Tin tức – Sự kiện

'Phải dạy giáo viên trung thực'

09 Tháng Hai 2013

"ĐH Sư phạm là nền tảng của giáo dục nên phải dạy giáo viên tương lai tính trung thực, không để tình trạng học sinh giơ tay thẳng là thuộc bài, giơ tay cụp là chưa thuộc", PGS Trần Hữu Nghị đề xuất.


Tại Hội nghị chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 sáng 23/1, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng, cách dạy và học ở Việt Nam rất kém so với các nước. Điều này được chứng minh bằng thực tiễn ngay trong gia đình ông.

Hai đứa cháu cùng 6 tuổi, một đứa học trong nước và một đứa sang Australia. Ba năm sau thầy Nghị ngỡ ngàng khi thấy cháu đi nước ngoài có khả năng phân tích mọi việc, còn bé trong nước thì không. Khi cùng đưa hai đứa đến một trung tâm dạy nhảy, về nhà bé học ở Australia tự tin nói ra năm điểm chưa được và hai điểm được của trung tâm, bé còn lại chỉ im lặng.

"Cháu gái đi nước ngoài nói với tôi, cô giáo ở Việt Nam quá nghiêm khắc và có lúc mắng học sinh, còn giáo viên ở Australia thì dễ gần, thoải mái hơn", thầy Nghị kể và cho rằng, các trường sư phạm nên thay đổi cách dạy và học để sinh viên ra trường truyền đạt được kiến thức cho học sinh.

 

Thầy Trần Hữu Nghị cho rằng các trường sư phạm cần dạy giáo viên tương lai đức tính trung thực. Ảnh: Hoàng Thùy.

 

Vị hiệu trưởng khẳng định, giáo viên mới hiện nay không tự tin và tính trung thực không cao. Khi có người dự giờ, giáo viên kiểm tra bài sẽ để học sinh giơ tay, nhưng trước đó đã dặn các cháu nếu biết thì giơ thẳng, không biết thì cụp xuống, cô chỉ gọi những em giơ tay thẳng. Tất cả điều đó vô tình đã dạy học sinh tính không trung thực.

"ĐH Sư phạm là nền tảng của giáo dục nên phải dạy sinh viên trung thực. Nền giáo dục đang có vẻ không tin nhau. Bộ không tin Sở, Sở không tin giáo viên, giáo viên không tin học sinh… Như vậy thì làm sao có thể phát triển", thầy Nghị băn khoăn.

Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Phạm Văn Đại thừa nhận, bên cạnh những thành tích đạt được thì Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu so với trình độ các nước trong khu vực, chưa phù hợp với các vùng miền, cơ sở vật chất chưa đảm bảo và đất dành cho trường học còn thiếu.

Ông Đại cho biết, giáo dục của thủ đô so với cả nước là mũi nhọn, tuy nhiên việc dạy và học trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.

"Năng lực nghề nghiệp của một số nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", ông Đại thừa nhận.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục Nam Định cho rằng, nếu quyết tâm làm thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ có chuyển biến. Ngành giáo dục chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục nên cần đặc biệt chú ý cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên giỏi vào trường sư phạm.

"Chất lượng đầu vào của các trường sư phạm hiện nay thấp. Ông cha ta đã nói có bột mới gột nên hồ, một học sinh trung bình không thể thành giáo viên giỏi sau 4 năm học ở ĐH Sư phạm. Thầy giỏi mới có trò giỏi, không có thầy giỏi thì chất lượng giáo dục không thể chuyển biến", ông Tuấn nói.

Khẳng định trường luôn quan tâm đến việc đào tạo giáo viên giỏi, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho hay trường đang tìm mọi cách để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và thu hút sinh viên giỏi vào học. Tuy nhiên, việc thu hút những em giỏi cần có chính sách ưu tiên đặc biệt.

"Chúng tôi sẵn sàng tham gia đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015", ông Minh nói và đề xuất, cần phải đầu tư thỏa đáng cho các trường đại học trọng điểm về đào tạo giáo viên.

Vị hiệu trưởng cho hay, ông sẵn sàng cam kết trước xã hội về chất lượng đào tạo, nhưng cần có sự thay đổi trong việc công nhận bằng cấp, trong tuyển dụng và sử dụng, không thể đánh đồng chất lượng giữa các trường. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm nhận sinh viên thực tập của các trường, doanh nghiệp vì hiện nay việc liên hệ cho sinh viên sư phạm đi thực tập rất khó khăn.

Tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo các trường, sở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tăng cường đầu tư về tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại và giáo viên mới cho hai ĐH Sư phạm trọng điểm. Bộ trưởng nhắc nhở, lãnh đạo các đại học cần tôn trọng thương hiệu của trường, nếu dễ dãi để sinh viên được bằng giỏi, được một, hai lứa, xã hội sẽ không tin tưởng nữa.

"Bộ đang cân nhắc có nên đặt vấn đề miễn thi cho người được bằng giỏi hay không vì vấn đề này một số trường đang quản lý rất lỏng lẻo", Bộ trưởng Luận nói.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì cho rằng các nhà trường muốn tồn tại phải vươn lên, phải tạo áp lực từ bên trong. Vì giáo dục là đào tạo nhân lực nên phải đánh giá, sàng lọc giáo viên. Sinh viên tham gia đánh giá giảng viên, giáo viên tham gia đánh giá hiệu trưởng, ban giám hiệu, cơ quan quản lý cấp dưới tham gia đánh giá quản lý cấp trên...

"Chính sách đối với cán bộ nhà trường không nên bình quân, thu nhập mỗi người phải phù hợp với hiệu quả đóng góp chứ không đơn thuần là thâm niên, bằng cấp. Trong nhà trường cần có phương châm đổi mới theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa và dân chủ hóa", Phó thủ tướng nói.

Theo vnexpress.net