Tin tức – Sự kiện

Bộ trưởng: 'Chúng tôi vẫn luôn lắng nghe...'

11 Tháng Hai 2013

Dù rất bận rộn với công việc cuối năm - nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vẫn dành cho báo giới buổi trò chuyện điểm lại những việc đã và đang làm. Sâu xa hơn là những trăn trở nâng chất lượng giáo dục mà theo Bộ trưởng "Dù đã có chuyển biến nhưng những yếu kém trong chất lượng giáo dục vẫn là vấn đề lớn của ngành hiện nay."

 


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhìn nhận: 2012 là năm rất khó khăn, nhiều địa phương, nhiều ngành bị cắt giảm ngân sách, nhưng phần đầu tư cho GD vẫn được ưu tiên, chứng tỏ GD là lĩnh vực được coi trọng. Sự quan tâm của người dân, của các gia đình, các phụ huynh học sinh cho con em mình cũng là sự hỗ trợ, động viên lớn đối với ngành...

 

 

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bất cập của giáo dục vẫn còn

- Thưa Bộ trưởng, ngày thường người dân có ấn tượng về Bộ trưởng là người điềm đạm, có thể nói là hiền. Nhưng mới đây, tại hội nghị ngân sách giáo dục và một số hội nghị khác, Bộ trưởng đã có những phát biểu rất mạnh mẽ. Phải chăng Bộ trưởng đã thay đổi?

Tôi vẫn như trước, không thay đổi gì cả. Câu hỏi này làm tôi nhớ lại lúc tôi làm việc ở Trường ĐH Thương mại cũng có hai dòng ý kiến khác nhau. Một số người nói tôi rất hiền, một số khác lại nói tôi cứng rắn và quyết liệt.

Trên thực tế, với những việc không thuộc về nguyên tắc, không phải là bản chất cốt lõi và có thể nhân nhượng, bỏ qua được thì tôi cho qua ngay một cách nhẹ nhàng. Còn những gì thuộc về nguyên tắc và bản chất của vấn đề thì tất cả mọi người, trong đó có tôi, phải thực hiện nghiêm túc, không thể tuỳ tiện hay xuê xoa được.

- Nhưng các thông điệp tại Hội nghị cho thấy Bộ trưởng quyết liệt hơn?

Đúng là những quyết định của Bộ thời gian gần đây mạnh mẽ hơn. Theo tôi, đó là kết quả của việc học tập, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, là kết tinh trí tuệ của tập thể chuyên gia và cán bộ quản lý trong ngành và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết TW4, chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm rất sâu sắc và nghiêm túc về trách nhiệm của tập thể và cá nhân Ban Cán sự Đảng Bộ cũng như trách nhiệm của các vụ, cục trước tình hình của ngành hiện nay, đặc biệt là trước đòi hỏi của nhân dân.

Trên cơ sở thống nhất về tư tưởng, với sự quyết tâm cao, chúng tôi phải hành động. Cần nói thêm là những quyết định mới ban hành trong mấy tháng qua cũng nằm trong chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị TW 6 của Đảng về giáo dục đào tạo.

- Việc chuyển trạng thái như vậy chắc hẳn Bộ trưởng đã có khoảng thời gian dài trăn trở với các vấn đề của giáo dục...Bộ trưởng có thể chia sẻ những trăn trở hiện tại?

Tôi trăn trở nhiều và chưa khi nào hết trăn trở để nâng cao chất lượng giáo dục. Những yếu kém, bất cập của giáo dục vẫn còn. Những chuyển biến của ngành, nhất là về chất lượng, đã có nhưng chưa đồng đều và chưa mạnh mẽ; kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo lỏng lẻo và còn bị vi phạm. Lòng tự trọng và tự hào nghề nghiệp của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được phát huy...

 

Sẽ rà lại chương trình đào tạo sư phạm

- Khi bàn đến chất lượng giáo dục thì yếu tố con người là quan trọng số một. Nhưng chế độ lương cho nhà giáo hiện vẫn chưa đảm bảo để họ toàn tâm với công việc. Năm tới Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì để nâng chất lượng đời sống nhà giáo, thưa Bộ trưởng?

Tôi nhất trí với quan điểm con người là yếu tố quan trọng số một quyết định chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thì phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có cả công tác bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm, đảm bảo đời sống vật chất và tôn vinh giá trị tinh thần đối với họ.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, đối với hiệu trưởng, tiếp tục duy trì những cuộc vận động nhằm kêu gọi các nhà giáo trở thành tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức bồi dưỡng và đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ sẽ cùng hai trường ĐH sư phạm trọng điểm rà soát lại chương trình đào tạo để sản phẩm của trường sư phạm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.

Về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, hiện nay có bất cập là cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp thâm niên, trong khi nhiều người trước khi làm quản lý đã là giáo viên xuất sắc, có cống hiến lâu năm. Bất cập này đã được bàn bạc, thảo luận kỹ trong Chính phủ nhưng chưa giải quyết được vì vướng các quy định của Luật công chức. Sau khi cân nhắc, Thủ tướng Chính phủ đã có giải pháp cho phép cán bộ quản lý được bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm, kể từ ngày làm quản lý.

 

 

 

"Hy vọng tới đây việc cải cách đề án tiền lương sẽ có điều chỉnh mang tính lâu dài hơn đối với lương và phụ cấp nhà giáo" - lời Bộ trưởng.

 

Hy vọng tới đây việc cải cách đề án tiền lương sẽ có điều chỉnh mang tính lâu dài hơn đối với lương và phụ cấp nhà giáo.

Một bất cập khác mà Bộ GD-ĐT đang nỗ lực làm việc với các bộ, ban ngành để giải quyết là vấn đề phụ cấp thu hút đối với giáo viên làm việc tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Phụ cấp này hiện được cấp trong 5 năm với tính toán rằng, sau 5 năm các thầy, cô giáo sẽ được luân chuyển về tuyến sau.

Nhưng trên thực tế, rất nhiều giáo viên sau 5 năm không thể luân chuyển về vùng thuận lợi mà vẫn tiếp tục công tác ở vùng khó khăn, nhưng không được hưởng phụ cấp thu hút. Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục có phụ cấp cho các nhà giáo này để tôn vinh họ, đồng thời khắc phục bất hợp lý khi nhà giáo có thâm niên làm việc lâu năm ở vùng sâu vùng xa lại có thu nhập thấp hơn nhà giáo vừa ra trường lên công tác ở cùng trường.

Đối với học sinh, theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, ngày 24/01/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ban hành chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm là cùng với việc chăm lo cho đời sống giáo viên, chúng tôi cũng rất trăn trở với tình trạng học sinh thiếu ăn, thiếu mặc ở những vùng sâu, vùng cao. Mặc dù ngành đã phát động phong trào hỗ trợ các em để thực hiện "ba đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đi học), nhưng sắp tới chúng tôi sẽ phải phối hợp tốt hơn với các ban, ngành ở trung ương và các địa phương để giúp các em vượt khó đến trường, giảm bớt một phần vất vả thiếu thốn cho các em.

Bộ vẫn luôn lắng nghe và tiếp thu...

- Theo chỉ đạo của Hội nghị TƯ 6, đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT” tiếp tục phải hoàn thiện. Vậy lộ trình hoàn thiện đề án cũng như lộ trình xây dựng chương trình- sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 như thế nào?

Hội nghị TƯ 6 chưa thông qua nghị quyết về giáo dục, do còn có nhiều ý kiến khác nhau. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thiện, bổ sung đề án để báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tổng kết sâu sắc hơn các bài học kinh nghiệm của nền giáo dục Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong 20 năm đổi mới, đồng thời cũng nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm của các nước và tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục có uy tín trong nước. 

Về đổi mới CT-SGK sau năm 2015, hiện nay chúng tôi đang xử lý các thông tin khá phong phú có được về nền giáo dục phổ thông và CT-SGK của các nước đi trước, đặc biệt là nền giáo dục của các nước có điều kiện kinh tế - xã hội gần với chúng ta để rút ra bài học kinh nghiệm, cái gì nên học tập, cái gì nên tránh.

Đồng thời, chúng tôi đúc rút các kinh nghiệm và bài học của các đợt thay đổi CT-SGK trước đây để cái gì hay và tốt thì tiếp tục duy trì, cái gì chưa tốt hoặc không còn phù hợp thì sẽ khắc phục, thay đổi. Chúng tôi đã có bộ máy, nhân sự đã hình thành bước đầu và sẽ được bổ sung từng bước. Công việc này hiện nay đang được triển khai tích cực, khẩn trương.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

                                                                                                                                  Theo vietnamnet.vn