, các nguyên âm cảm giác phát ra từ vị trí vòm hàm. Điều chỉnh để âm thanh phát ra vang, sáng, tròn tiếng, vị trí âm thanh thống nhất; Về hơi thở, cảm giác tựa hơi thở xuống sâu, ém hơi, đẩy hơi đều đặn, liên tục, nhẹ nhàng.
3.3. Kỹ thuật xử lý âm khu cao cho giọng nữ trung
HS hát ca khúc nhạc nhẹ chủ yếu bằng độ vang tự nhiên của giọng thật, ấm và cộng minh ngực ở âm khu thấp, khi lên cao sử dụng kỹ thuật pha giọng (hướng âm thanh nhẹ và gọn ở vùng mặt để cộng minh, hát bằng cơ chế nặng pha với cơ chế nhẹ). Do vậy với quá trình phát triển quãng giọng cho HS hát nhạc nhẹ có chút khác biệt so với đào tạo một ca sĩ hát cổ điển hoặc dân ca. Đối với giọng nữ trung cũng chủ yếu là gặp vấn đề với điểm chuyển giọng lên quãng cao (thường là d2 lên e2). Trong những ca khúc của Thanh Tùng tuy hầu hết quãng giọng không quá rộng, nhưng luôn có những bài ở những quãng khá thấp hoặc liên tục những nốt cao, hoặc có những bài có những bước nhảy quãng rộng. Vì vậy chúng tôi đề xuất một số bài tập luyện thanh để rèn luyện quãng thấp dày và vang hơn, quãng cao chuyển giọng nhẹ, mượt mà và giữ được chất lượng âm sắc như quãng dưới. GV lưu ý những ngày đầu không tham cho HS hát quá cao, đến d2, e2 nên chậm lại để lắng nghe và hướng dẫn từ từ.
3.4. Rèn luyện kỹ năng giải phóng hình thể
Đối với những ca khúc nhạc nhẹ của Thanh Tùng có những đặc trưng về tiết tấu. Giáo viên nên cho học sinh rèn luyện đọc tiết tấu trong bài với lời ca trước khi tiến hành học từng câu từng đoạn với cao độ. Phương pháp này để tập cho HS cảm nhận và phản xạ với tiết tấu và nhịp trong cơ thể.
Giải phóng hình thể có thể qua tập luyện khẩu hình miệng, cơ mặt, ánh mắt và biểu cảm gương mặt. Để tập về cơ mặt và khẩu hình GV hướng dẫn HS thực hiện các bước sau: thả lỏng cổ, miệng hơi hé cười, cằm dưới rơi tự nhiên, lưỡi nằm xuống mềm mại chạm vào chân răng hàm dưới, với cơ mặt thả lỏng từ từ nhấc mở khẩu hình lớn dần. Ánh mắt cũng cần được chú trọng đến khi thể hiện các ca khúc của Thanh Tùng, ánh mắt cần toát lên thần thái, khả năng truyền đạt từng câu nhạc và lời ca đầy cảm xúc chân thực, lôi cuốn bằng ánh mắt hay bản lĩnh để giao lưu với khán giả, rất quan trọng. GV có thể tập cho HS cách nhìn khoảng không, cách dừng và di chuyển ánh mắt chậm từ điểm này đến điểm khác sao cho không bị vô hồn. Ngoài thể hiện ánh mắt, GV cần tập cho HS biểu cảm tươi tắn trên sân khấu khi hát. Gương mặt không căng thẳng, lo lắng và nhăn nhó mà luôn là nét cười nhẹ. Nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, tư thế nên được phối hợp hài hòa để tập trung biểu hiện những rung cảm của bài hát đến khán giả.
Phương pháp giải phóng hình thể bằng cách tập diễn. Thông qua nội dung âm nhạc, nội dung câu hát mà có sự chuyển động cơ thể, đôi tay, đầu… phù hợp. HS phải loại bỏ động tác thừa khi hát như đếm nhịp bằng tay hoặc chân hoặc đầu. Thay vào đó tập trung biểu hiện thông điệp của ca khúc bằng hình thể của mình.
Các ca khúc của Thanh Tùng tuy đậm phong cách lãng mạn, vẻ đẹp ngôn từ kết hợp mềm mại uyển chuyển cùng giai điệu nhưng hình thức, cấu trúc lại vô cùng chặt chẽ và rõ ràng. Vì vậy, người hát phải vừa có sự tinh tế và chiều sâu để cảm nhận và thể hiện vừa phải có cách xử lý thông minh, sang trọng và gọn gàng. Bên cạnh đó, ca khúc nhạc nhẹ của ông cũng vận dụng triệt để những cách sử dụng tiết tấu, cữ âm dành cho nhạc nhẹ nên đòi hỏi người hát biết kết hợp và xử lí tinh tế các kĩ thuật thanh nhạc.
Việc đưa ca khúc của Thanh Tùng vào chương trình giảng dạy đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Học sinh không chỉ tiến bộ về kỹ thuật thanh nhạc mà còn trưởng thành hơn trong việc thể hiện cảm xúc. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển những nghệ sĩ trẻ toàn diện, biết kết hợp giữa kỹ năng và tâm hồn cũng như đáp ứng tính thời đại của giáo dục nghệ thuật tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thang Tuyết Canh (Mai Khanh dịch – 1962), Luyện tập và ca hát như thế nào, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Trần Ngọc Lan (2011), Phương phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam.
- Nguyễn Thị Minh Phượng và Phạm Thị Thuý (2016), Cẩm nang phương pháp sư phạm, Nxb Tổng hợp TP HCM.
- Hà Thủy, Phạm Văn Giáp (2012) Giáo trình phong cách hát nhạc nhẹ, Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
- Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh (2023), Báo cáo kết quả công tác GDNN năm 2020, 2021, 2022.