Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ MỸ THUẬT THỜI LÝ ĐỐI VỚI SINH VIÊN THỜI TRANG TRONG HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU

ThS. Ngô Văn Sơn

Khoa Mỹ thuật Ứng dụng

Mỹ thuât thời Lý với những hình chạm khắc trang trí sinh động mang tính lý tưởng hóa, gắn liền với tư tưởng Phật giáo đã đi cùng năm tháng. Các dạng thức hoa văn trang trí trên các di vật đồ thờ và các mảng chạm khắc trên gỗ, đá với đề tài  mây, rồng, sóng nước… nhờ bàn tay khối óc và tài hoa của nghệ nhân đã phần nào phản ánh được tư tưởng thẩm mỹ đương thời của người Việt. Những họa tiết đó là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ họa sĩ, nghệ sĩ kế thừa và đặc biệt là nguồn cảm hứng bất tận cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang vận dụng vào trang trí, thiết kế các bộ sưu tập thời trang hoài cổ, đậm chất văn hóa dân tộc.

Sinh viên ngành Thiết kế thời trang được học tập dưới mái trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, được đào tạo bài bản và phát huy năng lực sáng tạo. Bên cạnh những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực thời trang, các em còn có những học phần nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật thời trang, các học phần trang trí cơ bản, trang trí ứng dụng… để qua đó sinh viên hiểu hơn về những giá trị mỹ thuật truyền thống và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn học tập, thiết kế trang phục. Khi nghiên cứu về Mỹ thuật thời Lý, sinh viên ngành Thiết kế thời trang sẽ nhận thức rõ những giá trị tạo hình, đồng thời hình thành nên ý tưởng vận dụng nghệ thuật trang trí hoa văn vốn cổ vào học tập trang trí, thiết kế trang phục phù hợp, góp phần bảo tồn nền mỹ thuật dân tộc đậm đà bản sắc văn hóa.

  1. Các nhóm họa tiết trang trí trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Mỹ thuật cổ Việt Nam xuất hiện nhiều nhóm họa tiết trang trí, chạm khắc: Nhóm thứ nhất là những họa tiết hình học như hình tròn, hình tam giác, hình thang. Nhóm thứ hai là những họa tiết hình bàn chân người. Những bàn chân thường là những bàn chân phải của người lớn và trẻ em, với kích thước to gần như thật, những ngón chân được khắc lõm sâu vào trong đá. Nhóm thứ ba là những biểu tượng sinh thực khí, chủ yếu là những biểu tượng nữ tính với hình tam giác có rãnh dọc ở giữa. Nhóm thứ tư là họa tiết hình người được thể hiện trong tư thế giơ tay, dang 2 chân như hình khắc trong các bích họa hang động thời tiền sử. Nhóm thứ năm là những hoa văn hình vuông và hình tròn. Nhóm thứ sáu là những hình khắc chưa xác định được hình dáng và ý nghĩa thể hiện. Ðến khi tư duy nghệ thuật của người thợ đồ gốm nguyên thủy đã hình thành và dần đi vào ổn định, người ta vẽ bằng que hay dập hoa văn phỏng theo dấu in của khuôn đan trên gốm tạo thành các hoa văn sinh động. Đến thời đại Đồ đồng (văn minh Đông Sơn), hoa văn được hình học hóa cao với đường rạch, vẽ, gấp khúc dứt khoát. Văn hoá Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách đây chừng khoảng 4.000 đến 3.500 năm. Thợ gốm sáng tạo nên những sản phẩm gốm vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị nghệ thuật với những đường gợn sóng nhẹ, hoặc văn khuông nhạc xòe ra kiểu nan quạt hay bu gà. Hoa văn văn thừng bện các đồ án khuông nhạc hình chữ S với các kiểu dọc ngang biến thể khác nhau, có khi sắp xếp song song bên nhau, có khi móc nối đuôi nhau, những hình khắc sinh hoạt cảnh con người và muông thú, hình khắc nhà sàn và trung tâm điểm là mặt trời tượng cho ngôi sao nhiều cánh trên trống đồng Đông Sơn đã thể hiện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí đạt đến mức độ cao.

Bên cạnh những hình hoa văn trang trí, chạm khắc trên đồ đá, đồ đồng, gỗ cũng là loại chất liệu được các nghệ nhân dân gian lựa chọn cho những sáng tạo của mình. Kiến trúc cổ truyền Việt Nam độc đáo không chỉ bởi kết cấu kiến trúc mà đặc sắc hơn nữa là kỹ thuật chạm khắc trên các cốn, kèo, đầu dư, cột cái, cột quân… với những hoa văn họa tiết đặc sắc được chạm khắc trên chất liệu gỗ thời Lý đã phản ánh lịch sử và nét văn hoá mang tinh thần Phật giáo sâu sắc, quyện hòa thiên nhiên với vũ trụ nhân sinh và gắn kết thiên nhiên với con người bằng niềm tin nhân hòa về Phật Pháp từ buổi đầu tiên của nền mỹ thuật Phật giáo Việt Nam trong chuỗi dài suốt 9 thế kỷ thời phong kiến tự chủ.

  1. Tạo hình trang trí hoa văn thời Lý

Những họa tiết thường gặp nhất trong trang trí kiến trúc và các di vật thời Lý là các loại họa tiết rồng, mây, hoa lá. Nơi các di tích linh thiêng hoặc các di vật gốm, di vật đồng hoặc những mảng chạm khắc trên đá, trên gỗ xuất hiện các mô típ trang trí vật linh với các quy chuẩn tao hình lý tưởng trong đồ án hình tròn, mật độ họa tiết hoa dây liên tục.

Ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, con rồng là một trong những họa tiết xuất hiện với tần suất lớn trong nghệ thuật trang trí, trang trí kiến trúc cổ, rồng thể hiện cho tâm linh, gắn liền với vua và là biểu hiện ước mong mưa thuận gió hoà trong dân gian. Rồng Phượng tạo hình trong các đồ án gắn liền với mô típ biểu tượng mặt trời, nguồn sáng mang ý nghĩa thiêng hóa. Rồng mây và các biến thể trong đồ án tạo hình trên các di tích cổ thời Lý mang giá trị của biểu tượng âm dương, cứng mềm được tạo hình uyển chuyển trên các mảng chạm khắc tinh tế.

Có thể nói, nghệ thuật trang trí cổ truyền của người Việt thời Lý có sức sống lâu bền, khả năng ứng dụng và tính kế thừa cao đối với nền Mỹ thuật hiện đại nhiều thế kỷ đặc biệt khả năng ứng dụng các họa tiết và trang trí sản phẩm thời trang và mỹ thuật ứng dụng đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật. Đề tài trang trí trong mỹ thuật thời Lý không chỉ nhằm mục đích đơn thuần để trang trí cho kiến trúc hoặc các hiện vật nào đó mà chúng là sự kết tinh những tầng bậc ý nghĩa “muôn đời” của dân tộc. Mô típ họa tiết trang trí như thiên nhiên, trời mây, sóng nước, mây, rồng phượng, người tiên có cánh…  kết hợp tài khéo giữa mô típ trang trí theo hoạt cảnh liên quan đến chủ đề Phật thoại, thần linh được các nghệ nhân xưa tài khéo tạo hình chau chuốt, tỉ mỉ từng chi tiết.

Một số hình tượng nghệ thuật tiêu biểu thời Lý như hoa văn hoa sen, hình tượng rồng, mô típ mây trong điêu khắc và kiến trúc thời Lý… Hoa sen trong kho tàng nghệ thuật cổ của dân tộc là hình tượng phổ biến, được sử dụng ở các thời kỳ và xuất hiện trong nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau đem đến cho sinh viên thiết kế thời trang nguồn cảm hứng bất tận cho các bản thiết kế hoặc bài học tạo hình của mình.

  1. Sinh viên thiết kế thời trang nghiên cứu, học tập vốn cổ trong mỹ thuật thời Lý

Ở thời Lý, hình tượng hoa sen được thể hiện thành công với tính triết lý, tính tư duy và tính thẩm mỹ dân tộc. Đặc biệt, đạo Phật phát triển nên hình tượng hoa sen cũng được sử dụng nhiều và thể hiện nhiều trên hệ thống kiến trúc. Nghệ thuật tạo hình trang trí Phật giáo thời Lý đạt đến đỉnh cao, trong đó, hình tượng rồng là tâm điểm trong sự chú ý và được mô tả chau chuốt về đường nét và bố cục với tư thế rồng được chuyển động bay lượn trong bố cục hình sin sống động. Sự sống động của hình tượng rồng và mây đã trở thành mô típ quan trọng góp phần cho nghệ thuật tạo hình của thời Lý được nổi bật và phát triển.

            Tạo hình trang trí, chạm khắc thời Lý được các nghệ nhân thể hiện vói sự uyển chuyển của đường nét. Các dải trang trí dày liên tiếp, uốn lượn hình sin hoặc tạo nhịp điệu lặp lại liên tục, thường đươc thể hiện với yếu tố mềm mại, được sắp xếp cân đối trong các dạng thức hình tròn, biến thể hình tròn dạng elip.

Việc ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống thời Lý trong thiết kế sản phẩm thời trang mà bước đầu các nhà thiết kế thời trang tương lai thể hiện trong các bài tập trang trí cơ bản đã phần nào phát huy sự sáng tạo của các em mà còn giúp các em có sản phẩm tạo hình độc đáo mang đậm chất mỹ thuật truyền thống. Việc sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống, việc tập trung khai thác một số họa tiết thời Lý tiêu biểu là một phương pháp nghiên cứu phổ biến đối với sinh viên ngành thiết kế thời trang; Đối với nghệ thuật thời Lý mà chủ yếu là các mô típ hoa văn chạm khắc với đề tài trang trí thiên nhiên: hoa văn mây, nước, hoa sen, hoa cúc; đề tài tứ linh, tứ hựu, rồng, phượng và hình tượng con người như nhạc công, vũ nữ… được thể hiện sinh động, tinh tế, tỉ mỉ, mang nét chuẩn mực của nghệ thuật cổ điển và đó là những gợi ý, tư liệu quý giá cho mục đích nâng cao giá trị kinh tế, tính thẩm mỹ của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực thời trang mà các em theo đuổi sự nghiệp sau này.

Kết luận

Nghệ thuật trang trí thời Lý sẽ là nền móng để sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang hình thành nên các ý tưởng sáng tạo mới kết hợp truyền thống và hiện đại. Cùng với sự hỗ trợ của màu sắc, sinh viên Thiết kế thời trang nghiên cứu và vận dụng các mô típ và dạng thức nhịp điệu đường nét hoa văn thời Lý vào bài tập trang trí đường diềm, trang trí vải hoa trong ý thức sắp xếp bố cục hình cơ bản, hoặc sáng tạo các sản phẩm phụ kiện thời trang thiết nghĩ là đã và đang góp phần giữ gìn phát huy và bảo tồn nền mỹ thuật dân tộc.

                        Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Bá Vân (1995) Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc
  2. Nguyễn Hồng Hưng (2017), Nguyên lý Design thị giác, Nxb ĐHQG thành phố HCM.
  3. Chu Quang Trứ (1999), Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  4. Ngô Huy Quỳnh (1998), Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. Đặng Xuân Cường (2004), Luật xa gần, Dự án đào tạo giảng viên THCS, Nxb ĐHSP.
  6. Nhiều tác giả (2018), Mỹ thuật Việt Nam qua con mắt các nhà phê bình, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  7. Nguyễn Quân (2004), Con mắt nhìn cái đẹp, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
  8. Maurice Grosser (4/99) Để thưởng ngoạn một tác phẩm hội họa, Nxb Mỹ thuật.