GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT CỦA TRUNG TÂM ĐÀO TẠO, THI ĐẤU THỂ THAO VÀ NGHỆ THUẬT TỈNH CAO BẰNG
Học viên K16 – Quản lý văn hóa
MỞ ĐẦU
Trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế, trước những biến đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa vẫn luôn là những giá trị trường tồn, quản lý hoạt động văn hóa vẫn luôn giữ một vị trí vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi quốc gia dân tộc. Thời gian qua, Trung tâm đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiệm vụ quản lý, đào tạo các thế hệ vận động viên, học sinh năng khiếu về thể thao, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều thành tựu góp phần đào tạo thế hệ vận động viên tiềm năng, hạt nhân văn nghệ cho địa phương. Bài viết bàn về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động văn hóa và nghệ thuật của Trung tâm Đào tạo, thi đấu thể thao và Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng (TTĐTTĐTT&NT).
Văn hóa là lĩnh vực đời sống mang tính sáng tạo cao, nhằm thỏa mãn không chỉ nhu cầu vật chất mà còn thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mỗi cá nhân và cả xã hội loài người, trở thành nền tảng, động lực quan trọng cho sự phát triển xã hội. Tất cả hoạt động văn hóa của loài người đã góp phần xây dựng nên nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc giữ gìn, phát huy và quản lý hoạt động văn hóa trở nên hết sức quan trọng, quản lý văn hóa chính là sự định hướng, chỉ đạo của chủ thể quản lý đến các hoạt động văn hóa theo đúng đường lối, chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho xã hội loài người vận động, phát triển đi lên.
Quản lý các hoạt động văn hóa hiện nay có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Không thể để các hoạt động văn hóa diễn ra một cách tự do, tùy tiện; bởi điều này là vô cùng nguy hiểm. Văn hóa còn, thì dân tộc còn, đây là điều mà tất cả chúng ta đều biết. Vậy nên, những người làm công tác quản lý các hoạt động văn hóa cũng phải là những cán bộ có tâm, tầm, trí; hay nói một cách khác phải là những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ hiểu biết sâu sắc về giá trị, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống xã hội, và đối với mỗi con người.
NỘI DUNG
1. Thực trạng quản lý hoạt động văn hóa – nghệ thuật của Trung tâm đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật tỉnh Cao Bằng
Trung tâm đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật tỉnh Cao Bằng là một thiết chế văn hóa tổng hợp, đa chức năng. Trung tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng thành lập để duy trì, phát triển công tác đào tạo, thi đấu thể thao và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần, thể chất của nhân dân. Trung tâm cũng đồng thời làm công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về các lĩnh vực văn hóa, chính trị, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Cao Bằng. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế về văn hóa hiện nay, TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng đã làm tốt vai trò quản lý không chỉ trong hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao mà còn quản lý hiệu quả các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật; thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Nhờ có công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tiến hành chặt chẽ, hiệu quả mà các hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật của trung tâm có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao diễn ra cả trong và ngoài trung tâm được quản lý và kiểm tra, giám sát chặt chẽ đã thu hút ngày càng nhiều vận động viên đến tham gia, giao lưu, học hỏi chuyên môn. Nhiều câu lạc bộ mới được thành lập và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Công tác đào tạo học sinh năng khiếu; bồi dưỡng vận động viên thành tích cao diễn ra bài bản, đúng nội dung, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức các giải thi đấu thể thao diễn ra đúng điều lệ, đúng quy chế của giải, được đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia thể thao đánh giá cao. Các chương trình văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, lan tỏa được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương.
Tuy nhiên, “các cơ sở hạng mục của trung tâm như: nhà ăn, nhà ở vận động viên, nhà thi đấu, bể bơi, sân vận động, trụ sở làm việc đã xuống cấp; công tác vận động tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức kinh tế và cá nhân cho hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao gặp nhiều khó khăn” [4 tr.2] đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động Thể thao và Nghệ thuật của tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng là đơn vị mới được thành lập nên công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập do chưa thích nghi hoàn toàn được cách vận hành mới, công tác quản lý còn chưa hoàn thiện về thể chế, các chính sách đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, đơn vị còn phụ thuộc vào kinh phí hoàn toàn từ tỉnh. Dự án khu liên hợp chưa có kinh phí để triển khai, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ lãnh đạo cũ chưa có phương án quản lý phù hợp, đãi ngộ về chế độ của vận động viên, huấn luyện viên còn thấp hơn so với quy định của trung ương, đó là những vấn đề gây nên sự hoạt động kém hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp khả thi, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động văn hóa, đào tạo thi đấu thể thao của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.
2. Đề xuất các giải pháp nâng cao quản lý hoạt động văn hóa – nghệ thuật của Trung tâm
2.1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật quản lý văn hóa
Thực tiễn, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, do đó phải giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý nhà nước về văn hóa phải được thực hiện thông qua quá trình xây dựng cơ chế chính sách, hiện thực hóa các chủ trương đường lối, của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong từng thời điểm, thời kỳ cụ thể cũng như xu thế phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Trung tâm cần thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các văn bản quản lý của Nhà nước như: các quy định, quyết định, quy chế… nhằm quản lý có hiệu quả các hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao và văn hóa nghệ thuật tại TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị theo tinh thần Đảng lãnh đạo, nhân dân hưởng ứng các hoạt động thể dục, thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Các cấp lãnh đạo của tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là Sở VHTT&DL, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cần xây dựng và ban hành nhiều hơn nữa chính sách động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh. Trong các văn bản, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư của các tổ chức, cá nhân; các cấp lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cần có những điều khoản cụ thể quy định việc miễn, giảm thuế ở một số lĩnh vực cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Trong thời gian tới, Trung tâm cần vận dụng các quy định của pháp luật để có kế hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả, khách quan, đúng mục đích các tài sản công được giao quản lý sử dụng. Những quy định này còn nhằm để tạo nguồn kinh phí phục vụ hoạt động của Trung tâm nói chung, phục vụ cho hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật nói chung
2.2. Tăng cường đầu tư nguồn lực con người cho văn hóa và xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa
Trên thực tiễn, để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý văn hóa, giải pháp về nguồn lực, vấn đề con người, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ở TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Trước hết cần đánh giá một cách khách quan, khoa học, toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm trong thời gian qua. Kết quả thẩm định, đánh giá là cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng bổ sung thêm nguồn cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật, theo những tiêu chuẩn của vị trí việc làm. Công tác quy hoạch cán bộ, viên chức cũng được xem là khâu then chốt của then chốt trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ở trung tâm. Chủ động phát hiện, lựa chọn cán bộ trẻ có triển vọng để tạo nguồn cán bộ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu trực tiếp và lâu dài, đảm bảo có tính kế thừa và phát triển.
Trung tâm Đào tạo, thi đấu thể thao và Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, ban hành quy chế tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực thể thao, văn hóa nghệ thuật; đảm bảo có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất hoàn thành công việc được giao.
Trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tại tỉnh Cao Bằng ngoài việc đầu tư nguồn lực con người cho văn hóa cần phải xây dựng những thiết chế văn hóa phù hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, hướng tới đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân.
2.3. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động quản lý văn hóa
Trong những năm gần đây, vấn đề xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thi đấu thể thao được các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm. Quản lý và phát huy tốt nguồn lực tự chủ các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa và nghệ thuật của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng được tiến hành với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, phạm vi, loại hình cụ thể.
Cùng với quá trình phát huy tốt nguồn lực tự chủ của đơn vị; Ban Giám đốc trung tâm cần tích cực kêu gọi sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Đồng thời với quá trình huy động nguồn lực tài chính là quá trình sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích, phát huy tinh thần dân chủ, làm chủ của mọi cán bộ, viên chức trong trung tâm.
Quá trình xã hội hóa cũng đồng thời là quá trình Nhà nước, trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, đầu tư ngân sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo, thi đấu thể thao và nghệ thuật của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những nguồn lực chính, quan trọng, không thể thiếu để duy trì sự phát triển của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng.
2.4. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động của trung tâm
Nâng cao hiệu quả đào tạo là một trong những nội dung quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Với chức năng tham mưu giúp Giám đốc Trung tâm về công tác tuyển chọn, kiểm tra, giám sát và đào tạo vận động viên thể thao phong trào; phát triển thể thao thành tích cao theo đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt, trung tâm đã vượt qua khó khăn, duy trì tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các vận động viên năng khiếu và tập trung đầu tư trọng điểm cho các vận động viên có khả năng giành huy chương tại các giải thể dục thể thao của tỉnh, trong nước và khu vực.
Trung tâm cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tuyển chọn, huấn luyện, thi đấu; đổi mới phương thức quản lý, đào tạo vận động viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ huấn luyện viên. Khuyến khích các đội tuyển tham dự giải đấu trong nước và quốc tế để vận động viên được thi đấu, tích lũy kinh nghiệm; huy động các nguồn lực xã hội hóa, có chính sách đãi ngộ, khen thưởng kịp thời đối với vận động viên đạt nhiều thành tích…
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Đào tạo nghệ thuật là giải pháp chính góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa ở TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Phòng Đào tạo nghệ thuật cần tích cực, chủ động hơn nữa trong xây dựng kế hoạch, giáo án giảng dạy các lớp năng khiếu nghệ thuật; tham mưu xây dựng chế độ chính sách, khen thưởng cho học sinh, giáo viên, cộng tác viên đạt thành tích cao trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của tỉnh và toàn quốc.
Nâng cao hiệu quả công tác giáo vụ và quản sinh của phòng Giáo vụ Quản sinh. Phòng Giáo vụ và Quản sinh có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Trung tâm về công tác quản lý hồ sơ vận động viên, học sinh; làm công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng, học tập văn hóa cho vận động viên, học sinh.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động tham mưu, phối hợp về cơ sở vật chất của phòng hành chính tổng hợp. Phòng Hành chính tổng hợp có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Trung tâm công tác xử lý thông tin, điều phối các hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác; tham mưu công tác tổ chức, cán bộ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật; chế độ tiền lương, chính sách; tài chính, tài sản; đối nội, đối ngoại; công tác hành chính, quản trị; công tác văn thư, lưu trữ; y tế, cấp dưỡng; an ninh trật tự.
2.5. Tăng cường công tác kiểm tra và thi đua khen thưởng
Công tác kiểm tra, thi đua khen thưởng trong mọi hoạt động đều có vai trò rất quan trọng. Nếu kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, nghiêm túc; thi đua khen thưởng khách quan, công bằng, dân chủ, công tâm thì sẽ tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi cán bộ, viên chức có động lực phấn đấu hoàn thành tốt công việc. Ngược lại kiểm tra qua loa, chiếu lệ; đánh giá thiếu khách quan, công bằng dẫn tới thi đua hình thức, khen thưởng không đúng người, đúng việc sẽ trở thành vật cản kìm hãm sự cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn của cán bộ, viên chức trong trung tâm. Vì vậy, trong thời gian tới, TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 58/KH-SVHTTDL ngày 20/4/2021 của Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng.
Bên cạnh đó cần trực tiếp hướng dẫn các phòng xây dựng nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong trung tâm. Tích cực tuyên truyền, nhân rộng trong Sở VHTT&DL nói riêng, và trong tỉnh Cao Bằng nói chung. Công tác bình bầu, xét, công nhận và đề nghị các danh hiệu thi đua, khen thưởng đã có nhiều đổi mới tích cực, đảm bảo khách quan, dân chủ, công bằng, đúng người đúng việc, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.
KẾT LUẬN
Hiện nay, công tác quản lý các hoạt động VH, thể thao của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng được tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của Cục VH cơ sở mà trực tiếp là Sở VHTT&DL tỉnh Cao Bằng; sự quản lý điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bẳng. Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp lãnh đạo địa phương, do đó TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong quá trình làm công tác quản lý các hoạt động VH, thể thao; kết quả đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, do sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí còn hạn hẹp; sự quản lý còn chồng chéo của nhiều chủ thể; tính sáng tạo, chủ động của cán bộ, viên chức Trung tâm trong xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động chưa linh loạt mà chất lượng, hiệu quả, cơ chế quản lý VH của trung tâm vẫn còn một số hạn chế, bất cấp, thiếu sót nhất định.
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý hoạt động văn hóa, đào tạo thi đấu thể thao của Trung tâm, tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động văn hóa – nghệ thuật của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng. Các giải pháp trên là một thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giữ vị trí vai trò khác nhau song đều góp phần nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động của TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng.
Tóm lại, công tác quản lý hoạt động văn hóa ở TTĐTTĐTT&NT tỉnh Cao Bằng có vai trò rất lớn trong việc góp phần kích thích, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh chóng và bền vững
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), Chương trình công tác năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Kèm theo Quyết định số 171/QĐ-BVHTTDL ngày 22/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Đảng Bộ tỉnh Cao Bằng (2023), Hướng dẫn số 47-HD/ĐUK ngày 16 tháng 01 năm 2024 về công tác văn hóa – văn nghệ năm 2024.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Cao Bằng (2023), Tờ trình số 34/TTr-SVHTTDL ngày 21 tháng 03 năm 2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng
4. Trung tâm Đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng (2023), Báo cáo số 416/BC-TTĐTTĐTTNT ngày 24 tháng 10 năm 2023 tổng kết công tác năm 2023 phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng (2019), Quyết định số 1149/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2019 về việc Thành lập Trung tâm đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.