MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC SONATINE CỦA FRIEDRICH KUHLAU CHO HỌC SINH TRUNG CẤP CHUYÊN NGÀNH PIANO NHẠC NHẸ TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỆ THUẬT HÀ NỘI
Học viên Nguyễn Thúy Nga
Lớp K18 – Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc
Sonatine piano đóng vai trò quan trọng trong đào tạo và giáo dục nghệ thuật, đặc biệt trong việc phát triển kỹ thuật và tư duy âm nhạc cho người học, giúp học sinh (HS) rèn luyện kỹ năng chơi đàn, kỹ thuật ngón, cũng như cảm thụ âm nhạc cổ điển một cách bài bản. Trong thực tiễn dạy học cho HS hệ Trung cấp chuyên ngành Piano nhạc nhẹ tại Khoa Nhạc nhẹ của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chương trình quy định học các tác phẩm nhạc nhẹ là chính nhưng vẫn có học các tác phẩm piano cổ điển để hỗ trợ những kỹ thuật nền tảng. Riêng ở năm thứ nhất, giáo viên (GV) có áp dụng dạy học các bài sonatine phù hợp với trình độ HS như của các nhạc sĩ: W.A. Mozart, L.V. Beethoven, F. Kuhlau… Đặc biệt, các sonatine của Friedrich Kuhlau được đánh giá cao bởi tính biểu cảm và sự đa dạng trong kỹ thuật, giúp người học phát triển kỹ năng chạy ngón, xử lý sắc thái và nắm vững phong cách âm nhạc cổ điển và được sử dụng trong nhiều cơ sở đào tạo piano chuyên nghiệp. Bài viết này xin được đề cập đến một số biện pháp dạy học sonatine piano của nhạc sĩ Friedrich Kuhlau cho học sinh Trung cấp chuyên ngành Piano nhạc nhẹ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội gồm: Luyện gam; luyện hợp âm rải; luyện tập các kỹ thuật cơ bản (Legato, Staccato, Marcato).
1. Luyện gam
Luyện gam là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả những ai học nhạc cụ nói chung và piano nói riêng, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, dù là piano cổ điển hay piano nhạc nhẹ bởi đây là một kỹ năng nền tảng. Đối với HS chuyên nghiệp, luyện gam đòi hỏi thường xuyên, nhiều kiểu dạng và nhiều loại gam.
Gam trưởng và thứ
Với HS Trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành Piano nhạc nhẹ ngay từ năm thứ nhất tuyển đầu vào đã chơi được một số tác phẩm tương đối khó, đã được luyện khá nhiều gam nên không cần cho luyện gam với trường độ nốt đen nữa mà thực hiện luyện ở giai đoạn đầu với móc đơn và móc kép.
Ví dụ (VD) số 1: Gam G-dur
Chẳng hạn, với gam G-dur (như trình bày ở VD trên chỉ viết ở 2 quãng 8 nhưng thực tế khi dạy học cần cho HS luyện với 4 quãng 8), GV lưu ý HS các chỗ chuyển ngón tay phải là nốt đô (c) và nốt mi ở tay trái nhưng không được nhấn vì các nốt này thuộc phần yếu của phách. Một số HS khi mới vào trường chơi bài tác phẩm rất tốt nhưng chạy gam đôi khi vẫn ẩu, bị sai ngón nên GV phải chú ý và nghiêm khắc để HS chuẩn ngón. Đặc biệt, cần chú ý tiếng đàn sao cho rõ, đều và đẹp.
Khi chạy gam với trường độ móc kép thì sẽ nhanh gấp đôi so với móc đơn nên khó hơn, điểm nhấn thực hiện cứ 4 nốt mới được nhấn 1 lần và các chỗ chuyển ngón nhiều khi không rơi vào đầu phách.
VD số 2: Gam G-dur móc kép
Khi HS đã thực tốt móc đơn thì sang móc kép không khó khăn về các chỗ chuyển ngón mà khó khăn về tốc độ và kỹ thuật tiếng đàn. Yêu cầu của luyện gam là càng nhanh càng tốt và từng nốt phải rất rõ, không bị dính, bị lướt tiếng (do bấm phím không đủ độ sâu). Đặc biệt, 2 ngón 4 và 5 là hai ngón yếu hay bị ngón 4 đổ vào ngón 5 tạo ra nét nhạc bị ríu nốt. Muốn khắc phục được điều này phụ thuộc vào kỹ thuật khi chạy nốt đen và móc đơn. Đối với năm thứ nhất, GV không nên nóng vội cho HS chạy gam với tốc quá nhanh mà cần thực hiện với tốc độ vừa phải, chú ý tiếng đàn rõ, chắc và đều. Với những HS mắc lỗi cố tật chạy nhanh không đều và không rõ nốt, tiếng đàn không đẹp cần cho tập lại từ nốt đen và móc đơn.
Với các gam khác của giọng trưởng hay giọng thứ đều cho HS luyện tập tương tự như trên, cần tuân thủ làm sao chạy gam đều nốt, tiếng đàn rõ và đẹp.
Gam chromatic
Gam chromatic là dạng gam bao gồm các nốt nhạc cách nhau nửa cung, thường được sử dụng để tạo sự chuyển tiếp trong các đoạn nhạc hoặc làm nổi bật cảm xúc mạnh mẽ.
VD số 3: Gam chromatic
Trong tác phẩm sonatine Op.20 No.1, gam chromatic xuất hiện ở ô nhịp 83 là nét nhạc nối từ cuối phần C vào phần chủ đề A (lần thứ 3) của chương 3. Tương tự, trong sonatine Op.55 No.1, chương 2 với nhịp độ nhanh Vivace cũng khai thác nhiều nét chạy chromatic để tạo nên cảm giác vui nhộn và tạo sự linh hoạt trong kỹ thuật ngón.
VD số 4: Nét chạy chromatic trong chương 3 sonatine Op.20 No.1 (Trích nhịp 83-84)
Luyện tập gam chromatic giúp HS làm quen với việc di chuyển liên tục giữa các phím trắng và phím đen mà không gặp trở ngại về ngón tay hay sự căng thẳng. Điều này đặc biệt hữu ích khi xử lý các nét chạy nhanh và liền bậc trong tác phẩm. Cách luyện gam chromatic có thể được chia thành các bước cụ thể để đảm bảo sự hiệu quả và chính xác. Đầu tiên, HS cần tập với nhịp độ chậm, nhấn 2 nốt đầu tiên theo tiết tấu móc đơn để tập trung vào việc đặt ngón đúng. Trong quá trình này, ngón cái sẽ thường chơi các phím trắng, trong khi các ngón còn lại (ngón trỏ, ngón giữa) xử lý các phím đen. Tiếp theo, GV có thể hướng dẫn HS tập luyện 4 nốt liền kề với tiết tấu móc kép, dần dần tăng tốc độ để tạo sự liền mạch. Cuối cùng, HS sẽ luyện gam chromatic liên tiếp và không nhấn để tạo ra chuỗi âm thanh mượt mà, đồng đều và êm ái. Trong toàn bộ quá trình luyện tập, việc giữ tư thế tay thoải mái và linh hoạt là điều tối quan trọng để tránh căng cứng khi chuyển từ phím trắng sang phím đen.
Ngoài kỹ thuật ngón tay, việc duy trì tốc độ và sự đồng đều khi chơi gam chromatic cũng là một yếu tố quan trọng. HS cần bắt đầu luyện tập ở nhịp độ chậm, sau đó tăng dần tốc độ theo khả năng kiểm soát của bản thân. GV nên khuyến khích HS chú ý đến âm thanh đồng đều giữa các nốt, đảm bảo rằng không có nốt nào bị nhấn quá mạnh hoặc quá nhẹ. Để tăng cường khả năng kiểm soát âm thanh và cảm xúc, gam chromatic nên được luyện tập với nhiều mức độ sắc thái khác nhau, bao gồm piano (nhẹ nhàng), forte (mạnh mẽ), crescendo (tăng dần) và diminuendo (giảm dần). Điều này không chỉ giúp HS rèn luyện kỹ thuật mà còn phát triển khả năng biểu cảm, điều rất cần thiết khi biểu diễn các tác phẩm của Kuhlau.
Khi áp dụng việc luyện tập gam chromatic vào chương 2 của sonatine Op.55 No.1, GV cần chỉ rõ cho HS cách xử lý các nét chạy gam chromatic trong tác phẩm.
VD số 3.5: Nét chạy chromatic trong chương 2 sonatine Op.55 No.1 (Trích nhịp 25-32)
Với các đoạn chạy liền bậc nhanh ở tay phải, HS cần tập trung vào sự chính xác của ngón tay và đảm bảo rằng mỗi nốt được phát ra rõ ràng, đều đặn. HS cũng nên luyện tập từng đoạn nhỏ trước khi ghép nối toàn bộ phần giai điệu để tránh tình trạng rối loạn trong cách chơi. Ở các đoạn có sự kết hợp giữa tay trái và tay phải, GV cần hướng dẫn HS kiểm soát lực tay để đảm bảo sự cân bằng âm thanh giữa giai điệu chính và phần đệm.
Với việc luyện tập bài bản và chú ý đến từng chi tiết trong quá trình giảng dạy, gam chromatic không chỉ giúp HS vượt qua các thách thức kỹ thuật mà còn hỗ trợ đáng kể trong việc phát triển tư duy âm nhạc. Điều này không chỉ nâng cao khả năng biểu diễn của HS mà còn giúp các em tự tin hơn khi thực hiện các tác phẩm khác có tính chất tương tự. Nhờ sự hướng dẫn chi tiết và tập trung vào kỹ thuật của GV, HS có thể xử lý chương 2 của sonatine Op.55 No.1 một cách hiệu quả, từ đó đạt được sự tiến bộ rõ rệt trong kỹ thuật chơi đàn.
2. Luyện hợp âm rải
Luyện hợp âm rải giúp HS rèn luyện khả năng kiểm soát tiếng đàn, tốc độ, ngón chính xác và sự cân bằng giữa hai tay. Các tác phẩm sonatine của Kuhlau, đặc biệt là sonatine Op.20 No.1 và sonatine Op.55 No.1 sử dụng hợp âm rải chủ yếu ở tay trái để tạo nên phần nền cho tay phải trình bày giai điệu chính.
Trong chương 3 của sonatine Op.20 No.1, phần đệm tay trái thường chuyển từ các chồng âm ngắn sang rải hợp âm với tiết tấu chùm 4 móc kép, tạo sự sinh động và chuyển động liên tục.
VD số 5: Chủ đề đoạn a’ phần A chương 3 sonatine Op.20 No.1
Khi luyện tập, GV cần lưu ý HS về tư thế tay và cách đặt ngón sao cho tay phải giữ tư thế cong tự nhiên, các ngón tay di chuyển linh hoạt. bấm phím sao cho âm sắc các nốt trong hợp âm rải cần được đồng đều, không để nốt nào quá nổi bật hoặc mờ nhạt. Về tốc độ và nhịp độ cần bắt đầu với tốc độ chậm để nắm chắc cách chơi, sau đó tăng dần nhịp độ. Khi phối hợp hai tay sao cho hợp âm rải kết hợp với bè giai điệu tạo sự hài hòa và thống nhất. Ngoài ra, cần kết hợp việc luyện tập các hợp âm rải trong các điệu thức khác nhau (trưởng, thứ, chromatique) để mở rộng khả năng xử lý các yêu cầu kỹ thuật phong phú trong các tác phẩm piano.
3. Luyện tập các kỹ thuật cơ bản
Legato
Mục đích của kỹ thuật legato là thể hiện giai điệu âm nhạc một cách mượt mà, êm ái, tạo cảm giác liền mạch, kết nối giữa các nốt nhạc, truyền tải cảm xúc một cách tinh tế, sâu sắc.
Kỹ thuật legato chiếm tỉ lệ lớn trong 2 sonatine Op.20 No.1 và Op.55 No.1 của Kuhlau hoặc là legato kết hợp với các kỹ thuật khác (staccato, nhấn…), rất ít thấy kỹ thuật non-legato.
VD số 6: Trích nhịp 1-6 chủ đề 1 chương 1 sonatine Op.20 No.1
Chẳng hạn, với nét nhạc trên trong chương 1 sonatine Op.20 No.1 cần thực hiện thuần túy kỹ thuật legato ở tay trái với các hợp âm rải C và G7, bè tay phải kết hợp với nhấn và staccato. Thực hiện legato ở bè tay trái, GV hướng dẫn HS sử dụng chuyển động cổ tay linh hoạt, xử lý cường độ rất nhẹ (pp), tạo thành dải chuyển động êm ái để làm nổi bật giai điệu ở tay phải.
Staccato
Trong 2 tác phẩm sonatine của Kuhlau sử dụng rất nhiều kỹ thuật staccato: Khi thì chỉ có riêng kỹ thuật này, khi thì kết hợp với nhiều kỹ thuật khác. Chẳng hạn ở VD trên 6 ô nhịp đầu của chủ đề 1 chương 1 sonatine Op.20 No.1, bè tay phải có kỹ thuật staccato đi kết hợp với legato và nhấn, âm nảy chỉ có ở một số nốt là 3 nốt g2 (ô nhịp 2), các nốt c3 h2, f2 chỉ được nảy sau các âm legato và âm nhấn, tạo giai điệu rất trong sáng, tinh tế. Thực hiện staccato ở giai điệu này, hướng dẫn HS cần thể hiện được sự tinh tế khi đi cùng các kỹ thuật khác, âm nảy đàn gọn nhưng không đàn to nà với cường độ nhẹ vì ở các phần yếu của rphách hoặc đi sau nốt nhấn và như thế mới tạo được sự tinh tế.
Còn trong phần phát triển chương 1 sonatine Op.20 No.1 thì có một nét khá dài với các âm staccato thực hiện với chồng quãng 3 c-es trong hợp âm As và h-d trong hợp âm G:
VD số 7: Trích nhịp 36-41 phần phát triển trong chương 1 sonatine Op.20 No.1
Hướng dẫn thực hiện các âm nảy chồng quãng 3 cần gọn và rõ, với cường độ mạnh dần kết hợp với chồng quãng 8 đi âm nhấn để tạo tính chất kịch tính ở phần phát triển
Marcato
Kỹ thuật marcato là một dạng kỹ thuật chơi nhấn nốt với cường độ mạnh hơn các nốt khác mặc dù không ở phách mạnh, hoặc nếu ở phách mạnh thì nhấn mạnh hơn các phách mạnh ở ô nhịp khác, ký hiệu là dấu > trên nốt nhạc. HS cần được chú ý nhấn rõ hơn ở chỗ có dấu > và phách mạnh trước đó cần đàn nhẹ hơn. GV hướng dẫn HS tập riêng tay trái thể hiện dấu nhấn đúng tinhcs chất cho thành thạo rồi mới ghép 2 tay.
VD số 8: Trích nhịp 1-6 chủ đề 1 chương 1 sonatine Op.55 No.1
Ở ô nhịp 4 có dấu nhấn > vào phách mạnh với nốt a2, cường độ đi từ nhẹ dần đến mạnh, dấu > nhắc HS cần nhấn mạnh hơn các nốt khác cũng ở đầu nhịp với cường độ mạnh nhất trong nét nhạc tại nốt này.
Còn có một loại nhấn ngắt là ký hiệu dấu vạch ngang (-) trên đầu nốt nhạc, cần nhấn nhưng không mạnh bằng dấu >. Ở VD trên, phách thứ 3 là phách mạnh vừa của nhịp 1 và 2 có 2 dấu vạch ngang, ý muốn người chơi cần thể hiện rõ phách thứ 3, nhấn rõ hơn vì với nhịp C, nhiều khi người chơi đàn chỉ nhấn vào phách 1 mà không nhấn phách 3.
Kết luận
Dạy học các kỹ thuật trong sonatine của Friedrich Kuhlau rất cần thiết cho học sinh Trung cấp chuyên ngành Piano nói chung và nhạc nhẹ nói riêng bởi trong các tác phẩm của ông là những kỹ thuật nền tảng, giúp nâng cao kỹ thuật cơ bản và tư duy âm nhạc. Khi dạy luyện gam, hợp âm rải và các kỹ thuật cơ bản (Legato, Staccato, Marcato), giáo viên cần áp dụng các phương pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận tác phẩm một cách bài bản và chuyên sâu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cao Lan Anh (2024), Dạy học tiểu phẩm piano của nhạc sĩ J.S. Bach tại Trung tâm giáo dục quốc tế Hoàn Cầu Dreamwood Jangcla, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.
- Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Thái Thị Liên (chủ biên) (2004), Phương pháp học đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Nhung (2007), Hình thức, thể loại âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Vũ Thu Trang (2024), Dạy học Sonatine của nhạc sĩ Muzio Clementi cho học sinh trung cấp Organ, trường Đại học Hạ Long, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.