Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

Phạm Hoàng Tường

Học viên K17 – Quản lý văn hóa

Trường Đại học Y Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu cả nước, nơi quy tụ đội ngũ giảng viên (GV), sinh viên (SV) có trình độ chuyên môn cao và phẩm chất đạo đức tốt. Việc xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) tại đây giữ vai trò then chốt trong việc hình thành không gian học đường nhân văn, hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức chưa đồng đều giữa các chủ thể, hoạt động văn hóa còn rời rạc, thiếu gắn kết với giáo dục đạo đức nghề và nguồn lực tổ chức còn hạn chế. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế toàn diện, việc xác lập định hướng chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng MTVH là hết sức cần thiết. Bài viết này nhằm đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng MTHVH tại Trường Đại học Y Hà Nội.

1. Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên

            Nâng cao nhận thức về vai trò của MTVH là nền tảng xây dựng học đường lành mạnh. Tại Trường Đại học Y Hà Nội, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua hội thảo, tọa đàm, tập huấn gắn với thực tiễn. Nhà trường nên tích hợp giáo dục đạo đức nghề, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo nhằm phát triển toàn diện năng lực và nhân cách SV. Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, phong trào thi đua là kênh hữu hiệu giúp SV trải nghiệm và nâng cao nhận thức văn hóa. Đồng thời, công tác truyền thông nội bộ cần lan tỏa gương người tốt – việc tốt, tạo cảm hứng và tinh thần trách nhiệm. Việc xây dựng cơ chế phản hồi, khen thưởng tập thể, cá nhân tích cực sẽ thúc đẩy sự tham gia chủ động trong xây dựng MTVH học đường.

2. Nhóm giải pháp đề xuất đối với chủ thể quản lý nhà nước

2.1. Bộ Y tế

Là cơ quan chủ quản Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đóng vai trò định hướng và giám sát xây dựng MTVH trong các cơ sở đào tạo ngành y. Bộ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế tích hợp nội dung đạo đức nghề, văn hóa ứng xử và chuẩn mực hành vi. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp liên ngành với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) trong đào tạo kỹ năng mềm, giao tiếp y học. Việc tổ chức hội thảo về y đức, môi trường bệnh viện và xây dựng mô hình MTVH mẫu là cần thiết nhằm lan tỏa giá trị văn hóa tích cực tại Trường Đại học Y Hà Nội.

2.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ GD&ĐT cần hoàn thiện chính sách pháp lý về xây dựng MTVH trong giáo dục đại học, đặc biệt là văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá MTVH học đường. Cần đẩy mạnh công tác giám sát, hỗ trợ các trường triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề. Với các cơ sở đào tạo ngành y, nên có chương trình đào tạo đặc thù. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua trao đổi GV, SV với các nước có nền giáo dục tiên tiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng xây dựng MTVH, tạo ra môi trường học đường hiện đại, nhân văn và chuyên nghiệp hơn.

2.3. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

Việc xây dựng MTVH trong hệ thống giáo dục đại học không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ và định hướng từ các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo rằng MTVH trong các trường đại học không chỉ mang tính hình thức mà thực sự đi vào đời sống SV, góp phần đào tạo ra những thế hệ trí thức có trách nhiệm, đạo đức và tinh thần cống hiến cho xã hội.

2.4. Sở Y tế thành phố Hà Nội

Là cơ quan quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, Sở Y tế thành phố Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phối hợp và đồng hành với Trường Đại học Y Hà Nội trong công tác xây dựng MTVH gắn với yêu cầu thực tiễn y tế thủ đô.

2.5. Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội

Vai trò của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong việc xây dựng MTVH tại Trường Đại học Y Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc định hướng mà còn thể hiện qua các hành động cụ thể nhằm thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần của SV. Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp từ giao lưu văn hóa, tổ chức sự kiện, xây dựng cơ sở vật chất đến truyền thông và giáo dục, Sở sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra một môi trường học tập giàu giá trị văn hóa, giúp SV không chỉ học tập tốt mà còn phát triển toàn diện về nhân cách và trách nhiệm với cộng đồng.

2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội

Với vai trò định hướng, quản lý và hỗ trợ, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội có thể triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng MTVH tại Trường Đại học Y Hà Nội. Từ việc tăng cường tuyên truyền, tổ chức các phong trào, giám sát thực thi chính sách đến việc mở rộng hợp tác với các tổ chức bên ngoài, những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, chuẩn mực, góp phần đào tạo những thế hệ bác sĩ vừa có tài, vừa có đức, sẵn sàng cống hiến cho xã hội.

3. Nhóm giải pháp đề xuất đối với chủ thể quản lý trực tiếp

Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội cần chỉ đạo toàn diện việc xây dựng MTVH qua hội thảo, lồng ghép giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo. Cần ban hành quy chế nội bộ rõ ràng về thái độ học tập, hành vi ứng xử, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nội bộ qua mạng xã hội, website. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, văn nghệ thể thao để SV rèn luyện kỹ năng sống. Việc kiểm tra, khen thưởng cần minh bạch, có tiêu chí cụ thể. Song song đó, cải thiện cơ sở vật chất như thư viện, không gian sinh hoạt, khu văn hóa – nghệ thuật là yếu tố hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển toàn diện của SV.

4. Nhóm giải pháp đối với sinh viên

SV cần được trang bị kiến thức về y đức, văn hóa học đường qua các chương trình tích hợp và chuyên đề “SV Y – Nhân cách và Nghề nghiệp”. Chủ động rèn luyện tinh thần tự học, tự quản, kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu và học nhóm là yêu cầu thiết yếu. Cần khuyến khích tham gia câu lạc bộ chuyên môn, ngoại ngữ, tình nguyện và phong trào “SV 5 tốt”. Nhà trường nên tổ chức chuyên đề về văn hóa số, định hướng sử dụng mạng xã hội văn minh. Vai trò tự quản cần được phát huy qua các tổ chức SV và cơ chế phản hồi, đối thoại, tạo cơ hội để SV tham gia xây dựng MTVH học đường hiện đại, dân chủ và nhân văn.

5. Nhóm giải pháp tăng cường nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng MTVH cần được đảm bảo bằng nguồn lực tài chính, nhân lực và vật lực. Nhà trường nên tăng đầu tư cho hoạt động văn hóa, kỹ năng mềm, ngoại khóa; đồng thời huy động tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức và cựu SV. Cơ sở vật chất cần được nâng cấp như thư viện, phòng học, ký túc xá và không gian sinh hoạt chung để hỗ trợ học tập và giao lưu. Cần bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ chuyên trách về giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử. Bên cạnh đó, việc mở rộng hợp tác quốc tế sẽ tạo cơ hội học tập, thực hành và phát triển văn hóa học đường theo hướng hội nhập, bền vững.

KẾT LUẬN

Xây dựng MTVH tại Trường Đại học Y Hà Nội là nhiệm vụ chiến lược nhằm đào tạo đội ngũ y tế không chỉ giỏi chuyên môn mà còn giàu nhân cách, đạo đức và tinh thần cống hiến. MTVH tạo nền tảng tinh thần, nuôi dưỡng giá trị nhân văn, thúc đẩy học tập và phát triển toàn diện. Trên cơ sở phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng, bài viết đã đề xuất hệ thống giải pháp gồm: nâng cao nhận thức; tăng cường vai trò quản lý nhà nước; đổi mới quản lý cấp trường; phát huy vai trò SV; tăng nguồn lực tài chính, nhân lực và vật chất. Khi MTVH được vun đắp bền vững, nhà trường sẽ trở thành nơi đào tạo những người thầy thuốc vừa có tâm, vừa có tầm, đóng góp tích cực cho xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban chấp hành Trung ương 5 khóa VIII (1998), Nghị quyết lần thứ 5, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  2. Phạm Văn Hòa (2018), “Xây dựng văn hóa ứng xử tại Trường Đại học Y Hà Nội”, Tạp chí Văn hóa và Đời sống, số 9.
  3. Trần Thị Mai Hương (2020), “Vai trò của văn hóa trong việc hình thành nhân cách sinh viên y khoa: Nghiên cứu tại Trường Đại học Y Hà Nội”, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 12.
  4. Lê Văn Minh (2019), Phát triển văn hóa tổ chức trong trường đại học: Trường hợp Trường Đại học Y Hà Nội, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  5. Đào Đăng Phượng (2021), Giáo dục văn hóa môi trường cho sinh viên nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội.
  6. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2021), đề tài khoa học Xác định khái niệm xây dựng môi trường văn hóa, Hà Nội.
  7. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2022), đề tài khoa học Xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình và nhà trường, Hà Nội.
  8. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2022), đề tài khoa học Xây dựng môi trường văn hóa công sở và nơi công cộng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước: lý luận và thực tiễn, Hà Nội.