Nội san

Mỹ thuật Việt Nam hiện đại qua mắt của một người

01 Tháng Tư 2011

Bình giá nghệ thuật không phải là độc quyền của nhà phê bình hay nghệ sĩ. Mỗi người xem, người nghe có thể làm việc đó theo thị hiếu riêng, và càng riêng thì đời sống xung quanh tác phẩm nghệ thuật càng phong phú. Bởi hay, đẹp, chứ không phải đúng sai, mới là giá trị của nghệ thuật.

Nguyễn Quân

Ngay từ đầu, những năm 1980, Nguyễn Quân xuất hiện vừa là nhà phê bình, vừa là hoạ sĩ, mà lại là người chuyển từ giới khoa học sang. Giới mỹ thuật không ít người khó chịu với ông, nhưng ông cứ áp đặt cá tính của mình vào nghệ thuật, vào đời sống phê bình và lý luận mỹ thuật lúc đó còn rất sơ sài và cảm tính. Nguyễn Quân tìm về văn học và nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ham muốn kết nối nó với các giá trị văn nghệ thực tại và cuối cùng mở toang cánh cửa mỹ thuật Việt Nam vào trường nghệ thuật thế giới, trước cả thời điểm Đổi mới. Ông cũng là người tổ chức triển lãm quốc tế cuối cùng của phe xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội, một triển lãm rực rỡ, nhiều sắc thái, nhiều vui buồn.

Cuốn sách Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 xuất bản trong năm nay (NXB Tri Thức) là một trong những tổng kết quan trọng của ông về thời cuộc nghệ thuật mà ông là người tham gia, có tác động quan trọng vào guồng quay của nó từ những năm 1980. Thực ra trong thập kỷ 1990, có không ít những công trình tổng kết về nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Ít nhất ta thấy cuốn sách lớn của viện Nghiên cứu mỹ thuật, các công trình của Nora Tayllor (Mỹ), Corinne le Menonville (Pháp) và hàng chục cuốn sách trong, ngoài nước khác. Tất cả đều bắt đầu từ điểm hội hoạ Việt Nam trước và sau thời điểm Đổi mới, nghĩa là trong vòng 25 năm cuối thế kỷ 20.

Chọn thời điểm đó, vì chắc chắn giai đoạn kề cận trước và sau nó rất quan trọng với bước đi của nghệ thuật Việt Nam. Vai trò của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên là chiếc cầu nối rực rỡ của các hoạ sĩ trường Đông Dương cuối cùng với các hoạ sĩ trẻ hơn họ đến ba chục tuổi. Sự biểu hiện đời sống nhân văn và cá nhân được bù đắp cho hội hoạ hiện thực đơn thuần đã kết nối họ, trong sự ảnh hưởng sâu sắc văn hoá truyền thống và chủ nghĩa hiện đại (modern art). Nguyễn Quân thấy những giá trị lai căng từ nghệ thuật nhà Nguyễn với nhà thờ Phát Diệm và lăng Khải Định, sự đồng hoá dần những lai căng ấy ở văn hoá đô thị thời thuộc Pháp và rồi đến thời kỳ độc tôn của chủ nghĩa hiện thực suốt những năm chống Pháp và chống Mỹ. Ông coi trại sáng tác Đại Lải là bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, người nghệ sĩ trước tiên vẽ cho mình, tự mình, chứ không chờ đợi ai dắt tay và cấp kinh phí nữa.

Nghệ thuật cũng như văn hoá Việt Nam chỉ tỏ rõ bản sắc trong quá trình mở và tiếp nhận, bởi thực tế địa lý nằm trên con đường giao thoa của nhiều nền văn hoá, bởi tính không thể đóng kín và dễ thay đổi của văn hoá Việt. Sự ảnh hưởng được bản địa hoá dần đến mức quen thuộc và trở thành dân tộc.

Người viết vừa tham vọng những đúc kết của mình là tiệm cận nhất với sự thực nghệ thuật, nhưng là một hoạ sĩ, Nguyễn Quân cũng mê mải suy tưởng và rất cá nhân trong những nhận định. Ông mặc kệ những hoạt động song hành nào mà theo ông là lạc hậu, giống như người đi xe máy phớt lờ cái xe bò dẫu nó từng đi trước. Ông phân tích sự phát triển của ngôn ngữ và tâm lý sáng tác có những nguyên tắc chung với đời sống văn hoá bất chấp người sáng tác có nghĩ như vậy không. Điều đó làm cho cuốn sách rất thú vị.

Sự không tương thích giữa nghệ thuật từ hai đầu đất nước vẫn chưa được lý giải – đó còn là câu hỏi cho những cuốn sách về sau.

Phan Cẩm Thượng

Theo sgtt.com.vn