Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT VÀ XỬ LÝ SẮC THÁI CƯỜNG ĐỘ TRONG DẠY HỌC TIỂU PHẨM PIANO CỦA NHẠC SĨ J.S. BACH TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC TẾ HOÀN CẦU DREAMWOOD JANGCLA

Cao Lan Anh

Học viên K16 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

Mở đầu

Kỹ thuật và xử lý sắc thái cường độ trong việc dạy học tiểu phẩm Piano có vai trò quan trọng giúp học sinh nắm bắt được bản chất và phong cách âm nhạc đặc trưng của từng tác phẩm. Với các tiểu phẩm của nhạc sĩ J.S. Bach, vốn nổi tiếng về tính chất phức điệu và yêu cầu kỹ thuật cao, việc hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật ngón đàn và cách xử lý sắc thái cường độ sẽ giúp học sinh không chỉ phát triển kỹ năng chơi đàn mà còn cảm thụ được những nét đặc sắc trong âm nhạc của Bach. Để giúp học sinh đạt được điều này, bài viết hướng dẫn kỹ thuật và cách xử lý sắc thái cường độ trong quá trình dạy học các tiểu phẩm Piano của J.S. Bach tại Trung tâm Giáo dục Quốc tế Hoàn cầu Dreamwood Jangcla.

Nội dung

Trong phạm vi nghiên cứu hướng dẫn kỹ thuật và xử lý sắc thái cường độ trong việc dạy học tiểu phẩm Piano của J. Bach tại Trung tâm Quốc tế Hoàn cầu Dreamwood Jangcla, bài viết chú trọng vào việc hướng dẫn HS các kỹ thuật tạo âm thanh trong các tiểu phẩm như legato, non legato, staccato.

1. Kỹ thuật legato

Kỹ thuật legato có trong các tiểu phẩm như Gavotte BWV 822; Minuet G-dur BWV Anh.114; Minuet I Bb-dur BWV 825. Kỹ thuật này yêu cầu phải giữ phím đàn liên tục, tạo ra âm thanh mượt mà, liền mạch. Chuyển đổi các ngón tay một cách linh hoạt, không có sự gián đoạn. Sử dụng chuyển động cổ tay linh hoạt. Cường độ âm thanh biến đổi nhẹ nhàng, tạo sự biểu cảm cho âm nhạc. Mục đích của kỹ thuật legato là thể hiện giai điệu âm nhạc một cách mượt mà, êm ái, tạo cảm giác liền mạch, kết nối giữa các nốt nhạc, truyền tải cảm xúc một cách tinh tế, sâu sắc. Chẳng hạn trong tiểu phẩm Minuet G-dur BWV Anh.114, giai điệu của bè tay phải cần được thực hiện bằng kỹ thuật legato.

Ví dụ 1: Minuet G-dur BWV Anh.114

(Trích từ ô nhịp 17 đến ô nhịp 21)

 Bên cạnh đó, tiểu phẩm Minuet G-dur BWV Anh.114 yêu cầu phải phối hợp nhuần nhuyễn hai kỹ thuật legato và non legato. GV cần hướng dẫn kỹ và cụ thể hai kỹ thuật này trong bài giúp HS rèn luyện sự linh hoạt của các ngón tay, khả năng kiểm soát lực ngón tay và sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai tay.

2. Kỹ thuật staccato và marcato

Kỹ thuật staccato và marcato được sử dụng trong các tiểu phẩm như Minuet g-moll BWV Anh.115; Musette D-dur BWV Anh.126. Yêu cầu của kỹ thuật này là chơi ngắt, nảy từng nốt, nâng cao cổ tay và thả lỏng ngón tay khi thực hiện mỗi nốt nhạc. Sử dụng chuyển động cổ tay linh hoạt để tạo ra sự staccato. Cường độ âm thanh ngắn gọn, rõ ràng, tạo sự dứt khoát. Mục đích của kỹ thuật này thể hiện các giai điệu một cách dứt khoát, mạnh mẽ, tạo sự nhấn nhá, điểm nhấn trong âm nhạc từ đó truyền tải cảm xúc một cách sôi động, hứng khởi. Chẳng hạn, trong tiểu phẩm Musette D-dur BWV Anh.126.

Ví dụ 2: Musette D-dur BWV Anh.126

(Trích từ ô nhịp 6 đến ô nhịp 17)

 Tiểu phẩm Musette D-dur BWV Anh.126 là một ví dụ điển hình để rèn luyện kỹ thuật staccato và marcato cho HS 10 – 11 tuổi. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các bản nhạc mang giai điệu vui tươi, rộn ràng, tạo sự nhí nhảnh. GV cần thị phạm bài tập nhiều lần để HS quan sát, lắng nghe và cảm nhận cách chơi staccato chính xác. Có thể thực hiện ở các tốc độ khác nhau để HS dần dần làm quen với bài tập.

Tiểu phẩm Minuet g-moll BWV Anh.115 là một ví dụ điển hình để rèn luyện kỹ thuật phối hợp staccato và marcato cho HS 10 – 11 tuổi. Bài tập này đòi hỏi HS phải tập trung cao độ, có khả năng kiểm soát lực ngón tay tốt và phối hợp nhịp nhàng giữa hai tay.

Ví dụ 3: Minuet g-moll BWV Anh.115

(Trích từ ô nhịp 26 đến ô nhịp 32)

3. Kỹ thuật non legato

Kỹ thuật non legato được sử dụng trong các tiểu phẩm như Minuet g-moll BWV 822; Minuet 2 G-dur BWV Anh.116.

Kỹ thuật này yêu cầu đặt tay chuẩn xác, thả lỏng toàn bộ cơ thể, đặc biệt là cổ tay và ngón tay. Nâng cao cổ tay, thả lỏng và di chuyển ngón tay linh hoạt khi di chuyển trên phím đàn. Đầu ngón tay chạm phím dứt khoát, rõ ràng, tạo ra âm thanh ngắn gọn, đều đặn. Cường độ âm thanh vừa phải, tránh nhấn mạnh đột ngột. Mục đích của kỹ thuật này là rèn luyện sự linh hoạt của cổ tay và ngón tay, tạo nền tảng cho các kỹ thuật phức tạp hơn từ đó giúp HS kiểm soát được lực ngón tay một cách chính xác.

Ví dụ 4: Minuet g-moll BWV 822

(Trích từ ô nhịp 5 đến ô nhịp 14)

Trong tiểu phẩm Minuet g-moll BWV 822, hai bè giai điệu của hai tay được thực hiện bằng kỹ thuật non legato, đòi hỏi HS phải chơi từng nốt một cách ngắn gọn, dứt khoát, đồng thời đảm bảo độ chính xác về nhịp điệu và cường độ âm thanh.

4. Kỹ thuật chéo ngón

Kỹ thuật chéo ngón là một trong những kỹ thuật quan trọng của đàn piano, đặc biệt trong các tác phẩm phức điệu của J.S. Bach. Kỹ thuật này giúp HS di chuyển tay trên bàn phím một cách linh hoạt và trơn tru mà không cần phải dừng lại hoặc ngắt quãng khi thay đổi vị trí. Điều này cực kỳ quan trọng khi HS phải chơi các đoạn nhạc với quãng rộng hoặc các giai điệu phức tạp cần sự liền mạch. HS cần biết cách chuyển ngón tay một cách linh hoạt và chính xác để duy trì nhịp điệu và giai điệu xuyên suốt bản nhạc.

Cách thức luyện tập: Trong quá trình luyện tập, GV cần hướng dẫn HS cách sử dụng ngón cái để chéo qua ngón khác khi chơi các đoạn nhạc có quãng rộng. Điều này thường xảy ra khi HS phải di chuyển từ nốt thấp lên nốt cao trên bàn phím, chẳng hạn như khi chơi các đoạn chạy ngón.

Ví dụ 5: Minuet 2 G-dur BWV Anh.116

(Trích từ ô nhịp 15 đến ô nhịp 24)

Việc sử dụng kỹ thuật chéo ngón đúng cách sẽ giúp HS không bị gãy khúc trong khi chơi, duy trì được âm thanh liền mạch và mượt mà. Một ví dụ điển hình để thực hành kỹ thuật này là các đoạn chạy ngón trong tiểu phẩm Minuet 2 G-dur BWV Anh.116.

Trong đoạn này, HS cần chéo ngón để chuyển từ nốt này sang nốt khác một cách mượt mà, tránh việc phải nhấc tay lên và làm gián đoạn giai điệu. GV có thể thị phạm kỹ thuật này và yêu cầu HS luyện tập với tốc độ chậm trước khi tăng dần tốc độ.

Lợi ích của kỹ thuật chéo ngón: Kỹ thuật chéo ngón giúp HS phát triển sự linh hoạt của tay, kiểm soát được bàn tay trên phím đàn một cách tốt hơn. Giúp HS chơi các đoạn nhạc dài, quãng rộng một cách liền mạch mà không bị gián đoạn, giúp duy trì sự liên kết giữa các nốt nhạc và tạo nên một dòng âm thanh trơn tru, mượt mà.

5. Xử lý sắc thái cường độ

Dựa vào tính chất âm nhạc của từng tiểu phẩm mà GV có những hướng dẫn cho HS kỹ thuật xử lý sắc thái cường độ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thể hiện tiểu phẩm của J.S. Bach. Mặc dù âm nhạc thời kỳ Baroque thường không có nhiều dấu hiệu rõ ràng về cường độ (lớn nhỏ) như trong các thời kỳ sau, nhưng người biểu diễn vẫn cần áp dụng các biến đổi về cường độ một cách tinh tế để tạo sự phong phú trong diễn đạt.

Kỹ thuật xử lý sắc thái cường độ là cách điều chỉnh các mức độ âm thanh khác nhau trong quá trình chơi đàn để làm nổi bật tính chất âm nhạc của các đoạn nhạc hoặc tạo ra các điểm nhấn. Trong các tiểu phẩm của Bach, việc xử lý sắc thái cường độ khá tinh tế giúp làm rõ cấu trúc âm nhạc và làm tăng sự biểu cảm. Chẳng hạn, các ký hiệu cường độ trong tiểu phẩm như crescendo (tăng dần cường độ), decrescendo (giảm dần cường độ) không chỉ làm cho âm nhạc sống động hơn mà còn giúp người nghe dễ dàng cảm nhận được những cao trào trong tác phẩm.

Phương pháp luyện tập xử lý sắc thái cường độ: GV cần hướng dẫn HS cách quan sát và thực hiện các chỉ dẫn về cường độ trong bản nhạc. Ví dụ, trong các đoạn nhạc có sự thay đổi dần dần về âm lượng, HS cần luyện tập cách tăng hoặc giảm cường độ một cách từ từ, không quá đột ngột. Đối với các đoạn nhạc yêu cầu cường độ mạnh mẽ, HS phải kiểm soát lực tay để đảm bảo âm thanh rõ ràng và dứt khoát, nhưng vẫn giữ được sự chính xác về cao độ và nhịp điệu.

Trong tiểu phẩm Minuet g-moll BWV 822, việc xử lý sắc thái cường độ giúp HS nhấn mạnh các đoạn nhạc có tính chất uyển chuyển, mềm mại qua các kí hiệu cường độ như Forte (f): mạnh; Piano (p): nhẹ.

Ví dụ 6: Minuet g-moll BWV 822

(Trích từ ô nhịp 14 đến ô nhịp 19)

Sự thay đổi tinh tế giữa các đoạn nhạc nhẹ nhàng và những phần cao trào sẽ tạo nên sự phong phú và sinh động trong âm nhạc.

Kết luận

Việc hướng dẫn kỹ thuật và xử lý sắc thái cường độ trong dạy học các tiểu phẩm Piano của J.S. Bach đóng vai trò thiết yếu trong việc giúp HS tiếp cận và hiểu sâu sắc phong cách âm nhạc phức điệu của nhạc sĩ này. Các kỹ thuật như legato, non legato, staccato, marcato và chéo ngón không chỉ rèn luyện ngón tay linh hoạt mà còn giúp HS kiểm soát âm thanh, cảm nhận sự liên kết giữa các nốt nhạc và thể hiện sắc thái đặc trưng của từng tác phẩm. Cùng với đó, việc xử lý sắc thái cường độ, dù nhỏ và tinh tế, cũng tạo nên sự phong phú, biểu cảm, và làm rõ các cấu trúc âm nhạc quan trọng trong tác phẩm của J.S. Bach. Thông qua quá trình luyện tập kỹ thuật và xử lý cường độ, học sinh không chỉ phát triển kỹ năng chơi đàn mà còn hình thành khả năng cảm thụ và biểu diễn âm nhạc hiệu quả. Đây chính là những nền tảng quan trọng giúp học sinh thể hiện tốt các tiểu phẩm của Bach, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Quốc tế Hoàn cầu Dreamwood Jangcla.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn Piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Thái Thị Liên (chủ biên) (2004), Phương pháp học đàn Piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Trúc Mai (2019), Phương pháp học Piano – tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  4. Phan Trọng Ngọ (2005), Bài tập và nghiên cứu để dạy học đàn Piano, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Hà Vân, Lê Dũng dịch (2022), Mesthode Róe – Phương pháp hồng năm thứ nhất với đàn Piano, Nxb Dân Trí, Hà Nội.

Lê Nguyễn Trúc Vy (2019), Giảng dạy các tác phẩm phức điệu trong đào tạo Piano tại trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Âm nhạc (Piano), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.