Tin tức – Sự kiện

Các trường có thể “bắt tay” tổ chức thi chung

14 Tháng Mười Hai 2013
 

 

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: VA

 

(ĐCSVN) - Năm 2014, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”, nhưng đồng ý cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) được phép tuyển sinh riêng nếu những trường này có đề án tuyển sinh riêng phù hợp với yêu cầu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn lộ trình giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường vào năm tới?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Căn cứ vào Luật giáo dục đại học và Nghị quyết Trung ương 8 xác định “Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”. Do vậy, các trường được tự chủ và tùy theo mục tiêu đào tạo của mình để thực hiện tuyển sinh cho phù hợp, chứ không thể lấy cùng một thước đo cho nhiều ngành đa dạng như hiện nay.

Để chuyển việc tuyển sinh từ Bộ tổ chức sang các trường tự thực hiện cần phải có những nguyên tắc để đảm bảo việc chuyển đó thật sự an toàn, không gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, tức là các trường có nhiệm vụ phải thực hiện tự chủ tuyển sinh theo lộ trình, bây giờ là các trường phải làm chứ không phải xin làm nữa. Bộ chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.

Mặt khác, để giúp các trường chưa thực hiện được tuyển sinh riêng, thì trong vòng 3 năm tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. Trường nào muốn sử dụng kết quả “3 chung" của Bộ thì phải đăng ký trước với Bộ và Bộ không bắt buộc.

PV: Vậy các trường muốn tuyển sinh riêng vào năm tới sẽ phải chuẩn bị những gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các trường muốn được phép tuyển sinh riêng phải lập một đề án tuyển sinh riêng, trong đó phải làm rõ mục đích của phương án tuyển sinh; nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh; phương thức tuyển sinh. Nội dung đề án tuyển sinh sẽ do các trường tự lựa chọn, ví dụ trường chọn phương án thi tuyển thì phải xác định môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi; lực lượng giáo viên ra đề thi đối với từng môn thi cụ thể; lực lượng giáo viên chấm thi đối với từng môn cụ thể; lực lượng giáo viên coi thi; điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển; công tác thanh tra, giám sát kỳ thi…, quan trọng nhất là điều kiện để đảm bảo nguồn tuyển.

Ngoài ra, trong đề án các trường tuyển sinh riêng cần nói rõ thời gian thi, lịch thi cho học sinh biết, chính sách ưu tiên phải thật chi tiết. Trong các tiêu chí về đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện việc tuyển sinh riêng của các trường cần nói rõ, ví dụ: Trường tổ chức thi bằng cách phỏng vấn, vậy phỏng vấn với vài trăm thí sinh phải như thế nào, với 10.000 thí sinh phải như thế nào, phải có tính khả thi.

Mỗi trường phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng và được Bộ GD&ĐT xác nhận bằng văn bản là đáp ứng các yêu cầu, ở đây không có chuyện “xin - cho” nữa mà nhiệm vụ các trường phải thực hiện, Bộ là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ phê duyệt đề án mà thôi.

PV: Thứ trưởng đề cập nhiều đến vấn đề Bộ GD&ĐT sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các trường thực hiện tự chủ trong tuyển sinh. Vậy “cơ chế mở” ở đây là gì?

Thứ trướng Bùi Văn Ga: Các trường có thể lựa chọn và quyết định 1 trong 3 phương án: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Ngoài 3 phương thức tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục đại học nêu trên, các trường có thể bổ sung thêm các hình thức kiểm tra thông qua: Phỏng vấn; Viết luận; Thực hành; Kiểm tra năng khiếu…

Các trường có thể thỏa thuận với trường khác mà trường đó có đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT xác nhận là đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn, trường yếu liên kết trường mạnh hay những trường có cùng ngành đào tạo thì “bắt tay” cùng tổ chức thi và sử dụng chung kết quả. Như vậy, Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện tối đa cho các trường thi riêng.

Thế nhưng, các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức. Các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ GD&ĐT tạo qui định; Kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành; những khoa, ngành tuyển sinh riêng thì không sử dụng kết quả kỳ thi “3 chung”.

Khi thi chúng ta phải có một tiêu chí để trúng tuyển, thi chung đã có chuẩn chung, thi riêng phải có chuẩn riêng, vậy hai chuẩn này không thể kết hợp với nhau được. Do đó, Bộ có mở thêm trường hợp, các trường có thể thỏa thuận với nhau để thi chung.

PV: Thứ trưởng bình luận gì khi hiện nay các trường công lập không “mặn mà” với phương án tuyển sinh riêng, mà chủ yếu phương án tuyển sinh riêng nằm ở các trường ngoài công lập?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với việc tổ chức thi “3 chung” như mọi năm thì các trường tốp trên rất yên tâm không suy nghĩ về tuyển sinh riêng. Cái khó nhất là làm đề thi thì Bộ GD&ĐT đã làm cho các trường, họ không thiếu nguồn tuyển. Nếu làm riêng thậm chí sẽ có nhiều rủi ro hơn nên các trường không muốn tuyển sinh riêng là vì thế.

Nhưng hiện nay thực hiện Luật giáo dục đại học thì bắt buộc các trường phải suy nghĩ tới phương án tuyển sinh riêng, vì mỗi trường sẽ có mục tiêu đào tạo khác nhau: cơ khí, kinh doanh, ngân hàng, điện…, do đó lãnh đạo các trường phải cân nhắc tìm phương án tuyển sinh nào phù hợp cho trường mình để chọn đúng người có năng lực vào học ngành mà trường có.

Như vậy, đối với các em thi vào lớp 10 năm tới (năm 2014) cũng phải hình dung phương án thi tuyển sinh khác đi để có tinh thần tốt nhất. Cần nhắc lại, trong giai đoạn chuyển giao này Bộ vẫn tổ chức thi “3 chung” để giúp cho các trường, thí sinh bớt lo lắng.

PV: Vậy chúng ta có thể kiểm soát chất lượng đầu vào của thí sinh thế nào khi thực hiện tuyển sinh riêng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc chuyển giao từ thi “3 chung” sang thi tuyển sinh riêng là một lộ trình. Đây cũng là lúc chúng ta kết thúc sứ mệnh lịch sử của “3 chung”. Có thể khẳng định “3 chung” đã hoàn thành tốt trong những năm qua. Đặc biệt khi chúng ta bước sang giai đoạn thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì bức tranh hình thức tuyển sinh sẽ có nhiều thay đổi, và chắc chắn ba chung như hiện nay không cần thiết nữa.

Khi Bộ trao quyền tự chủ cho các trường thì sẽ gắn liền với tự chịu trách nhiệm với xã hội. Tuyển như thế nào để đảm bảo nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng là của trường đó, tên tuổi của trường đó. Nhà trường tồn tại thế nào phải bằng chất lượng thực của nhà trường, tuyển sinh chất lượng đầu vào là một yếu tố của quá trình đó.

Mỗi một phương án tuyển sinh đều có điểm mạnh, điểm yếu, “3 chung” cũng có nhiều cái mạnh nhưng cũng có cái yếu, thi riêng cũng sẽ có những điểm như vậy. Do đó, không có phương thức tuyển sinh nào là hoàn hảo. Như vậy, song song với việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi chung thì các trường vẫn có thể tổ chức thi riêng cùng với đợt của Bộ. Bộ sẽ đề ra một số đợt tuyển sinh và các trường sẽ đăng kí vào từng đợt này. Đợt đó như thế nào chúng tôi sẽ hỏi ý kiến hiệu trưởng các trường trong Hội nghị hiệu trưởng sắp tới.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Theo dangcongsan.vn