GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TẠI QUẬN CẦU GIẤY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Học viên Nguyễn Hà My
K17 – Quản lý văn hoá
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, việc xây dựng môi trường văn hóa có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục và sự phát triển toàn diện của con người. Môi trường văn hóa không chỉ bao gồm các yếu tố như phong cách giảng dạy, cơ sở vật chất, mà còn phản ánh những giá trị tinh thần, thái độ và sự quan tâm của cộng đồng giáo dục. Một môi trường văn hóa tích cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của học sinh, từ việc hình thành nhân cách, kỹ năng xã hội đến khả năng tư duy sáng tạo và sự yêu thích học tập.
Trong hệ thống giáo dục cơ sở như các trường tiểu học, việc xây dựng một môi trường văn hóa tốt đẹp càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và duy trì môi trường văn hóa tại các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hiện đang nổi lên một số vấn đề cần được chấn chỉnh. Một số trường học mặc dù đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển một môi trường văn hóa học tập thật sự tích cực. Trước thực tiễn trong Xây dựng môi trường văn hoá (XDMTVH) tại các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, quan điểm, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước vô cùng quan trọng trong việc đưa ra giải pháp về xây dựng môi trường văn hoá. Từ đó, chúng tôi đưa ra những nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hoá trong các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội như sau:
Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường văn hoá
Với mục đích góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của việc XDMTVH và tạo sự đồng thuận, lan toả giá trị văn hoá trong toàn bộ cộng đồng nhà trường, Ban lãnh đạo nhà trường cần tổ chức tuyên truyền về vai trò của môi trường văn hoá bằng các hình thức như Thiết kế tài liệu tuyên truyền như poster, video ngắn tập trung vào lợi ích của XDMTVH đối với sự phát triển toàn diện của học sinh; Sử dụng các kênh thông tin chính thống của nhà trường như website, bản tin, bảng tin, fanpage của nhà trường để lan toả những thông điệp về XDMTVH; Tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu với học sinh vào đầu tuần hoặc trong giờ sinh hoạt với chủ đề “Môi trường văn hoá”.
Ban giám hiệu nhà trường nên đưa nội dung về xây dựng môi trường văn hoá vào môn Tự nhiên và xã hội đối với khối lớp 1, 2, 3 và môn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm đối với khối lớp 4, 5 kết hợp phương pháp giáo dục thực tế như xử lý tình huống, đóng vai để học sinh rèn luyện kỹ năng ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với môi trường xung quanh.
Nhóm giải pháp đối với chủ thể quản lý nhà nước
Tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Các văn bản hướng dẫn cần được bổ sung các quy định cụ thể về XDMTVH, đặc biệt là các hoạt động giáo dục văn hoá ứng xử, kĩ năng sống, văn hoá, văn nghệ trong trường học dựa trên sự phân tích, đánh giá chính xác thực trạng, tính khả thi và sự phù hợp của các văn bản hướng dẫn về XDMTVH trong các trường tiểu học nói chung và các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy nói riêng.
Tạo cơ chế phối hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra những chỉ đạo trong việc triển khai XDMTVH tại các cơ sở giáo dục nói chung và chỉ ra mục tiêu, định hướng rõ ràng mà các trường cần triển khai. Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tiếp nhận thông tin, đưa ra những chỉ đạo cụ thể đến Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, trong đó có quận Cầu Giấy. Tại đây, cần nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hoá, Thông tin, các trường học nhằm tạo ra một cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả.
Đầu tư sản phẩm văn hoá vật chất. việc đầu tư xây dựng, cải tạo các cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao, nghệ thuật của học sinh khá quan trọng như các trang thiết bị học tập (máy tính, sách, truyện, đồ dùng thí nghiệm…); thiết chế văn hoá (sân khấu, hội trường, thư viện, khu vui chơi, cảnh quan…). Nguồn lực ngân sách nhà nước cần được tăng cường nhằm đảm bảo đáp ứng việc XDMTVH tại các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia hiệu quả.
Đổi mới hoạt động văn hoá, văn nghệ. Các chủ thể quản lý cần triển khai đa dạng hoá hình thức tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, phù hợp với sở thích lứa tuổi học sinh, thậm chí, có thể tham khảo ý tưởng văn nghệ từ học sinh để đem lại hiệu quả sân khấu tốt hơn. Việc tích hợp văn hoá, văn nghệ vào chương trình học, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế một số loại hình nghệ thuật thông qua các buổi dã ngoại, trải nghiệm giúp các em được phát triển toàn diện và tăng vốn hiểu biết của bản thân.
Nhân rộng người tốt, việc tốt. Xây dựng hình mẫu thông qua tìm kiếm, tuyên dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc XDMTVH như hành động văn minh, nét ứng xử đẹp, học tập, thể thao tốt… là một trong những cách thức triển khai hiệu quả. Ban quản lý nhà nước tăng cường tổ chức các cuộc thi về chủ đề liên quan đến đạo đức, lối sống để khuyến khích học sinh học tập và làm theo; Xây dựng các câu lạc bộ thiện nguyện, tình nguyện để học sinh tham gia các hoạt động xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh.
Tập huấn xây dựng môi trường văn hoá. Nội dung trong buổi tập huấn bao gồm các lý thuyết cơ bản về XDMTVH, thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình XDMTVH từ các chuyên gia; Các kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hoá, văn nghệ; Các phương pháp đánh giá hiệu quả của các hoạt động XDMTVH tại trường học. Hình thức triển khai những buổi tập huấn cần đa dạng, tránh gây nhàm chán, áp lực lên những chủ thể thực hiện thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo, tấp huấn.
Nhóm giải pháp đối với chủ thể quản lý trực tiếp
Rà soát nội quy, quy chế, quy định đã ban hành. cần rà soát toàn diện, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống nội quy, quy chế, quy định đã ban hành từ cấp trường đến cấp lớp; Đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và hiệu quả của từng quy định; Bổ sung các quy định cụ thể về văn hoá ứng xử, đạo đức, tôn trọng giữa ban lãnh đạo và giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh.
Thường xuyên tuyên truyền việc XDMTVH. Triển khai tuyên truyền về việc XDMTVH thông qua các buổi họp, sinh hoạt lớp, buổi trò chuyện chuyên đề, hội thảo về chủ đề XDMTVH trong trường học hoặc qua các kênh thông tin trực tuyến như sử dụng bảng tin, website, fanpage, mạng xã hội chính thống củ nhà trường để đăng tải những thông tin, bài viết về XDMTVH trường học như hình ảnh giáo viên và học sinh thực hành kĩ năng chào hỏi mỗi ngày; thực hành trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh sân trường…
Tạo cơ chế hợp tác nhà trường – ban phụ huynh – tổ chức xã hội. Trước tiên, ban lãnh đạo nhà trường cần thành lập hội đồng phối hợp gồm đại diện của nhà trường, hội trưởng ban phụ huynh và các tổ chức xã hội để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động, trong đó, cần nêu rõ nhiệm vụ của từng bên và cơ chế phối hợp. Các buổi họp được tổ chức định kỳ để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động giáo dục, văn hoá, văn nghệ, ngoại khoá…, từ đó, đánh giá kết quả, công khai tài chính và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề tồn đọng và phát sinh.
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đội Thiến niên Tiền phong, Đội Sao đỏ trong XDMTVH. Các tổ chức trong trường học như Công đoàn, Đội Thiếu niên Tiền phong, Đội Sao đỏ được coi là những tổ chức tiên phong trong bất kì hoạt động nhằm đôn đốc, thúc đẩy các cá nhân trong tập thể tham gia vào phòng trào nhà trường, do đó, cần tận dụng tối đa các tổ chức này nhằm thúc đẩy các hoạt động XDMTVH trong trường học.
Tập trung xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học. Thứ nhất, ban lãnh đạo nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, cụ thể, phù hợp với học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại trường học; Thứ hai, cần tổ chức các hoạt động rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh; Thứ ba, tăng cường các công tác giáo dục đạo đức cho giáo viên để các thầy, cô giáo trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Nhóm giải pháp tăng cường nguồn lực về việc xây dựng môi trường văn hoá
Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hoá, giáo dục. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, các khoản hỗ trợ từ Hội Ban Phụ huynh và các tổ chức xã hội khác đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện các thiết chế văn hoá, giáo dục phục vụ quá trình học tập và làm việc của học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường. Quỹ Hội Ban Phụ huynh và các tổ chức xã hội được thành lập và đảm bảo những quy định đã đề ra.
Nâng cao chất lượng đánh giá các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thường xuyên thực hiện công tác đánh giá các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để kịp thời điều chỉnh các bộ quy tắc, nội quy, quy định nhà trường nhằm đem lại hiệu quả cao trong quá trình XDMTVH tại trường học. Do đó, nâng cao chất lượng đánh giá đồng nghĩa với việc nâng cao ý thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhằm nhanh chóng đem lại kết quả tốt, nhân rộng người tốt, việc tốt trong việc XDMTVH.
KẾT LUẬN
Các nhóm giải pháp trên là những nhóm giải pháp cơ bản, cần thiết và thích hợp trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện các giải pháp này cần được kết hợp chặt chẽ với nhau, đồng bộ không tách rời sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong việc XDMTVH trong các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đinh Thị Vân Chi (2015), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hoá, môi trường văn hoá, Văn hoá dân tộc , Hà Nội.
- Đặng Văn Chiến (2021), Xây dựng văn hoá công sở tại trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
- Đinh Xuân Dũng (2004), Mấy cảm nhận về văn hoá, , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Quản Trọng Hiến (2023), Xây dựng văn hoá ứng xử của cán bộ, giáo viên và học sinh tại trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hoá, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
- Đỗ Huy (2015), “Mấy vấn đề lý luận về môi trường văn hoá và đời sống văn hoá”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật (số 329), tr.8-10;34.
- Nguyễn Thị La (2019), Quản lý xây dựng văn hoá nhà trường tại Học viện Hành chính Quốc gia, Luận văn thạc sĩ Quản lý văn hoá, Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Nhóm tác giả (2004), Xây dựng môi trường văn hoá – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, Hà Nội.
- Đào Đăng Phượng (2021), Giáo dục văn hoá môi trường cho sinh viên nghệ thuật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Hữu Thức (2019), “Bàn về giáo dục văn hoá môi trường”, Tạp chí Giáo dục nghệ thuật, số 31/2019, tr.65.
- Nguyễn Hữu Thức (2019), “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên – nền tảng xây dựng môi trường văn hoá và ứng xử văn hoá trong trường học”, Tạp chí Giáo dục nghệ thuật, số 30/2019.
- Hoàng Vinh (1999), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn Xây dựng văn hoá ở nước ta, Viện văn hoá & Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.