Nội san

PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CẢM THỤ ÂM NHẠC CHO TRẺ MẦM NON 5 – 6 TUỔI TẠI TRƯỜNG MẦM NON PHÚ LƯƠNG, QUẬN HÀ ĐÔNG, HÀ NỘI

23 Tháng Tám 2021

Trần Quỳnh Anh

Học viên K9 - LL và PP dạy học Âm nhạc

 

1. Đặt vấn đề

Đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em ngày nay, nhất là trẻ mầm non, âm nhạc là một hoạt động có vai trò quan trọng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ nhỏ đã cần được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm. Tuy nhiên, để trẻ trong độ tuổi mầm non, nhất là trẻ 5-6 tuổi có thể tiếp thu, hình thành được các kĩ năng thực hành âm nhạc, thậm chí là năng khiếu âm nhạc, việc giáo dục âm nhạc phải bắt đầu từ nội dung và yêu cầu cảm thụ âm nhạc.

Các kĩ năng trong việc cảm thụ âm nhạc của trẻ được phát triển dựa trên nhiều hoạt động học tập khác nhau. Đối với mỗi hoạt động học tập lại cần có những phương pháp, biện pháp nhất định để truyền tải kiến thức, khơi dậy xúc cảm, sự hào hứng và tập trung cũng như hướng dẫn, gợi mở để trẻ có thể chủ động tìm hiểu và nắm bắt kiến thức. Đối với mỗi kĩ năng trong cảm thụ âm nhạc của trẻ cũng cần sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau để trẻ dễ dàng tiếp cận và thu nhận kiến thức.

Trường mầm non Phú Lương - phường Phú Lương - quận Hà Đông - thành phố Hà Nội được thành lập năm 1995 với diện tích 5750 m2. Trường mầm non Phú Lương là một trường công lập trực thuộc UBND quận Hà Đông, được quản lí và chỉ đạo bởi Phòng GD&ĐT quận Hà Đông. Chức năng và nhiệm vụ của Trường là chăm sóc, giáo dục trẻ từ 24 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi theo chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Qua nghiên cứu cơ sở thực tiễn quá trình dạy học âm nhạc tại trường mầm non Phú Lương - Hà Đông - Hà Nội, tác giả đưa ra một số phương pháp, biện pháp dạy học nhằm nâng cao kết quả học tập cũng như phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ mầm non 5-6 tuổi.

2. Một vài phương pháp dạy học cảm thụ âm nhạc cho trẻ mầm non 5 - 6 tuổi tại trường Mầm non Phú Lương

2.1. Phát triển cảm thụ trong nghe nhạc

Nghe nhạc là hoạt động sớm nhất và dễ dàng nhất để trẻ tiếp xúc với âm nhạc. Trong chương trình học Âm nhạc tại trường mầm non Phú Lương, hoạt động nghe nhạc được thực hiện ở hầu hết các giờ học. Tuy nhiên, chủ đề cũng như thể loại còn chưa phong phú, đa dạng, cách thức cũng đơn giản và có phần nhàm chán đối với trẻ. Để hoạt động dạy nghe nhạc cho trẻ đạt hiệu quả cao, cần chú ý tới những phương pháp sau:

2.1.1. Lựa chọn tác phẩm

Nghe nhạc không đơn thuần chỉ là nghe một bài hát thiếu nhi. Lứa tuổi mầm non 5-6 tuổi là lứa tuổi nên được nghe các thể loại khác nhau như bài hát thiếu nhi nước ngoài, dân ca, đồng dao, nhạc không lời, trích đoạn nhạc giao hưởng, âm thanh của các loại nhạc cụ,… để trẻ nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc, có những cảm nhận phong phú và đa dạng về âm nhạc. Trẻ hiểu được thế nào là thể loại âm nhạc dân gian? Thế nào là tác phẩm thiếu nhi? Thế nào là nhạc giao hưởng?... Tác phẩm để trẻ nghe phải là những bài có nội dung đơn giản, dễ nghe, dễ hiểu, phù hợp tâm sinh lí và khả năng nhận thức của trẻ 5-6 tuổi và mang tính giáo dục đạo đức, thẩm mỹ. Qua những tác phẩm đó, trẻ cảm nhận và hiểu được các tính chất, sắc thái như vui vẻ, tha thiết, nhịp nhàng…

2.1.2. Hình thức nghe nhạc

Có rất nhiều cách để trẻ được nghe nhạc một cách sinh động, đa dạng và nâng cao cảm thụ âm nhạc cho trẻ. Với mỗi bài hát, tác phẩm, có thể lựa chọn một hình thức phù hợp hoặc kết hợp nhiều hình thức, phương pháp để trẻ được nghe và có sự so sánh.

Hình thức được sử dụng nhiều nhất chính là trình diễn tác phẩm, đó là một trong những phương pháp dạy học phổ biến trong dạy học môn Âm nhạc. Một hình thức khác cũng thường được sử dụng đó là cho trẻ nghe tác phẩm qua băng, đĩa nhạc hay video ca nhạc. Ngoài ra, để trẻ phát triển cảm thụ âm nhạc một cách toàn diện cũng như hoạt động nghe nhạc của trẻ đạt hiệu quả, nên kết hợp nghe nhạc với vận động theo nhạc đơn giản, ưu tiên sử dụng các động tác mô phỏng nội dung, nhân vật, hình ảnh có trong tác phẩm để trẻ dễ hình dung và ghi nhớ tác phẩm dễ dàng hơn.

2.1.3. Các bước tiến hành

Bước 1: Giới thiệu tác phẩm

Bước 2: Nghe nhạc

Bước 3: Củng cố

2.2. Phát triển cảm thụ trong dạy hát

Ở độ tuổi 5- 6 tuổi, trẻ mầm non không còn xa lạ với hoạt động học hát, trẻ đã có những kinh nghiệm và kĩ năng để thể hiện một bài hát ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, với thực tế dạy học hát ở trường mầm non Phú Lương, hoạt động học hát của trẻ còn khá đơn điệu, chưa tập trung kĩ năng phát triển cảm thụ âm nhạc và chưa tạo được nhiều hứng thú với số đông trẻ.

2.2.1. Lựa chọn tác phẩm

Không nằm ngoài sự phù hợp về tâm sinh lý và khả năng tiếp thu, thực hành âm nhạc của trẻ mầm non 5- 6 tuổi, các bài hát được chọn để dạy hát cho trẻ cũng cần đạt được các tiêu chí về nội dung và hình thức.

2.2.2. Phương pháp dạy hát

Để dạy trẻ hát trọn vẹn một bài hát, đáp ứng yêu cầu về giai điệu, tiết tấu, sắc thái cần rất nhiều phương pháp, biện pháp để hướng dẫn trẻ thực hiện các kĩ thuật liên quan đến ca hát. Tuy ở mức độ đơn giản những cũng cần tạo cho trẻ thói quen và kĩ năng đúng ngay từ đầu để nó trở thành bản năng cho trẻ, có thể áp dụng vào việc học âm nhạc sau này.

Tư thế ca hát và cách lấy hơi 

Khởi động giọng

Hát mẫu

Xử lí sắc thái và kỹ thuật hát cơ bản

Hát theo nhiều hình thức

2.2.3. Cách bước tiến hành

Tương tự như một tiết dạy nghe nhạc, tiết dạy hát cho trẻ mầm non cũng bao gồm có ba phần chính là:

 Bước 1: Giới thiệu bài

Bước 2:  Học bài hát

Bước 3: Củng cố

2..3. Phát triển cảm thụ khi vận động theo nhạc

Cùng với việc được học hát, học nghe nhạc, vận động đối với trẻ là rất quan trọng, nhất là việc vận động có định hướng theo nhạc. Vận động theo nhạc cũng chính là hoạt động phong phú, đa dạng nhất với nhiều cách thức thực hiện, thể hiện sự sáng tạo của cả GV lẫn trẻ mầm non. Bởi vậy, để dạy tốt hoạt động này cũng như phát triển cảm thụ âm nhạc cho trẻ, cần kết hợp đan xen nhiều phương pháp khác nhau.

2.3.1. Vận động minh hoạ

Vận động minh hoạ trở nên hấp dẫn nhờ những hình thức sau:

- Mô phỏng hình tượng

- Sử dụng chất liệu múa dân gian, dân tộc, múa tính cách nước ngoài

- Sử dụng đạo cụ, trang phục, bối cảnh

2.3.2. Vận động theo tiết tấu

Vỗ tay theo tiết tấu chậm

Nói theo nhịp điệu

Vận động cơ thể theo tiết tấu

Sử dụng nhạc cụ gõ

2.4. Phát triển cảm thụ trong trò chơi âm nhạc

“Học mà chơi - Chơi mà học” là một phương pháp giáo dục rất phổ biến ở lứa tuổi mầm non. “Một trong những nét đặc thù của trò chơi là tính tự do, tự nguyện và tính độc lập của trẻ được thể hiện rất cao” [5, tr.148]. Tham gia trò chơi khiến cho trẻ tự giác, yêu thích và hứng thú, bởi vậy những kiến thức, kĩ năng truyền tải trong trò chơi được trẻ tiếp nhận một cách chủ động và tích cực. Phương châm kết hợp giữa học và chơi mang đến cho trẻ cơ hội được trải nghiệm, thực hành và sáng tạo. Trò chơi âm nhạc cũng không còn là hình thức mới mẻ đối với trẻ mầm non vì đây là một hoạt động bắt buộc trong chương trình giáo dục âm nhạc. Trò chơi âm nhạc là hoạt động được trẻ rất yêu thích bởi tính sôi nổi, hấp dẫn, phong phú và mới lạ đối với từng trò chơi khác nhau. Trò chơi âm nhạc là sự kết hợp giữa các hoạt động hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc,… dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm phát triển cảm thụ âm nhạc cũng như nâng cao năng lực hoạt động âm nhạc cho trẻ. Mỗi trò chơi sẽ có cách chơi và luật chơi riêng, miễn sao đáp ứng yêu cầu phù hợp với khả năng, giúp trẻ phát huy và nâng cao được hết các kĩ năng đã được học ở các nội dung trước. Trò chơi âm nhạc còn giúp thay đổi không khí của tiết học, mang lại cho trẻ niềm vui, sự thích thú, khích lệ và động viên trẻ tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tích cực, từ đó mới có đủ kĩ năng để tham gia các trò chơi âm nhạc.

Đối với nhiều tài liệu trước đây, nhiều tác giả phân chia trò chơi theo các nhóm phát triển kĩ năng riêng. Tuy nhiên, nếu tập trung phát triển một kĩ năng nhất định qua một trò chơi thì sẽ khiến cho trò chơi không được linh hoạt và tương tự như việc luyện tập sau mỗi hoạt động. Mục đích tổ chức hoạt động trò chơi âm nhạc là giúp cho trẻ được vận dụng và kết hợp nhiều kĩ năng để tham gia trò chơi, từ đó có thể nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc cho trẻ. Mỗi trò chơi âm nhạc nên kết hợp 2 -3 kĩ năng, trong đó ưu tiên vận động, bởi đây chính là tạo hứng thú cho trẻ, cũng như đóng góp vào việc giúp trẻ một cách toàn diện.

Tóm lại, hoạt động trò chơi âm nhạc dành cho trẻ mầm non vô cùng đa dạng về hình thức thực hiện như: cá nhân, nhóm, tập thể,… Trò chơi âm nhạc đều là những hoạt động sôi nổi, năng động, hấp dẫn và kích thích sự hưng phấn, chủ động tham gia của trẻ. Ngoài việc được rèn luyện và nâng cao cảm thụ âm nhạc và những kĩ năng đã được học trong các nội dung hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc,… trẻ còn được rèn luyện rất nhiều kĩ năng khác như tư duy, phản xạ, kĩ năng hoạt động nhóm, nâng cao thể lực, trí tuệ,… Bởi vậy, tuy là một hoạt động chơi nhưng lại tổng hợp được rất nhiều kiến thức và kĩ năng cho trẻ. GV nên chú ý sáng tạo ra nhiều trò chơi kết hợp được nhiều kĩ năng cho trẻ để nâng cao cảm thụ âm nhạc cho trẻ cũng như mang lại bầu không khí vui vẻ, sôi nổi, hấp dẫn cho trẻ sau các nội dung học khác.

2.5. Phát triển cảm thụ âm nhạc thông qua hoạt động thực tế ngoài trường học

Ngoài các hoạt động học tập và hoạt động ngoại khóa tại trường học. Sự phối hợp của gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ nói chung cũng như tạo điều kiện cho trẻ phát triển hơn nữa đối với từng môn học cũng rất quan trọng. Xã hội ngày càng phát triển, môi trường và phương tiện để trẻ tiếp cận với âm nhạc cũng phong phú và đa dạng hơn, tác động mạnh mẽ tới trẻ.

Ngay trong mỗi gia đình, trong thời gian giải trí, thư giãn mỗi ngày hay vào dịp cuối tuần, trẻ hoàn toàn có thể được xem những chương trình âm nhạc, các cuộc thi tài năng liên quan đến âm nhạc trên truyền hình, mạng internet,… Nhà trường cùng với giáo viên có thể chắt lọc, trao đổi và định hướng với phụ huynh, đưa ra những gợi ý về các nguồn tiếp cận phù hợp với trẻ, vừa giúp trẻ thư giãn vừa mang lại những học hỏi mới lạ, tư duy thẩm mỹ tốt đẹp, phù hợp lứa tuổi, tránh lãng phí thời gian và sa đà vào những thông tin hay chương trình tạp nham, vô bổ khác, ảnh hưởng xấu tới trẻ.

Tại mỗi địa phương, điều kiện để trẻ tiếp xúc với các thể loại âm nhạc khác nhau hay những trải nghiệm thực tế cũng không ít. Văn nghệ quần chúng, lễ hội,… xưa nay vẫn là những hoạt động được tổ chức thường xuyên tại mỗi địa phương. Các chương trình đó cũng đa dạng về thể loại như nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, dân ca, tuồng, chèo, cải lương,… Những thể loại âm nhạc này mặc dù chưa phải là thể loại phù hợp dành cho trẻ mầm non để nghe, để hát thường xuyên nhưng cũng hình thành cho trẻ tư duy thẩm mỹ đúng đắn, giáo dục tư tưởng, tình cảm và được trải nghiệm không khí tưng bừng, ý nghĩa trong mỗi chương trình đó.

Với dân cư ở những khu vực trung tâm hay gần như trung tâm như tại địa phương Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội, các gia đình lại càng có thêm nhiều điều kiện để giúp trẻ tiếp xúc với âm nhạc một cách đa dạng hơn. Trẻ có nhiều trung tâm, câu lạc bộ năng khiếu để giúp trẻ phát triển kĩ năng cũng như cơ hội để thể hiện khả năng của mình. Trẻ được tham gia các cuộc thi bên ngoài trường học để có sự trải nghiệm, cọ xát phong phú, rèn luyện sự tự tin và bản lĩnh sân khấu. Gia đình cũng có thể tạo điều kiện cho trẻ được đi thưởng thức các chương trình hoà nhạc, vũ kịch,… để trẻ được tiếp xúc trực tiếp, được mở mang tầm mắt và có cảm nhận sâu sắc hơn về các thể loại âm nhạc.

3. Kết luận

Các phương pháp, biện pháp bám sát với nội dung chương trình giảng dạy chính thống mà Bộ giáo dục đã đưa ra, do vậy, có tính thực tiễn cao. Dựa trên những đặc điểm của lứa tuổi trẻ mầm non 5 - 6 tuổi về tâm sinh lý, thể chất và khả năng thực hành âm nhạc của trẻ, những phương pháp, biện pháp cụ thể cùng với gợi ý về các bước thực hiện có tính khả thi và có thể áp dụng tốt trong quá trình dạy học âm nhạc tại trường Mầm non Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội. Hơn nữa, việc thay đổi phương pháp dạy học cũng tạo cho trẻ một môi trường học tập hấp dẫn, mới lạ và năng động để trẻ có thêm sự hào hứng, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động học tập trong nội dung chương trình học tập môn Âm nhạc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Múa và phương pháp dạy trẻ vận động theo nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Kim Dung, Trần Phương Hà, Đào Hoàng Mai, Phạm Lâm Nguyệt, Trần Thị Uyên (2014), Giáo án tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc lớp mẫu giáo 5 -6 tuổi, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Hoàng Công Dụng (2014),  Tổ chức cho trẻ mầm non vận động theo nhạc và múa minh họa theo chủ đề, Nxb Giáo dục, Hà Nội

4. Nguyễn Thị Thanh Giang, Hoàng Công Dụng, Hoàng Thị Dinh (2014), Tuyển chọn giáo án cho lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi lĩnh vực phát triển thẩm mỹ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Lê Thu Hương (2010), Hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục trong trường mầm non theo chủ đề (trẻ 5 - 6 tuổi), Nxb Giáo dục, Hà Nội.