TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM CHO HỌC SINH TIỂU HỌC VỚI NGHỆ THUẬT GẤP GIẤY ORIGAMI
Đỗ Kiều Diễm
Học viên K13 LL&PPDH Bộ môn Mỹ thuật
Origami là loại hình nghệ thuật truyền thống đậm chất văn hóa truyền thống của Nhật Bản nhưng tới nay nghệ thuật gấp giấy cũng mang trong mình hơi thở hiện đại bởi sự kế thừa và phát triển của các nghệ nhân gấp giấy nổi tiếng như: Akira Yoshizawa, Robert J. Lang, Satoshi Kamiya, Nguyễn Hùng Cường… Origami đã vượt ra ngoài biên giới nghệ thuật truyền thống và trở thành một lĩnh vực nghệ thuật mang đầy cảm hứng đối với nhiều ngành nghề trong cuộc sống. Vận dụng nghệ thuật gấp giấy vào hoạt động dạy học nói chung và dạy học mỹ thuật tiểu học nói riêng là một đề tài mang nhiều tiềm năng. Với các đặc điểm đặc thù về kĩ thuật, chất liệu, cấu trúc, không gian sẽ giúp phát triển tư duy sáng tạo đồng thời việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ trong khâu thực hành sẽ hỗ trợ giai đoạn nền tảng cho sự hình thành nhân cách của học sinh Tiểu học.
Thông tư 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra mục tiêu dạy học mỹ thuật của cấp tiểu học như sau: “Môn Mỹ thuật giúp học sinh bước đầu hình thành, phát triển năng lực mỹ thuật thông qua các hoạt động trải nghiệm…”.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm với Origami không chỉ giúp học sinh làm quen với loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc mà còn góp phần phát triển tư duy hình học, trí tưởng tượng, sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Qua từng nếp gấp, học sinh được rèn luyện kĩ năng quan sát, tư duy không gian, thao tác thủ công và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, quá trình hoàn thiện một sản phẩm Origami còn đem lại niềm vui, sự hứng khởi và cảm giác thành tựu cho học sinh.
- Dạy học trải nghiệm với kĩ thuật gấp giấy Origami
Với đặc điểm đơn giản, gần gũi và khả năng khơi gợi tư duy sáng tạo, việc vận dụng kĩ thuật gấp giấy của Origami sẽ giúp học sinh phát triển kĩ năng tạo hình và rèn luyện tính kiên trì, sự khéo léo và cảm nhận thẩm mỹ.
Kĩ thuật gấp giấy cơ bản, Ảnh: paper.gatech.edu
Cách thức triển khai dạy học trải nghiệm với kĩ thuật gấp giấy được tiến hành theo các bước như sau:
Lựa chọn nội dung phù hợp: Giáo viên lựa chọn các chủ đề gấp giấy phù hợp với từng khối lớp. Ví dụ: Lớp 1-2 có thể làm quen với gấp con vật, đồ vật đơn giản như con cá, bông hoa, thuyền; học sinh lớp 3-5 đã có thể thực hiện các hình phức tạp hơn như ngôi sao, hạc giấy, hộp quà, con rồng…
Giới thiệu kĩ thuật và ý nghĩa nghệ thuật: Giáo viên trình bày ngắn gọn về nghệ thuật Origami, giới thiệu và gấp minh họa các kiểu gấp cơ bản như gấp núi,
gấp thung lũng; đồng thời nêu rõ ý nghĩa biểu tượng của mẫu gấp truyền thống nhằm kết nối giá trị văn hóa và cảm xúc.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm: Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành theo cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Học sinh quan sát và thực hiện các bước gấp mẫu theo cô hoặc video minh họa. Sau khi gấp theo mẫu, giáo viên khuyến khích học sinh sáng tạo bằng cách biến tấu hình gấp hoặc kể chuyện sáng tạo từ sản phẩm.
Trưng bày – chia sẻ: Trưng bày sản phẩm cuối buổi học và học sinh tự giới thiệu hoặc thuyết trình ngắn về tác phẩm của mình. Học sinh dần hình thành năng lực thẩm mỹ, giao tiếp và tự tin thể hiện bản thân.
Trưng bày sản phẩm Ảnh: Đỗ Kiều Diễm
Vận dụng kĩ thuật gấp giấy vào hoạt động học trải nghiệm mỹ thuật giúp tạo ra môi trường học tập tích cực, sinh động và góp phần phát triển kĩ năng vận động tinh, quan sát và thực hành sáng tạo cho học sinh Tiểu học. Quan trọng hơn, trẻ sẽ học được cách tôn trọng nguyên tắc gấp để từ các bước cơ bản trẻ lại tự mình sáng tạo nên các tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của riêng mình.
- Dạy học trải nghiệm mỹ thuật tiểu học với yếu tố cấu trúc và không gian của nghệ thuật Origami
Nghệ thuật gấp giấy Origami với đặc trưng từ việc sử dụng mặt phẳng 2 chiều để tạo hình thể ba chiều là phương pháp lí tưởng để giúp học sinh làm quen với khái niệm cấu trúc và không gian 3 chiều. Qua đó rèn luyện kĩ năng thủ công, đồng thời phát triển tư duy hình học, khả năng cảm thụ thẩm mỹ và nhận thức về không gian một cách trực quan. Giáo viên định hướng cho học sinh tìm hiểu yếu tố cấu trúc và không gian của nghệ thuật gấp giấy qua các hoạt động sau:
Khám phá cấu trúc hình học: Origami là nghệ thuật của nếp gấp, tạo nên hình thể từ việc sắp xếp, lặp lại, chồng lớp giấy. Giáo viên hướng dẫn học sinh tọa nên các cấu trúc có quy luật như bông hoa, kim tự tháp, mô-đun hình cầu… Từ đó sẽ giúp các em hiểu về tính ổn định, kết nối và tính trật tự trong cấu trúc tạo hình.
Phát triển tư duy không gian: Khi gấp tư tờ giấy phẳng để tạo thành hình thể nổi, học sinh trực tiếp trải nghiệm quá trình chuyển đổi không gian 2 chiều sang 3 chiều, hình dung trực quan được chiều sâu, hình khối và thể tích. Ví dụ: Khi gấp hộp vuông, học sinh hiểu được mối quan hệ giữa mặt đáy, mặt bên và thể tích của khối.
Kết hợp vận dụng đa giác và khối đa diện: Qua các sản phẩm gấp giấy, học sinh tiếp xúc với các khái niệm như: hình tứ giác, hình lục giác, khối chóp, khối lập phương… sẽ giúp nâng cao nhận thức của học sinh về không gian kiến trúc và tính ứng dụng trong đời sống.
Gấp và trang trí khối chóp, Ảnh: Đỗ Kiều Diễm
Sáng tạo mô hình không gian: Giáo viên khuyến khích học sinh thiết kế các công trình nhỏ như: ngôi nhà, chiếc cầu, mái vòm… bằng cách gấp giấy. Học sinh sẽ được kích thích trí tưởng tượng không gian và kĩ năng thiết kế tạo hình trong mỹ thuật.
Hoạt động học này sẽ giúp học sinh mở rộng nhận thức về hình khối, tổ chức không gian, điều này vô cùng quan trọng trong học tập cũng như thực tiễn. Phương pháp vận dụng yếu tố cấu trúc và không gian của nghệ thuật gấp giấy Origami góp phần hình thành năng lực thẩm mỹ, năng lực nhận thức và giải quyết vấn đề của học sinh tiểu học một cách tự nhiên và đầy hứng thú.
- Tích hợp liên môn Toán với Origami trong hoạt động học trải nghiệm m thuật cho học sinh Tiểu học
Trong giáo dục, dạy học tích hợp liên môn là một trong những phương pháp hiệu quả nhằm phát triển tư duy toàn diện cho học sinh. Vận dụng Origami tích hợp với bộ môn Toán học là cơ hội lí tưởng để truyền tải các kiến thức toán học cơ bản như: hình học phẳng, tính đối xứng, phân số, tỉ lệ… giúp học sinh học tập theo cách vừa sáng tạo vừa trực quan và sinh động. Giáo viên có thể thiết kế các bài học tích hợp như sau:
Kết hợp với hình học phẳng: Khi học sinh gấp các hình cơ bản như hình vuông, hình tam giác, ngôi sao, khối hộp… thì tự động các em đã ôn lại kiến thức về hinh, về tính chất góc, cạnh, trục đối xứng… một cách trực quan. Quá trình gấp giấy buộc học sinh phải quan sát kĩ đặc điểm của từng loại hình, nhận diện các yếu tố như số cạnh, độ dài cạnh, góc, trục đối xứng Ví dụ: Để gấp bông hoa 4 cánh từ tờ giấy vuông, học sinh cần hình dung sau đó thực hành chia hình vuông thành 4 phần đối xứng và bằng nhau. Học sinh tự động ôn lại kiến thức về khái niệm phân giác, đối xứng qua trục chéo, qua tâm.
Các bước gấp hoa 4 cánh, Ảnh: riki.edu.vn
Ứng dụng phân số và tỉ lệ: Trong quá trình gấp giấy, học sinh thường xuyên phải thực hiện thao tác chia giấy thành các phần bằng nhau như 1/2, 1/4, 1/8… để gấp. Đây chính là cơ hội để giáo viên tích hợp kiến thức về phân số và tỉ lệ vào hoạt động trải nghiệm. Ví dụ: Khi yêu cầu học sinh chia giấy để tạo hình, giáo viên có thể lồng ghép câu hỏi toán học như: “Để gấp bông hoa, ở bước 1 cần chia tờ giấy thành mấy phần?” hoặc “Nếu gấp đôi tờ giấy 2 lần ta sẽ được bao nhiêu phẩn nhỏ?”
Tư duy không gian: Quá trình gấp giấy Origami là quá trình chuyển đổi từ hình phẳng 2 chiều sang hình khối 3 chiều thông qua các nếp gấp có tổ chức. Khi học sinh gấp thành công một chiếc hộp vuông, khối tam giác hay ngôi sao ba chiều thì các em sẽ hình dung được sự liên kết giữa các mặt phẳng để tạo thành vật thể có chiều sâu, thể tích và cấu trúc không gian. Đây là bước đệm quan trọng cho việc học các môn tích hợp như STEM, môn học đòi hỏi khả năng tượng và thiết kế trong không gian ba chiều.
Ứng dụng gấp ngôi sao, Hình: Đỗ Kiều Diễm
Phân tích đối xứng và tỉ lệ: Origami yêu cầu các nếp gấp cân đối và độ chính xác cao. Điều này đòi hỏi học sinh cần quan sát kĩ và gấp nếp một cách khéo léo để đảm bảo các nếp gấp đều nhau, tạo nên hình thể hài hòa. Học sinh cũng được rèn luyện kĩ năng nhận biết đối xứng trục, đối xứng tâm, từ đó vận dụng vào các bài học về trục đối xứng trong hình học. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách kiểm tra độ đối xứng bằng cách gấp đôi hình hoặc sử dụng giấy trong để quan sát sự trùng khít giữa các phần.
- Kết luận
Sự sáng tạo trong phong cách của Akira Yoshizawa đem lại những kiến thức mới mẻ cho học sinh về nghệ thuật gấp giấy, từ nguồn gốc lịch sử, đặc thẩm mỹ đến ứng dụng trong giáo dục giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thủ công mà còn phát triển tư duy sáng tạo, khả năng quan sát và tưởng tượng không gian. Học sinh tham gia trải nghiệm có sự tiến bộ về khả năng sáng tạo và kỹ năng vận động tinh. So với phương pháp giảng dạy truyền thống, phương pháp mới giúp học sinh chủ động hơn trong học tập, khuyến khích các em tìm kiếm, sáng tạo và thể hiện cá tính nghệ thuật qua những sản phẩm gấp giấy.
Hoạt động trải nghiệm môn Mỹ thuật tại trường Tiểu học khi được áp dụng nghệ thuật gấp giấy Origami của Akira Yoshizawa sẽ góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, trở thành phương tiện giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như làm việc nhóm, hiển thị, tinh luyện và tư duy logic. Việc kết hợp Origami vào trải nghiệm hoạt động đã tạo ra môi trường học tập tích cực, nơi học sinh được thực hành, khám phá và tự làm sáng tạo. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu về phương pháp giảng dạy Mỹ thuật theo hướng đổi mới và sáng tạo nhằm phát triển mô hình dạy học trải nghiệm ở cấp tiểu học nói riêng và mở rộng phạm vi áp dụng sang các cấp học khác nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Thị Kim Anh (2020), Tổng quan nghiên cứu về tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm của học sinh trung học cơ sở theo hướng tiếp cận năng lực tại Việt Nam, Tạp chí Giáo dục.
- Nguyễn Lăng Bình, Đỗ Hương Trà (2019), Dạy và học tích cực một số phương pháp và kĩ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
- Vũ Thái Hà (2015), Nghệ thuật gấp giấy Origami – Học gấp đồ chơi đơn giản, Nxb Cửu Đức.
- Nguyễn Minh Hải (2021), Nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản, Nxb Mỹ Thuật.
- Nguyễn Bích Nhã (2022), Vui cùng origami, Nxb Thanh Hóa.
- Minh Long (2013), Origami Nghệ thuật gấp giấy nâng cao, Nxb Hồng Bàng.