Tin tức – Sự kiện

Triển lãm nghệ thuật đương đại “Đất Mường”

03 Tháng Mười 2011

Quách Thị Ngọc An

 

Từ những trăn trở về ý nghĩa của một bảo tàng hiện đại không chỉ lưu giữ hiện vật, mà còn cần chứa đựng những yếu tố của cuộc sống và nền văn hóa đương thời, họa sĩ Vũ Đức Hiếu (giám đốc bảo tàng Mường) đã nghĩ đến việc tổ chức một trại sáng tác nghệ thuật đương đại cũng là thể nghiệm nghệ thuật mới trên mảnh đất Hòa Bình, cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, nơi địa hình đồi núi trùng điệp với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Vào ngày 30/9/2011, trong khuôn khổ Festival văn hóa truyền thống của người Mường nhân kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, Bảo tàng không gian văn hóa Mường (tổ 12, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) khai mạc triển lãm “Đất Mường” là những kết tinh đọng lại qua trại sáng tác này.

 

Ảnh 1: Một góc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường

 

Ảnh 2: Tác phẩm sắp đặt “Vết tích con người” của hoạ sĩ

Đặng Thị Khuê trong bảo tàng Không gian văn hoá Mường

 

Kết quả hai tuần làm việc liên tục của 29 nghệ sĩ gồm 14 nhà điêu khắc, 12 họa sĩ và 01 nghệ sĩ âm thanh cùng 2 nghệ sỹ khách mời cùng nhau thể nghiệm trên 2ha nằm trong diện tích của bảo tàng Mường chính là những câu trả lời khúc chiết nhất cho câu hỏi thường trực trong họa sĩ Vũ Đức Hiếu cũng như trong những người tâm huyết với nghệ thuật: Hình thức và ngôn ngữ nào là phù hợp để kết nối giữa nghệ thuật hiện đại và văn hóa truyền thống? Cuộc đối thoại của văn hóa truyền thống với tác phẩm hiện đại sẽ diễn ra như thế nào?

Sự xuất hiện của các nghệ sĩ đương đại trong không gian truyền thống của Bảo tàng Mường đã làm không khí nơi đây thay đổi và sôi động. Những hoạt động kết hợp giữa các nhà điêu khắc cùng với sự tham gia của người dân bản địa và những tình nguyện viên quốc tế đã tạo nên sự kết nối khá hoàn hảo trong quá trình sáng tác và thử nghiệm nghệ thuật. Đến vùng núi rừng này, cùng những chuyến thực tế đến Mường Bi (huyện Tân Lạc), giao lưu với người dân bản địa, tiếp xúc với những tập tục văn hóa, tín ngưỡng, các nghệ sĩ học hỏi được rất nhiều qua đời sống tinh thần nơi mà họ đến lưu trú. Ngược lại những nghệ sĩ đem những sáng tác mới đến những vùng rừng núi để mỗi người dân nơi đó và du khách thập phương khi đến với không gian văn hóa Mường vừa thấy được phần hiện đại, vừa thấy được phần truyền thống. Với việc đặt những tác phẩm đương đại bên cạnh văn hóa truyền thống, các nghệ sĩ muốn tạo nên sự gắn kết giữa hai loại hình văn hóa đó, khiến bảo tàng Mường chứa đựng những xu hướng, những yếu tố của văn hóa đương đại. Nó tạo cho mỗi người đến với bảo tàng này những cảm nhận về một không gian khác ngoài không gian bản, làng, vừa thân quen với những gì thuộc về truyền thống, vừa có cảm giác lạ lẫm, thú vị với những cái hiện tại và tương lai qua ngôn ngữ nghệ thuật của mỗi tác giả thể hiện trong mỗi tác phẩm.

 

Ảnh 3: Các nghệ sĩ tham quan Mường

 

Ảnh 4: Các cô gái Mường giúp nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm

 chuẩn bị không gian dựng tác phẩm

 

Ở độ cao ngang bằng bản làng người Mường xung quanh, tổng thể của triển lãm được quy hoạch theo một sự thống nhất dưới sự tổ chức không gian chung của nhà điêu khắc Đào Châu Hải cùng với sự điều hành của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn. Các nghệ sĩ men theo con đường đá quanh co trên triền đồi của bảo tàng Mường mà chọn trong đó một vị trí phù hợp với tác phẩm của mình và thể nghiệm nghệ thuật, sáng tác, tổ chức không gian, tạo nên sự kết nối giữa các tác phẩm. Với không gian riêng biệt bên cạnh không gian truyền thống đã trưng bày trước đó ở Bảo tàng Mường, các nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm nghệ thuật bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có (gỗ, đá, đất), hoặc bằng vật liệu tuỳ chọn. Đất đá cho điêu khắc được lấy trên đồi, cây cối cho sắp đặt có sẵn ở xung quanh, mỗi nghệ sĩ chỉ cần mang đến ý tưởng cho tác phẩm của mình. Các loại hình sáng tác được thể hiện ở nơi đây cũng rất đa dạng và ngẫu hứng. Từ hội hoạ, điêu khắc cho đến các sắp đặt tương tác với địa hình đồi núi và cây cỏ. Đầu tiên khi bước vào cảnh quan kỳ thú này, người xem sẽ bắt gặp tác phẩm “Kỳ nhông núi” của tác giả Nguyễn Tuấn Khôi, đó là một sắp đặt kết hợp giữa đá, thân cây, dây thừng với mặt nền tạo ra hình ảnh cách điệu của những con kỳ nhông nằm trên mặt đất. Rồi sau đó là hàng loạt các tác phẩm trong các không gian tiếp nối. Đó là hình ảnh đầy tính động của tác phẩm “Chuyến đi” mà tác giả Phạm Văn Tuấn thể hiện hình ảnh đàn trâu bằng gỗ cách điệu lao từ trên đồi xuống. Tác giả phối hợp các hình tượng với triền dốc để tạo nên một sắp đặt điêu khắc kết hợp với tự nhiên. Điêu khắc gia Đào Châu Hải đầy suy tư với tác phẩm Land Art (sắp đặt địa hình) mang tên “Nước – thời gian trôi đi” bằng chất liệu đất, đá, guồng nước tre tạo nên một vòng xoáy lớn bằng đá trên mặt đất. Ở giữa đặt một chiếc guồng xe nước khổng lồ thể hiện sự tồn tại của con người tương tác với môi trường sống của thời hiện tại. Guồng nước ngừng quay giống như sự cạn kiệt về nguồn sống và sự lụi tàn của thiên nhiên. Tác giả Phạm Thái Bình lại đem đến cảm giác thích thú, vui tươi đầy hóm hỉnh với “Lợn con đi kiện” bằng chất liệu gỗ, nhôm đúc và sơn màu. Tác phẩm được sáng tác từ gợi ý một câu chuyện ngụ ngôn cổ của người Mường với nhan đề “Lợn con đi kiện, thể hiện đàn lợn con leo thang lên kiện với ông Trời. Chọn hình ảnh chiếc máng giã gạo nước cũ được dựng trên nền vỏ trấu - tượng trưng cho những hạt thóc gieo xuống đất, gặp nước sẽ nẩy mầm sinh sôi, tác giả Hà Trí Hiếu tạo nên tác phẩm “Nguồn sống”. Mang một cảm tiếc nuối, tác giả Vương Văn Thạo với chất liệu độc đáo làmHóa thạch nhà sàn gỗ” bằng chất liệu composite. Nhà sàn Mường là một di sản vật chất có giá trị văn hóa cần được lưu giữ và bảo tồn, như một hóa thạch còn sống và thở của nền văn minh Mường cổ.

 

Ảnh 5: Tác phẩm “Nước – thời gian trôi đi” (Tác giả: Đào Châu Hải)

 

Ảnh 6: Tác phẩm “Nguồn sống” (Tác giả: Hà Trí Hiếu)

 

Ảnh 7: Trích đoạn tác phẩm “Chuyến đi” (Tác giả: Phạm Văn Tuấn)

 

Ảnh 8 : Tác phẩm Lợn con đi kiện” (Tác giả: Phạm Thái Bình)

 

Ảnh 9: Tác phẩm “Chêm” (Tác giả: Lương Văn Việt)

 

Điểm nhấn cho không gian của thử nghiệm này có lẽ là tác phẩm “Cây đất Mường” của Nguyễn Ngọc Lâm và “Thời gian đi qua" của Nguyễn Huy Tính. Không hẹn mà gặp, cả hai họa sĩ này đều sáng tác bắt nguồn từ cảm hứng về nhà sàn của người miền núi, tạo nên sự phối hợp giữa một tác phẩm trải dài trên triền đồi, tác phẩm còn lại thì vút cao lên bầu trời trên vùng đồi xanh mướt của rừng trúc. Nguyễn Huy Tính ngậm ngùi với tác phẩm “Thời gian đi qua" bằng chất liệu gỗ, đinh sắt. Những cây gỗ được gắn với nhau theo chiều ngang, dọc, lặp đi lặp lại tạo sự dàn trải về không gian trên triền đồi. Những đường ngang dọc khiến người xem hình dung đến nhịp điệu của cuộc sống hết đêm đến ngày, hết mùa này đến mùa khác, như tượng trưng cho những ngôi nhà sàn xa xưa theo thời gian nối tiếp bên nhau nay chỉ còn trong quá khứ. Những vật liệu dựng nhà xưa cũ nay hiếm khi còn, tất cả đã đổi thay. Người ta không dùng tranh tre nứa lá nữa mà đã thay bằng bê tông, mái ngói, mái xi – măng. Con người luôn có nhiều lựa chọn và hướng đi trong cuộc sống. Nhưng khi thời gian trôi qua, mọi sự vật chỉ còn là những kết cấu đổ vỡ, rối rắm và trơ trọi… Cao lớn, hoành tráng là ấn tượng từ tác phẩm “Cây đất Mường” của nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm thể hiện từ chất liệu gỗ và đinh sắt. Những thân cây gỗ được ghép chiếc tổ trên đầu - một cách điệu có gợi ý từ ngôi nhà sàn. Cây là một hình tượng điêu khắc được Nguyễn Ngọc Lâm theo đuổi vài năm gần đây.  “Cây đất Mường” là một tập hợp tác phẩm điêu khắc ngoài trời lấy cảm hứng từ cuộc sống miền cao, văn minh của cuộc sống miền cao, truyền thống không muốn sống dưới mặt đất mà thích sống cách khỏi mặt đất của người dân miền núi, sống trên cao đón gió mát, tránh thú dữ, nâng cao tầm nhìn. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Lâm được xây dựng từ hình ảnh của những cái cây cao, với những với những cành cây chặt ra để biến thành ngôi nhà cho người ở đem đến một cảm giác khác mang tính chất hai mặt của cuộc sống. Việc sử dụng cây để làm nhà ở khiến con người gần gũi với thiên nhiên, nhưng cùng đồng thời con người đã và đang phá hủy tự nhiên, khai thác tự nhiên vì những mục đích cá nhân. Thông điệp bao trùm của Nguyễn Ngọc Lâm trong loạt các tác phẩm điêu khắc này là thiên nhiên là nhà của chúng ta, hãy đưa mắt xuống dưới xem chúng ta đã xa dời mặt đất bao xa rồi, và liệu rằng chúng ta còn có một khả năng quay trở lại là con người bản chất không?

Ảnh 10: Trích đoạn tác phẩm “Thời gian đi qua"

(Tác giả: Nguyễn Huy Tính)

 

Ảnh 11: Tác phẩm “Cây đất Mường” (Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm)

 

Với mục tiêu sáng tác dựa trên sự thể nghiệm, hoạt động của trại sáng tác đã tạo nên các tác phẩm với ngôn ngữ, chất liệu hiện đại, diễn đạt nghệ thuật mới mà không lần theo tính chất lịch sử. Không gian sáng tác với các tác phẩm này sau ngày khai mạc sẽ được giữ nguyên vẹn trong thời gian một năm từ 30/9/2011 đến 30/9/2012. Đây là sự khởi đầu cho việc hình thành một trung tâm hoạt động và sáng tạo dành cho nghệ thuật đương đại tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Khu vực trưng bày và sáng tác này sau đó sẽ được dành cho các nghệ sỹ tới làm việc thường xuyên hằng năm tại Bảo tàng Mường theo hình thức Nghệ sỹ lưu trú (Artist in residence) trong tương lai.