Tin tức

Báo động hay "Bội thực" di sản?

27 Tháng Tám 2011
Được sống trong một đất nước có nhiều di sản thế giới như Việt Nam thật đáng tự hào. Tuy nhiên, để đạt được bất cứ một danh hiệu nào đã là một việc không đơn giản, nhưng giữ được danh hiệu còn khó hơn nhiều lần. Về chủ đề này, bài chủ "Báo động di sản" của Khánh Linh đăng trên Thế Giới & Việt Nam số 243 vừa rồi đã đề cập phần nào đến thực trạng này. Tôi thấy, trong những năm gần đây, dường như phong trào "chạy" di sản như là một "mốt" của nhiều địa phương. Nhưng khi có được danh hiệu rồi, thì có khi di sản ở địa phương đó lại trở thành một di sản mới tinh hoặc trở thành "phế tích", bị đối mặt với nguy cơ bị UNESCO rút lại danh hiệu. Bạn đọc Kim Ngân (nganntn@) viết.
 

 

Đúng là thời gian gần đây, có không ít địa phương đã rất hăng hái trong "phong trào" lập hồ sơ di sản của tỉnh mình để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây sẽ là việc cần làm nếu di sản xứng tầm và việc chăm sóc "hậu công nhận" được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là giải quyết hài hòa giữa danh hiệu di sản thế giới với lợi ích phát triển kinh tế.

Việt Nam thật hãnh diện là quốc gia có đủ mặt các di sản trong cả 4 loại: Di sản thiên nhiên, Di sản Văn hóa, Khu sinh quyển thế giới và Công viên địa chất. Nhưng cuộc đua giành cho được danh hiệu vẻ vang của UNESCO ở các tỉnh thành vẫn đang tiếp tục. Chỉ riêng trong năm 2009, đã có tới trên dưới 10 địa phương xin lập hồ sơ đăng ký di sản. Chẳng biết sẽ có thêm bao nhiêu di sản được cả thế giới công nhận, chỉ biết về mặt tâm lý, chúng ta đã rơi vào tình trạng "bội thực" di sản trong khi vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế. Chủ tịch ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam từng đặt ra câu hỏi: "Liệu giữa việc bảo tồn một di sản với một dự án hàng triệu USD, chúng ta nên hy sinh di sản cho phát triển kinh tế hay ngược lại?".

Bởi thế, để kết hợp hài hòa hai yếu tố này, có ý kiến cho rằng, các địa phương thay vì bỏ tiền cho một dự án xây dựng hồ sơ đăng ký di sản nộp UNESCO, nên dành cho việc xây dựng các mô hình bảo tồn làng nghề hoặc bảo tồn những "di sản sống" là các nghệ nhân đang ngày càng mai một.

Các địa phương có di sản cũng không nên quên rằng, một trong những tiêu chí hàng đầu được UNESCO đánh giá cao khi công nhận Di sản thế giới, là tính lan tỏa và sự ảnh hưởng của di sản đối với quốc gia và quốc tế. Bởi thế, không nên để tình trạng sau khi di sản được công nhận một thời gian thì lại biến thành "di tích hoặc phế tích", bị khai thác, tận thu quá mức và xuống cấp đến mức UNESCO phải rút lại danh hiệu. Có thêm một di sản quả là một vinh hạnh lớn không những cho địa phương đó mà còn cho cả bộ mặt quốc gia, nhưng làm sao cho giá trị của di sản được trường tồn mới là điều cốt tử và đáng báo động.

Theo tgvn.com