Tin hợp tác quốc tế

TCHAIKOVSKY VÀ TOLSTOI

01 Tháng Tư 2011

MC sưu tầm

 

Vào dịp Tchaikovsky ghé Moscow năm 1876, Tolstoi đến Nhạc viện nhắn rằng ông muốn nói chuyện với nhà soạn nhạc trẻ. Lúc đầu Tchaikovsky không muốn rời căn phòng ông đang dạy. Đại văn hào khăng khăng là ông sẽ không đi đâu nếu chưa được nói chuyện với nhà soạn nhạc. Tchaikovsky đành phải xuống gặp Tolstoi.

Tại sao Tchaikovsky lại sợ hãi gặp mặt? Là vì ông sợ sự hiểu biết dường như hết thảy của Tolstoi. Đấy chính là phẩm chất mà Tchaikovsky khâm phục hơn cả ở văn hào. Trong nhật kí của Tchaikovsky có viết: “Tôi cảm thấy ông chỉ liếc mắt đã nhìn thấu mọi thầm kín trong tâm hồn tôi”.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi Tolstoi muốn nói chuyện về âm nhạc với người nhanh chóng tạo dựng tên tuổi như một nhà soạn nhạc hàng đầu nước Nga. Tolstoi yêu âm nhạc nồng nhiệt, mặc dù quan điểm của ông về âm nhạc rất mâu thuẫn. Vào những năm cuối đời, tình yêu đối với các nhạc sĩ Beethoven, Schubert và Chopin bị lung lay bởi một niềm tin ngày càng lớn ở ông. Ông cho rằng chỉ có những gì mà nông dân hiểu được mới được coi là nghệ thuật đích thực. Tolstoi than thở chính ông đã “hư hỏng” vì được hưởng thụ một nền giáo dục đặc quyền và yêu thích nhiều thứ mà người dân bình thường chẳng bao giờ hiểu nổi. Trong số các đặc quyền của giới quý tộc mà theo ông phải gạt bỏ có cả những thứ nhạc mà ông vô cùng yêu mến. Ông thừa nhận: “Tôi yêu âm nhạc hơn bất kỳ nghệ thuật nào khác, và phải tách khỏi âm nhạc, khỏi những tình cảm mà âm nhạc đã gơi dậy trong tôi sẽ là điều khó nhất đối với tôi”.

Giữa Tolstoi và Tchaikovsky có điểm chung: cả hai đều yêu Mozart và Weber. Song khi Tolstoi phủ nhận Beethoven thì Tchaikovsky tránh bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi và chỉ phản đối yếu ớt về nhà soạn nhạc mà ông luôn luôn tôn kính.

Sau này con trai của nhà văn - người đã học tại Nhạc viện Moscow và trở thành nhà âm nhạc học uy tín - đã khẳng định rằng nếu trong cuộc trò chuyện với Tchaikovsky, cha mình đã cho rằng Beethoven "không có tài năng", thì chỉ vì Tolstoi muốn phản đối sự sùng bái Beethoven đang lan tràn thời đó mà thôi. Song ý kiến Tolstoi về âm nhạc quả là một sự vỡ mộng đối với Tchaikovsky, hào quang của một nhà văn vĩ đại đã phai nhạt đáng kể trong mắt ông. Hơn nữa, Tchaikovsky đã không cảm thấy thoải mái khi cố làm ra vui vẻ trong cuộc trò chuyện.

Sau đó Tchaikovsky đã không gặp Tolstoi nữa, mặc dù rất nhiều lần cả hai cùng tới Moscow. Một vài lần nhìn thấy Tolstoi ở bên kia đường phố, Tchaikovsky đã tránh sang lối khác.
Sau cuộc gặp gỡ, Tolstoi có gửi cho Tchaikovsky một số bản sao các bài hát dân gian mà ông hy vọng nhà soạn nhạc sẽ sử dụng: "Kho báu tuyệt vời này giờ trong tay của anh. Anh hãy dùng chúng theo cách của Mozart, Haydn, chứ đừng theo cách của Beethoven, Schumann và Berlioz với lối sắp xếp nhân tạo”.


Tchaikovsky hồi đáp: "Chân thành biết ơn ngài đã gửi những bài hát cho tôi. Tôi cần phải nói với ngài rằng người ta đã ghi những bài hát này một cách vụng về, do đó những bản ghi này không cho thấy gì nhiều hơn vài dấu vết của vẻ đẹp nguyên thủy của những bài dân ca. Chúng đã bị buộc vào một nhịp điệu đều đặn một cách áp đặt. Chỉ có các bài múa dân gian Nga mới có một nhịp điệu thống nhất với điểm nhấn. Hơn nữa, đa số các bài hát này đều ghi ở cung rê trưởng, điều này không đúng với cấu trúc của bài hát dân gian Nga vốn có âm giai hầu như luôn luôn không xác định. Nói chung, các bài hát ngài gửi không thể sử dụng làm tuyển tập, bởi vì để làm tuyển tập thì cần thiết phải ghi lại mỗi bài hát một cách gần nhất có thể đối với cách thức mà chúng được người dân Nga hát. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và đòi hỏi phải có nhạc cảm tinh tế và kiến thức tốt trong lĩnh vực lịch sử âm nhạc. Ngoài Balakirev, tôi không thể nghĩ ra bất cứ ai có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, các bài hát của ngài có thể dùng làm chất liệu cho giao hưởng, và tôi chắc chắn có ý định sử dụng chúng bằng cách này hay cách khác”.

Theo vnmusic.com.vn