MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC ĐÀN GUITAR CHO HỌC SINH LỚP 6 TRƯỜNG THCS CHU VĂN AN-LONG BIÊN-HÀ NỘI
Nguyễn Hồng Nhật
Học viên K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Môn học guitar thường được đưa vào chương trình bổ sung năng khiếu trong nhà trường, do đó, nhu cầu phát triển năng lực âm nhạc và cảm thụ nghệ thuật của học sinh là yếu tố then chốt để triển khai. Thực tế ở trường THCS Chu Văn An-Long Biên-Hà Nội cho thấy, nhiều học sinh lớp 6 có niềm yêu thích và hứng thú đặc biệt với bộ môn guitar, không chỉ như một hoạt động giải trí mà còn là một phương tiện để thể hiện cá tính, sáng tạo và cảm xúc. Do đó, để góp phần giúp học sinh (HS) phát triển năng khiếu học đàn guitar, nhà trường cùng đội ngũ giáo viên cốt cán cần xây dựng các biện pháp giảng dạy sao cho đáp ứng được mục tiêu của chương trình đào tạo, đồng thời phù hợp với đặc điểm tâm lý và trình độ nhận thức của HS lớp 6. Bài viết này sẽ đề cập đến một số biện pháp dạy học đàn guitar cho học sinh lớp 6 tại trường THCS Chu Văn An-Long Biên-Hà Nội.
Tiến trình dạy học đàn guitar
1.1. Tư thế ngồi cầm đàn
Tư thế ngồi học guitar đúng cách rất quan trọng, để HS có thể thoải mái chơi đàn và giảm thiểu những vấn đề ảnh hưởng như mỏi cơ lưng, vai, cổ hay tay. GV nên hướng dẫn HS kiểu tư thế khi ngồi học như sau:
Để có một tư thế đúng, đầu tiên cần chọn một chiếc ghế ngồi phù hợp, dùng một chiếc ghế không có tay dựa, HS ngồi trên mép ghế thẳng lưng, thoải mái, tránh việc cúi hoặc gù người khi chơi guitar và cánh tay có thể cử động dễ dàng. Lưng thẳng sẽ giúp giảm căng thẳng cho cột sống và cổ, điều này rất quan trọng vì các em đang ở trong giai đoạn phát triển thể chất. Trong quá trình học, để phần tay trái các em có thể kiểm soát được bàn phím, nên cần sự hỗ trợ của ghế kê chân. Khi ngồi đàn, chân trái của HS đặt lên dụng cụ kê chân cao khoảng 15-30 cm. Bên cạnh đó, giáo viên (GV) hướng dẫn cũng giúp HS khi ngồi học nên để cần đàn guitar hơi nghiêng về phía vai trái sao cho tạo thành góc khoảng 35 ͦ so với mặt phẳng nằm ngang.
1.2. Điều chỉnh tư thế và vị trí đặt để hai tay trên đàn
Ngoài tư thế ngồi thì trong guitar, tư thế tay cũng rất quan trọng, về bàn tay phải trong học guitar thường sử dụng các ký tự có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha để ký hiệu các ngón tay:
Ngón cái kí hiệu là: p
Ngón trỏ kí hiệu là: i
Ngón giữa kí hiệu là: m
Ngón áp út kí hiệu là: a
Sau khi đã xác định được kí hiệu các ngón tay, GV hướng dẫn HS đặt bàn tay phải lên đàn sao cho bàn tay phải nằm ở trên mép, dưới lỗ thoát âm. Bàn tay và cánh tay phải tạo thành vòng cung tự nhiên ở khớp cổ tay. Một thời gian sau, khi HS đã quen với tư thế ngồi cầm đàn, GV hướng dẫn HS sử dụng pic gảy. Nếu như các ngón tay phải được ký hiệu bằng các chữ cái thì các ngón trên bàn tay trái được kí hiệu bằng chữ số.
0: dây buông
1: ngón trỏ
2: ngón giữa
3: ngón áp út
4: ngón út
Ngón cái không được dùng để bấm dây
GV hướng dẫn học sinh khi đặt tay lên đàn, ngón cái sẽ được giữ ở sau cần đàn, ở phần trên sau lưng cần đàn. GV lưu ý HS khi chơi guitar không nên đặt ngón cái lên đỉnh của phần lưng cần đàn. Cổ tay HS nên để xuống thấp một chút nhằm tạo một khoảng không giữa lòng bàn tay và lưng cần đàn. Các ngón tay nên để cách đều nhau, điều này sẽ giúp các tay dễ dàng hơn khi di chuyển. Khoảng cách giữa 2 ngón hướng thẳng vào cần đàn. Ngón trở và ngón út sẽ được để hơi cong hướng về phím. GV hướng dẫn HS lúc dùng tay trái bấm phím đàn, các ngón tay phải vuông góc với phím đàn.
1.3. Rèn luyện một số kỹ thuật guitar cơ bản cho học sinh lớp 6
GV hướng dẫn HS hai kỹ thuật gảy trên đàn guitar:
Thứ nhất là gảy móc dây. Đây là một kỹ thuật tay phải được sử dụng phổ biến khi rải hợp âm trong guitar đệm hát. Trong giáo trình học đàn guitar, kỹ thuật móc dây cũng là kiến thức mà HS cần học để có thể chơi đàn một cách mượt mà, nhuần nhuyễn hơn. Có 3 cách móc dây đàn guitar là móc ngược, móc xuôi và móc đảo ngón tay. Trong quá trình học kỹ thuật gảy móc dây, GV lưu ý cho HS cách thực hiện kỹ thuật chuẩn tương đối để tạo ra các âm thanh có tính chất khác nhau. Khi dịch tay phải về phía ngựa đàn phía dưới và gảy vuông các ngón tay sẽ tạo ra âm thanh mảnh và đanh. Khi dịch tay phải hướng về phía phím đàn và gảy nghiêng các ngón tay thì sẽ tạo ra âm thanh tròn và mềm mại hơn.
Kỹ thuật thứ hai là ép dây, là sử dụng phần thịt hoặc móng tay ép xuống dây đàn cần gảy, sau đó ngón tay sẽ dừng lại và dựa vào dây đàn phía trên. GV hướng dẫn HS tư thế chuẩn tương đối khi thực hiện kỹ thuật gảy ép dây các ngón tay được giữ gần như thẳng hàng, trừ ngón m vì nó dài hơn nên sẽ hơi cong một chút ở khớp trên, riêng ngón tay cái đánh hướng về phía trước và xuống tựa vào dây kế tiếp.
Trước tiên, GV cần hướng dẫn HS tư thế cầm đàn và đặt tay trái đúng chuẩn, đảm bảo ngón cái đặt sau cần đàn, bốn ngón còn lại cong tự nhiên và sẵn sàng bấm vào các phím. Tiếp theo, GV giới thiệu bài chạy ngón cơ bản, ví dụ bài 1-2-3-4 (ngón trỏ, giữa, áp út, út) trên từng dây, nhấn mạnh việc bấm chắc nhưng nhẹ nhàng, bấm gần sát phím để tránh rè tiếng. Trong những buổi học đầu tiên, GV nên yêu cầu HS luyện tập chậm rãi, đúng nhịp, sau đó mới tăng dần tốc độ, đồng thời thường xuyên nhắc nhở HS giữ tư thế thoải mái, tránh căng cứng cơ tay để đạt được hiệu quả tốt nhất.
1.3.3. Kỹ thuật dải hợp âm
Kỹ thuật dải hợp âm, hay còn gọi là arpeggio, sau phần lý thuyết cơ bản, GV sẽ chọn một hợp âm đơn giản như C trưởng (C major) để minh họa, đồng thời hướng dẫn học sinh cách đặt ngón tay chính xác trên các phím đàn. Tiếp theo, GV sẽ hướng dẫn kỹ thuật tay phải tập trung vào cách gảy từng dây một cách đều đặn, có kiểm soát. Tay trái sẽ giữ nguyên toàn bộ các nốt nhạc đang bấm trước và sau khi gảy để đảm bảo độ ngân vang của các nốt nhạc đó vẫn còn và hoà vào với nhau tạo nên màu sắc gam Đô trưởng Việc sử dụng móng tay, pic hoặc đầu ngón tay cũng sẽ được nhắc đến tùy theo phong cách chơi của từng HS. Để hỗ trợ quá trình luyện tập, GV có thể sử dụng máy đếm nhịp (metronome) nhằm giúp HS giữ được tốc độ ổn định và tăng dần độ khó theo thời gian, bên cạnh đó, GV nên khuyến khích HS áp dụng kỹ thuật dải hợp âm vào các bài hát quen thuộc hoặc đoạn nhạc đơn giản để tăng tính thực hành và hứng thú trong học tập.
1.3.4. Kỹ thuật tremolo
Tremolo trong guitar là kỹ thuật chơi một nốt nhạc đơn (thường là giai điệu chính) được lặp đi lặp lại nhanh chóng và đều đặn, xen giữa phần đệm bass hoặc hợp âm nền. Âm thanh tạo ra sẽ mang hiệu ứng “rung ngân” giống như một chuỗi âm liền mạch, tạo cảm giác bay bổng và liên tục cho người nghe. Trong kỹ thuật này, tay phải đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các ngón a (áp út), m (giữa) và i (trỏ) sẽ lần lượt gảy dây một cách nhanh và đều đặn, trong khi ngón p (cái) đảm nhận phần đệm bass. GV sẽ bắt đầu bằng cách giới thiệu cấu trúc cơ bản của một mẫu tremolo đơn giản, chẳng hạn như mẫu “p-a-m-i”, với nốt bass được chơi trước, theo sau là ba nốt tremolo.
1.3.5. Kỹ thuật bấm
Kỹ thuật bấm là kỹ thuật bao trùm lên mọi tác phẩm guitar. Chuẩn tương đối của kỹ thuật bấm chính là các ngón bàn tay trái sử dụng lực bấm nhẹ nhất nhưng lại tạo được các nốt nhạc có độ vang, tròn, không bị sịt hoặc bị mẻ. Để thực hiện được điều này thì trong các động tác bấm, các ngón tay sẽ cần duy trì được độ cong ngón tay tương đối với đầu ngón tay hướng thẳng vào vị trí nốt nhạc cần bấm, kết hợp với lực ngón cái đối trọng song song ở vị trí cần bấm ở phía sau cần đàn. Sự kết hợp của ngón bấm và ngón cái, các thao tác thực hiện, độ cong của ngón tay như vậy tạo nên chuẩn tương đối của kỹ thuật bấm.
1.3.6. Kỹ thuật chặn ngón
Kĩ thuật chặn ngón là một trong những kĩ thuật khó trong đàn guitar. Vì vậy, học sinh khi mới tiếp xúc sẽ cảm thấy khó xử lí vì nốt trong thế chặn kêu không rõ, bị rè. GV có thể hướng dẫn HS xử lí theo những cách như: di chuyển thế chặn lên hoặc xuống trong một số trường hợp nên sử dụng chặn nửa phím (3 dây) thay vì 1/3 phím (2 dây) thì sẽ dễ di chuyển hơn, thậm chí là cả phím đàn (6 dây) khi các bạn cố gắng kiên trì, vì thường chặn cả phím sẽ khó hơn nhiều và đau tay nhưng miễn là làm sao vị trí ngón trỏ trái tạo ra nhiều lực hơn trên dây đàn thì lúc đó âm thanh sẽ trở nên rõ ràng hơn.
- Một số biện pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy học guitar cho học sinh lớp 6
Để nâng cao hiệu quả dạy học guitar cho học sinh lớp 6, Trường THCS Chu Văn An triển khai nhiều biện pháp cụ thể:
2.1. Nâng cao trình độ giáo viên
Nhà trường chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên qua các khóa đào tạo, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và hiểu biết tâm lý học sinh. Các hoạt động ngoại khóa như tham gia hòa nhạc cũng được tổ chức nhằm giúp giáo viên cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại.
2.2. Phát triển khả năng diễn tấu của học sinh
Tăng cường tổ chức biểu diễn ở quy mô lớp và trường để học sinh rèn luyện sự tự tin, khả năng làm chủ sân khấu. Học sinh được hướng dẫn luyện tập kỹ lưỡng, diễn tập trước gương hoặc người thân, sử dụng đúng nhạc cụ biểu diễn và tham gia các sự kiện lớn để phát triển toàn diện các kỹ năng biểu diễn, giao tiếp, làm việc nhóm và sáng tạo nghệ thuật.
2.3. Rèn luyện kỹ năng vỡ bài và thị tấu
Học sinh được hướng dẫn luyện đọc và chơi các bản nhạc mới theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, giữ nhịp bằng metronome và luyện tập đều đặn để tăng phản xạ và độ chính xác. Giáo viên cần hướng học sinh tránh học vội vàng, bỏ qua các yếu tố cơ bản như tiết tấu và cao độ.
2.4. Phát triển kỹ năng đệm hát bằng guitar
Sau khi nắm vững kỹ thuật cơ bản, học sinh được học kỹ thuật quạt tay phải, bấm hợp âm và đệm các ca khúc đơn giản. Việc luyện tập các tiết tấu đặc trưng của từng thể loại nhạc giúp học sinh nâng cao tư duy nhịp điệu và khả năng biểu cảm. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, phân tích âm nhạc và khơi dậy đam mê, từ đó giúp học sinh phát triển phong cách trình tấu cá nhân.
Kết luận
Việc áp dụng một số biện pháp dạy học đàn guitar cho học sinh lớp 6 trường THCS Chu Văn An-Long Biên-Hà Nội không chỉ giúp các thầy cô có được hướng đi đúng đắn trên con đường truyền dạy kiến thức mà còn giúp học sinh ươm mầm tài năng, vươn xa hơn trên ước mơ nghệ thuật của mình. Những biện pháp đề xuất như: tư thế ngồi cầm đàn, vị trí và thế tay cùng một số kỹ thuật cơ bản và rèn luyện một số kỹ năng chuyên biệt dành cho guitar,… mang đến cho các em học sinh lớp 6 tại trường THCS Chu Văn An-Long Biên-Hà Nội những trải nghiệm học tập lí thú sau những giờ học văn hóa mệt mỏi, đồng thời góp phần cho con đường giáo dục học sinh trở nên phong phú, đầy màu sắc hơn.
- Nguyễn Thúy Anh (2010), Giảng dạy đàn Guitar cho học sinh lứa tuối thanh thiếu niên tại Hà Nội, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Trần Thị Tuyết Anh (chủ biên),(2009), Giáo trình Giáo dục học (tập 1, 2), Nxb Đại học Sư phạm.
- Hồ Ngọc Đại (2000), Tâm lý học dạy học (Tài liệu tham khảo cho sinh viên các trường Đại học Sư phạm và giáo viên các cấp), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Hà (2007), Vấn đề giảng dạy các tác phẩm Guitar Việt Nam cho học sinh bậc trung cấp dài hạn, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Phúc (2015), Sự phát triển đào tạo Guitar chuyên nghiệp tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
- Phạm Hồng Phương (2003), 10 bản solo Guitar và dàn nhạc nhẹ, Nxb Âm nhạc Dihavina.