Tin tức – Sự kiện

'Tiếng kêu' từ trường đại học có bề dày

16 Tháng Giêng 2014

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh đem đến hội nghị tổng kết năm học tổ chức ngày 28/12 hai trăn trở: "Việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm" và "Quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm".

Theo ông Minh, hiện có 3 trường ĐH sư phạm thuộc Bộ GD-ĐT (gồm ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và ĐH Sư phạm TP.HCM) và có 3 trường thực thuộc ĐH vùng (ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Huế và ĐH Sư phạm Đà Nẵng).

sinh viên, việc làm, đại học, hiệu trưởng

Ông Nguyễn Văn Minh (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đồng nghiệp (Ảnh Văn Chung)

Ngoài ra có đến hàng chục trường ĐH có khoa sư phạm. Hơn nữa, nhiều trường CĐ nâng cấp lên ĐH nâng cấp lên ĐH vẫn tiếp tục đào tạo sư phạm.

Thêm vào đó, sinh viên của các trường khác sau khi tốt nghiệp học một thời gian ngắn, có chứng chỉ sư phạm cũng có thể trở thành giáo viên - theo ông Minh thì tỷ lệ này không nhỏ. Do đó với hệ thống như vậy, hàng năm số sinh viên sư phạm ra trường rất lớn...

Ông Minh cho hay, nguyên nhân dẫn đến sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc gia tăng một phần do yếu tố tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu do các địa phương cho phép các ĐH trực thuộc tỉnh đề xuất đã khiến nguồn cung vượt quá nguồn cầu.

Yếu tố khác đó là hiện tượng thừa thiếu cục bộ. Ông Minh cho rằng, hầu hết sinh viên ra trường đều lựa chọn các thành phố lớn, vùng đồng bằng thị xã, thị trấn để tìm kiếm việc làm, trong khi một số địa phương vùng sâu vùng xa vẫn thiếu giáo viên.

"Sự thiếu dự báo nguồn nhân lực, cộng với việc đào tạo giáo viên ồ ạt của nhiều trường...là nguyên nhân sinh viên sư phạm ra trường khó có cơ hội việc làm" - ông Minh thở dài. Ngay cả với những trường có bề dầy trong đào tạo, được xã hội đánh giá cao nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng này.

Do đó, ông Minh đề xuất: giải pháp tất yếu là cần có dự báo nguồn nhân lực và quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm.

Theo ông Minh, đã đến lúc cần đội ngũ giáo viên chất lượng cao, vì vậy cần có các trường đào tạo một cách chuyên nghiệp thay vì như hiện nay. Nên duy trì các ĐH sư phạm nêu trên và thêm các khoa phân bố ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ là đủ. Các trường CĐ sư phạm trong giai đoạn quá độ chuyển sang dạng các cơ sở giáo dục cộng đồng và bồi dưỡng giáo viên...

Làm được như vậy sẽ tạo ra cách thức đào tạo thống nhất, chương trình thống nhất, nâng dần chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Theo vietnamnet.vn