MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC KỸ THUẬT CƠ BẢN PIANO CHO HỌC SINH NĂNG KHIẾU TẠI TRUNG TÂM ÂM NHẠC PIANO HOME, QUẬN ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trần Trung Dũng
Học viên K18 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực piano, đang trở thành một nhu cầu thực tế tại các trung tâm âm nhạc tư nhân. Tại Trung tâm Âm nhạc Piano Home, nhiều học sinh tiểu học có năng khiếu piano được cha mẹ định hướng theo con đường chuyên sâu. Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy, giáo viên gặp không ít khó khăn do sự khác biệt trong trình độ, khả năng tiếp thu và tâm lý của học sinh. Ngoài ra, việc thiếu giáo trình thống nhất, chưa có các biện pháp rèn luyện kỹ thuật phù hợp với từng đối tượng cũng gây ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy.T ừ thực tế đó, bài viết này đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học kỹ thuật cơ bản piano cho học sinh năng khiếu tại trung tâm âm nhạc ngoài công lập.
1. Các bước dạy học kỹ thuật cơ bản cho học sinh năng khiếu tại Trung tâm Âm nhạc Piano Home
Đối với học sinh năng khiếu từ 9 đến 11 tuổi, việc rèn luyện kỹ thuật cơ bản đóng vai trò nền tảng trong quá trình học tập và phát triển năng lực chơi đàn piano. Tuy các em có tiềm năng vượt trội về cảm thụ và tư duy âm nhạc, nhưng ở lứa tuổi này, kỹ thuật vận động vẫn cần được hình thành một cách bài bản, có hệ thống và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.
Tiến trình phát triển kỹ thuật được xây dựng theo từng giai đoạn, có mục tiêu cụ thể, kết hợp giữa luyện tập ngón tay, tư thế, vận động tay-mắt-tai và khả năng cảm nhận âm sắc. Mỗi kỹ thuật đều được lồng ghép trong các bài tập thực hành hoặc tiểu phẩm phù hợp, nhằm giúp học sinh vừa rèn kỹ thuật vừa phát triển khả năng biểu cảm nghệ thuật.
1.1. Làm quen tư thế ngồi đàn piano
Một tư thế chuẩn giúp người học giữ được sự thoải mái, linh hoạt khi luyện tập và hạn chế ảnh hưởng không tốt đến hệ cơ – xương – khớp trong quá trình phát triển. Học sinh nên ngồi hai phần ba phía trước ghế, giữ lưng thẳng tự nhiên, vai và cánh tay thả lỏng. Khuỷu tay cần ngang hoặc hơi cao hơn mặt phím, tạo góc vuông để thuận tiện trong di chuyển. Đùi song song mặt sàn, bàn chân đặt vững trên sàn hoặc kê thêm ghế đỡ nếu cần.
Tư thế ngồi đàn piano (ảnh minh họa)
1.2. Luyện ngón và gam cơ bản
Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát hình ảnh gam Đô trưởng với phạm vi một quãng tám, trong đó hai tay chuyển động ngược chiều nhau: tay phải đi lên, tay trái đi xuống và ngược lại. Việc hai tay di chuyển theo hướng đối lập giúp học sinh dễ hình dung và cảm nhận sự đối xứng trong thao tác, hỗ trợ tốt cho khả năng điều phối hai tay.
1.3. Dạy kỹ thuật cơ bản
1.3.1. Kỹ thuật legato (chơi liền tiếng)
Trong kỹ thuật piano, legato chỉ cách chơi các nốt nhạc liền mạch với nhau. Âm thanh khi chơi legato thường mang lại cảm giác mượt mà, uyển chuyển, và liền mạch.
1.3.2. Kỹ thuật Staccato (chơi đàn nảy tiếng)
Staccato là một kỹ thuật chơi các nốt ngắn, rõ ràng và tách biệt với nhau. Khi thực hiện kỹ thuật staccato, mỗi nốt nhạc được ngắt quãng rõ ràng với những nốt xung quanh, tạo nên cảm giác “bật” hoặc “nảy” trên phím đàn.
Giáo viên hướng dẫn học sinh năng khiếu bắt đầu luyện tập kỹ thuật staccato bằng cách nâng và thả ngón tay một cách linh hoạt, không cần phải ấn phím quá mạnh, nhưng phải đảm bảo nốt được ngắt quãng rõ ràng.
1.3.3. Kỹ thuật non-legato
Giáo viên bắt đầu hướng dẫn học sinh năng khiếu bằng việc giải thích về kỹ thuật non-legato, so sánh với legato và staccato để HS hiểu sự khác biệt. Sau đó, GV sẽ trình bày mẫu một nhạc ngắn với kỹ thuật non-legato để HS nghe và cảm nhận.
Ngoài ra, còn 1 số các kỹ thuật khác như Marcato (nhấn nốt) và kỹ thuật láy Trill.
2. Kết hợp luyện kỹ thuật và cảm xúc âm nhạc qua các khúc luyện ngón etude
Etude (khúc luyện ngón) đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo học sinh năng khiếu piano, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học và THCS – giai đoạn hình thành nền tảng kỹ thuật. Etude giúp học sinh rèn luyện tốc độ, độ chính xác, sự linh hoạt của ngón tay và khả năng kiểm soát lực. Với các etude cơ bản như Czerny Op.139 hay Op.599, học sinh có thể làm quen hiệu quả sau khoảng 2–3 tháng.
- Czerny, Etude Op. 139, N0 6
3. Luyện ngón nâng cao với Hanon–rèn độ đều và kiểm soát lực ngón
Các bài tập trong tuyển tập etude của tác giả C.L. Hanon giúp phát triển sự linh hoạt và sức mạnh cho các ngón tay, cải thiện khả năng kiểm soát và phối hợp giữa các ngón, từ đó nâng cao kỹ năng chơi đàn. Phương pháp mà Hanon đem lại chủ yếu là tập trung vào việc rèn luyện các chuyển động ngón tay đều đặn, tăng cường sự nhạy bén của cơ bắp tay và ngón.
4. Chỉnh sửa các yếu điểm thường gặp trong quá trình dạy kỹ thuật piano cơ bản
Trong quá trình dạy piano cho học sinh năng khiếu, các yếu điểm thường gặp gồm: tư thế ngồi sai, đặt tay không đúng, lực tay trái yếu và khó bấm chính xác quãng xa.
5. Các bước dạy học tác phẩm cho học sinh năng khiếu tại Trung tâm Âm nhạc Piano Home
5.1. Giao bài tập phù hợp và xây dựng kế hoạch luyện tập cụ thể linh hoạt
Giáo viên cần lựa chọn tác phẩm phù hợp với trình độ và đặc điểm cá nhân của học sinh năng khiếu, tránh quá khó hoặc quá dễ gây chán nản hoặc quá tải. Kế hoạch luyện tập được xây dựng linh hoạt theo tuần, từng bước từ luyện kỹ thuật cơ bản đến xử lý tác phẩm hoàn chỉnh. Quá trình này phải đảm bảo tính cá nhân hóa, tạo điều kiện để học sinh phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Việc điều chỉnh kế hoạch dựa trên tiến độ thực tế giúp duy trì động lực và hiệu quả học tập.
5.2. Cách dạy tác phẩm
Giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp cận tác phẩm theo trình tự: nghe mẫu, phân tích giai điệu – tiết tấu – kỹ thuật, luyện từng tay rồi ghép hai tay từng đoạn nhỏ. Trong quá trình học, giáo viên giúp học sinh hiểu rõ cấu trúc, sắc thái, chỉ dẫn biểu cảm và nhịp điệu để thể hiện đúng tinh thần tác phẩm.
5.3. Tăng cường khả năng tập trung của học sinh năng khiếu từ 9-11 tuổi
Học sinh năng khiếu ở độ tuổi 9–11 thường dễ bị phân tán, do đó giáo viên cần áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao khả năng tập trung. Các phương pháp như chia nhỏ bài học, xen kẽ luyện tập và nghỉ ngắn, sử dụng trò chơi âm nhạc, khuyến khích tự đánh giá qua video hoặc gương sẽ giúp học sinh duy trì sự chú ý. Ngoài ra, việc thường xuyên thay đổi hình thức luyện tập, tạo môi trường học tích cực và cá nhân hóa phương pháp dạy cũng góp phần quan trọng vào việc tăng thời gian và chất lượng tập trung khi học.
5.4. Hướng dẫn học sinh năng khiếu tự tập tại nhà
Việc tự luyện tập tại nhà đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng của học sinh năng khiếu. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh xây dựng thói quen luyện tập đều đặn, chia nhỏ mục tiêu theo ngày hoặc tuần. Các em được dạy cách tự phân tích bài, luyện từ chậm đến nhanh, tập trung xử lý kỹ thuật khó..
5.5. Xây dựng giáo trình và tài liệu giảng dạy đồng bộ cho học sinh năng khiếu tại Trung tâm Âm nhạc Piano Home
Việc xây dựng giáo trình và tài liệu giảng dạy đồng bộ giúp đảm bảo sự thống nhất và chất lượng trong đào tạo học sinh năng khiếu tại Piano Home. Giáo trình cần phù hợp với từng độ tuổi, cấp độ kỹ thuật và năng lực cá nhân. Việc thống nhất nội dung, mục tiêu và phương pháp giảng dạy tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện, đồng thời giúp giáo viên dễ dàng theo dõi và đánh giá tiến độ học tập.
Kết luận
Dạy học kỹ thuật cơ bản piano cho học sinh năng khiếu trong môi trường trung tâm âm nhạc tư nhân đòi hỏi giáo viên không chỉ am hiểu chuyên môn mà còn cần sự linh hoạt, nhạy bén trong phương pháp tiếp cận từng cá nhân. Thông qua việc phân tích thực trạng, đặc điểm lứa tuổi, năng lực và nhu cầu của học sinh từ 9–11 tuổi tại Trung tâm Âm nhạc Piano Home, bài viết đã đề xuất một số biện pháp cụ thể như: rèn luyện tư thế, kỹ thuật tay, lựa chọn etude và Hanon phù hợp, kết hợp giữa kỹ thuật và cảm xúc âm nhạc, đồng thời xây dựng hệ thống giáo trình đồng bộ, hướng dẫn học sinh tự luyện tập tại nhà và tăng cường khả năng tập trung.
Những giải pháp này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giảng dạy kỹ thuật piano cơ bản, mà còn góp phần tạo dựng nền tảng phát triển bền vững cho học sinh năng khiếu, hỗ trợ các em phát huy tối đa tiềm năng âm nhạc. Qua đó, giáo viên có thể chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch cá nhân hóa, phù hợp với từng trình độ, đồng thời góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong mô hình đào tạo tại các trung tâm âm nhạc ngoài công lập hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thái Thị Liên (2004) (chủ biển), Phương pháp học đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Lê Nam (2014), Nghiên cứu và phân tích một số giáo trình piano cơ bản cho trẻ nhỏ, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
- Mai Tuấn Sơn (2011), Giáo trình phương pháp dạy học âm nhạc (Dùng cho ngành GD Mầm non hệ từ xa): Phần 1, Trường Đại học Vinh.
- Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm.
- Phan Thị Thiện (2015), Dạy học piano cho học sinh năng khiếu ở trung tâm âm nhạc Yamaha Hà Nội, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ Trung ương, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Tịnh (2020), Tâm lý học phát triển học sinh tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm.