VẬN DỤNG CÁC YẾU TỐ TẠO HÌNH TRONG TRANH LÀNG SÌNH VÀO THỰC HÀNH SẢN PHẨM MĨ THUẬT TẠI TRƯỜNG THCS
Nguyễn Thị Trà My
K17B Sư phạm Mĩ thuật
Trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam, tranh Làng Sình không chỉ là một di sản nghệ thuật độc đáo mà còn mang trong mình giá trị thẩm mỹ, tâm linh và nhân sinh quan sâu sắc. Với những đường nét giản dị mà tinh tế, màu sắc tươi tắn từ thiên nhiên, tranh Làng Sình đã trở thành một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam. Cũng từ đó có thể thấy tranh Làng Sình có nhiều tiềm năng trong giảng dạy mĩ thuật ở trường trung học cơ sở. Việc đưa các yếu tố tạo hình trong dòng tranh này vào giảng dạy và thực hành mĩ thuật tại các trường trung học cơ sở sẽ giúp học sinh phát triển tư duy thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, đồng thời hiểu hơn về văn hóa truyền thống biết ứng dụng và bảo tồn văn hóa dân tộc. . Bài viết này tập trung phân tích đặc điểm tạo hình của tranh Làng Sình và đề xuất những phương pháp áp dụng hiệu quả vào dạy học mĩ thuật.
- Đặt vấn đề
Giáo dục mĩ thuật trong chương trình trung học cơ sở hướng đến việc giúp học sinh phát triển khả năng quan sát, sáng tạo và thể hiện bản thân qua nghệ thuật. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Mĩ thuật không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện kỹ năng vẽ mà còn khuyến khích học sinh khám phá chất liệu, kỹ thuật mới, cũng như trân trọng nghệ thuật dân gian Việt Nam. Tranh Làng Sình, với những đặc trưng riêng về bố cục, đường nét, màu sắc và phương pháp in, là một nguồn tư liệu phong phú để học sinh thực hành và sáng tạo. Việc đưa tranh Làng Sình vào giảng dạy không chỉ giúp học sinh tiếp cận với nghệ thuật truyền thống mà còn khơi gợi sự hứng thú, tạo điều kiện cho các em phát triển kỹ năng nghệ thuật qua những hình thức thực hành phong phú.
- Đặc trưng tạo hình của tranh Làng Sình
Làng Sình, hay còn được gọi là làng Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông. Làng Sình có bề dày lịch sử, gắn liền với chùa Sùng Hóa được ghi chép trong “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An từ thế kỷ XVI . Ngoài nghề làm tranh, nơi đây còn có các nghề truyền thống như làm hương, sản xuất hạt bỏng cúng lễ và đặc biệt là lễ hội vật diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Chính từ nền tảng văn hóa tín ngưỡng này, tranh làng Sình chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thờ cúng, giải hạn, cầu an, thay vì đơn thuần là thú chơi tao nhã như nhiều dòng tranh khác. Học giả người Pháp Maurice Durand nhận định về tranh dân gian Việt Nam: “Tranh dân gian phản ánh tâm hồn người Việt theo cách mà họ được hấp thụ từ tôn giáo, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng, lịch sử và những phương thức độc đáo từ cuộc sống hàng ngày” [1, tr 17]. Chính vì vậy mà mỗi dòng tranh dân gian lại chứa đựng nhưng tâm tư, tình cảm, hay còn là văn hóa của người dân Việt Nam.
Khác với tranh Đông Hồ – vốn mang tính trào phúng, phản ánh đa dạng khía cạnh đời sống – tranh Sình chủ yếu phục vụ hai chức năng chính: thờ cúng và tín ngưỡng. Trong bài Tranh khắc gỗ dân gian Huế, tác giả Chu Quang Trứ viết: “Tranh dân gian Huế có nhiều bộ, có bộ chỉ một bức, có bộ dăm mười bức, có bộ khoảng 20 bức. Đó là con số hàm chứa một sự tích tụ sáng tạo nghệ thuật phong phú. Bỏ đi cái áo khoác tôn giáo, những hình tượng trên tranh là sự phản ánh bằng nghệ thuật cái hiện thực của cuộc sống xã hội của cư dân cày cuốc” [6, tr.138]. Về đề tài, tranh làng Sình được chia thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật. Tranh nhân vật bao gồm tranh thế mạng, tranh bổn mạng, tranh cúng gia tiên như: Táo Quân, Tiên sư, Thổ công, con Tra điệu,.. thường được dán lên tường vào cuối năm và đốt vào dịp năm mới để hóa giải tai ương, mong cầu một cuộc sống bình an. Tranh súc vật gồm hình ảnh các con giáp, gia súc như trâu, bò, ngựa, lợn, dùng để cầu bình an cho gia chủ hoặc bảo vệ vật nuôi khỏi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tranh linh thú như voi, hổ cũng được sử dụng để dâng cúng miếu mạo nhằm cầu mong tránh tai họa. Tranh đồ vật thể hiện hình ảnh áo quần, khí dụng, tế phẩm như áo binh, áo thần, cung tên, mang ý nghĩa tín ngưỡng và tâm linh sâu sắc.
Về kỹ thuật, tranh Sình được tạo ra bằng phương pháp in mộc bản, tương tự như tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Quá trình sản xuất tranh bao gồm nhiều công đoạn phức tạp: từ khắc ván gỗ, in tranh trên giấy điệp đến tô màu. Giấy để in tranh được lấy từ các vùng khác, sau đó quét một lớp hồ điệp để giúp giấy có độ bền cao. Màu sắc của tranh chủ yếu được tạo từ các nguyên liệu thiên nhiên, qua quá trình chế biến công phu để đảm bảo độ bền và sự tươi tắn.
So với tranh Đông Hồ – vốn phối màu bằng cách chồng các lớp in – thì tranh Sình lại có cách tô màu tương tự tranh Hàng Trống: chỉ in nét đen rồi tô màu trực tiếp. Màu sắc thường được tô mảng phẳng, ít sử dụng hiệu ứng đậm nhạt hay chồng lớp. Vì vậy, màu sắc của tranh làng Sình đòi hỏi sự pha chế tinh tế, phản ánh sự khéo léo và kinh nghiệm của người thợ. Một số màu sắc đặc trưng trong tranh gồm: màu vàng kết hợp từ hoa hoè và lá cây đung, màu đỏ từ vỏ dương liễu và gỗ trâm, màu xanh lục từ lá bông ngọt và lá mối, màu tím từ hạt mồng tơi pha với phèn chua, màu chàm từ lá tràm ngâm vôi, màu đen từ tro rơm trộn với lá bàng. Bút vẽ tranh cũng mang dấu ấn địa phương, được làm từ rễ cây rứa, qua công đoạn xử lý cẩn thận để tạo ra các đầu cọ có độ mềm, thấm màu tốt.
Dù phần lớn tranh làng Sình được sử dụng để đốt hóa trong các nghi lễ, nhưng vẫn có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, như bộ tranh “Bát Âm”, “Trò chơi dân gian”, “Thời vụ”,… – một số ít dòng tranh Sình có thể treo trang trí. Những bức tranh này thể hiện sự tinh xảo trong từng đường nét, với hoa văn trang phục chi tiết, phản ánh gu thẩm mỹ đặc trưng của vùng đất kinh kỳ. Các bức tranh thế mạng cũng mang dấu ấn văn hóa Huế rõ nét, khi hình tượng nhân vật nam mặc áo dài khăn đóng, tay cầm quạt hoặc bút, còn nữ giới khoác áo the, đầu đội khăn xếp, tay cầm hoa. Sự tỉ mỉ trong từng đường nét, cách sử dụng các mảng màu rực rỡ nhưng hài hòa, cùng những chi tiết trang phục tinh tế đã tạo nên sự khác biệt giữa tranh làng Sình với các dòng tranh khác như Đông Hồ hay Hàng Trống.
- Vận dụng các yếu tố tạo hình của tranh Làng Sình vào giảng dạy mĩ thuật tại trường THCS
Việc vận dụng tranh Làng Sình vào thực hành mĩ thuật giúp học sinh tiếp cận với một dòng tranh dân gian giàu bản sắc mà còn phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng thực hành. Thông qua việc nhận diện và phân tích các yếu tố tạo hình, học sinh có thể hiểu rõ hơn về cách sử dụng màu sắc, bố cục và đường nét trong tranh dân gian. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (2018), “Hoạt động trải nghiệm góp phần chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống môi trường sống và nghề nghiệp tương lai.” [3, tr3]
Một trong những phương pháp hiệu quả là hướng dẫn học sinh thực hành vẽ và in tranh theo phong cách Làng Sình. Bắt đầu từ việc quan sát tranh gốc, học sinh sẽ phác thảo lại bố cục, tìm hiểu cách khắc họa hình tượng và thử nghiệm phối màu theo phong cách truyền thống. Những bài học này không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ thuật mà còn nâng cao sự trân trọng đối với nghệ thuật truyền thống, tiếp cận với những cách pha chế màu từ rau củ quả.
Ngoài ra, giáo viên có thể lồng ghép các bài học về tranh Làng Sình vào những chủ đề sáng tạo, chẳng hạn như yêu cầu học sinh thiết kế sản phẩm mĩ thuật đương đại lấy cảm hứng từ tranh dân gian. Ví dụ, các em có thể sáng tạo tranh pop up để tạo thành truyện tranh hoặc bìa truyện với các chủ đề từ những bộ tranh như bộ “Côn trùng”, bộ “Thời vụ”,… Tranh nổi từ bìa cứng dựa trên những yếu tố tạo hình của dòng tranh này. Cách tiếp cận này giúp học sinh không chỉ dừng lại ở việc sao chép mà còn phát triển tư duy nghệ thuật, biến tranh dân gian thành nguồn cảm hứng cho những sản phẩm có tính ứng dụng, tính sáng tạo cao.
Vận dụng yếu tố đường nét: Học sinh có thể thực hành vẽ tranh theo phong cách Làng Sình, sử dụng đường nét đơn giản, mạnh mẽ để tạo hình nhân vật, con vật hay cảnh vật bằng những nguyên liệu như len, chỉ,..
Khai thác yếu tố mảng trong bố cục: Bố cục tranh Làng Sình thường rõ ràng, ít chi tiết thừa, có thể vận dụng để hướng dẫn học sinh cách sắp xếp hình ảnh trong tranh một cách hợp lý, tránh rườm rà. Từ đó tạo nên các bức tranh được lồng ghép những mảng hình sinh động. Đây cũng là một phương pháp vận dụng giúp học sinh có cái nhìn bao quát hơn về phối cảnh chính phụ, xa gần, trước sau để đặt các mảng sao cho phù hợp.
Thiết kế sản phẩm ứng dụng: Các họa tiết và hình ảnh trong tranh Làng Sình có thể được học sinh sử dụng để sáng tạo trên các sản phẩm như túi vải, áo, sổ tay, giúp ứng dụng mĩ thuật dân gian vào đời sống hiện đại.
Việc đưa tranh Làng Sình vào giảng dạy mĩ thuật không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Khi học sinh được trực tiếp trải nghiệm quá trình sáng tạo, các em sẽ hiểu rõ hơn về giá trị nghệ thuật và tinh thần mà dòng tranh này truyền tải. Đó không chỉ là những bức tranh trang trí mà còn là câu chuyện về tín ngưỡng, phong tục và đời sống của cha ông.
Hơn thế nữa, thông qua các bài thực hành, học sinh sẽ có cơ hội rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tinh thần sáng tạo. Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong việc học mĩ thuật mà còn góp phần phát triển tư duy thẩm mỹ và sự nhạy bén trong cách nhìn nhận nghệ thuật đời sống.
Kết luận
Tranh làng Sình vừa là một di sản văn hóa quý giá cũng vừa là nguồn tư liệu phong phú để vận dụng trong giáo dục mĩ thuật. Khi được đưa vào thực hành tại các trường THCS, những yếu tố tạo hình trong dòng tranh này sẽ trở thành cầu nối giúp học sinh tiếp cận với nghệ thuật truyền thống theo cách trực quan và sáng tạo hơn. Đây không chỉ là cách để bảo tồn giá trị văn hóa mà còn mở ra cơ hội để tranh dân gian tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại, truyền cảm hứng cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Maurice Durand (2017), Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.
- Phan Thanh Bình, (1995), Một dòng tranh dân gian trên đất Huế, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật.
- Bộ giáo dục và đào tạo, (2018), Chương trình giáo dục phổ thông Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT
- Nguyễn Hữu Chiến, (2019), Tranh thờ làng Sình: Lịch sử và nghệ thuật, Nxb Mĩ thuật.
- Nguyễn Thị Nhung (2022), Mĩ thuật 7, (Bộ sách Chân trời sáng tạo, bản 1), Nxb Giáo dục Việt Nam.
- Chu Quang Trứ (2000), Văn hóa Mỹ thuật Huế, NXB Mỹ thuật, 2000