Tin tức

Fan cuồng và cú “sốc” chậm về văn hóa

21 Tháng Tư 2012
Nói là cú sốc chậm, là bởi vì đằng sau những bức ảnh chụp cảnh fan (người hâm mộ - BT) cuồng bị đưa đi cấp cứu vì ngất xỉu, hay bị ném đá vào đầu chảy máu ròng trong khi xem thần tượng Big Bang vừa qua, vẫn còn những lời bình kiểu như “chương trình đã thỏa mãn cơn khát của giới trẻ”.

Fan cuồng và cú “sốc” chậm về văn hóa

Chăm sóc fan bị ngất xỉu vì Big Bang. Ảnh: T.H

 

Có thể nói, đó là tính hai mặt của truyền thông: Bên cạnh mặt tích cực, còn có mặt cổ xúy cho những “hình tượng” được thổi phồng lên quá với thực chất, những chương trình giải trí không mang tính nghệ thuật. Cú “sốc” về văn hóa trước fan cuồng Việt là có thật, trong mắt người nước ngoài và trong mắt của xã hội, nhưng không ít người nhận ra cú “sốc” một cách thờ ơ:

Người ta vẫn “sống tốt” nhờ “nhập khẩu” thần tượng về, trong khi ở trong nước chưa có thần tượng thay thế. Người ta vô cảm, vì không hề phản ứng trước cảnh con em, cháu chắt mình lao vào cả một đám đông mấy chục ngàn người để chịu cảnh giẫm đạp, xô lấn, ngạt thở và đành kêu cứu vô vọng. Và chỉ khi không còn “sốc” được nữa, mọi việc mới được nhìn nhận đúng với thực trạng của nó.

Hậu quả của fan cuồng

Nhiều chuyện kinh hoàng của fan cuồng đã được ghi lại từ không ít những chuyến lưu diễn sang Việt Nam của các ca sĩ Hàn Quốc. Chính những “thần tượng” bị đặt nhầm chỗ cũng phải hốt hoảng, thậm chí là khiếp đảm trước cảnh mình được đón tiếp ở sân bay: Đó là cả một đám đông phát cuồng, chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, hò hét, thậm chí kêu cứu... để chỉ để sờ... thần tượng Suju (Super Junior) một lần. Sau đó là cảnh đua nhau chạy theo xe như điên về tận khách sạn. Có cả cảnh... như trong phim, fan trèo lên chặn trước mũi ôtô, đập cửa kính, hay nhoài người ra xe ôtô rượt đuổi chỉ để giơ bảng tên thần tượng rồi hò hét điên cuồng.

 

 

Cảnh tượng đám đông khổng lồ chen chúc khi xem Big Bang (ảnh lớn). Ảnh: T.H

 

Hình ảnh này từng được báo chí Hàn Quốc phản ánh, nhất là khi có fan cuồng chạy lên sân khấu ôm thần tượng làm cô này bị “sốc”. Có cả những fan sẵn sàng “qua đêm” chỉ để kiếm được tấm vé xem ca sĩ Hàn.

Có người nói, trong khi hàng ngàn fan Việt còn đang ngơ ngác chưa kịp tỉnh giấc mộng xem Big Bang diễn, hay chưa hoàn hồn sau vụ ngất xỉu, phải đi cấp cứu, thì các chàng trai trong mộng đã sớm ẵm tiền thù lao 5 tỉ đồng sau 30 phút biểu diễn để ra đi, gương mặt lạnh như tiền vì sợ bị fan đeo bám.

Lý giải về hiện tượng fan cuồng, nhiều nhà tâm lý, xã hội học, văn hóa học vẫn cho nguyên nhân chính vẫn là sức đề kháng của giới trẻ còn thấp, không đủ sức đối đầu hoặc thoát khỏi ảnh hưởng toàn diện của làn sóng văn hóa nước ngoài. Thứ hai nữa, khi không có lý tưởng, khi không có điểm tựa chính đáng về tinh thần, họ vẫn phải sống cuộc sống của người khác, khiến mình lệ thuộc vào thần tượng ngày càng nhiều. Thứ ba nữa, giới truyền thông cũng “góp một phần không nhỏ” trong việc thổi phồng thần tượng, ca ngợi “lên mây” những ngôi sao trong và ngoài nước, “nặn” những ngôi sao ảo.

Cả một thế giới xung quanh đều hướng đến thế giới giải trí, tiêu dùng của Hàn Quốc - từ phim ảnh, truyền hình, chương trình ca nhạc, giao lưu Hàn - Việt, đến mốt quần áo, đầu tóc, album ca sĩ “mượn” ý tưởng, hình ảnh, kiểu nhảy, kiểu khóc, kiểu cười... Hàn Quốc! Khó có thể thoát khỏi sự bủa vây như thế nếu bạn trẻ là người không biết sống độc lập, biết dùng suy nghĩ riêng để điều chỉnh và hiểu mình.

Khi người trong cuộc lên tiếng

Khi đã mượn người khác làm vui cho cuộc sống của mình, khi sống phải theo mốt có thần tượng, có nhóm fan club, thì giới trẻ vẫn có thể làm những điều dại dột nhất chỉ để... giống như thần tượng. Sẽ còn nhiều chuyện, nhiều hậu quả đáng tiếc không chỉ dừng ở vụ “nổ” Big Bang vừa qua, nếu tình trạng fan cuồng không bị ngăn chặn, hoặc ít ra, có được thuốc chữa. Thuốc chữa thì nhiều, nhưng áp dụng thế nào cho nhiều bạn trẻ là điều còn phải bàn dài dài, nhất là trong giáo dục lối sống, trang bị kiến thức bảo vệ mình trước những cơn ngông cuồng thời thượng tập thể. Nhưng ít ra, sự quan tâm của cả xã hội, của bậc phụ huynh, của ngay cả những người quản lý văn hóa, nhà tổ chức biểu diễn, truyền thông... cũng có thể làm được những bước hạn chế fan cuồng đầu tiên.

Thần tượng không có lỗi, chỉ vì họ nổi tiếng quá tầm kiểm soát của một đám đông, của chính họ. Nhưng cũng có không ít người có trách nhiệm đã tìm cách hạn chế tối đa những hành động gây hấn điên cuồng hay những cơn mê muội của fan. Và hình ảnh của họ trước công chúng thuyết phục fan biết kiềm chế cũng là một việc làm hiệu quả. Còn nhớ, khi hàng ngàn người chen lấn, lao lên sân khấu để tiếp cận nhóm Big Bang, khi các MC Việt bất lực, thì một thành viên của nhóm đã kêu gọi khán giả bình tĩnh để buổi biểu diễn được tiếp tục và đám đông fan cuồng phần nào bớt hung hăng.

Đối với các sao trong nước, cuộc chiến giữa các fan club của ca sĩ này, ca sĩ nọ vẫn không ngừng tiếp diễn, để lại những điều tiếng xấu lẫn những cuộc cãi vã thô tục trên mạng, cùng cả những cuộc đụng độ đáng tiếc. Mới đây nhất, trong lễ trao giải thưởng truyền hình HTV ngày 14.4, fan của Mỹ Tâm quá thất vọng trước chiến thắng của Hồ Ngọc Hà mà không phải là thần tượng của mình, đã ném chai nước về phía fan của Hồ Ngọc Hà. Họ cũng làm náo loạn một góc khán đài.

Trước tình trạng mất kiểm soát của fan, ca sĩ Mỹ Tâm buộc phải viết “tâm thư” kêu gọi fan không nên có những hành động quá mức và cho rằng đúng ra cô “nên có những quyết định đúng đắn ngay từ lúc đầu để không phải vô tình đưa khán giả của mình vào những cuộc bình chọn không nên có”. Việc phản ứng nhanh này của cô đã góp phần xoa dịu phần nào nỗi ấm ức của fan. Tuy nhiên, để có được một đội quân hâm mộ có văn hóa là cả một chuyện dài không dễ đối với ca sĩ.

 

Theo laodong.com.vn