MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT CA KHÚC THIẾU NHI CỦA NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN CHO HỌC SINH CÂU LẠC BỘ NĂNG KHIẾU TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐAN PHƯỢNG, HUYỆN ĐAN PHƯỢNG, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Đào Lan Nhi
Học viên K18 –Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Trong quá trình phát triển năng lực âm nhạc cho HS tiểu học, việc lựa chọn ca khúc phù hợp với độ tuổi, tâm lý và khả năng tiếp nhận của các em đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, với giai điệu trong sáng, lời ca giản dị nhưng đầy ý nghĩa giáo dục, từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong hành trang âm nhạc của thế hệ trẻ Việt Nam. Tại CLB năng khiếu Trường Tiểu học Đan Phượng, HS có năng lực và niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc, việc giảng dạy những tác phẩm này không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn hướng đến việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng biểu cảm và kỹ năng trình diễn. Tuy nhiên, thực tiễn giảng dạy cũng cho thấy không ít khó khăn mà giáo viên gặp phải trong quá trình truyền đạt các ca khúc thiếu nhi. Một số em tuy có năng lực âm nhạc nhưng còn hạn chế trong kỹ năng thể hiện cảm xúc qua giọng hát; số khác lại thiếu sự kiên trì trong quá trình luyện tập hoặc gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa hát và biểu diễn. Ngoài ra, tài liệu giảng dạy hiện nay phần lớn còn mang tính chất chung, chưa thật sự được biên soạn phù hợp với đặc điểm của HS năng khiếu bậc tiểu học tại các CLB. Bài viết này sẽ đề cập đến một số biện pháp biện pháp dạy học hát ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho HS CLB năng khiếu Trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.
1. Trang bị kiến thức khái quát về nhạc sĩ Phạm Tuyên
Muốn học âm nhạc nói chung thì việc tìm hiểu về tác giả-tác phẩm là một phần không thể thiếu. Sự trang bị thông tin hiểu biết về tác giả, tác phẩm, phong cách âm nhạc là cần thiết đối với người học tạo nên sự hấp dẫn thú vị và cũng giúp cho việc thể hiện ca khúc trở nên sâu sắc hơn. Trong biện pháp dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chúng tôi đề xuất bắt đầu dạy học một số tiết về lý thuyết với nội dung tìm hiểu khái quát về tiểu sử, quá trình hoạt động âm nhạc, một số tác phẩm tiêu biểu viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ.
2. Rèn luyện một số kỹ năng hát cơ bản cho học sinh
2.1. Rèn luyện tư thế, khẩu hình, hơi thở
Việc mở khẩu hình chuẩn quyết định chất lượng phát âm lời ca. Khi đạt được sự phối hợp môi và miệng linh hoạt, tự nhiên thì âm thanh được phát ra rõ ràng và trong trẻo. Ví dụ khi hát bài Thành phố mười mùa hoa, học sinh cần mở khẩu hình đủ rộng để âm thanh được phát ra trong sáng và tươi vui, phù hợp với giai điệu và nội dung ca ngợi sự phát triển của thành phố. Khẩu hình mở rộng sẽ giúp âm thanh vang xa, thể hiện đúng tinh thần rộn ràng, đầy sức sống của bài hát.
2.2. Rèn luyện kỹ thuật hát liền tiếng, hát luyến, lướt nhanh
Hát liền tiếng, hát luyến và láy là những kỹ thuật quan trọng trong ca hát, giúp bài hát trở nên mềm mại, uyển chuyển và giàu cảm xúc hơn. Hát liền tiếng (legato) yêu cầu HS kết nối các âm thanh một cách mượt mà, không bị ngắt quãng giữa các nốt. GV cần hướng dẫn HS giữ đều hơi, duy trì dòng âm thanh liên tục khi chuyển từ nốt này sang nốt khác.
Ví dụ khi hát bài Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, HS cần giữ đều hơi và duy trì dòng âm thanh liên tục khi chuyển từ nốt này sang nốt khác, để tạo ra một giai điệu êm ái, phản ánh sự nhẹ nhàng và lãng mạn của mùa thu Hà Nội.
VD 1: Mẫu luyện kĩ thuật hát liền tiếng
Hát luyến là kỹ thuật nối liền hai hoặc nhiều nốt nhạc với nhau trong một lần lấy hơi, tạo nên sự liên kết và uyển chuyển giữa các nốt. GV nên bắt đầu dạy kỹ thuật luyến bằng những bài tập đơn giản, yêu cầu HS thực hành các quãng luyến nhỏ trước khi tiến tới những quãng luyến dài và phức tạp hơn. Hát luyến giúp HS thể hiện sự linh hoạt của giọng hát và làm cho bài hát trở nên sinh động hơn.
VD 2: Mẫu luyện kỹ thuật hát luyến âm
Mẫu 1:
Mẫu 2:
Hát lướt nhanh là kỹ thuật hát mà trong đó các nốt nhạc được thực hiện một cách linh hoạt, rõ ràng và gọn tiếng ở tốc độ nhanh. Kỹ thuật này thường được sử dụng để nhấn mạnh một số phần của giai điệu, làm cho bài hát trở nên sinh động và giàu cảm xúc hơn. Khi HS nắm vững kỹ thuật này, bài hát sẽ trở nên tinh tế và phong phú hơn, giúp thể hiện được sự uyển chuyển và linh hoạt trong giọng hát.
VD 3: Mẫu luyện kĩ thuật hát lướt nhanh
2.3. Hát diễn cảm
Để rèn luyện kỹ năng hát diễn cảm, GV có thể yêu cầu HS suy nghĩ về những cảm xúc mà bài hát mang lại và tìm cách thể hiện những cảm xúc đó qua giọng hát. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi cường độ, tốc độ và cách nhấn mạnh từ ngữ để truyền tải cảm xúc.
2.4. Hát chính xác
GV cần hướng dẫn HS cách đếm nhịp, bắt đúng thời điểm vào bài và duy trì nhịp điệu một cách ổn định trong suốt quá trình hát. Điều này không chỉ giúp HS hát đúng mà còn giúp các em cảm nhận được sự cân bằng và hòa hợp trong âm nhạc. GV cần chú ý sửa các lỗi phát âm ngay từ khi bắt đầu học bài hát, giúp HS làm quen với việc phát âm rõ ràng và đúng chuẩn, từ đó giúp truyền tải nội dung bài hát một cách chính xác và dễ hiểu.
3. Dạy học hát một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên
3.1. Giới thiệu bài hát
Giới thiệu bài hát là bước đầu tiên và mang tính chất quyết định trong quá trình dạy học hát. Đây không chỉ là việc nêu tên bài hát và tác giả, mà còn là cơ hội để GV khơi dậy sự tò mò, hứng thú của HS, giúp các em tiếp cận với bài hát một cách tự nhiên và hào hứng.
3.2. Đọc lời ca
Khi thực hiện bước đọc lời ca, GV cần hướng dẫn HS đọc theo một nhịp điệu nhất định, nhưng chưa cần chú ý đến giai điệu của bài hát. Mục tiêu chính ở bước này là giúp HS hiểu rõ lời ca, cách phát âm, nhịp điệu của ngôn từ và cách diễn đạt cảm xúc mà bài hát muốn truyền tải.
Trong quá trình đọc lời ca, GV nên khuyến khích cả lớp cùng tham gia, có thể bắt đầu bằng việc đọc chậm, sau đó tăng dần tốc độ để HS làm quen với nhịp điệu của lời ca.
3.3. Hát mẫu
Khi hát mẫu, GV cần chú ý thể hiện bài hát một cách chính xác và rõ ràng, đảm bảo rằng giai điệu, nhịp điệu và các chi tiết kỹ thuật như ngắt nghỉ, nhấn mạnh được truyền tải đầy đủ.
Một điểm cần lưu ý là GV nên hát mẫu theo đúng cao độ và tốc độ phù hợp với trình độ của HS. Điều này giúp các em có một hình mẫu chuẩn để noi theo và dễ dàng bắt kịp khi thực hành.
3.4. Khởi động giọng
GV có thể bắt đầu khởi động giọng bằng những bài tập đơn giản nhưng hiệu quả. Phát âm theo 5 nguyên âm a, e, i, o, u, có thể đọc cao độ theo thang âm đi lên hoặc đi xuống, bài tập này giúp HS làm quen với việc chuyển đổi giữa các cao độ khác nhau, rèn luyện sự chính xác trong việc điều chỉnh giọng hát và tăng cường khả năng linh hoạt của dây thanh quản.
3.5. Dạy hát từng câu
Trong quá trình dạy hát từng câu, GV bắt đầu bằng việc hát mẫu câu đầu tiên của bài hát. Việc này giúp HS có một hình mẫu cụ thể để noi theo, từ đó dễ dàng bắt chước và ghi nhớ giai điệu cũng như cách phát âm. Sau khi GV hát mẫu, HS được yêu cầu hát theo từng câu một, lặp đi lặp lại cho đến khi các em nắm vững câu đó. Quá trình này được thực hiện liên tục cho đến khi toàn bộ bài hát được học xong.
3.6. Hát cả bài
Trong bước này, GV có thể áp dụng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ HS. Một trong những cách phổ biến là yêu cầu cả lớp hát cùng nhau. Điều này tạo ra một không khí đoàn kết, giúp HS rèn luyện khả năng hát đồng thanh, cùng hòa giọng trong một tập thể.
3.7. Luyện tập, củng cố
Kỹ năng này rất quan trọng khi HS biểu diễn trong các buổi văn nghệ hoặc các hoạt động tập thể, nơi sự đồng điệu và phối hợp giữa các thành viên đóng vai trò quan trọng trong thành công của một tiết mục.
Việc củng cố không thể thiếu sự đánh giá và nhận xét của GV. Sau mỗi buổi luyện tập, GV cần đưa ra những nhận xét cụ thể về màn trình diễn của HS, bao gồm cả những điểm mạnh và những khía cạnh cần cải thiện. Những lời khuyên và góp ý từ GV không chỉ giúp HS nhận ra những lỗi sai mà còn cung cấp hướng dẫn cụ thể để các em khắc phục. Đồng thời, GV cũng nên khuyến khích và động viên HS, tạo cho các em cảm giác tự tin và hứng thú trong quá trình học tập.
Kết luận
Việc dạy học hát ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho HS CLB năng khiếu Trường Tiểu học Đan Phượng không chỉ góp phần phát triển kỹ năng âm nhạc mà còn bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, hình thành nhân cách trong sáng cho các em. Những biện pháp được đề xuất như: trang bị kiến thức khái quát về nhạc sĩ, rèn luyện kỹ năng hát cơ bản, và tổ chức quy trình dạy hát khoa học đã cho thấy sự cần thiết và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Các kỹ thuật như hát liền tiếng, hát luyến, diễn cảm hay hát chính xác đều góp phần nâng cao chất lượng thể hiện của HS, trong khi quá trình luyện tập, khởi động giọng và củng cố giúp duy trì hiệu quả học tập lâu dài. Qua đó, giáo viên có thể định hướng, phát triển toàn diện năng lực âm nhạc cho HS một cách tự nhiên, sáng tạo và hiệu quả hơn. Những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên không chỉ là chất liệu âm nhạc giàu tính nghệ thuật mà còn là cầu nối nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những giá trị nhân văn sâu sắc, phù hợp với định hướng giáo dục âm nhạc hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đặng Thành Hưng, Trịnh Thị Bản Đôn, Nguyễn Khải Hoàn, Trần Vũ Khánh (2012), Lý thuyết phương pháp dạy học, Nxb Đại học Thái Nguyên, Thái Nguyên.
- Nguyễn Thụy Kha (2008), Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
- Nguyễn Trung Kiên (1982), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
- Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục, Hà Nội
- Hoàng Long, Hoàng Lân (2010), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Lê Anh Tuấn, Nguyễn Phúc Linh (2016), Phương pháp tư duy tích cực và sáng tạo trong giáo dục âm nhạc, Nxb Hồng Đức
- Phạm Tuyên (2018), Cánh én tuổi thơ – tuyển tập chọn lọc 200 ca khúc hay nhất dành cho lứa tuổi hồng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
- Phạm Tuyên (2021), Nhạc sĩ Phạm Tuyên – Tuyển tập 100 bài hát, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.