Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

VẬN DỤNG KỸ THUẬT THÊU TAY HIỆN ĐẠI VÀO BÀI HỌC THIẾT KẾ ÁO DÀI NGÀNH MỸ THUẬT ỨNG DỤNG

Nguyễn Ánh Linh – K15, Ngành Mỹ thuật Ứng dụng

Trong ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay, vấn đề ứng dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại nói chung vào sản phẩm thiết kế áo dài chưa nhiều, và chưa có nhiều cá nhân làm. Lý do là thêu tay hiện đại cần đi đôi với sự tỉ mỉ, cẩn thận và đầu tư nhiều thời gian vào nó mà phần lớn các bạn sinh viên chưa làm được. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật thêu tay hiện đại, tác giả thấy đây là một kỹ thuật thêu khi đưa vào sản phẩm thời trang mà nhất là áo dài sẽ rất thu hút, có hồn và chiều sâu mà lại giữ được vẻ đẹp truyền thống sẵn có của tà áo dài Việt Nam. Vậy nên, việc ứng dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại  vào bài học thiết kế áo dài ngành Mỹ thuật Ứng dụng có thể giúp sinh viên khai thác tiềm năng của nghệ thuật này, từ đó tạo ra tạo ra những sản phẩm độc đáo và ấn tượng

  1. Khái niệm thêu tay hiện đại

Kỹ thuật thêu tay hiện đại là sự kết hợp giữa những phương pháp thêu tay truyền thống với sự tư duy sáng tạo để tạo ra những tác phẩm mang phong cách cá nhân riêng biệt. Không như thêu tay truyền thống bị giới hạn bởi các quy tắc về họa tiết khuôn mẫu, thêu tay hiện đại hướng tới sự tự do sáng tạo giúp cho những nghệ nhân thiết kế ra tác phẩm mang đậm dấu ăn cá nhân. Bên cạnh việc sử dụng chỉ cotton và lụa truyền thống, thêu tay hiện đại còn sử dụng nhiều loại chỉ đặc biệt như chỉ len, chỉ kim tuyến, chỉ có hiệu ứng ánh kim hoặc phát sáng trong bóng tối. Không chỉ vậy, các nghệ nhân không chỉ dừng lại ở vải mà còn thêu trên những bề mặt khác như vải lưới, da, giấy, gỗ, thậm chí là nhựa hoặc kim loại, giúp mở rộng khả năng ứng dụng của thêu tay trong đời sống.

  1. Đặc điểm của kỹ thuật thêu tay hiện đại

Kỹ thuật thêu nổi

Không giống với những phương pháp thêu phẳng thông thường, thêu tay nổi là các mũi thêu có độ dày, cao hơn so với bề mặt vải tạo nên hiệu ứng 3D, giúp họa tiết trở nên sinh động và có chiều sâu. Và thường các hình ảnh như hoa lá, cánh bướm, chim muông khi được thêu nổi sẽ trở nên chân thực, mềm mại hơn, tạo ấn tượng đặc biệt cho người nhìn. Bên cạnh đó, để tạo ra các hiệu ứng nổi bật, kỹ thuật thêu tay nổi thường sử dụng nhiều loại chỉ khác nhau như chỉ lụa, chỉ cotton, chỉ len, chỉ ánh kim và khi sử dụng chỉ có độ dày và độ bóng khác nhau sẽ giúp tăng hiệu ứng tương phản, làm cho từng chi tiết thêu trở nên sắc nét hơn. Không chỉ vậy, trong kỹ thuật thêu tay nổi còn có thể kết hợp với hạt cườm, đá pha lê, kim sa, ruy băng hoặc vải voan để tạo thêm hiệu ứng đặc biệt, khi kết hợp các yếu tố đính kết này giúp tăng độ lấp lánh và sang trọng, đặc biệt phù hợp với những thiết kế áo dài, váy cưới hoặc trang phục dạ hội. Một số phương pháp thêu nổi phổ biến: Thêu Nổi Đắp (Raised Embroidery), Thêu Nút (French Knot, Bullion Knot), Thêu Đắp Vải (Appliqué Embroidery), Thêu Satin Nổi (Raised Satin Stitch).

Kỹ thuật thêu xù

Kỹ thuật thêu  xù  là một phương pháp thêu tay độc đáo, tạo bề mặt có kết cấu mềm mại và xốp nhờ những vòng chỉ được giữ lại trên mặt vải thay vì kéo căng sát xuống  như các kỹ thuật thêu thông thường. Kỹ thuật này mang đến hiệu ứng  lông xù tự nhiên, giúp các họa tiết trở nên sinh động, có chiều sâu và nổi bật hơn. Vì thêu xù tạo nên những họa tiết có bề mặt gồ ghề, xốp nhẹ nên mang lại cảm giác mềm mại giống như lông thú hoặc vải nhung, với các mũi thêu không kéo căng mà được giữ lại dưới dạng vòng tròn nhỏ hoặc các sợi chỉ lông tơ nên tạo hiệu ứng xù tự nhiên, giúp trang trí trang phục trở nên sinh động và độc đáo. Về chất liệu chỉ thêu xù thường sử dụng chỉ len, chỉ cotton hoặc chỉ lụa có độ mềm và dày để tạo độ bồng bềnh. Một số thiết kế còn kết hợp các loại chỉ sợi dài, chỉ tơ để tạo hiệu ứng lông tơ mịn,  mang lại vẻ đẹp tự nhiên và phong phú cho họa tiết. Khác với thêu nổi thì thêu xù có thể áp dụng trên nhiều  loại vải khác nhau  như vải lụa, vải bố, vải nhung, vải canvas hoặc vải linen. Khi áp dụng trên vải mỏng như organza hoặc voan, thêu xù mang lại hiệu ứng nhẹ nhàng, bay bổng; trong khi trên vải dày như nhung, bố, nó tạo ra vẻ đẹp sang trọng, cá tính hơn. Một số phương pháp thêu xù phổ biến: Thêu Xù Loop Stitch (Mũi Vòng Xù), Thêu Xù Turkey Work Stitch (Mũi Thêu Gà Tây), Thêu Xù Punch Needle (Mũi Thêu Dùi Thủng).

  1. Vận dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại vào bài học thiết kế áo dài ngành Mỹ thuật Ứng dụng

Kỹ thuật thêu tay hiện đại là sự kết hợp giữa nghệ thuật thêu truyền thống với tư duy sáng tạo và công nghệ mới, giúp tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Trong thiết kế áo dài, thêu tay không chỉ góp phần làm nổi bật giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện phong cách, cá tính của người mặc. Các kỹ thuật như thêu nổi, thêu 3D, thêu đính hạt, thêu  ruy băng… khi được áp dụng vào áo dài sẽ tạo nên những điểm nhấn tinh tế, phù hợp với xu hướng thời trang đương đại.

Trong chương trình đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng, việc đưa kỹ thuật thêu  tay hiện đại vào thiết kế áo dài cần triển khai qua các nội dung sau: Trước tiên, sinh viên tìm hiểu về các kỹ thuật thêu hiện đại, cách sử dụng màu sắc, bố cục trên trang phục áo dài. Rồi từ đó, tùy theo phong cách thiết kế áo dài (cổ điển, cách tân, hiện đại) để lựa chọn mẫu thêu, chất liệu chỉ, kiểu dáng phù hợp. Và sau khi đã chọn được mẫu thêu cho bộ áo dài, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên thao tác các mũi thêu cơ bản và nâng cao, thử  nghiệm trên  nhiều loại vải  khác nhau để tìm ra hiệu ứng thẩm mỹ tốt nhất. Bước cuối cùng, sinh viên ứng dụng các kỹ thuật thêu đã học để thiết kế áo dài hoàn chỉnh, kết hợp giữa thêu tay và các phương pháp trang trí khác như in, nhuộm, đính kết để tạo sự độc đáo.

Như vậy, việc vận dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại vào bài học thiết kế áo dài ngành Mỹ thuật Ứng dụng sẽ giúp sinh viên hiểu và trân trọng  nghệ thuật thêu tay, góp phần bảo tồn một nghề thủ công lâu đời của Việt Nam đồng thời khuyến khích sinh viên thử nghiệm và sáng tạo các thiết kế áo dài mới, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Không chỉ vậy việc vận dụng kỹ thuật này vào bài học thiết kế áo dài còn giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật, từ đó có thể phát triển các sản phẩm thời trang  thêu  tay, phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang thủ công cao cấp từ đó tăng tính ứng dụng của kỹ thuật này trong thực tế. Vậy nên, có thể thấy việc vận dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại vào bài học thiết kế áo dài không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng chuyên môn cho sinh viên ngành Mỹ thuật Ứng dụng mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

(Bài báo là sản phẩm khoa học của đề tài “Vận dụng kỹ thuật thêu tay hiện đại vào thiết kế áo dài nữ từ 18 đến 25 tuổi” , Mã số : SV 2004 – 08)