Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA Ở XÃ KHÁNH HÀ, HUYỆN THƯỜNG TÍN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                                                                                   Kiều Thị Dung

Học viên K13 – Chuyên ngành Quản lý Văn hóa

Trong tiến trình phát triển của xã hội thì tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa là nội dung quan trọng trong xây dựng nhân cách con người, hình thành lối sống, nếp sống chuẩn mực, là yếu tố nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn, đồng thời phản ánh sự tiến bộ xã hội. Nhiệm vụ này không phải của riêng tổ chức hay cá nhân nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Khánh Hà là một trong xã thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội; tại đây đã và đang triển khai các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng của môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Bài viết này, tập trung phân tích những hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở xã Khánh Hà hiện nay, từ đó có những đánh giá về thực trạng xây dựng môi trường văn hóa tại địa phương.

1. Khái niệm môi trường văn hóa

Tìm hiểu về khái niệm MTVH và nội hàm của nó, nhóm tác giả Phan Văn Tú, Nguyễn Văn Hy, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên biên soạn công trình về Quản lý hoạt động văn hóa (1998), đã cho rằng: MTVH “là một tổng thể các sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa, hành vi văn hóa, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa… mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời mình và có ảnh hưởng qua lại với mình” [46].

Tác giả Hoàng Vinh trong công trình Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta (1999) đã bàn về môi trường văn hóa: “Các sản phẩm văn hóa”, tác giả cho rằng văn hóa “đó là thiên nhiên thứ hai, là cái vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người”. Quan điểm của tác giả Hoàng Vinh đã nhấn mạnh văn hóa là thiên nhiên thứ hai nuôi dưỡng đời sống con người, phối kết với mạng lưới hoạt động văn hóa của con người hình thành môi trường văn hóa. Xuất phát từ việc luận giải nhu cầu văn hóa trong mối quan hệ với nhu cầu tinh thần, và xem đời sống văn hóa là sự phản ánh của các hoạt động mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ và nhân văn [78].

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm trong tác phẩm Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2001) tiếp cận văn hóa từ cấu trúc hệ thống và loại hình văn hóa đã đi tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường văn hóa. Trong đó, văn hóa được quan niệm là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của mình. Tác giả khẳng định rằng: cộng đồng người (chủ thể văn hóa) hiển nhiên tồn tại trong quan hệ với hai loại môi trường – môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Như vậy, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về MTVH, nhưng tựu chung lại các tác giả đều cho rằng MTVH được cấu thành bởi các yếu tố tác động đến chủ thể văn hóa như: Cảnh quan và thiết chế văn hóa: Cảnh quan văn hóa (cảnh quan tự nhiên hoặc nhân tạo). Thiết chế văn hóa (Từ trung ương đến cơ sở: Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm chiếu bóng, Rạp chiếu phim, Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…Giá trị và chuẩn mực văn hóa: Các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quy tắc ứng xử văn hóa giữa con người với con người, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể… Hoạt động và sản phẩm văn hóa: (Quá trình sáng tạo tinh thần, bao gồm các hoạt động tổ chức và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa bao gồm các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của con người). Những yếu tố trên được sáng tạo bởi chủ thể của MTVH là con người và chắt lọc trong thực tiễn sinh hoạt cộng đồng, trong môi trường sống được tạo dựng trong suốt chiều dài lịch sử (từ quá khứ, hiện tại và tương lai), là hoạt động hưởng thụ và tiếp thu những giá trị văn hóa trong MTVH, tôn vinh lan tỏa những nhân cách văn hóa (biểu dương người tốt việc tốt)…  trong một không gian cộng đồng xã hội.

2. Các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở xã Khánh Hà

Xã Khánh Hà nằm ở phía Tây Bắc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Là một xã có lịch sử hình thành lâu đời và có truyền thống cách mạng. Ngày nay Khánh Hà đang dần khẳng định mình với các thành tự đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt là các yếu tố để xây dựng MTVH lành mạnh, hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng MTVH trong giai đoạn hiện nay, thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước, các cấp về xây dựng MTVH, xã Khánh Hà đã triển khai các hoạt động xây dựng MTVH gồm:

2.1. Triển khai các văn bản cấp trên và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng MTVH tại địa phương

Trong thời gian qua xã Khánh Hà đã tập trung chú trọng vào tuyên truyền thực hiện các nội dung Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa” theo sự chỉ đạo của Thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa của người dân theo xu hướng văn minh, giàu đẹp, dân chủ, công bằng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Huyện Thường Tín đã ban hành một số văn bản tiêu biểu về “Triển khai thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Thường Tín”; “Tổ chức hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng trong năm”; Kế hoạch về việc “Tổ chức thực hiện các mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện”,…

Xã Khánh Hà đã tập trung chú trọng vào tuyên truyền thực hiện các nội dung theo sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín. Ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác xây dựng môi trường văn hóa; chỉ đạo đến các thôn làng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến chủ thể người dân và nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng MTVH xanh, sạch, đẹp, tiên tiến, hiện đại, đậm đa bản sắc dân tộc. Đa số người dân xã Khánh Hà đều đánh giá, chính quyền xã về việc thực hiện và triển khai các văn bản về môi trường văn hóa rất phù hợp và phù hợp là 84%, chỉ có 5% là đánh gía chưa phù hợp.

2.2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh được xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay. Nhận thức được nhiệm vụ quan trong đó, trong những năm qua xã Khánh Hà thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa trong phát triển, hoàn thiện nhân cách con người cũng như trong thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội,  những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa, xây dựng MTVH…

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh”, xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, nhất là vận động thực hiện tốt Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tuyên truyền nâng cao ý thức và tinh thần dân tộc trong các doanh nghiệp, xây dựng và phát triển các thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền trực quan tại khu dân cư, trên hệ thống loa truyền thanh, hay tại các buổi sinh hoạt cộng đồng…. xã Khánh Hà đã dần nâng cao được ý thức của người dân địa phương trong các lĩnh vực của đời sống.

2.3. Xây dựng môi trường văn hóa vật chất

Các yếu tố trong xây dựng môi trường văn hóa vật chất bao gồm: Môi trường sinh thái và cảnh quan văn hóa, các thiết chế văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và con người văn hóa.

Trong những năm gần đây, diện mạo và cảnh quan của xã đã thay đổi; nhiều công trình đầu tư công được quan tâm, điện đường trường trạm được đầu tư xây dựng, sửa chữa, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và đã đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương. Các công trình tôn giáo được bảo vệ, trùng tu trong quá trình sử dụng.

Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng làng, cơ quan văn hóa, số hộ được công nhận GĐVH là 88,5%  trở lên, số làng được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 6 làng. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa thông tin và thể thao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước các dịch vụ văn hóa, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đời sống người dân được nâng cao, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo.

2.4. Xây dựng môi trường văn hóa tinh thần

Thực hiện văn hóa ứng xử nơi công sở, mà trọng tâm là thực hiện bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Cán bộ công chức triên địa bàn xã đã chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thời gian làm việc; sắp xếp sử dụng thời gian làm việc khoa học và hiệu quả; có thái độ nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể với người dân.

Xây dựng MTVH, quy tắc ứng xử nơi công cộng chính là thể hiện sự giao lưu của cộng đồng người, nơi thể hiện cách ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng người. Đây cũng là nơi biểu hiện tổng hợp cả trình độ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ, trình độ giao tiếp giữa người với người, trật tự kỷ cương của xã hội, sức mạnh của pháp luật và hiệu lực của chính quyền. Vì vậy phải đưa mọi hoạt động sinh hoạt xã hội đi vào trật tự, nề nếp, giữ gìn trật tự là hành vi văn hóa không thể thiếu để xây dựng MTVH.

Thông qua khảo sát, cho thấy đánh giá về việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trọng cộng đồng xã Khánh Hà có 67% đánh giá rất tốt và tốt.

Phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục tể thao được nhân dân hưởng ứng tham gia, mỗi người chọn cho mình một môn  thể thao để luyện tập nâng cao sức khỏe. Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng được đảm bảo; các hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín, dị đoan được bài trừ.

2.5Kiểm tra, giám sát và thi đua khen thưởng trong xây dựng MTVH

Trong hoạt động xây dựng MTVH công tác kiểm tra giám sát và thi đua khen thưởng có vai trò quan trọng trong việc đánh giá kết quả, hiệu quả, tổng kết thực tiễn, thấy được những mặt đã làm được, chưa làm được  tác động đến MTVH, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi và động lực cho nhân dân xã tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa trên quê hương. Nội dung công tác thanh tra, kiểm tra, thi đua khen thưởng về VHVN- TDTT, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và công cộng;  xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng cảnh quan; xây dựng các thiết chế văn hóa.

3. Kết luận  

Xây dựng MTVH là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chủ trương xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, trong những năm qua MTVH xã Khánh Hà có những thay đổi tiến bộ rõ nét. Xây dựng MTVH tại xã Khánh Hà góp phần tạo ra không gian văn hóa lành mạnh cho con người tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UBND xã Khánh HàLịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Hà (1930-2012), Nxb Thời đại, Hà Nội.

        2. UBND xã Khánh Hà, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, từ năm 2015-2020.

        3. Hoàng Vinh (1999), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

        4. Nguyễn Văn Hy, Phan Văn Tú, Hoàng Sơn Cường, Lê Thị Hiền, Trần Thị Diên (1998), Quản lý hoạt động văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

        5. Nguyễn Hữu Thức (2005), Văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia.

        6. Nguyễn Hữu Thức (2007), Một số kinh nghiệm quản lý và hạt động tư tưởng – văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin-Viện Văn hóa, Hà Nội.

        7. Nguyễn Hữu Thức (2009), Về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

        8. Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.