Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN GIN – GÓC NHÌN TỪ THỰC TIỄN

ĐẶNG VIỆT HÀ

Học viên Cao học QLVH – K16

Mở đầu:

Di tích lịch sử văn hóa là những minh chứng sống động của quá khứ, kết tinh giá trị tinh thần, lịch sử và nghệ thuật của một cộng đồng, một dân tộc. Chúng không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục truyền thống và tăng cường bản sắc văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc quản lý và bảo tồn các di tích này không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng. Nam Định – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với hệ thống di tích phong phú, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trong số đó, đền Gin (xã Nam Dương, huyện Nam Trực) là một di tích tiêu biểu, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất này. Được xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, đền Gin không chỉ là nơi tôn vinh công đức của sứ quân Kiều Công Hãn, một vị anh hùng dân tộc trong thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, góp phần giữ gìn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, như nhiều di tích khác, đền Gin cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị trong thời đại mới.

Bài viết này sẽ đi sâu phân tích thực trạng quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Gin, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này. Những góc nhìn từ thực tiễn không chỉ góp phần xây dựng một cách tiếp cận bền vững cho công tác quản lý di sản, mà còn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc gìn giữ những giá trị quý giá của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Nội dung:

1. Tổng quan về di tích lịch sử văn hóa đền Gin

Di tích lịch sử văn hóa là tài sản quý giá mà thế hệ trước truyền lại với các giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ để các thế hệ sau tìm hiểu, nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử đã đi qua, từ đó giáo dục thế hệ trẻ những nét truyền thống đặc trưng của lịch sử, văn hóa và dân tộc.

Nam Định là vùng đất có truyền thống văn hoá lâu đời với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú trải đều khắp 08 huyện và thành phố Nam Định. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.348 di tích trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 87 di tích quốc gia, 319 di tích cấp tỉnh và 940 di tích trong danh mục kiểm kê. Trong đó di tích đền Gin, xã Nam Dương, huyện Nam Trực là một trong những di tích tiêu biểu có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 29/QĐ-VH ngày 13/01/1964. Ngôi đền là nơi phụng thờ và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Sứ quân Kiều Công Hãn, vị tướng giúp Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc.

Năm Đinh Mão (967), Thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi sứ quân Kiều Công Hãn đang đóng giữ bị vây hãm. Trước tình thế nguy cấp, ông đã đem vài trăm thân binh ra khỏi thành mở đường máu chạy xuống phía Nam. Sáng ngày mồng 10 tháng Chạp khi chạy đến thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, Nam Định) Kiều Công Hãn sa vào vòng vây của Nguyễn Tấn, bị thương nặng. Tới thôn An Lũng (Nam Dương, Nam Trực) sức đã kiệt, ông được một bà hàng nước tên là Phạm Thị Già cứu giúp, dâng rượu và gỏi cá trắm. Ăn xong ông chạy đến Lũng Kiều xã Hiệp Luật (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương, huyện Nam Trực) thì mất. Tương truyền sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ngay trên phần mộ cũ. Ông trở thành Thành hoàng làng của người dân nơi đây với nơi thờ tự chính là đền Gin (xã Nam Dương, huyện Nam Trực).

          Đền Gin là một công trình kiến trúc có quy mô bề thế, gồm nhiều hạng mục được xây dựng trong khuôn viên rộng 3.290m2 và trải dài theo trục bắc nam. Công trình kiến trúc đền Gin được xây dựng đăng đối nhau, quy mô lớn trong một khuôn viên rộng với nhiều hạng mục được bố cục hài hoà. Mặt bằng tổng thể và kiểu dáng kiến trúc của đền còn bảo lưu trọn vẹn phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII. Với nhiều mảng chạm khắc thể hiện các thành phần kiến trúc như: toà tiền các, giải vũ nội cùng toàn bộ phần kiến trúc trung tâm (tiền đường, cung cấm). Các mảng chạm khắc tại đây chủ yếu là hoa văn lá lật, mai hoá long cùng nhiều mảng chạm vân ám, lá hoả tinh xảo, góp phần tăng thêm giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc. Ngoài ra đền Gin còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật quý như: nhang án, cây cỗ gỗ, kiệu bát cống, tượng phỗng đá… Các hiện vật này chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII – XVIII.

Đền Gin là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, hội tụ các chức năng của một thiết chế văn hoá làng, xã mà cao nhất là lễ hội đền Gin có vai trò cố kết cộng đồng sâu sắc. Lễ hội đền Gin được tổ chức từ ngày 08 đến ngày 10 tháng Chạp hàng năm nhằm tưởng niệm ngày hóa của Sứ quân Kiều Công Hãn. Trong lễ hội có tổ chức nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc như: rước kiệu, tế, lễ, hát chèo, tổ tôm điếm, chọi gà… Đặc biệt trong lễ hội có tục “rước cá trắm”, ôn lại sự tích nhân dân địa phương đã dâng gỏi cá trắm cho sứ quân Kiều Công Hãn ăn trước khi ngài hoá thần. Những nội dung diễn ra trong lễ hội đền Gin cho thấy sự hiện diện của một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lành mạnh mang tính cộng đồng, cộng cảm cao, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.

2. Thực trạng hoạt động quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Gin

Xã Nam Dương có 13 di tích lịch sử văn hoá với 01 di tích xếp hạng quốc gia (đền Gin), 01 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 11 di tích trong Danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt và công bố. Theo Quyết định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định, mỗi di tích được xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích trực tiếp quản lý. Ban quản lý di tích đền Gin được thành lập gồm 11 người; trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dương là Trưởng ban; 01 đồng chí phụ trách khánh tiết và nghi lễ; 01 công chức văn hoá Thông tin xã; đại diện các phòng chuyên môn như: Văn phòng-Thống kê, Tài chính-kế toán; Trưởng Công an xã; Trưởng thôn và thủ nhang đền Gin. Nhiệm vụ của Ban quản lý di tích đền Gin: Tham mưu giúp UBND xã Nam Dương ban hành các văn bản quản lý nhà nước về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; Xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. BQLDT đền Gin được kiện toàn định kỳ hàng năm nhằm bổ sung và điều chỉnh cơ cấu nhân sự cho phù hợp. Các thành viên trong BQL làm việc kiêm nhiệm, tự nguyện và không có phụ cấp. Vào những kỳ lễ hội, UBND xã quyết định trích một phần kinh phí nhỏ để hỗ trợ, động viên những người trực tiếp phục vụ tại di tích.

Trong những năm qua, hoạt động quản lý di tích đền Gin đã có những kết quả tương đối toàn diện các nội dung theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã đề ra. Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý di tích đã được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả. Ban hành nhiều văn bản tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Cụ thể hoá nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành các dự án, đề án để triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, quảng bá di tích đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học của di tích đền Gin đã được bổ sung và hoàn thiện đầy đủ theo quy định, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích đã được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hoá của di tích cấp quốc gia. Công tác tu bổ, tôn tạo di tích đền Gin trong những năm gần đây nằm trong xu thế chung của cả tỉnh, diễn ra ở diện rộng với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Di tích đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo. Đặc biệt năm 2013, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Gin với các hạng mục chính và các công trình phụ trợ tại di tích cũng đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, đã mang đến cho đền Gin một diện mạo mới khang trang, sạch đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tín ngưỡng của người dân.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý DTLSVH đền Gin còn một số tồn tại, hạn chế. Mô hình quản lý di tích hiện nay đã kiện toàn được bộ máy quản lý tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được về mặt số lượng còn về mặt chất lượng đội ngũ quản lý di tích chưa cao. Hầu hết những người tham gia Ban quản lý di tích đền Gin đều làm công tác kiêm nhiệm. Số người làm công tác chuyên môn, được đào tạo chuyên sâu về quản lý văn hoá không nhiều dẫn đến còn hạn chế trong việc quản lý và phát huy giá trị di tích. Công tác phối hợp tuy đã được triển khai nhưng một số nội dung vẫn còn mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp thường xuyên, liên tục. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các khoản thu từ di tích hàng năm không lớn, chỉ đủ chi tiêu những nhu cầu cần thiết, chưa thể tái đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Công tác tuyên truyền đã được tổ chức triển khai nhưng chưa được thường xuyên. Hình thức tuyên truyền trực quan tại di tích vẫn còn hạn chế. Chưa có đội ngũ thuyết minh viên phục vụ các đoàn khách tham quan, nghiên cứu tại di tích. Công tác khoanh vùng bảo vệ di tích đã được triển khai trên bản đồ nhưng chưa cắm mốc định vị trên thực địa dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di tích chưa được áp dụng và triển khai. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn đơn điệu. Các hoạt động mới chỉ dừng ở việc tham quan thuần tuý trực tiếp tại di tích mà chưa có các hoạt động trải nghiệm cho du khách hay tham quan ảo qua các phần mềm hiện đại. Chưa có sự kết nối, liên kết các tuyến, điểm tham quan giữa di tích đền Gin với các di tích khác trên địa bàn và các vùng lân cận để đa dạng hoá các hình thức tham quan, trải nghiệm đối với du khách. Công tác kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm đã được triển khai song cũng chưa thường xuyên, liên tục, kịp thời.

          Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy các giá trị của đền Gin cần Đổi mới phương thức lãnh đạo đối với quản lý di tích; đẩy mạnh tuyên truyền, Nâng cao vai trò của cộng đồng; Tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hoá để thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức cùng Nhà nước đầu tư tu bổ di tích; Nâng cao hiệu quả quản lý di tích gắn với phát triển du lịch; thường xuyên kiểm tra, giám sát, thi đua, khen thưởng kịp thời, hiệu quả.

Kết luận:

          Có thể nói, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Gin không chỉ là công việc bảo tồn những giá trị văn hóa quý giá mà còn là nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển bền vững cho địa phương. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng sự phối hợp giữa các ngành chức năng và cộng đồng, Đền Gin hứa hẹn sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng. Trong thời gian tới, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Gin sẽ ngày càng đạt hiệu quả cao, khẳng định vai trò của di sản văn hóa trong sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

__________________

Tài liệu tham khảo

1.  Ban Quản lý di tích quốc gia đền Gin (2014), Đền Gin – Di tích và lễ hội truyền thống, Nam Định.

2. Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định (2008), Di tích lịch sử văn hoá tỉnh Nam Định, Nxb Văn hoá dân tộc, Nam Định.

3. Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định (1964), Hồ sơ xếp hạng di tích đền Gin, Nam Định.

4. Trịnh Thị Minh Đức – Nguyễn Đăng Duy (1993), Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

5. Sở VHTTDL Nam Định (2023), Báo cáo công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định.

6. Sở VHTTDL Nam Định (2023), Số liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định, Phòng Quản lý Di sản văn hoá.