Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

HƯỚNG DẪN SOẠN ĐỆM CA KHÚC MANG ÂM HƯỞNG DÂN CA MÔNG CHO HỌC SINH TRUNG CẤP ORGAN TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT TÂY BẮC

Hà Thái Lưu

Học viên K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

Trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc – đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một trong những cơ sở tiên phong đưa chuyên ngành Organ vào chương trình giảng dạy từ cuối thập niên 1990. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc trang bị kỹ thuật biểu diễn, nhà trường đặc biệt chú trọng phát triển kỹ năng soạn đệm ca khúc, trong đó có các ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, việc giảng dạy nội dung này còn tồn tại nhiều hạn chế do thiếu hệ thống tài liệu chuyên sâu, phương pháp truyền đạt còn phụ thuộc kinh nghiệm cá nhân của giảng viên (GV), dẫn đến việc học sinh (HS) gặp khó khăn trong việc lựa chọn hợp âm, tiết tấu và âm sắc phù hợp. Bài viết này đề cập đến một số biện pháp hướng dẫn soạn đệm ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông cho HS năm thứ ba, chuyên ngành đàn Organ tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống trong môi trường đào tạo hiện đại.

1. Giới thiệu một số nét về dân ca Mông và ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông

Dân ca dân tộc Mông là một kho tàng văn hóa âm nhạc độc đáo, phản ánh rõ nét đời sống và tâm hồn của đồng bào Mông. Với sự phong phú và đa dạng, dân ca Mông chia thành một số làn điệu: Gầu plềnh (hát tình yêu hay còn gọi là hát giao duyên), Gầu xống (hát cưới hỏi), Gầu ua nhéng (hát làm dâu), Gầu tú giua (hát mồ côi), gầu tùa (hát thờ cúng). Dân ca Mông có nội dung phản ánh rõ nét về con người, cuộc sống, tình yêu và các mối quan hệ trong cộng đồng. Hát tình yêu – Gầu plềnh đặc biệt phổ biến, vừa là những câu hát giao duyên đầy lãng mạn, vừa là tiếng lòng của những người yêu nhau qua các giai điệu trữ tình. Những câu ca như: “Em nắm tay anh nắm cho vững/ Anh cầm tay em cầm cho chặt/ Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi” vừa giản dị, vừa giàu hình ảnh, thể hiện sâu sắc tình yêu chân thành và mộc mạc. Đây là thể loại dân ca thường được hát đối, vừa biểu diễn vừa giao tiếp giữa hai người nam và nữ hoặc hai nhóm nam – nữ.

Ví dụ 1:                       GẦU PLỀNH

                        (Hát tình yêu – Trích nhịp 1-12)

     

Dựa trên chất liệu của dân ca Mông, các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông. Ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông là một sản phẩm nghệ thuật và còn là một phương tiện để bảo tồn và lan tỏa văn hóa Mông đến với công chúng trong nước và quốc tế. Những tác phẩm này có giá trị đặc biệt trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu đối với âm nhạc dân tộc, khơi gợi niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa. Qua khảo sát các ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông, chúng tôi nhận thấy hầu hết được viết ở điệu thức 4 âm hoặc 5 âm, là những điệu thức đặc trưng của dân ca miền núi phía Bắc nói chung và dân ca Mông nói riêng. Ngoài ra, một số ca khúc được viết ở điệu Nam. Đây chính là một trong những đặc điểm tạo cho các ca khúc này mang âm hưởng dân ca Mông rõ nét, rất ít khi thấy trong ca khúc sử dụng điệu thức trưởng hay thứ trong âm nhạc phương Tây.

Nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông như Trước ngày hội bắn, Bài ca trên núi, Chị Mai xuống chợ, Tiếng hát trên đỉnh Hoàng liên, Người Mông ơn Bác… có đường nét giai điệu lấy một nét nào đó từ bài dân ca Mông mà các làn điệu được sử dụng nhiều là Gầu plềnh, Gầu xống và Gầu ua nhéng. Trong giai điệu bài Trước ngày hội bắn ta thấy có âm hưởng của Gầu plềnh, thể loại hát giao duyên của dân ca Mông:

Ví dụ 2:               TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN

  (Trích nhịp 1 – 9)

Ngoài việc sử dụng điệu thức và lấy một nét giai điệu nào đó từ bài dân ca Mông, ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông còn sử dụng quãng đặc trưng là những quãng nhảy xa (quãng 6,7,8) hoặc tiến hành nét giai điệu khá gập ghềnh, sử dụng nhiều nốt láy, nốt ngân dài…

Ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông không chỉ là một sản phẩm âm nhạc mà còn là một cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Thông qua những tác phẩm này, âm nhạc dân gian Mông không chỉ được gìn giữ mà còn được phát triển, đưa vào đời sống âm nhạc đương đại, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc sáng tác và phổ biến những ca khúc này chính là minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng và lòng yêu mến văn hóa dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của âm nhạc dân gian trong dòng chảy nghệ thuật hiện đại.

Trong bài viết này, người viết tập trung nghiên cứu 10 ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông, là những bài được đưa vào nội dung dạy học cho HS Trung cấp chuyên ngành Organ của Trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc: Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Trần Ngọc Quang), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Người Mông ơn Bác (Sỹ Thắng), Chị Mai xuống chợ (Lê Lan), Người Mèo ơn Đảng (Nguyễn Thanh Phúc), Cõng chữ về bản (Nhạc Phan Huy Hà, Thơ Nguyễn Đăng Độ), Cô giáo về bản (Trương Hùng Cường), Phiên chợ vùng cao (Phạm Tịnh).

2. Một số biện pháp hướng dẫn soạn đệm cho học sinh Trung cấp chuyên ngành đàn Organ

2.1. Nghiên cứu phân tích bài được soạn đệm

Trong dạy học soạn đệm ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông, bước đầu tiên là tìm hiểu tác giả và phân tích tác phẩm – một trong những bước đầu tiên không thể thiếu để HS xác định được hướng xử lý phù hợp. Việc tìm hiểu về nhạc sĩ sáng tác giúp HS nắm bắt được phong cách nghệ thuật, cảm hứng dân tộc và ý đồ biểu cảm của tác phẩm. Tiếp đó, phân tích tác phẩm cần đi sâu vào giai điệu, tiết tấu, điệu thức, cấu trúc bài hát và lời ca – đặc biệt lưu ý đặc trưng ngũ cung và âm hưởng núi rừng trong dân ca Mông. Qua phân tích, HS xác định được hình thức trình bày, điểm nhấn cảm xúc, sự kết nối giữa giai điệu và tiết tấu, từ đó đưa ra phương án đặt hợp âm, chọn âm sắc và tiết tấu đệm phù hợp. Đồng thời, việc hiểu rõ bối cảnh văn hóa, đời sống và phong tục của người Mông sẽ giúp phần đệm mang tính bản sắc và truyền cảm hơn.

2.2. Cách đặt hợp âm đệm

Với những bài có âm hưởng dân ca, có thể sử dụng các chồng âm kết hợp với các hợp âm phương Tây như sus2, sus4, add2, add4, m7 vì ca khúc mang âm hưởng dân ca có bài được viết ở điệu thức 5 âm, có bài đan xen giữa điệu thức 5 âm và điệu thức 7 âm. Điều quan trọng là làm sao phải rõ âm hưởng dân ca của bài hát. Nếu bài được viết ở điệu thức 5 âm có thang âm C-D-F-G-A, ta có thể sử dụng các chồng âm và hợp âm sau:

Ví dụ 3:

   Như trên đã nêu, ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông chủ yếu được viết ở điệu thức 5 âm là điệu thức Nam, nếu thang âm là C-Eb-F-G-Bb, có thể sử dụng các chồng âm và hợp âm sau:

Ví dụ 4:

2.3. Chọn âm sắc (Voice)

Đối với các ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông, để làm nổi bật rõ âm hưởng dân ca của ca khúc, cần ưu tiên sử dụng âm sắc mô phỏng các nhạc cụ phổ biến của dân tộc Mông như: sáo mèo, khèn, kèn lá, sáo bầu. Do các tiếng này không luôn sẵn có trên đàn, người dùng có thể khai thác công nghệ như cài đặt sample tiếng từ các dòng đàn Yamaha, Roland, hoặc tự căn chỉnh các âm sắc gần gũi như Clarinet, Accordion, Flute, Piccolo. Việc căn chỉnh cần tuân thủ các bước: chọn voice gốc → chỉnh hiệu ứng Reverb/EQ → lưu lại và đổi tên voice.

Ví dụ 5:                 NGƯỜI MÔNG ƠN BÁC   

(Trích)

Việc chọn âm sắc và soạn đệm không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật căn chỉnh mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ gu thẩm mỹ và sự sáng tạo cá nhân. Thẩm mỹ âm nhạc không cố định mà thay đổi theo quá trình rèn luyện và phát triển của người chơi. Khi năng lực kỹ thuật và cảm thụ âm nhạc được nâng cao, người chơi sẽ lựa chọn và kết hợp âm sắc hiệu quả hơn, tạo nên phần đệm hấp dẫn, phù hợp và giàu tính nghệ thuật.

2.4. Soạn nhạc dạo đầu

Thứ nhất, dựa vào câu nhạc mở đầu và câu nhạc kết thúc: Cách dạo đầu này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện và giúp dẫn dắt vào giọng điệu cho người hát.

Ví dụ 6:       TIẾNG HÁT TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN

(Trích)

1345

Thứ hai, dựa vào vòng hòa âm

Ta có thể thực hiện theo các bước sau để soạn câu dạo dựa vào vòng hòa âm của ca khúc:

Bước 1: Xác định các hợp âm thường được dùng trong mỗi giọng

Có thể sử dụng các hợp âm T – S – D (I – IV – V) của giọng chính và giọng song song với nó.

Bước 2: Dựa vào giai điệu để đặt hợp âm sao cho hợp lý

Để xác định hợp âm, ta cần xem xét các nốt của giai điệu đó. Những nốt này có thể thuộc vào hợp âm chính hoặc có thể thuộc vào các âm ngoài hợp âm. Tuy nhiên, dựa vào các nốt thuộc hợp âm, ta có thể xác định được các hợp âm phù hợp mà có thể sử dụng cho giai điệu đó.

Bước 3: Thay đổi trật tự các bậc để soạn hợp âm, thêm hoặc bớt bậc âm và thực hiện sáng tạo các mẫu dạo đệm theo vòng hòa thanh công năng.

Để cách dạo phong phú hơn, người soạn đệm có thể thay đổi vị trí, thứ tự của các bậc để soạn hợp âm, thêm hoặc bớt bậc âm rồi từ đó sáng tạo các mẫu dạo đệm theo vòng hòa thanh công năng.

Bước 4: Sử dụng âm hình tiết tấu chủ đạo hoặc nét đặc trưng của bài

Soạn nhạc dạo đầu dựa theo âm hình tiết tấu chủ đạo và nét giai điệu đặc trưng của ca khúc là cách thông dụng trong soạn đệm, âm hình chủ đạo hoặc nét giai điệu đặc trưng của ca khúc được phát triển, nhân lên bằng các thủ pháp khác nhau.

Ngoài ra, còn có thể soạn dựa vào điệp khúc, dựa vào điệu thức hoặc soạn theo âm hưởng giai điệu của bài.

Có thể khẳng định rằng soạn đệm cho ca khúc mang âm hưởng dân ca Mông không chỉ là hoạt động kỹ thuật để phát triển năng lực chơi đàn mà còn là quá trình sáng tạo mang tính nghệ thuật. Các biện pháp như phân tích bài hát, lựa chọn hợp âm, điều chỉnh âm sắc và xây dựng nhạc dạo, đóng vai trò quan trọng giúp người soạn đệm hiểu sâu hơn về âm nhạc dân tộc, đồng thời nâng cao năng lực biểu diễn và cảm thụ nghệ thuật. Việc vận dụng linh hoạt kỹ thuật hiện đại trên đàn Organ, kết hợp cùng sự hiểu biết về âm nhạc truyền thống, sẽ giúp người học tạo nên những phần đệm giàu bản sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân ca Mông trong môi trường đào tạo chuyên nghiệp. Đây cũng là hướng đi thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Chỉnh (2001), Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Organ, Nxb Âm Nhạc, Hà Nội.
  2. Phạm Quang Dụ (2016), Dạy đệm các bài hát mang âm hưởng dân ca Tây Bắc trên đàn phím điện tử ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  3. Hồng Thao (1997), Âm nhạc dân tộc H’mông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  4. Xuân Tứ (2002), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ, tập 1,2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.