Tin tức – Sự kiện

Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài

19 Tháng Năm 2013

HỒ CHÍ MINH, vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam rất coi trọng vị trí của trí thức trong lịch sử dân tộc. Từ khá sớm, trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản năm 1923, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã kích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ" (1). Mùa xuân năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời.

 

Ðộc lập tự do là tư tưởng cốt lõi, lực lượng cách mạng không chỉ bao gồm công nhân, nông dân mà còn phải có tiểu tư sản, trí thức... - những điều đó được khẳng định trong Cương lĩnh đầu tiên của Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Ðến phong trào cách mạng "Ðánh Pháp đuổi Nhật" giành độc lập tự do những năm 1941 - 1945, nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân được mặt trận dân tộc rộng rãi Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo tổ chức toàn dân đồng tâm tiến hành. Hội Văn hóa cứu quốc, thành viên của Việt Minh, ra đời năm 1943 đã tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thức vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội Văn hóa cứu quốc cuốn hút ngày càng rộng rãi học sinh, sinh viên, trí thức tư sản trong các thành phố hướng theo phong trào Việt Minh. Với sự giúp đỡ của Việt Minh, Ðảng Dân chủ Việt Nam tập hợp nhiều trí thức yêu nước được thành lập ngày 30-6-1944, tự nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh.

Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Cuộc tổng khởi nghĩa dân tộc đã diễn ra thắng lợi trong toàn quốc. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số Ủy viên Việt Minh đã tự nguyện rút ra để mời thêm một số nhân sĩ, trí thức tham gia để cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề của quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ... và nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên cộng sản như: Dương Ðức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ðình Hòe, Ðào Trọng Kim...

Những năm đầu tiên của chính quyền cách mạng, vận mệnh độc lập tự do của dân tộc vừa mới giành lại được đã đứng trước nguy cơ mất còn. Lịch sử đặt ra những thách thức lớn với trí tuệ, bản lĩnh của Ðảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là phải lãnh đạo và tổ chức toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Với tầm nhìn chiến lược về nhiệm vụ kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo công việc kiến thiết ngay sau khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều" (2).

Theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ, sau khi hỏi ý kiến của các nhà trí thức, thân sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (gồm 50 thành viên là các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, các bộ trưởng và thứ trưởng) để nghiên cứu một kế hoạch kiến thiết quốc gia và dự thảo những đề án kiến thiết đệ trình lên Chính phủ. Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết đã góp phần động viên và tạo cơ sở pháp lý để các trí thức, nhân sĩ yêu nước phát huy tài năng của mình vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Các nhân sĩ trí thức, hiền tài của dân tộc, đã hưởng ứng lời tìm mời trân trọng người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao, nhất là về chính trị. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã được Quốc hội khóa 1 bổ nhiệm vào Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ. Nhà trí thức nổi danh Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu giữ cương vị Trưởng ban Thường trực và các Ủy viên chính thức là Bùi Bằng Ðoàn, Hoàng Văn Ðức, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Ðức Hiền... Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ðặng Thai Mai: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Vũ Ðình Hòe: Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trần Ðăng Khoa: Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính...

Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhiều nhà trí thức đã được Chính phủ cử tham gia các đoàn đàm phán... Tại Hội nghị đàm phán chính thức Việt- Pháp ở Phông-ten-nơ-blô tháng 7-1946, đoàn Việt Nam có Phạm Văn Ðồng là trưởng đoàn và các đoàn viên gồm: Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Ðặng Phúc Thông, Vũ Văn Hiền, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiện Lộc, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Bửu Hội, Nguyễn Mạnh Gia, Phạm Khắc Hòe, Hoàng Văn Ðức, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Ðệ, Hồ Ðắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Chu Bá Phượng và Vũ Trọng Khánh.

Trên lĩnh vực giáo dục Chính phủ đã tạo dựng ngay nền giáo dục dân tộc dân chủ của nước Việt Nam độc lập, tự do. Theo quyết định của Chính phủ, Ðại học Việt Nam dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa đã khai giảng khóa học đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến chủ tọa buổi lễ. Ðại học Việt Nam gồm có Y khoa, Khoa học, Văn học, Chính trị xã hội, Mỹ thuật. Chính phủ đã lập Ðại học vụ do Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Giám đốc, Thạc sĩ Ngụy Như Kon Tum làm Phó Giám đốc. Việc lựa chọn, bổ nhiệm giám đốc, giáo sư, giảng viên do Chính phủ bàn định và nếu cần có thể mời giáo sư nước ngoài vào dạy. Giáo sư Ðặng Thai Mai được bổ nhiệm hàm Giám đốc Ðại học Văn khoa. Chính phủ đã chọn cử các ông Cao Xuân Huy, Ðặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Ðức Nguyên (Hoài Thanh) làm giáo sư Văn khoa Ðại học và các ông Ðào Duy Anh, Cù Huy Cận, Trần Văn Giáp, Ngô Xuân Diệu, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Ðình Thi và Ðoàn Phú Tứ giảng về những vấn đề đặc biệt trong chương trình Ðại học Văn khoa...

Trải qua hơn một năm hoạt động của Chính phủ trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao đã đưa đất nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo để tiếp tục tiến lên. Ðây là một thắng lợi lớn của nghệ thuật kết hợp kháng chiến và kiến quốc. Kiến quốc thắng lợi là sự nghiệp của toàn dân, trong đó nhân tài của dân tộc có ý nghĩa quyết định. Trí thức là vốn quý của dân tộc, không có trí thức đi cùng với công nông thì cách mạng cũng không thắng lợi và kiến quốc không thể thành công được song vai trò trí thức của trí thức có phát huy được hay không luôn luôn phụ thuộc vào đội tiên phong cách mạng của dân tộc đứng đầu của một lãnh tụ anh minh. Trí thức, nhân tài Việt Nam được phát huy thắng lợi trên mặt trận kiến quốc trong năm đầu của sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập tự do tiếp tục diễn ra trên các chặng đường tiếp theo dưới tay lái tài tình của Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc.

PGS, NGND LÊ MẬU HÃN

Theo nhandan.com.vn