Nội san

Thiều quang

03 Tháng Chín 2011

 

“Vũ trụ có vô cùng hay không thì không biết.

Nhưng sự ngu dốt của con người chắc chắn là vô cùng”

(Anhxtanh)

 

Trong khoảng 10 năm nay khi ba nghệ thuật mới: Sắp đặt, Trình diễn và Video Art công khai xuất hiện và ngày càng lôi kéo các nghệ sỹ trẻ, giới mỹ thuật thủ cựu từ chỗ phản đối đến chỗ mặc kệ và chấp nhận từng phần. Mặc dù không có gallery nào đón chào, không một tổ chức mỹ thuật nào sẵn lòng tìm chỗ cho ba nghệ thuật mới, nhưng những cuộc trưng bày có tính chất cá nhân, những phòng triển lãm ở các nhà văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài, những cuộc du ngoạn xuất ngoại, cho thấy vị trí không thể xem thường của nó. Triển lãm với chủ đề nước, gồm cả Sắp đặt, Video Art, Trình diễn và hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 2004, cho thấy chẳng có sự mâu thuẫn nào về mặt ngôn ngữ giữa hội họa và những hình thức mới, trong đó có cả một họa sỹ lão thành Trần Đình Thọ tham gia. Cởi mở chỉ có tốt hơn cho nghệ thuật dễ dàng hơn đi đến cái mới.

 

Minh họa: Lương Minh Giang

 

Tuy vậy mọi việc chưa hẳn dễ dàng, 50 nghệ sỹ làm nghệ thuật mới trong chừng 1600 họa sỹ nhà điêu khắc toàn quốc là một tỷ lệ chênh lệch. Song lực lượng bổ cung cho 50 người kia từ sinh viên các trường nghệ thuật sẽ càng ngày càng nhiều, ít nhất họ thấy ở đây những tương lai của sự nhập cuộc nghệ thuật và sự tẻ nhạt khi cố cầm mãi cái bút bôi lên bề mặt phẳng. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 đã thông báo từ chối nghệ thuật mới, với lý do không có điều kiện (địa điểm). Lời từ chối hợp lý và có thể kéo dài nhiều năm nữa.

Không phải là hội họa và điêu khắc đã hết thời, nhưng tạm thời các họa sỹ và điêu khắc gia trong 10 năm nay đã không đưa ra được ý tưởng và hình thức nào mới. Bài cải lương bờ tre, bến nước, con thuyền, đình chùa, tượng Phật và cả trừu tượng nữa như đã quá quen tai, tự nó làm nhạt đi sắc mầu nghệ thuật. Nhìn mầu sắc của hội họa bây giờ đã thấy một sự mệt mỏi thực sự của cảm xúc khi vẽ mãi những cái đã chán. Kết quả là họa sỹ vẽ càng đẹp tranh càng xấu. Nhất là khu vực các đề tài chiến tranh và cách mạng dường như người ta không còn lấy lại được cảm xúc về hồi ức và những kiến thức lịch sử cần thiết làm cho bức họa phong phú và có một nhãn quan nghệ thuật về chiến tranh và cách mạng riêng. Hội họa và điêu khắc không có lỗi gì. Lỗi ở người nghệ sỹ, không tự đổi mới mình, chỉ ỷ vào kỹ thuật, kinh nghiệm sống, và sự khoác lác hàng ngày lâu dần cũng trở thành kiến thức. Điều này cũng sẽ đúng với những nghệ sỹ làm nghệ thuật mới. Vì Sắp đặt, Trình diễn, Video Art cũng chỉ là phương tiện và hình thức, dù lợi thế mang tính tổng hợp và yêu cầu cọ xát với cuộc sống làm cho nó có tính thời sự và trong mọi không gian, thời gian và vật chất thể hiện. Hiệu quả và giá trị nghệ thuật quyết định cuối cùng vẫn là tầm vóc con người, trong khi dân số ngày càng tăng lên, nhưng tính nhược tiểu cũng tăng lên. Những thói hư tật xấu, đố kỵ, tham nhũng và bệnh hoạn cũng không thiếu, trong giới nghệ sỹ. Chưa bao giờ giới mỹ thuật có nhiều bằng cấp: thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, viện sỹ và đi lại toàn thế giới, nhưng sự thất học cũng sâu sắc như vậy. Đây là sự trớ trêu của nghệ thuật, chúng ta đã vẽ rất đẹp khi học hành chẳng được bao nhiêu, có một dúm mầu, không có xưởng vẽ nào và lúc nào cũng lo cơm gạo. Còn bây giờ cơm gạo ê hề, xưởng họa thênh thang, tranh bán đắt như tôm tươi, những muốn tìm một tác phẩm khả dĩ xem trong 10 phút cũng khó. Có lẽ kiến thức trong nghệ thuật được hình thành theo cách khác và cần quan niệm khác. Đôi chút lòng bác ái bản nguyên và dám đi đến cái mới là vừa đủ. Đọc thiên kinh vạn quyển, mà lắc đầu trước kẻ ăn mày và cái mới, thì bồ sách kia chỉ là mớ giấy vụn. Cuộc sống càng đa đoan, càng nhiều phương tiện, thì sáng tạo càng khó khăn. Vì sáng tạo là quá trình loại bỏ cái vẻ bên ngoài, đi vào cái bản chất. Hình thức của nó thô thiển hay tinh khéo không quan trọng miễn là bộc lộ được cái bên trong.

Tính trực tiếp và ngẫu hứng của Sắp đặt, Trình diễn và Video Art là một lợi thế để bộc lộ cái bên trong của cuộc sống, cũng như dễ trở thành tầm thường khi quan niệm về nó quá đơn giản. Ba nghệ thuật này về căn bản là không duyệt được, nếu không chấp nhận chỉ có thể duyệt phương án, chứ không phải là tác phẩm. Tác phẩm chỉ thực sự xuất hiện ngày trưng bày với khán giả. Tác phẩm là một quá trình sống, rồi tự hủy đi sau triển lãm, chứ không phải là một bức tranh, pho tượng có tính ổn định hoàn thiện trước triển lãm. Vì vậy mà số lượng nghệ sỹ của nghệ thuật mới có thể tăng giảm bất ngờ, tự đội ngũ mỹ thuật, tùy thuộc vào các điều kiện xã hội, ít nhất chấp nhận nó, mà chưa bao cấp. Nghệ thuật mới cũng đào thải nghệ sỹ nhưng nhanh chóng hơn bao giờ hết, làm cho họ nhanh chóng nghèo túng và bị lãng quên sau cuộc chơi thượng thặng, phi phong cách hóa.

Có ba kế cho triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm nay: Hạ sách là trưng bày hội họa, đồ họa và điêu khắc theo lối cũ. Mặc dù triển lãm chưa diễn ra, nhưng là vấn đề đã được biết rồi. Trung sách là dành 50% không gian triển lãm cho ba nghệ thuật mới, như một sự chấp nhận hài hòa bước tiến của nghệ thuật. Thượng sách dành toàn bộ triển lãm cho Sắp đặt, Trình diễn, Video Art và đồ họa trong sự vận dụng nhiếp ảnh và vi tính, thực sự là bước nhảy vọt diệu kỳ của nền mỹ thuật Việt Nam. Đến bây giờ thì tôi hiểu vì sao cuối truyện Kiều, Nguyễn Du viết là “Mua vui cũng được một vài trống canh”./.

 

Phan Cẩm Thượng

Thể thao Văn hóa 3-2005