NGHIÊN CỨU TẠO HÌNH NHÂN VẬT NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN CHÈO TRONG THIẾT KẾ ĐỒ HỌA
Trần Thị Kim Thoa
K12A – Thiết kế đồ họa
Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Nhân vật trong nghệ thuật biểu diễn Chèo hiện lên sinh động với những giá trị nhân văn từ vẻ đẹp tâm hồn đến triết lý sống sâu sắc của con người Việt Nam. Đưa hình tượng nhân vật Chèo trong nghệ thuật biểu diễn Chèo vào thiết kế đồ họa không chỉ là cách bảo tồn di sản mà còn gợi ý tưởng về những khả năng sáng tạo đầy hứa hẹn. Thông qua trang phục, hóa trang, dáng điệu, nghệ thuật Chèo đã tạo nên hệ thống các nhân vật mang tính biểu tượng cao trong văn hóa Việt. Có thể thấy, nghệ thuật tạo hình nhân vật Chèo có nhiều tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế đồ họa hiện đại. Nghiên cứu khai thác các yếu tố biểu đạt của thiết kế đồ họa trong tạo hình nhân vật như hình khối, đường nét và màu sắc tạo nên những tác phẩm độc đáo, vừa mang hơi thở đương đại vừa giữ được bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Bài viết này tập trung phân tích đặc điểm tạo hình nhân vật Chèo và cách vận dụng ứng dụng hiệu quả vào lĩnh vực thiết kế đồ họa.
1. Đặt vấn đề
Trong xu thế hội nhập văn hóa quốc tế, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Chèo truyền thống đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Thiết kế đồ họa với khả năng truyền tải thông tin trực quan và sáng tạo trở thành cầu nối quan trọng đưa nghệ thuật Chèo với hệ thống nhân vật độc đáo, mang đậm tính biểu tượng và giá trị nhân văn sâu sắc như Thị Mầu đại diện cho người phụ nữ táo bạo, phóng khoáng trong xã hội xưa hay đối lập lại là Thị Kính đại diện cho người phụ nữ đức hạnh, chịu đựng oan khuất nhưng không oán hận… đến gần với công chúng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc nghiên cứu đặc điểm tạo hình nhân vật Chèo được thể hiện thông qua các yếu tố đường nét, hình khối, màu sắc ứng dụng vào thiết kế đồ họa không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt, góp phần quảng bá và phát triển nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh mới.
2. Tạo hình nhân vật nghệ thuật biểu diễn Chèo
Trải dài theo năm tháng của nền văn minh lúa nước, nghệ thuật biểu diễn Chèo đã thấm sâu vào đời sống tinh thần người Việt một cách sâu sắc. Từ những sân đình rêu phong đến không gian hiện đại ngày nay, Chèo vẫn vẹn nguyên sức sống bởi nó chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn, khát vọng và triết lý nhân sinh của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ [3; tr.27, 28].
Trong nghệ thuật biểu diễn Chèo, nguyên tắc ước lệ giữ vai trò quan trọng chi phối không chỉ cấu trúc tích trò mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các yếu tố nghệ thuật như biểu diễn, âm nhạc, múa, mỹ thuật và văn chương [2; tr.15]. Chính nguyên tắc này đã góp phần tạo nên hệ thống nhân vật độc đáo với năm “mô hình” đặc trưng: Sinh, Đào, Lão, Mụ và Hề. Mỗi mô hình là một thế giới thu nhỏ, phản chân thực mà tinh tế bức tranh xã hội truyền thống với đầy đủ cung bậc hỉ nộ ái ố với các phương tiện diễn tả như cử chỉ, động tác, hành vi, lời thoại, điệu hát, khuôn múa, màu sắc, đường nét trong hóa trang, trang phục của nhân vật tạo nên một tổng thể hài hòa giữa hình thức và nội dung.
Nghệ thuật Chèo đã đưa sự ước lệ lên tầm cao mới. Từ dáng đứng khoan thai của nam chính (kép chính) đến điệu bộ lả lơi của Đào lệch (nữ lệch), từ nét mặt hiền hậu của Mụ thiện đến điệu cười khoa trương của Hề – tất cả được khắc họa một cách tinh tế, sinh động. Cụ thể [2; tr. 65 -70]:
Mô hình Sinh gồm nam chính (Kép chính) gồm những nhân vật nam hào hoa, chính trực, dáng người thường cao ráo, dáng đi khoan thai đầy tự chủ, như Dương Lễ, Lưu Bình đại diện cho cái thiện và nam ngang với các vai phản diện như Trần Phương có tính cách gian trá, tạo mâu thuẫn kịch tính. Tạo hình thường được cách điệu hóa với dáng đi đứng khệnh khạng, vai lắc lư, chân bước rộng, đầu ngẩng cao thể hiện sự kiêu ngạo; tay chống nạnh hoặc vung vẩy; cử chỉ thô lỗ…
Mô hình Đào phân thành ba loại gồm Đào chín (nữ chín) như Thị Kính, Châu Long là hiện thân của người phụ nữ đức hạnh, dịu dàng với dáng người thanh thoát, bước đi uyển chuyển; gương mặt trái xoan trắng hồng, ít nét góc cạnh; Đào lệch (nữ lệch) tiêu biểu là Thị Mầu là nhân vật phóng khoáng, phá cách, dáng đi uốn éo, tay chống nạnh hoặc vung khăn, động tác táo bạo, khuôn mặt hóa trang lòe loẹt, trang phục thường sặc sỡ với áo/yếm đỏ hoặc hồng cánh sen; váy ngắn. Cuối cùng, Đào pha là những nhân vật có sự pha trộn giữa cái đẹp và khiếm khuyết với tạo hình nhân vật thường rất đơn giản, trang phục dân dã, giản dị của người nông dân, gái hầu như áo nâu, váy đen hoặc trang phục lao động.
Mô hình Lão là những nhân vật nam lớn tuổi gồm Lão ông uyên thâm như Quan Thừa Tướng, Cụ Đồ với tư thế gù lưng, chân tay khuềnh khoàng, di chuyển chậm rãi với những bước đi lập cập, tựa vào cây gậy trúc như điểm tựa và Lão say đặc sắc với các nhân vật như Mãng Ông, Sùng Ông mang dáng đi lảo đảo, chân nam đá chân chiêu; sử dụng đạo cụ là bình rượu cầm tay. Mô hình Mụ bà lão dáng các lưng còng, một tay chống gậy tay kia vắt ra phía sau lưng để giữ thăng bằng chia thành mụ thiện nhân hậu như Trương Mẫu và mụ ác độc địa như Mụ Dầu, Mụ Mối.
Cuối cùng, mô hình Hề đa dạng với hề gậy, hề mồi và hề tính cách (hề áo ngắn, hề áo chùng) mang lại tiếng cười sân khấu với trang phục màu sắc sặc sỡ và biểu cảm cường điệu tạo tiếng cười. Dù đã xuất hiện các nhân vật hiện đại nhưng hệ thống này vẫn giữ nguyên giá trị, phản ánh tinh tế cấu trúc xã hội và nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo của Chèo cổ truyền.
Điều làm nên sức sống trường tồn của Chèo chính là những thông điệp nhân văn sâu sắc ẩn sau lớp vỏ nghệ thuật. Mỗi vở diễn là một bài học đạo đức được truyền tải qua hình thức giải trí nhẹ nhàng mà thấm thía. Tiếng cười trong Chèo không đơn thuần để mua vui mà là thứ vũ khí sắc bén phê phán thói hư tật xấu, ca ngợi cái đẹp, cái thiện. Chính sự kết hợp hài hòa giữa tính giải trí và giáo dục đã khiến Chèo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt.
3. Vận dụng các yếu tố biểu đạt của thiết kế đồ họa trong tạo hình nhân vật nghệ thuật biểu diễn Chèo
Nghiên cứu khai thác các yếu tố biểu đạt của thiết kế đồ họa vào tạo hình nhân vật Chèo không chỉ giúp bảo tồn giá trị truyền thống mà còn mang lại sức sống mới cho nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh đương đại. Mỗi yếu tố không chỉ đơn thuần mang giá trị thẩm mỹ mà còn hàm chứa những thông điệp nghệ thuật sâu sắc, góp phần làm rõ tính cách nhân vật và chủ đề tác phẩm. Các yếu tố trong thiết kế đồ họa kết hợp lại với nhau góp phần cường điệu hóa tính cách, hình ảnh, dáng điệu của nhân vật, giúp người xem có thể dễ dàng nhận ra các nhân vật hơn, cụ thể là:
Về đường nét, đường nét mang sự sắc sảo, mạnh mẽ như đường thẳng, đường gấp khúc thường được dùng cho nhân vật có tính cách quyết đoán hoặc phản diện. Ngược lại, đường nét mềm mại, uyển chuyển như đường cong thường dành cho nhân vật nữ hoặc nhân vật có tính cách hiền lành, trung thực [1; tr. 227].
Về hình khối, mỗi một hình khối đều mang trong mình một tính chất riêng như hình vuông, chữ nhật thể hiện sự ổn định, độ tin cậy, kỷ luật, sức mạnh và sự tin tưởng được sử dụng cho các nhân vật nam chính hay lão ông; hình tròn gợi lên những suy nghĩ về hòa bình, lòng tốt, sự mềm mại, an toàn và toàn vẹn dùng cho các nhân vật nữ; trong đó hình tam giác lại tượng trưng cho sự chuyển động và sắc nét, nguy hiểm với các nhân vật phản diện [5; tr2, 3].
Về màu sắc trong Chèo mang tính quy ước rõ rệt với hệ thống tượng trưng màu sắc: màu đỏ, hồng thể hiện sức sống, màu nâu biểu trưng cho sự mộc mạc, màu đen tượng trưng cho sự nghiêm trang và màu trắng đại diện cho sự trong sáng. Các tông màu sáng sử dụng cho các nhân vật trẻ tạo sự trẻ trung, màu sặc sỡ góp phần xây dựng tính cách các nhân vật lệch chuẩn với xã hội như các nhân vật nữ lệch (Thị Mầu), các nhân vật mụ ác hay các nam ngang công tử nhà giàu… [4; tr14]
Một nhân vật được tạo lên từ các hình khối và đường nét cơ bản kết hợp lại với nhau. Những kết hợp này giúp truyền đạt nhiều ý nghĩa phức tạp hơn như tạo hình người kết hợp từ hình tròn nữ tính và hình tam giác nham hiểm xây dựng nhân vật nữ lệch hoặc nam ngang hèn mọn, nhu nhược; hình tròn kết hợp với hình vuông, hình chữ nhật tạo nên những nhân vật nữ mạnh mẽ hoặc nhân vật nam trẻ, yếu đuối. Hình vuông và tam giác giúp xây dựng các nhân vật nam nham hiểm dễ dàng hơn. Kết hợp với các đường nét, màu sắc giúp diễn tả tuổi tác hoặc đặc trưng giai cấp như nếp nhăn hay họa tiết trên trang phục [5; tr.4 -7, 96 -107].
Qua đó, các yếu tố biểu đạt của thiết kế đồ họa không chỉ đáp ứng yêu cầu biểu đạt các đặc trưng nhân vật Chèo của mà còn trở thành phương tiện quảng bá nghệ thuật biểu diễn Chèo hiệu quả thông qua các sản phẩm thiết kế ứng dụng.
Sản phẩm thiết kế ứng dụng vận dụng tạo hình nhân vật nghệ thuật biểu diễn Chèo như các ấn phẩm quảng bá sự kiện văn hóa nghệ thuật Hát – biểu diễn Chèo, logo biểu trưng cho các sự kiện, logo nhà hát, đoàn hát Chèo hay các ấn phẩm như sách văn hóa, bộ lịch hay cả những chiếc tem bưu chính bé nhỏ…
Kết luận
Trước sự thay đổi của xã hội hiện đại, việc giữ gìn và phát triển nghệ thuật Chèo đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết. May mắn thay, những giá trị nhân văn và thẩm mỹ của Chèo vẫn còn nguyên vẹn sức hút với công chúng đương đại thông qua những đổi mới trong cách tiếp cận như vận dụng các yếu tố biểu đạt của thiết kế đồ họa trong thiết kế các sản phẩm ứng dụng nhằm quảng bá nghệ thuật Chèo một cách hiệu quả hơn. Nghệ thuật Chèo không chỉ là di sản văn hóa mà còn là tấm gương phản chiếu tâm hồn Việt, nơi cái đẹp và cái chân luôn song hành cùng tiếng cười nhân văn sâu sắc. Đó chính là sức mạnh giúp Chèo vượt qua mọi thử thách của thời gian để mãi trường tồn cùng dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Hồng Hưng, (2012), Nguyên lý Design thị giác, Nxb Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh.
- Trần Đình Ngôn (2010), Nghệ thuật biểu diễn Chèo truyền thống, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
- Trần Việt Ngữ (2013), Về nghệ thuật Chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
- Đoàn Thị Tình, (1996), Luận Án Tiến Sĩ nghệ thuật học – Những vấn đề trang phục truyền thống (Tuồng và Chèo).
- Nhóm tác giả Kenneth Anderson, Chamba, Michael Bills, Gerardo Sandoval, Loish, Tom Bancroft, Randy Bishop, Rodgon, Rene Cordova, Wouter Tulp, Loopydave (2019), sách The character designer (Nhà Thiết kế nhân vật), Nxb 21 Draw, ISBN sách điện tử: 978-91-982277-4-1