Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

THIẾT KẾ TRANG PHỤC DẠO PHỐ MANG CẢM HỨNG PHÁP LAM HUẾ: BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG BỐI CẢNH ĐƯƠNG ĐẠI

                                                                          Bùi Thị Mai Anh

Sinh viên K16A, Ngành thiết kế thời trang

Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

Dòng chảy đổi mới của thời trang hiện đại ngày nay đang chứng kiến xu hướng sáng tạo đậm đà bản sắc, khi các nhà thiết kế bắt đầu tìm về với cội nguồn văn hóa. Pháp lam Huế vốn là một tinh hoa nghệ thuật triều Nguyễn, có màu sắc rực rỡ, kỹ thuật chế tác cầu kỳ và họa tiết giàu biểu tượng đang mở ra những khả năng ứng dụng đầy tiềm năng trong thiết kế trang phục hiện đại. Bài viết này tập trung vào việc khám phá cách đưa yếu tố mỹ thuật của Pháp lam Huế vào thiết kế thời trang dạo phố, nhằm tạo nên các sản phẩm không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc.

Cùng với xu hướng thời đại, nghệ thuật Pháp lam Huế – một kỹ nghệ thủ công tinh xảo từng giữ vai trò quan trọng trong trang trí nội thất cung đình triều Nguyễn đang dần được nhìn nhận như một nguồn cảm hứng thiết kế tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang ứng dụng.

Xuất phát từ nhu cầu bảo tồn di sản trong đời sống hiện đại bằng phương pháp tiếp cận sáng tạo, bài viết này đề xuất hướng nghiên cứu và ứng dụng nghệ thuật Pháp lam Huế vào thiết kế thời trang dạo phố. Qua đó, đề tài không chỉ mở ra một hướng đi khả thi cho ngành thiết kế thời trang Việt Nam, mà còn khẳng định vai trò của thời trang như một phương tiện truyền tải văn hóa hiệu quả và gần gũi hơn bao giờ hết. Mỗi đường nét đều được khắc họa tinh tế, đối xứng, cân đối trong bố cục, thể hiện sự uy nghi của nghệ thuật cung đình. Không gian trang trí trong các tác phẩm Pháp lam luôn có chiều sâu thị giác và sự linh hoạt trong nhịp điệu họa tiết, tạo nên cảm giác hài hòa mà vẫn sống động.

  1. Khái quát về nghệ thuật Pháp lam Huế

           Pháp lam Huế là một nghệ thuật trang trí độc đáo, kết hợp giữa kỹ thuật chế tác tinh xảo và tư duy thẩm mỹ cung đình triều Nguyễn. Có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt Nam thời nhà Nguyễn , nó đã mang những đặc trưng riêng phù hợp với thẩm mỹ triều Nguyễn. Từ năm 1827 đến cuối thế kỷ XIX, Pháp lam được sử dụng rộng rãi trong trang trí cung đình, lăng tẩm và vật dụng nghi lễ. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong thị hiếu thẩm mỹ và nhiều biến động lịch sử, nghệ thuật này dần mai một và gần như thất truyền vào cuối thế kỷ XIX.

         Về vật liệu, Pháp lam sử dụng đồng làm nền, sau đó được tráng một lớp men màu và trải qua quá trình nung ở nhiệt độ cao, tạo nên bề mặt sáng bóng, có độ bền vượt trội. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao trong từng công đoạn, từ chọn kim loại, phối màu men, đến kiểm soát nhiệt độ trong lò nung. Mỗi sản phẩm Pháp lam vì thế còn là kết quả của lao động thủ công tỉ mỉ và kỹ năng chế tác đỉnh cao.

          Về màu sắc, Pháp lam Huế nổi bật với bảng màu đa sắc nhưng mang tính tiết chế thẩm mỹ. Các gam màu được sử dụng thường có sắc độ sâu, ấm và quý phái: xanh cobalt, đỏ son, vàng kim, trắng ngà, nâu đồng, xanh ngọc… Nhờ lớp men tráng và kỹ thuật phối màu công phu, những màu sắc này khi được nung chảy sẽ tạo ra hiệu ứng ánh sáng và độ bóng vô cùng đặc trưng, khó nhầm lẫn với bất kỳ chất liệu nào khác.

            Một trong những điểm đặc biệt của Pháp lam Huế là các họa tiết được sử dụng phần lớn là biểu tượng văn hóa mang tính tâm linh và thẩm mỹ cao như: hoa sen, hoa mẫu đơn, phượng hoàng, rồng, vân mây, hồi văn… Chính điều đó đã làm cho Pháp lam không chỉ đẹp về hình thức mà còn giàu nội dung truyền tải, thể hiện khả năng cảm thụ nghệ thuật của người xưa. Mãi đến gần đây Pháp lam Huế mới bắt đầu được nhìn nhận như một chất liệu nghệ thuật có khả năng “tái sinh” trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo đặc biệt là thời trang, nội thất và mỹ thuật đương đại

  1. Thời trang dạo phố và xu hướng kết hợp với nghệ thuật truyền thống

Thời trang dạo phố (streetwear) là một nhánh thiết kế đặc trưng của thời trang hiện đại, nổi bật bởi sự linh hoạt trong cách phối đồ, tính ứng dụng cao và khả năng thể hiện rõ nét phong cách cá nhân. Streetwear ngày càng được nâng tầm thành một hình thức biểu đạt văn hóa, nơi người mặc truyền tải thông điệp thẩm mỹ và bản sắc riêng qua từng chi tiết thiết kế.

Trên thế giới, việc ứng dụng các yếu tố văn hóa truyền thống vào thiết kế thời trang đã trở thành một xu hướng nổi bật, đặc biệt được các thương hiệu lớn như Gucci, Dior hay Louis Vuitton khai thác triệt để.

         

Hình ảnh 1. BST Dior Cruise 2024 tại Mexico lấy cảm hứng từ nghệ sĩ Frida Kahlo và văn hóa Mexico.

( Nguồn: ELLE Fashion team, 23/05/2023 18:26:42 )

Hình ảnh 2. Drummond ở Scotland, Dior Cruise 2025 – văn hóa Scotland

( Nguồn: Lofficielvietnam )

Hình ảnh 3&4. Drummond ở Scotland, Dior Cruise 2025 – văn hóa Scotland

( Nguồn: Lofficielvietnam )

Tại Việt Nam, thời trang dạo phố đang trở thành không gian sáng tạo rộng mở cho các nhà thiết kế trẻ. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế trang phục dạo phố được thể hiện rõ qua việc ứng dụng họa tiết đặc trưng, kỹ thuật thủ công và chất liệu bản địa. Những biểu tượng văn hóa như hoa văn hoạ tiết, nghệ thuật thêu tay hay màu sắc rực rỡ đặc trưng được khéo léo đưa vào thiết kế, không chỉ tôn vinh bản sắc mà còn đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Các bộ trang phục tạo ra không chỉ mang tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày, mà còn đóng vai trò như một “phương tiện kể chuyện” về văn hóa và lịch sử dân tộc. Sự phát triển của trang phục dạo phố mang yếu tố truyền thống không chỉ là minh chứng cho sức sống của di sản văn hóa trong thời đại mới, mà còn mở ra tiềm năng lớn về mặt thương mại và định vị thương hiệu. Ví dụ như nhiều nhà thiết kế châu Á BAPE (Nhật Bản), Hanbok Wave (Hàn Quốc), hay VUNGOC&SON (Việt Nam) đã và đang khẳng định tầm nhìn dài hạn thông qua việc đưa bản sắc văn hóa vào thiết kế ứng dụng.

      

Hình ảnh 5&6. VUNGOC&SON – Bộ sưu tập “Ký ức tuổi thơ” (2022)

( Nguồn: BAZAAR, Author: Duyen Nguyen, 11-12-2022 )

“Ký ức tuổi thơ” lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ tại miền Tây Việt Nam, với hình ảnh gia đình, những chuyến xe về quê và không khí Tết cổ truyền. BST sử dụng họa tiết chuột ngộ nghĩnh, sắc đỏ chủ đạo và chất liệu lụa, gấm, chiffon để tái hiện không gian Tết Canh Tý. Bộ sưu tập được trình diễn tại Vĩnh Long, mang đậm dấu ấn văn hóa miền Tây Nam Bộ.

Hình ảnh 7. VUNGOC&SON – Bộ sưu tập “Ký ức tuổi thơ” (2022)

( Nguồn: BAZAAR, Author: Duyen Nguyen, 11-12-2022 )

  1. Ứng dụng nghệ thuật pháp lam huế vào thời trang dạo phố

            Nghệ thuật Pháp lam Huế được biết đến với bảng màu phong phú, trong đó nổi bật là các gam màu xanh lam, vàng, đỏ, trắng, xanh lá và đen. Khi đưa vào thời trang dạo phố, có thể sử dụng cách phối hợp như sau: Xanh lam là màu sắc chủ đạo, mang lại cảm giác thanh thoát và sang trọng, ngoài ra xanh lam là màu chủ đạo của Pháp lam. Bên cạnh màu sắc, họa tiết trang trí cũng là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật Pháp lam Huế. Mỗi họa tiết đều mang ý nghĩa riêng: hoa mẫu đơn còn được gọi với tên là Phú quý hoa tượng trưng cho sự giàu sang, hoa sen biểu tượng cho sự thanh cao, hình ảnh rồng phượng thể hiện quyền lực và sự cao quý. Trong thiết kế thời trang, những họa tiết có thể được đơn giản hóa hoặc kết hợp với công cụ đồ họa hiện đại để phù hợp với phong cách thiết kế dạo phố năng động.

            Về chất liệu, việc tái hiện vẻ đẹp của Pháp lam Huế trên trang phục đòi hỏi sự lựa chọn kỹ lưỡng. Chất liệu denim với màu xanh đặc trưng có thể là lựa chọn phù hợp để thể hiện tông màu xanh lam chủ đạo của Pháp lam. Bên cạnh đó, lụa, voan cũng là những chất liệu lý tưởng để tạo nên những thiết kế mềm mại, nữ tính, giúp thể hiện sự tinh tế của nghệ thuật trang trí truyền thống.

       

Hình ảnh: Thiết kế trang phục dạo phố lấy ý tưởng từ Nghệ thuật trang trí Pháp lam Huế của sinh viên ngành TKTT – Trường Đh SPNTTW

               KẾT LUẬN

Khi làn sóng hiện đại hóa đang lan rộng khắp các lĩnh vực sáng tạo, việc nghiên cứu kết hợp các giá trị di sản vào thiết kế thời trang không còn là lựa chọn mang tính cá biệt, mà đã trở thành chiến lược sáng tạo bền vững của nhiều nhà thiết kế trên thế giới. Nghiên cứu về khả năng ứng dụng nghệ thuật Pháp lam Huế , nó là di sản văn hóa đặc sắc gắn liền với mỹ thuật cung đình triều Nguyễn phối cùng dòng thời trang dạo phố hiện đại không chỉ góp phần khẳng định tiềm năng của di sản trong đời sống đương đại, mà còn mở ra những hướng đi thiết thực nhằm định vị bản sắc văn hóa Việt trong ngành công nghiệp sáng tạo.

                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hoàng Anh (2023), Pháp lam xứ Huế: Sắc một thuở còn vương – Kỳ 2.
  2. Nguyễn Đức Chính (2015), Những nhận thức mới về Pháp lam Huế thời Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 10-25.
  3. Nguyễn Thị Hạnh (2020), Pháp lam Huế – Di sản độc đáo của triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 80-95.
  4. Trần Đức Anh Sơn (2021), Tổng quan về pháp lam và nhận thức mới về Pháp lam Huế thời Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, 25-40.
  5. Đỗ Hữu Triết (2020), Phục chế và sản xuất thành công pháp lam trong trùng tu di tích Huế, Tạp chí Xứ Thanh, 45-55.
  6. Nguyễn Ngọc Tỉnh – Đào Duy Anh (2023), Đại Nam thực lục, Nxb Giáo Dục
  7. Nguyễn Thị Vân (2021), Pháp lam Huế và sự hồi sinh mạnh mẽ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 60-70.