Tin tức

Xung quanh phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn về việc thí sinh Trần Thị Quỳnh đeo dải băng sai tên nước, Nhà sử học Dương Trung Quốc: Phát biểu với những lời lẽ như vậy để làm gì

24 Tháng Mười Hai 2013

Sau sự việc tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới 2013 diễn ra tại Quảng Châu (TQ), thí sinh VN Trần Thị Quỳnh đã có một sơ suất đáng tiếc là đeo dải băng do BTC cuộc thi chuẩn bị ghi sai tên nước (Mrs.Vietnam thành Mrs.Vietnem).

 

Mặc dù BTC cuộc thi đã công khai xin lỗi và Trần Thị Quỳnh cũng đã có tâm thư xin lỗi nhưng dư luận trong nước vẫn nghiêm khắc phê phán việc để xảy ra sơ suất này. Trong ý kiến của mình, ông Nguyễn Thanh Sơn, tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gọi đây là một sự “sỉ nhục”, tuy nhiên ông cũng lại “thấy rất buồn cười, mà buồn cười là còn nhẹ, không biết quảng cáo cho nem rán VN hay là hãng Nem quần áo…”.

Xung quanh câu chuyện này, nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh), đại biểu Quốc hội đã có cuộc trao đổi dưới đây với P.V Báo Văn Hóa. 

Trước sự việc thí sinh Trần Thị Quỳnh tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới 2013 đã đeo băng ghi sai tên nước và cầm cờ ngược, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã có ý kiến cho rằng đó là “sự sỉ nhục”. Xin ông cho biết ý kiến của mình trước sự việc này?

- Đây là điều rất đáng tiếc và phía BTC cuộc thi cũng đã có lời xin lỗi, đương nhiên về phía BTC của VN cũng phải rút kinh nghiệm. Nhưng rõ ràng đây là điều bất khả kháng, vì nó diễn ra trong tình huống rất khó xử, hơn nữa đây lại là quan hệ quốc tế có nhiều vấn đề tế nhị, nhạy cảm. Trong sự việc này, tôi nghĩ, phía Trung Quốc hoàn toàn sơ suất thì lời xin lỗi đã đủ chưa, còn nếu có ý đồ gì xấu chăng (?) thì người có ý kiến phải là Bộ Ngoại giao. Vì đây là điều hết sức tế nhị. Ở đây đúng là phải rút kinh nghiệm nhưng liệu có cần thiết phải đưa lên báo chí với thái độ như vậy không? Vì người ta cũng có thể nhắc lại không ít những sai sót của chúng ta…

Theo ông, đây là sơ suất chủ quan hay khách quan?

- Tôi cho rằng bản thân sự việc này là sai và có thể hiểu là xúc phạm cũng được nhưng cũng có thể hiểu là nhầm lẫn cũng được, và khi sự việc đã xảy ra rồi thì đương nhiên phải rút kinh nghiệm. Tôi nghĩ bên ngành ngoại giao có thể gửi văn bản cho Bộ VHTTDL và hai bên có thể trực tiếp gặp nhau để trao đổi sự việc. Phát biểu với những lời lẽ như vậy để làm gì?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng đây là sự “sỉ nhục”. Quan điểm của cá nhân ông về nhận xét này?

- Dưới góc độ của tôi thì nhận xét này gây một sự phản cảm lớn. Nhưng có nên đặt vấn đề như vậy để đùn đẩy trách nhiệm hay không? Tôi cho rằng trong việc này trách nhiệm không chỉ có ngành văn hóa. Bởi những hoạt động văn hóa của VN ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao phải tham gia vào theo dõi chứ không phải riêng ngành văn hóa. Vì thế, theo tôi phải có sự kết hợp với nhau, cùng nhau giải quyết để làm cho tốt hơn. Còn những sai sót có thể ở phía này hay phía kia và chúng ta phải tìm cách khắc phục nó.

Đơn vị đưa thí sinh đi cũng đã có giải trình, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Đương nhiên là phía đơn vị đưa thí sinh đi cũng phải thấy lỗi của mình. Lỗi ở đây là cách ứng xử hoặc cũng có thể là vô tình không phát hiện ra (đôi khi người ngoài nhìn vào thì thấy ngay, còn người trong cuộc chưa chắc đã thấy), nhưng cũng phải nhận lỗi dù lỗi đó không phải do mình gây ra. Nó thể hiện thái độ, ý thức vì thế là rất cần thiết. Còn quy kết trách nhiệm thì phải làm theo những chuẩn mực đã có và quan trọng nhất là sau vụ việc này sẽ không để xảy ra vụ việc khác.

Vậy theo ông, cách xử lý tốt nhất là thế nào đối với vụ việc này?

- Phía BTC phải có xin lỗi bằng văn bản và phía VN cũng phải thể hiện rõ trách nhiệm bằng văn bản để cho BTC biết là lỗi này gây hậu quả rất xấu.

Có ý kiến đã “đẩy” chữ “VietNem” thành “Nem rán của VN”, ông nhìn nhận việc này thế nào?

- Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề hài hước mà nó rất nghiêm túc và ai cũng hiểu rằng đó chỉ là vô tình hoặc vô tình do lỗi chính tả. Chúng ta cũng thấy, ngôn ngữ của nước chủ nhà rất khác với của ta và sự nhầm lẫn này cũng có thể xảy ra, nhưng dù là vô tình xảy ra thì nó cũng phải được giải quyết một cách triệt để, đó là xin lỗi với thái độ chân thành. Một mặt chúng ta thấy lỗi của họ nhưng chúng ta cũng phải soi vào lỗi của chúng ta. Tuy nhiên, có đến mức độ phải chỉ trích đến như thế không? Vả lại, sai sót này cũng không phải chỉ xảy ra với thí sinh VN.

BTC đã xin lỗi, phía thí sinh cũng xin lỗi và có giải trình bằng văn bản, trong khi đó có những ý kiến cho rằng phải tiếp tục xử lý vụ việc này. Theo ông thì nên thế nào?

- Việc làm tường trình là cần thiết. Xét cho cùng thì ngành cho phép cũng phải chịu trách nhiệm và ngành ngoại giao cũng không phải hoàn toàn vô can nhưng không nên “nâng tầm” quan trọng hóa. Tôi thấy việc trả lời trên báo chí về một sự việc hết sức nghiêm túc từ một người hết sức quan phương thì nên tránh sự hài hước không đúng lúc, đúng chỗ và phải nhìn thẳng vào bản chất vấn đề. Việc sai sót lỗi chính tả hoặc có ý đồ hay không thì bản thân Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cũng khó mà phát hiện và hiểu được. Tôi nghĩ không cần thiết phải nói đó là “sự sỉ nhục”. Không nên thậm xưng quá như thế và tôi muốn lưu ý, ông Nguyễn Thanh Sơn không phải là người bình thường mà là một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và hơn ai hết phải biết sử dụng ngôn từ đúng lúc, đúng chỗ và đúng bản chất sự việc.

Tôi không bao giờ đóng vai trò là người khác. Nhưng tôi nghĩ trong vụ việc này, mỗi người đều phải nhìn nhận trách nhiệm của mình, đã có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, sự việc thì rõ rồi và sau sự việc này ta rút kinh nghiệm thế nào mà thôi. Ở các nước có thể họ chỉ hiểu đây là một cuộc thi đơn giản nhưng ở VN thì luôn luôn nâng tầm quốc gia, điều này cũng tốt nhưng nếu thế thì các ngành liên quan đều phải có trách nhiệm cùng tham gia. Bộ Ngoại giao sao lại không có sự nhắc nhở ngay từ đầu và nếu hợp tác thì không những tránh được sai sót mà còn tránh được việc đổ lỗi, việc chỉ trích người khác...

Trong cuộc thi vừa qua không chỉ sai tên nước VN mà tên nhiều nước khác cũng bị sai, nhưng dường như các nước đấy không có ý kiến gì, riêng ở ta thì lại “nâng tầm” như ông nói và dùng từ ngữ nặng nề để chỉ trích, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ dư luận là vô cùng nhưng tôi cho rằng, ý kiến của một cơ quan nhà nước, một quan chức nhà nước thì phải tạo được sự chuẩn mực. Chúng ta luôn hướng tới tinh thần thẳng thắn, xây dựng, nhưng đây đang bàn đến ý kiến của một quan chức nhà nước đại diện cho một ngành đối với một ngành khác thì cần phải có cách ứng xử phù hợp.

Chúng ta luôn nhìn nhận những hoạt động văn hóa, giải trí ở tầm quốc gia, điều này không phải là không hay nhưng đã đặt lên tầm như vậy thì chúng ta phải đầu tư vào và phải cùng nhau quan tâm chứ đừng chỉ đứng ngoài để phán xét. Sau vụ này, tôi mong rằng các cuộc thi hoa hậu, Bộ VHTTDL cấp phép, còn Bộ Ngoại giao cùng tham gia chia sẻ, nhắc nhở tạo điều kiện thuận lợi nhất. Vì tham gia thi ở đâu cũng có đại diện Bộ Ngoại giao VN ở đó, vậy vì sao không có sự phối hợp với nhau? Theo tôi được biết, vụ việc này không phải Bộ Ngoại giao phát hiện ra đầu tiên.

Ông có chia sẻ gì với ông Nguyễn Thanh Sơn trước sự việc này?

- Ông Nguyễn Thanh Sơn là người hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao mà rất gần với văn hóa, đó là lĩnh vực UNESCO và hơn ai hết lẽ ra phải có sự chia sẻ, tạo ra sự hợp tác tốt để cho hoạt động văn hóa được tốt hơn. Đừng nên để việc xảy ra rồi mới chỉ trích. Trong vụ việc cụ thể này nói cái gì phải sâu sắc và phải hướng tới sự khắc phục, cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao và văn hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo baovanhoa.vn