Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

SẢN PHẨM DU LỊCH VĂN HOÁ TẠI XÃ TÀ XÙA, TỈNH SƠN LA

                                                                          Vừ Thu Phượng, Sinh viên K3 ngành Du lịch

 Lương Anh Tuấn, Sinh viên K4 ngành Du lịch

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu đi du lịch tăng cao từ du khách trong nước và quốc tế. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc riêng biệt từng vùng, có tính bền vững là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi địa phương, đặc biệt là các vùng có tiềm năng văn hóa phong phú nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trong số các loại hình du lịch, du lịch văn hóa đang được xem là định hướng phát triển phù hợp với xu thế bền vững hiện nay nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng với sự phát triển.

  1. Thực trạng sản phẩm du lịch văn hóa tại Tà Xùa hiện nay

            Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, biển mây độc đáo, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng người Mông. Thực tế khi tham gia trải nghiệm du lịch tại đây, các sản phẩm du lịch văn hóa tại Tà Xùa hiện đang trong giai đoạn sơ khai, tính tự phát, chưa được quy hoạch và đầu tư bài bản để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Trong bối cảnh du lịch văn hóa ngày càng được quan tâm, xã Tà Xùa như một điểm đến hấp dẫn nhờ vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế tại Tà Xùa chúng tôi thấy rằng việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại đây đang trong giai đoạn đầu và tồn tại nhiều hạn chế, chưa được quan tâm. Các sản phẩm du lịch văn hóa tham quan cảnh quan tại Tà Xùa chủ yếu mang tính tự phát, hoạt động “check-in” tại các điểm nổi bật như sống lưng khủng long, cây táo cô đơn, đỉnh gió… Các tour du lịch thường tập trung vào việc săn mây, ngắm cảnh mà chưa có sự gắn kết với yếu tố văn hóa bản địa để tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

Qua 2 ngày ở Tà Xùa, trong vai là du khách chúng tôi thấy địa điểm này không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, nơi lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống đặc sắc cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Mông, sở hữu kho tàng văn hóa lễ hội phong phú. Các lễ hội truyền thống tiêu biểu như Tết cổ truyền người Mông, lễ hội cúng rừng (Gầu Tào)… vẫn được cộng đồng tổ chức trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các lễ hội này chưa được khai thác và phát triển như một sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, chủ yếu diễn ra theo hình thức truyền thống, phục vụ cộng đồng nội bộ, ít có sự tham gia của du khách bên ngoài. Qua trải nghiệm đóng vai là khách du lịch, chúng tôi rất khó khăn khi nhận được thông tin về thời gian, địa điểm và nội dung các lễ hội gần như không được công bố chính thức, chương trình dịch vụ du lịch qua các lễ hội dù mang tính bản sắc cao nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Trên thực tế, nhiều địa phương vùng cao đã thành công trong việc đưa lễ hội truyền thống trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa, tiêu biểu như lễ hội khèn Mông ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hay lễ hội Gầu Tào ở Sapa, tỉnh Lào Cai. Tà Xùa có thể phát triển các lễ hội gắn với hoạt động trải nghiệm như biểu diễn văn nghệ dân gian, trò chơi, chợ phiên.. tạo thương hiệu du lịch văn hóa riêng, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân bản địa.

Với sự đa dạng nghề thủ công truyền thống như dệt vải lanh, đúc khèn Mông những biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần và bản sắc dân tộc Mông. Tuy nhiên, các nghề thủ công này hiện đang đứng trước nguy cơ mai một khi chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương. Hiện nay, Tà Xùa còn vắng bóng những không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công để du khách có thể tham quan, tìm hiểu và mua sắm. Khi chúng tôi đến Tà Xùa chủ yếu chỉ tiếp cận với thiên nhiên mà ít có điều kiện tương tác trực tiếp các sản phẩm thủ công, thường chỉ được bán nhỏ lẻ tại chợ phiên mà thiếu sự đầu tư về mặt trưng bày, câu chuyện văn hóa và hướng dẫn trải nghiệm. Việc tổ chức các hoạt động biểu diễn tay nghề, lớp học trải nghiệm như dệt vải, thổi khèn, nghề dệt … còn rất ít, dẫn đến việc nhu cầu được “sống trong văn hóa Mông” của chúng tôi chưa thực hiện được. Nghề thủ công truyền thống tại Tà Xùa như nghề dệt vải lanh, đúc khèn Mông những biểu tượng văn hóa bản sắc riêng của đồng bào dân tộc hiện cũng chưa được quan tâm nhiều. Các sản phẩm này thiếu không gian trưng bày, giới thiệu, khiến du khách khó tiếp cận và hiểu sâu về văn hóa bản địa. Việc tổ chức các lớp học trải nghiệm, biểu diễn tay nghề truyền thống cho chúng tôi nhưng du khách rất muốn tham gia vào vẫn còn rất hạn chế.

 Ẩm thực là nhu cầu thiết yếu và là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa địa phương, góp phần tạo nên sức hút riêng biệt cho điểm đến du lịch. Tuy nhiên, tại xã Tà trong vai là khách du lịch chúng tôi thấy ẩm thực truyền thống vẫn chưa được khai thác đúng mức. Những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như bánh dày người Mông, mèn mén từ ngô nương, thịt hun khói, hay rượu ngô men lá, vốn hiện diện thường nhật trong đời sống của người dân bản địa, lại ít được giới thiệu một cách có hệ thống. Hiện nay, thực tế phần lớn du khách đến với Tà Xùa chủ yếu trải nghiệm thiên nhiên săn mây, trekking mà chưa có cơ hội tiếp cận chiều sâu ẩm thực vùng cao. Việc thiếu không gian ăn uống mang tính trải nghiệm, thiếu tour ẩm thực định hướng rõ nét, cũng như chưa có kênh truyền thông quảng bá đặc sản địa phương khiến các giá trị ẩm thực truyền thống chỉ gắn với cộng đồng.

Nghệ thuật dân gian là yếu tố bản địa trong cấu trúc văn hóa truyền thống, phản ánh đời sống tinh thần, tâm linh và thẩm mỹ của cộng đồng bản địa. Tại xã Tà Xùa, các loại hình như múa xòe, hát dân ca, thổi khèn Mông vốn là văn hóa lâu đời, được lưu giữ và thể hiện trong các dịp lễ hội truyền thống như Tết Mông, lễ hội cúng rừng. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi thấy các hoạt động nghệ thuật dân gian này chưa tổ chức chuyên nghiệp phục vụ khách du lịch. Sự thiếu vắng các buổi biểu diễn, chương trình nghệ thuật dân gian lồng ghép trong tour du lịch, đội văn nghệ dân tộc bản địa được đào tạo bài bản khiến du khách đến với Tà Xùa gần như không có cơ hội được tiếp cận nét đặc sắc của đời sống văn hóa tinh thần vùng cao.

  1. Kết luận và đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tại Tà Xùa

Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng sản phẩm du lịch văn hóa hiện vẫn còn đơn điệu, chưa được tổ chức, đầu tư đúng hướng cần có sự phối hợp của chính quyền, người dân và doanh nghiệp từng bước xây dựng Tà Xùa thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của vùng Tây Bắc. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa truyền thống phong phú. Tà Xùa hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch văn hóa. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện có còn mang tính tự phát, thiếu tính hệ thống, chưa khai thác triệt để những giá trị văn hóa đặc sắc sẵn có. Việc đề xuất những giải pháp phù hợp là điều cần thiết để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa một cách bền vững, hiệu quả tại Tà Xùa.

 Thứ nhất, trước hết cần quy hoạch tổng thể và xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bản sắc văn hóa bản địa người Mông. Một trong những hướng đi khả thi là phát triển chuỗi trải nghiệm “Một ngày làm người Mông”, kết hợp các hoạt động như mặc trang phục truyền thống, chế biến món ăn bản địa, học cách dệt vải lanh, nghe khèn, hát dân ca. Ứng dụng mô hình như xây dựng các tour trải nghiệm “Một ngày làm người bản địa” gắn với nấu ăn truyền thống, tổ chức các điểm giới thiệu, thưởng thức món ăn dân tộc, liên kết nghệ nhân, hộ gia đình để sản xuất và bán các sản phẩm ẩm thực qua các tour trải nghiệm.

Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng và vật chất hỗ trợ cũng là giải pháp quan trọng. Việc xây dựng trung tâm trải nghiệm văn hóa tại bản Tà Xùa và các điểm thông tin du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp định hướng du khách tiếp cận thông tin nhanh và lựa chọn hoạt động du lịch phù hợp. Các công trình này nên mang đậm nét văn hóa bản địa và thân thiện với môi trường để tạo dấu ấn riêng biệt cho du lịch Tà Xùa.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch văn hóa cần được quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch, giao tiếp, hướng dẫn, thuyết minh di sản văn hóa… cho người dân địa phương sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách. Đồng thời, cần khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại nghề, từ đó tạo ra thế hệ kế cận có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Thứ tư thiết lập lịch hoạt động văn hóa cố định nhằm gia tăng trải nghiệm văn hóa cho du khách, xây dựng các tour du lịch gắn với dịp lễ hội truyền thống như Tết người Mông, lễ cúng rừng, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật định kỳ như múa xòe, thổi khèn, hát dân ca… Tà Xùa hoàn toàn có thể tổ chức hoạt động văn hóa dân tộc định kỳ vào buổi tối tại điểm lưu trú bản địa để gia tăng trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Qua đó có kế hoạch xây dựng các đội văn nghệ cộng đồng, biểu diễn định kỳ theo tuần, theo tour tăng sức hút du lịch đối với nghệ thuật dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông.

Thứ năm trong thời đại số, ứng dụng công nghệ truyền thông số đóng vai trò then chốt trong quảng bá sản phẩm, xây dựng nền tảng truyền thông trực tuyến như website, không gian mạng, trải nghiệm thực tế ảo kết hợp hình ảnh, video giúp du lịch Tà Xùa tiếp cận rộng rãi với du khách trong ở Việt Nam và trên thế giới.

Với những giải pháp nêu trên, Tà Xùa sẽ trở thành một điểm đến, không gian du lịch hấp dẫn du khách bằng giá trị tinh thần bản sắc bản địa đặc sắc, là hướng đi nhân văn và bền vững cho phát triển du lịch tại Tà Xùa hiện nay.