Tin tức – Sự kiện

Giảng viên nghệ thuật lương không đủ sống vẫn bám trụ với nghề

15 Tháng Chín 2013
Mức lương giảng dạy thấp không đủ tiền đi taxi, nhưng những tên tuổi hàng đầu như Lan Anh, Lê Xuân Hảo, Tân Nhàn, Bùi Công Duy… vẫn không có ý định thôi việc.

 

 

Quyết định giã từ nghề giáo của Trọng Tấn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. 

Một cán bộ nhà trường cho biết, Trọng Tấn thôi giảng dạy để tập trung chạy show. “Lương giảng viên của Trọng Tấn tầm 4 triệu đồng; trong khi đó, một show diễn của anh ấy ở Hà Nội có giá dao động 12-15 triệu đồng. Nếu Trọng Tấn đi chạy show tỉnh, giá một chương trình có thể lên tới 50 triệu đồng. Như vậy, thu nhập hát bên ngoài một ngày của Trọng Tấn có thể bằng một năm giảng dạy” - vị này bình luận.

tan01-3657-1379067556.jpg
Trọng Tấn đang là ca sĩ nhạc đỏ có mức cátsê cao hàng đầu.

Lương giảng viên không đủ tiền đi taxi

Không chỉ Trọng Tấn, nhiều nghệ sĩ khác cũng đang sống trong tình trạng thu nhập từ công việc chính là giảng dạy không đủ trang trải cuộc sống, mà chủ yếu trông chờ vào tiền cátsê biểu diễn. Phạm Thu Hà từng là giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Mức lương giọng ca Lụa trong năm đầu giảng dạy là 1,7 triệu đồng một tháng. “Tính thêm cả thưởng thì tổng thu nhập một tháng của tôi ở trường là hơn 2 triệu đồng, tiền taxi cho việc đi dạy thì đã hơn 3 triệu đồng” - Phạm Thu Hà chia sẻ.

Các giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có mức lương trung bình cao hơn tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Mức lương tháng của Tân Nhàn là 4,3 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập một show của chị có thể gấp 5 lần mức lương này. Trưởng khoa Violin như Bùi Công Duy hưởng bậc lương 3,6 (khoảng 4 triệu đồng) dù cátsê cho mỗi show biểu diễn trong và ngoài nước của tài năng nhạc cổ điển này lên tới hàng nghìn USD.

Nhiều nghệ sĩ khác như Lan Anh, Lê Anh Dũng từ lâu không quan tâm tới mức lương giảng viên thanh nhạc của mình. Lan Anh cho biết, có khi cả năm chị mới xem đến tiền lương trong thẻ; trong khi Lê Anh Dũng chia sẻ: “Lương giảng viên không đủ lo cho cuộc sống. Thu nhập chính của tôi là từ biểu diễn, một ngày chạy show thu nhập bằng nhiều tháng lương. Nhiều nghệ sĩ cũng giống tôi, sống chính bằng chạy show, còn lương dạy chỉ là sự khích lệ mang ý nghĩ tinh thần nhiều hơn vật chất”.

Mức lương của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hiện cao nhất trong số các trường nghệ thuật công lập. Lê Xuân Hảo cho biết, lương tháng hiện tại của anh ở mức 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương này cũng chưa bằng trị giá một show diễn trong nội thành. “Nếu chạy show tỉnh thì cátsê của chúng tôi sẽ ở mức gấp đôi hoặc gấp ba” - giải nhất Sao Mai dòng nhạc thính phòng 2009 tiết lộ.

lan-anh-01-9144-1379067556.jpg
Là giọng ca hàng đầu dòng nhạc thính phòng, Lan Anh mong muốn truyền lại kinh nghiệm của mình cho thế hệ đàn em.

Không bỏ việc vì đam mê truyền nghề

Tuy thu nhập thấp, nhưng các nghệ sĩ nổi danh làm giảng viên vẫn không có ý định bỏ việc. Lê Anh Dũng chấp nhận làm giảng viên hợp đồng ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mấy năm nay. Vợ chồng Tân Nhàn - Tuấn Anh được cha mẹ định hướng từ khi mới lấy nhau rằng việc giảng dạy và biểu diễn đều đáng quý như nhau. Trong khi Tân Nhàn dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia thì chồng chị cũng miệt mài với việc đứng trên bục giảng Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Lan Anh cho biết, chị mơ ước được làm giảng viên từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Phạm Thu Hà sau khi hoàn thành luận văn cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng mong muốn đi dạy trở lại. Vợ chồng Bùi Công Duy - Trinh Hương về Việt Nam để được giảng dạy, thay vì chỉ được biểu diễn nếu ở lại Nga.

Hầu hết nghệ sĩ khi được hỏi về lý do gắn bó với nghề giáo đều chia sẻ, họ làm việc không quan tâm tới mức lương bổng hạn chế mà vì say mê với nghề, mơ ước được truyền đạt kiến thức tới lớp đàn em kế cận. “Làm giảng viên và nghệ sĩ trên sân khấu là hai công việc khác biệt, nhưng lại bổ trợ cho nhau. Nghệ sĩ biểu diễn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để truyền cho học sinh và ngược lại, công việc giảng dạy giúp mình phát triển trong nghề nghiệp” - Lan Anh chia sẻ.

Lê Anh Dũng quyết tâm ở lại trường giảng dạy vì thấy mình có được một vị trí trong nghề, được mọi người tôn trọng và có môi trường rèn giũa, phát triển sự nghiệp. Bùi Công Duy tâm sự, anh chưa bao giờ nghĩ tới việc xin khỏi trường vì lương thấp. “Môi trường học viện mang tới những giá trị nhất định mà ở ngoài không có. Làm giảng viên không kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng tôi được làm nghề, giao lưu với những người có trình độ cao, đó là những điều mà không phải cứ bỏ tiền ra là có” - Bùi Công Duy bàn về lợi ích khi là một giảng viên.

02-1378289504-8218-1379067556.jpg
Vợ chồng Trinh Hương - Bùi Công Duy đều đang là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Cân bằng giữa giảng dạy và biểu diễn

Các nghệ sĩ sau khi ra trường, người trở thành nghệ sĩ tự do, người về các đoàn nghệ thuật, người ở lại trường giảng dạy. Với những giảng viên không có cơ hội đứng trên sân khấu, họ chọn cách tăng thu nhập cuộc sống bằng việc dạy tại gia hoặc viết sách. Những người may mắn vừa đi dạy vừa biểu diễn phải đảm bảo làm tốt được cả hai công việc. Theo Lan Anh, phải đặt trách nhiệm của một người thầy lên hàng đầu, nếu chương trình biểu diễn ảnh hưởng tới việc dạy thì cho học sinh học bù, nhưng không bao giờ được làm mất buổi học của các em, không được để các em thiệt thòi. Tân Nhàn luôn cố gắng lên kế hoạch thật khoa học để không bị chồng chéo giữa lịch giảng dạy và biểu diễn. Tuy nhiên, cũng có lần chị phải hủy show, thậm chí đền tiền cho ông bầu vì lịch diễn rơi vào ngày thi của sinh viên.

Lê Xuân Hảo luôn cố gắng sắp xếp việc giảng dạy và biểu diễn để không bị hụt hẫng. “Quá chuyên tâm biểu diễn, bỏ giảng dạy hoặc chuyên tâm giảng dạy mà lỡ mất việc biểu diễn đều không tốt. Quan trọng là ngôi trường người nghệ sĩ đang công tác phải biết tạo điều kiện cho họ. Không thể yêu cầu nghệ sĩ đi đúng giờ, đúng quy định vì với nghệ sĩ, quan trọng là hiệu quả công việc mang lại chứ không phải thời gian” - Lê Xuân Hảo tâm sự. Bùi Công Duy thì cho biết, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, các nghệ sĩ có thể linh động thời gian giảng dạy hoặc nhờ đồng nghiệp hỗ trợ. Nếu đi lưu diễn trên hai ngày mới phải báo cáo nhà trường.

 

Theo Vnexpress.net