Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

KHAI THÁC TƯ LIỆU CHẠM KHẮC GỖ CHÙA ĐẬU VÀO THIẾT KẾ BỘ TEM BƯU CHÍNH

Học viên: Lương Văn Phong

Lớp: Cao học K1 Mĩ thuật ứng dụng

  Đặt vấn đề

Chạm khắc gỗ chùa Đậu là một khối di sản đồ sộ với các đề tài và yếu tố tạo hình phong phú, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân với tinh hoa nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam. Với phương pháp khai thác tư liệu từ chạm khắc gỗ chủa Đậu qua các bản rập và bản in khắc cao su mang lại hiệu quả cao trong việc gìn gữ tính nguyên bản, đồng thời nâng cao giá trị ứng dụng của di sản văn hóa vào thiết kế tem bưu chính. Khai thác và bảo tồn nghệ thuật chạm khắc gỗ trong thiết kế tem bưu chính là biện pháp hữu hiệu giúp tôn vinh di sản văn hóa dân tộc, góp phần truyền bá và bảo tồn bản sắc đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa.

          Việc khai thác tư liệu chạm khắc gỗ chùa Đậu để thiết kế bộ tem bưu chính không chỉ góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản văn hóa mà còn tạo ra sản phẩm mang ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc. Chùa Đậu, với hệ thống chạm khắc phong phú, thể hiện tinh hoa mĩ thuật dân gian Việt Nam qua các đề tài rồng, mây, sóng nước, hoa lá … là nguồn tư liệu quý giá để phát triển thiết kế tem.

Phù điêu rồng ở Tam Bảo. Nguồn ảnh: Lương Văn Phong

          Có nhiều cách để khai thác tư liệu chạm khắc gỗ chùa Đậu vào thiết kế tem bưu chính.

  1. Khai thác tư liệu trên bản rập

          Bản rập là phương pháp phổ biến để lưu giữ và tái tạo các tác phẩm điêu khắc phức tạp và giàu giá trị nghệ thuật. Khai thác tư liệu từ bản rập chạm khắc gỗ giúp các mẫu thiết kế có chi tiết và đường nét mang tính chính xác, đảm bảo tính nguyên bản trong thiết kế. Dựa trên bản rập hoa văn, họa sĩ thiết kế phát triển ý tưởng, chọn lựa đường nét và hình ảnh phù hợp cho sản phẩm của mình.

          Quá trình khai thác bản rập đòi hỏi sự nghiên cứu về lịch sử, bối cảnh và ý nghĩa của từng họa tiết. Bản rập giúp các họa sĩ thiết kế nắm bắt từng chi tiết, từng nét khắc và hình mảng một cách chuẩn xác nhất cũng như chọn lọc và tái tạo cho phù hợp với mục đích của bộ tem. Nhờ vậy các bản chạm khắc gỗ sẽ được phục hồi và bảo tồn mà vẫn giữ được tinh thần và tính nguyên bản của tác phẩm.

Chạm khắc Chùa Đậu. Nguồn ảnh: Lương Văn Phong

            Sản phẩm trong bộ tem sử dụng nghệ thuật chạm khắc gỗ Chùa Đậu

Nguồn: Lương Văn Phong

  1. Khai thác bản in khắc cao su

          Bản in khắc cao su cũng là phương pháp khá phổ biến để khai thác tư liệu, thường dùng để lấy tư liệu chạm khắc. Khác với bản rập, bản in khắc cao su tập trung vào việc tạo ra những bản in từ các khối cao su đã được khắc sẵn, sau đó in trực tiếp lên giấy. Kĩ thuật này mang lại sự chính xác trong các chi tiết chạm khắc, đảm bảo tính nguyên bản và độ tinh xảo của từng đường nét.

          Sau khi lựa chọn các họa tiết, cần phác thảo lại hoa văn từ chùa Đậu lên giấy. Phác thảo này phải giữ nguyên các chi tiết và đường nét đặc trưng, tránh làm mất đi nét tinh xảo của hoa văn gốc. Đôi khi, các hoa văn gốc có thể quá chi tiết hoặc phức tạp để tái tạo trên cao su. Do đó, cần chỉnh sửa hoặc tối giản một số chi tiết để phù hợp với kích thước và yêu cầu của bản khắc cao su.

Trích đoạn các bước in khắc cao su hoa văn chạm khắc chùa Đậu

Nguồn: Lương Văn Phong

          Dùng bản phác thảo đã hoàn chỉnh, chuyển hoa văn lên tấm cao su bằng cách vẽ lại hoặc in trực tiếp. Các bản vẽ có thể được in ra giấy, sau đó sử dụng các phương pháp như chiếu ánh sáng UV để in lên cao su hoặc sử dụng giấy carbon để sao chép hoa văn lên bề mặt cao su. Dùng dao khắc chuyên dụng hoặc máy khắc để cắt và tạo hình chi tiết trên tấm cao su. Trong quá trình khắc, các phần cần giữ màu sẽ không bị cắt đi, còn các phần không cần in sẽ được khắc bỏ hoàn toàn. Điều này sẽ tạo ra các khu vực lồi và lõm trên bản khắc cao su. Mực in cần phải phù hợp với chất liệu giấy hoặc vật liệu in. Đảm bảo mực bám tốt và lên hình rõ nét trên vật liệu in. Trước khi tiến hành in đại trà, cần thử nghiệm với mực và bản khắc để xem hoa văn có lên đúng và rõ ràng không. Đôi khi có thể cần điều chỉnh lượng mực hoặc kỹ thuật in để đạt được kết quả tốt nhất. Cần kiểm tra từng bản in để đảm bảo các chi tiết của hoa văn được tái tạo chính xác.

  1. Khai thác bản chấm vốn cổ

          Sử dụng kỹ thuật chấm bút để tái tạo kết cấu gỗ, kỹ thuật chấm bút vẽ kỹ thuật trong bước này không chỉ giúp tái hiện chi tiết mà còn giúp học viên mô phỏng kết cấu gỗ trong các tác phẩm chạm khắc. Khi chấm bút, cần tập trung vào việc tạo ra những lớp chấm nhỏ, mịn màng để diễn tả được độ sâu của chạm khắc, tái hiện độ chuyển khối của vật liệu gỗ, cũng như làm nổi bật các chi tiết đặc trưng của chạm khắc. Việc sử dụng kỹ thuật chấm bút không chỉ giúp tái tạo chính xác chi tiết của bức chạm mà còn tạo ra một cảm giác “sống động” cho các hình ảnh, giúp người xem cảm nhận được sự linh hoạt và tinh tế trong nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Ghi chép hoa văn chạm khắc chùa Đậu với chấm và nét bằng bút vẽ kỹ thuật. Nguồn: Lương Văn Phong

          Trong quá trình chép lại, họa sĩ thiết kế điều chỉnh các chi tiết sao cho vừa phù hợp với tỷ lệ và bố cục của bộ tem, vừa đảm bảo thể hiện được sự tinh xảo và đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Các chi tiết như vảy rồng, mây cuộn xung quanh, hay các chi tiết trang trí được làm nổi bật thông qua kỹ thuật chấm bút. Đặc biệt, cần làm rõ các nét chính của hình ảnh rồng, giúp chúng trở thành những yếu tố chủ đạo trong bộ tem, đồng thời tạo nên một sự liên kết giữa nghệ thuật chạm khắc và ý nghĩa văn hóa tôn giáo của chùa Đậu.

          Kỹ thuật chấm bút vẽ kỹ thuật sử dụng các công cụ và chất liệu phù hợp để đạt được hiệu quả tối đa. Bút vẽ có đầu mảnh và đều để tạo ra các chấm đều nhau và sắc nét, đồng thời tránh tạo ra các đường vẽ thô cứng, không phù hợp với phong cách điêu khắc tinh xảo của chùa Đậu. Kết hợp với giấy vẽ có chất lượng tốt sẽ giúp bản vẽ đạt được độ chính xác cao và giữ được tính thẩm mỹ. Thông qua bước này, người thiết kế không chỉ tái tạo lại chi tiết chạm khắc gỗ rồng mà còn rèn luyện được khả năng quan sát, kỹ năng vẽ và sự tinh tế trong việc thể hiện nghệ thuật truyền thống qua kỹ thuật vẽ hiện đại, từ đó nâng cao khả năng ứng dụng các yếu tố nghệ thuật vào thiết kế tem bưu chính.

  1. Khai thác tư liệu từ bản vẽ màu nước

          Màu nước là một phương pháp vẽ thích hợp cho việc tái hiện những họa tiết chạm khắc gỗ, bởi vì màu nước có khả năng thể hiện được độ mềm mại, trong suốt và sự linh hoạt của các hình khối. Kỹ thuật màu nước giúp làm nổi bật các chi tiết nhỏ, như đường vân gỗ, các lớp khắc tinh xảo, đồng thời tạo ra hiệu ứng ánh sáng và bóng đổ tự nhiên, làm cho các họa tiết trở nên sống động và có chiều sâu. Khi phác thảo, nhà thiết chú ý đến các yếu tố mỹ thuật đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc gỗ chùa Đậu, như sự cân đối trong bố cục, độ chi tiết và tính biểu tượng của các hình ảnh. Các hình khối như rồng, phượng, hay mây, sen… đều có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Phật giáo, nên chúng cần được vẽ sao cho vừa thể hiện được nét đẹp nghệ thuật, vừa tôn trọng các yếu tố văn hóa – tín ngưỡng. Màu sắc trong các bản vẽ màu nước cũng cần phải lựa chọn cẩn thận, chủ yếu là các tông màu nhẹ nhàng, trong suốt, để phù hợp với tính chất trang trọng và thanh thoát của chùa Đậu.

Ghi chép hoa văn chạm khắc chùa Đậu bằng bút lông và màu nước

Nguồn: Lương Văn Phong

          Khi hoàn thiện bản vẽ màu nước, công việc tiếp theo là chuyển thể những bản vẽ này thành những thiết kế tem bưu chính. Các họa tiết cần được giữ nguyên các yếu tố chính như đường nét mềm mại của rồng, hoa văn uốn lượn của mây, hay chi tiết vảy rồng để bảo đảm sự chính xác và mỹ thuật trong từng thiết kế. Khi sử dụng màu sắc trong tem cũng phải tương thích với đặc trưng của màu nước, thể hiện được sự mềm mại, thanh thoát nhưng cũng không thiếu sự nổi bật cần thiết của các họa tiết.

Kết luận

Khai thác tư liệu chạm khắc gỗ chùa Đậu trong thiết kế tem bưu chính là một hướng đi sáng tạo, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các phương pháp sử dụng bản rập, bản in khắc cao su, bản chấm vốn cổ và bản vẽ màu nước sẽ mang lại kết quả khác nhau, nhưng cùng góp phần tái hiện chính xác hoa văn, họa tiết độc đáo trên mỗi con tem.

Bộ tem không chỉ mang giá trị thẩm mĩ mà còn trở thành phương tiện giao lưu văn hóa, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc cổ truyền và khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, sự kết hợp giữa di sản văn hóa và thiết kế hiện đại sẽ tạo ra những sản phẩm tem bưu chính độc đáo, có sức hút với giới sưu tầm và du khách quốc tế. Đây sẽ là hướng đi sáng tạo trong việc ứng dụng nghệ thuật truyền thống vào thiết kế đương đại, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam một cách bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Hồng Anh (2018), Quản lý di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hóa Khóa 5 (2016-2018), Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.
  2. Trần Lâm Biền (2000), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  3. Ernest Ingersoli, Rồng và những hiểu biết về rồng, Đỗ Trọng Quang dịch, Tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật, Hà Nội.
  4. Nhiều tác giả (1989), Việt Nam qua tem thư, Nxb Ngoại Văn, Hà Nội.
  5. Đỗ Đa Sỹ (2009), Tìm hiểu văn hóa cổ truyền trên tem bưu chính Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  6. Tổ khai thác nghiệp vụ Trường Công nhân Bưu điện miền núi (biên soạn) (2002), Giáo trình tem bưu chính, Nxb Bưu điện, Hà Nội