Tin tức – Sự kiện

Giảm 10% ngân sách chi cho giáo dục năm 2014

29 Tháng Mười Hai 2013

Ngân sách chi cho giáo dục sẽ giảm 10% so với năm trước, riêng lĩnh vực nghiên cứu khoa học giảm 30%.

 

Sáng 27/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2014. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, dự toán ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục trong năm học mới sẽ giảm 10% so với năm 2013 (từ khoảng 6.600 tỷ đồng xuống gần 6.000 tỷ đồng). Trong đó chi thường xuyên cho sự nghiệp giáo dục giảm 8%, chương trình mục tiêu quốc gia giảm 8%, riêng ngân sách chi cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học giảm 30%.

Để đảm bảo các hoạt động đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, ngành giáo dục sẽ cắt hết các hội thảo không cần thiết, hạn chế hoặc bỏ hoàn toàn đi công tác nước ngoài, tuyệt đối cắt giảm chi tiêu. Ông cho rằng, dù ngân sách hạn hẹp nhưng ngành giáo dục vẫn ưu tiên cho tiền lương để đảm bảo cuộc sống của cán bộ nhân viên.

"Không được trả thiếu hoặc nợ lương cán bộ. Trường nào khó khăn phải báo cáo ngay", Thứ trưởng Ga nhắc nhở.

hoi-nghi-ngan-sach-GD-2014-7032-13881347

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết dù ngân sách giảm nhưng vẫn ưu tiên đảm bảo lương và phụ cấp thâm niên cho giáo viên. Ảnh: H.T

Ông cho biết, bốn trường đại học thuộc khối kinh tế, tài chính trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ được giao thí điểm tự chủ tài chính giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, các trường tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên chứ không được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đến tháng 2/2014 Thủ tướng chưa có quyết định trao quyền tự chủ cho 4 trường thì Bộ Giáo dục sẽ xem xét cấp dự toán kinh phí không thường xuyên như năm 2013.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục trăn trở với những dự án đầu tư trong ngành giáo dục hiện chưa được hoàn thiện dù đã qua thời gian dài như Làng đại học Đà Nẵng đã kéo dài tới 18 năm. Qua 4 đời hiệu trưởng, dự án vẫn treo khiến dân bức xúc, UBND tỉnh Quảng Nam thì nhiều lần gửi phản ánh lên Bộ.

"Làng ĐH Đà Nẵng phải tính đến phương án quy hoạch lại, chỗ nào giải phóng được thì làm, chỗ nào không giải phóng được thì trả lại cho địa phương. Nếu nhà nước có đủ ngân sách đầu tư thì tiếp tục giải phóng mặt bằng còn nếu không có thì trả đất cho Quảng Nam, không thể giữ mãi như thế", ông Ga nói.

Về việc hỗ trợ các trường sửa chữa ký túc xá lụp xụp, Cục trưởng Cơ sở vật chất Trần Duy Tạo cũng cho hay, trước đây, có dự án 8.000 tỷ đồng để giải quyết chỗ ở cho sinh viên. Hiện số tiền này đã giải ngân xong nhưng nhiều công trình chưa hoàn thiện. Nhiều làng sinh viên ở Hà Nội thì đề nghị chuyển sang nhà xã hội. Vì vậy, thực tế các trường vẫn thiếu ký túc xá, tuy nhiên nếu đưa lên Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ được trả lời đã có KTX nên việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ Giáo dục.

Trong hội nghị, nhân lực các ngành nghề cũng được đem ra mổ xẻ. Theo đó, trước thực trạng giáo viên đang dư thừa, Bộ đề nghị các cơ sở có đào tạo sư phạm tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng giảm dần để phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh sẽ giảm dần chỉ tiêu, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng năm 2014 dự kiến giữ ổn định so với 2013. Riêng chỉ tiêu tuyển mới hệ đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sĩ tăng khoảng 5% so với năm 2013. Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Ngoài ra, chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp cũng giảm dần và đến 2017 chấm dứt các trường đại học đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.

Theo vnexpress.net