MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO KỸ NĂNG HÁT QUAN HỌ CHO HỌC SINH LỚP 5 TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÙ LÃNG, QUẾ VÕ, BẮC NINH
Nguyễn Thị Diệu Thùy
Học viên K19 – Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Quan họ là một hình thức dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc, mang giá trị nghệ thuật cao và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Việc đưa Quan họ vào giảng dạy ở bậc Tiểu học không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn giúp HS hình thành tình yêu âm nhạc truyền thống ngay từ nhỏ. Bài viết này nhằm đề xuất các nội dung cụ thể để GV hướng dẫn HS rèn luyện kỹ năng hát dân ca Quan họ đó là: thực hành luyện thanh và hơi thở, luyện tập kỹ thuật hát dân ca Quan họ truyền thống. Dân ca Quan họ không chỉ là nghệ thuật ca hát mà còn là hình thức giao tiếp văn hóa đầy tinh tế của người Kinh Bắc. Để HS lớp 5 tại Trường Tiểu học Phù Lãng hát dân ca Quan họ một cách tự nhiên và đúng phong cách, cần triển khai các biện pháp sư phạm cụ thể, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và điều kiện giảng dạy tại địa phương.
1. Thực hành luyện thanh và hơi thở
1.1. Luyện thanh
Luyện thanh là bước khởi đầu quan trọng trong việc dạy học hát dân ca Quan họ, giúp HS chuẩn bị tốt về giọng, hơi thở và khẩu hình trước khi thực hành bài hát. Phương pháp luyện thanh được áp dụng kỹ thuật truyền thống nhằm phát triển kỹ năng hát của HS. Phương pháp truyền thống mang tính đặc thù mang lại những lợi ích riêng, từ việc cải thiện cao độ, hơi thở đến phát triển phong cách biểu đạt phù hợp với dân ca Quan họ.
Trước tiên, cần thực hành bài tập luyện thanh với các nguyên âm i, ê, a, o, ơ, u và các phụ âm mi, mê, ma,,… theo trình tự và đảo vị trí các mẫu âm không theo trình tự, để vừa giúp luyện hơi thở, khẩu hình, hay khởi động giọng trước khi vào học hát.
Ví dụ 1: Mẫu âm luyện thanh 01
Ví dụ 2: Mẫu âm luyện thanh 02
Đối với các mẫu âm này, GV sẽ đàn các nốt cao độ trên đàn cho HS nghe, sau đó luyện mẫu thị phạm để các em luyện theo, GV hướng dẫn HS luyện giai điệu đi lên và đi xuống từng nửa cung. Với mẫu âm chữ a, khẩu hình mở ngang, hơi cười nhưng không làm hở răng, cằm dưới thả lỏng, dùng động tác của lưỡi chuyển sang ê và i, lúc này miệng như hơi cười và hàm răng trên lộ ra 1 nửa, lưỡi ép xuống hàm dưới.
Tiếp đến, với mẫu âm chữ ô, khẩu hình hơi chụm lại, cằm dưới vẫn thả lỏng tự nhiên, dùng động tác đằng trước của môi chuyển sang u. Lặp lại khẩu hình a theo cách trên mà chuyển sang khẩu hình ô. Cuối cùng tập phát âm nhiều lần theo tuần tự (a, ê, ô, u), rồi (ô, ê, i, u) hoặc (i, a, ô, u), (ma, mê, mo, mô, mu)… GV lưu ý hướng dẫn thay đổi trật tự các mẫu âm trên cho thuần thục.
Kỹ thuật truyền thống được tích hợp để phù hợp với đặc trưng của dân ca Quan họ. GV hướng dẫn HS sử dụng lối hát mềm mại, đậm đà chất dân gian với kỹ thuật luyến láy và nhả chữ tự nhiên. Hoạt động luyện thanh cũng được kết hợp với việc điều chỉnh hơi thở để tạo nền tảng cho việc biểu diễn các bài dân ca Quan họ. GV thường hướng dẫn HS cách hít thở sâu bằng cơ hoành và giữ hơi lâu để hỗ trợ việc hát những câu dài.
1.2. Hơi thở
Khi thực hành các bài dân ca như Cây trúc xinh, Lý cây đa hay Mười nhớ, HS được rèn cách lấy hơi đúng thời điểm, đảm bảo không ngắt câu, không hụt hơi, đặc biệt ở những đoạn luyến dài hoặc nhịp kéo dài ở cuối câu hát. Để giúp HS kiểm soát tốt làn hơi, GV hướng dẫn bài tập “điểm tựa hơi” tạo cảm giác như làn hơi được đẩy lên từ vùng xương chậu, với bụng dưới hơi căng, giữ ổn định trong suốt câu hát.
2. Luyện tập kỹ thuật hát dân ca Quan họ
2.1. Luyện tập kỹ thuật hát vang
Trước hết, với kỹ thuật hát vang – một trong những yếu tố cốt lõi làm nên “chất Quan họ”, GV cần hướng dẫn HS luyện tập bắt đầu từ việc điều chỉnh tư thế, hơi thở và khẩu hình. GV yêu cầu HS đứng thẳng, thả lỏng vai và cổ, mở rộng lồng ngực, hít thở sâu bằng bụng để lấy hơi tối đa. Sau khi đã thực hiện đúng kỹ thuật lấy hơi, HS được luyện phát âm với các âm mở như “a”, “ơ”, “í ơ” kéo dài để cảm nhận sự cộng hưởng và độ lan tỏa của âm thanh.
Ví dụ : LÝ CÂY ĐA
(Trích)
GV thị phạm từng câu hát, chỉ rõ điểm cần ngân vang, hướng dẫn HS sử dụng hơi đều và giữ khẩu hình mở để tạo độ vang nhẹ nhưng sâu, không gắt, không đứt quãng. Đặc biệt, GV nhấn mạnh rằng âm vang trong Quan họ không được phô trương như trong thanh nhạc hiện đại mà phải mềm mại, đậm chất dân gian, có độ rung tự nhiên ở cuối mỗi câu. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp HS làm chủ được độ vang của giọng, tăng khả năng biểu cảm và giữ được sự cuốn hút khi trình bày làn điệu Quan họ.
2.2. Luyện tập kỹ thuật hát rền
Trước khi bước vào luyện tập một bài hát cụ thể, GV cần tổ chức hoạt động luyện hơi thở kết hợp việc phát âm các âm “mê”, “mô”, “mơ” với cường độ rung nhẹ và đều, giúp HS hình thành cảm nhận về sự ổn định và độ rền trong âm thanh. Để tạo hiệu quả của kỹ thuật này, GV yêu cầu HS giữ hơi dài, phát âm liên tục và cảm nhận âm thanh rung nhẹ ở vùng mặt, là nơi cộng hưởng âm thanh tốt nhất.
Sau giai đoạn khởi động, HS cần được luyện tập với các mẫu giai điệu đơn giản có sử dụng kỹ thuật rền, ví dụ như đoạn đầu trong bài Mười nhớ, nơi có các đoạn âm dài nối tiếp, đòi hỏi âm thanh phải duy trì đều đặn và có độ rung vừa phải.
Ví dụ: MƯỜI NHỚ
(Trích)
Trong việc thực hành luyện tập kỹ thuật này, GV không chỉ thị phạm mà còn cần điều chỉnh từng HS về cách lấy hơi, cách đặt âm thanh vào khẩu hình và cách điều tiết hơi thở sao cho giọng của các em không bị gãy, đứt trong quá trình hát. GV cũng chú ý điều chỉnh tư thế HS, đảm bảo cổ họng thư giãn, không gồng cứng, đồng thời giúp các em luyện khả năng cảm thụ rung bằng việc hát đơn âm rồi tăng dần độ khó qua các câu có độ luyến.
2.3. Luyện tập kỹ thuật hát nền
Để hiểu kỹ thuật hát nền, cần bắt đầu từ việc phân tích tiếng đệm – thành phần tưởng chừng chỉ là “phụ” nhưng lại đóng vai trò trung tâm trong đặc trưng hát Quan họ. Tiếng đệm là những âm thanh không nằm trong phần lời thơ chính thức của bài hát, thường bao gồm các âm như “i”, “a”, “ơ”, “ư”, “hự”, “rằng là”, “tính tình tang”, “ru hời”… GV khi hướng dẫn HS luyện hát Quan họ phải giúp các em nhận ra rằng tiếng đệm không được hát tùy tiện hay lướt qua mà cần được chăm chút kỹ lưỡng về cao độ, cường độ và trường độ. Ví dụ, trong bài Khách đến chơi nhà, phần đệm “i ơ” không chỉ nối giữa các câu mà còn đóng vai trò tạo nên sự ngân vang kéo dài, làm nổi bật nội dung cảm xúc.
Ví dụ: KHÁCH ĐẾN CHƠI NHÀ
(Trích)
Để luyện được kỹ thuật hát nền hiệu quả, GV cần hướng dẫn HS khẩu hình phải được điều chỉnh hợp lý, không mở quá rộng gây gắt, cũng không khép quá hẹp làm giảm độ vang. Âm thanh cần đặt đúng vị trí trong khoang miệng và vòm họng để tạo sự đồng đều và hài hòa. GV có thể cho HS luyện riêng phần tiếng đệm trên các cao độ cơ bản, kết hợp với các âm mẫu như “i-ơ”, “a-ơ”, “hự”, đồng thời hướng dẫn điều tiết cường độ sao cho tiếng đệm không bị “lấn át” phần lời nhưng vẫn nổi bật như một lớp nền vững chắc.
2.4. Luyện tập kỹ thuật hát nảy
GV khi hướng dẫn HS luyện hát nảy cần giúp các em hiểu rõ hai kiểu nảy cơ bản. Kiểu thứ nhất là nảy kết hợp ngân, nghĩa là sau khi âm thanh bật ra, nó tiếp tục được kéo dài với độ rung nhẹ, tạo cảm giác âm thanh trôi đi một cách mềm mại nhưng vẫn có điểm nhấn rõ nét. Kiểu này có thể thấy rõ trong bài Khách đến chơi nhà như ví dụ dưới đây.
Ví dụ : KHÁCH ĐẾN CHƠI NHÀ
(Trích)
Với câu hát trên của bài Khách đến chơi nhà, âm nảy hạt rơi vào những chỗ có trường độ được kéo dài như nốt đen và thường vào phách mạnh ở các chữ Ba, người, ngồi, là, ơi, à, nên, chăng, ơ, sơ, sợi, hồng. GV hướng dẫn giúp HS tìm hiểu thanh điệu ở các chữ nảy hạt để áp dụng cách xử lí trong quá trình ngân nảy hạt. Với những chữ mang thanh điệu sắc, huyền, ngã, không, âm nảy hạt được nảy lên. Những chữ mang thanh điệu nặng và hỏi, khi nảy hạt phải đổ xuống. Khi luyện kỹ thuật này, HS cần được hướng dẫn cách lấy hơi thở chính xác, biết lúc nào siết nhẹ để giữ hơi, lúc nào đẩy mạnh để tạo lực bật âm. Khẩu hình phải mở vừa đủ, cằm hơi hạ xuống, hàm dưới thả lỏng và môi trên hơi nhếch lên.
Kết luận
Việc rèn luyện kỹ năng hát dân ca Quan họ cho HS lớp 5 tại Trường Tiểu học Phù Lãng không chỉ là hoạt động giáo dục âm nhạc đơn thuần, mà còn là quá trình truyền trao giá trị văn hóa truyền thống, hun đúc tình yêu quê hương trong tâm hồn trẻ nhỏ. Các biện pháp như luyện thanh kết hợp hơi thở, luyện tập kỹ thuật hát vang, hát rền, hát nền và hát nảy đều được triển khai theo hướng tích hợp giữa lý thuyết âm nhạc hiện đại và đặc trưng nghệ thuật dân gian, từ đó giúp HS hát Quan họ một cách tự nhiên, đúng lối và có chiều sâu cảm xúc. Mỗi nội dung luyện tập không chỉ nhằm hoàn thiện kỹ thuật mà còn góp phần bồi đắp khả năng cảm thụ, rèn luyện sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần hợp tác trong HS. Đặc biệt, việc ứng dụng các làn điệu Quan họ vào từng bước hướng dẫn cụ thể, kết hợp phương pháp trực quan sinh động, sẽ giúp HS hình thành kỹ năng biểu diễn một cách hiệu quả và hứng thú.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Chí Bền (chủ biên), Bùi Quang Thanh (2019), Dân ca Quan họ Bắc Ninh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Đặng Thị Lan (2020), Dạy học hát Chèo và hát Quan họ cho sinh viên Đại học sự phạm Âm nhạc, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
- Đặng Văn Lung (1978), Quan họ – Nguồn gốc và phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Hồng Thao (1997), Dân ca Quan họ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội
- Nguyễn Thị Thu Thủy (2015), Dạy học phân môn Hát tại Trường Trung học cơ sở An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
- Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Yến (2013), Giáo trình Phương pháp dạy học âm nhạc tiểu học, Trường Đại học Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng.